Một con thú mỏ vịt ở khu bảo tồn muông thú Healesville Sanctuary, tiểu bang Victoria. Nguồn: AAP
Các nhóm bảo vệ môi sinh và các nhà khoa học đang kêu gọi đưa thú mỏ vịt vào danh sách “bị đe dọa”, vì nghiên cứu cho biết số lượng loài thú này đang bị thu nhỏ nhanh chóng. Một mùa cháy rừng nữa đang sắp sửa ập tới, các nhà bảo tồn càng lo lắng nhiều hơn cho số phận của những loài vật hoang dã tại Úc.
Sau sự tàn phá khủng khiếp của hai mùa cháy rừng 2019 và 2020, một vài loài thú hoang dã Úc đang đối mặt với hiểm nguy.
Phúc trình do trường đại học New South Wales kết hợp với Tổ chức Xã hội Nhân văn Quốc tế, Quỹ Bảo tồn Úc và Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Quốc tế, cho biết loài thú mỏ vịt có thể bị đưa vào danh sách các giống loài sắp tuyệt chủng, theo đạo luật môi trường quốc gia.
Ông Evan Quartermain là Giám đốc Chương trình thuộc tổ chức Xã hội Nhân văn Quốc tế tại Úc.
Ông nói loài thú mỏ vịt Úc thật độc đáo, đó là một trong những loài có vú cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay.
‘Giá trị của chúng vô cùng lớn lao. Đó là loài thú có vú cổ xưa nhất còn tồn tại, chúng thật là một điều kỳ diệu của sự tiến hóa. Đặc biệt hơn nữa, thú mỏ vịt là một loại động vật đơn huyệt, tức là một loại thú nhưng đẻ trứng. Chỉ còn sót lại một vài loài thú như vậy trên thế giới này thôi. Hơn nữa thú mỏ vịt chỉ có Úc mới có. Loài vật này đóng một phần quan trọng trong văn hóa Thổ dân. Chúng là loại vật tổ của những người Úc đầu tiên. Tôi nghĩ Úc sẽ mất đi bản sắc nếu bị mất đi loài thú mỏ vịt này, hay để chúng phải lâm vào khốn cảnh.’
Tuy nhiên các khoa học gia về môi sinh nói bản chất ưa sống ẩn dật của thú mỏ vịt khiến số lượng loài này bị giảm sút nhưng không ai hay biết, nghiên cứu mới nhất chỉ ra số lượng loài thú này bị thu nhỏ tới 22 phần trăm trong vòng 30 năm qua.
Nghiên cứu cho biết kể từ năm 1990, sự giảm sút lớn nhất xảy ra ở tiểu bang New South Wales, với 32 phần trăm, và thứ nhì là tại Queensland với 27 phần trăm.
Thú mỏ vịt ưa sống tại các dòng suối trong, để chúng có thể bơi lội và tìm kiếm thức ăn ven bờ.
Giáo sư Richard Kingsford dẫn đầu phúc trình này và là giám đốc trung tâm Khoa học về Hệ sinh thái tại trường đại học New South Wales.
Ông nói có nhiều nhân tố khiến môi trường sống chủ yếu của loài thú mỏ vịt biến mất.
Khí hậu thay đổi cũng là mối đe dọa của thú mỏ vịt, những trận hạn hán ngày càng khốc liệt, lượng mưa ít ỏi và mùa cháy rừng kéo dài làm sông suối khô cạn, và thảm thực vật bị tiêu diệt.
Tiến sĩ Paul Sinclair là Giám đốc Chiến dịch quảng bá tại Quỹ bảo tồn Úc, cũng là nơi ủy thác nghiên cứu này.
Tiến sĩ Sinclair nói việc tuyên bố loài thú mỏ vịt đang bị đe dọa sẽ giúp chúng có cơ hội hồi phục.
Còn ông Evan Quartermain nói cần phải mang các thủ lãnh thổ dân vào công cuộc bảo tồn này.
Khi chúng ta nhìn thấy dấu hiệu sụt giảm này, trong những năm gần đây, thì thật khó có thể đưa ra một kết luận nào ngoài việc cho rằng quá trình khai phá đã khiến quỹ đạo này xảy ra. Tôi nghĩ chúng ta cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, và cần đưa những người Thổ dân tham gia vào các biện pháp bảo tồn loài thú mỏ vịt, khiến chúng sinh sôi trở lại, để làm đảo ngược quỹ đạo đã kéo dài vài trăm năm này.
Khi mùa hè đang đến gần, các nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã kêu gọi cần phải có sự bảo vệ nghiêm ngặt hơn nữa, đối với các loài thú có nguy cơ đối mặt với môi trường sống bị lửa thiêu trụi.
Phản ứng mới nhất của chính phủ trước chuyện này là chính phủ đã tài trợ 18 tỉ đô la, giúp bảo vệ số lượng loài koala, trong đó bao gồm việc xây dựng trung tâm điều tra koala quốc gia.
Tổng trưởng Môi sinh Sussan Ley nói bà đang hợp tác với nhiều bên nhằm bảo đảm các biện pháp bảo vệ cần thiết cho loài thú mỏ vịt và koala.
Tuy nhiên tiến sĩ Sinclair thuộc Quỹ bảo tồn Úc nói đạo luật môi sinh quốc gia cần được cải cách để bảo đảm mọi loài thú hoang dã đều được sống sót.
Chúng tôi biết rằng đạo luật môi sinh quốc gia không hiệu quả. Nhiều loài thú vốn đã đưa vào danh sách bị đe dọa rồi nhưng lại không có một kế hoạch khôi phục hay sửa chữa những nguyên nhân khiến dẫn đến tình trạng bị đe dọa của chúng. Vì vậy lần này khi loài thú mỏ vịt bị đưa vào danh sách đe dọa tuyệt chủng, thì bước tiếp theo cần phải thay đổi luật môi sinh, hiện nay đã có một vài văn bản đang đặt trên bàn các thành viên chính phủ, tìm cách thắt chặt luật môi trường để chúng ta có thể đạt được một kế hoạch khôi phục mạnh mẽ.