Con người luôn có thiên nhiên bầu bạn trong những lúc cô đơn nhất - Cape Cod Morning (1950)

 

Cách đây một thế kỷ, giữa New York phồn hoa, Edward Hopper đứng nép mình vào một góc tường để vẽ những con người cô đơn trong dãy nhà vắng lặng. Các tác phẩm lạ lẫm của người họa sĩ ngày ấy lại trở thành hiện thực của chúng ta trong đại dịch.

 

Edward Hopper (1882-1967) là nghệ sĩ của sự cô đơn, ông phác họa một khung cảnh rộng lớn với những quầy rượu sáng choang và tòa cao ốc để rồi bỏ mặc một hoặc vài người ngồi lạc lõng.

 

Sự im lặng phủ đầy tranh của Edward và khiến chúng ta giật mình khi nhìn thấy bản thân trong giai đoạn cách ly xã hội (social distancing) hiện nay: một phụ nữ ngồi trên giường nhìn ra ô cửa sổ, người đàn ông thẫn thờ ngắm tòa nhà thô kệch, những vị khách ngồi cách xa nhau trong quán cà phê, cô gái duy nhất đến xem kịch giữa khán phòng trống, đường phố chủ nhật không bóng người dù đèn giao thông vẫn điểm xanh đỏ.

 

Các tác phẩm của danh họa Edward Hopper thường ngụ ý về bản chất nhất thời của đời sống hiện đại, chớm đông chớm tàn, giúp con người kết nối nhưng cũng khiến họ cô đơn hơn giữa những kẻ lạ.

 

Khi không còn thấy nhau trên con đường hằng ngày hay trong những rạp phim, quán rượu huyên náo, con người bỗng chốc thấy mình thừa thãi giữa các công trình ngổn ngang.

 

Ở thời điểm Edward ra mắt tranh vào đầu thế kỷ 20, viễn cảnh trong tác phẩm quả xa vời cho những ai đang chen chúc trên phố, chứng kiến nền công nghiệp trỗi dậy với chiếc xe lửa xập xình khắp thế giới.

 

Nhưng nếu ngày nay, những cảm thức ấy trở thành hiện thực vì đại dịch, có lẽ con người đang đối diện với một cuộc khủng hoảng cô đơn chưa từng biết đến. Những công trình dựng lên cốt để kéo đám đông đến trở nên hiu quạnh, còn chúng ta ở trong nhà và quay lại ô cửa sổ của mình.

 

Thế nhưng, sự cô độc của con người trong tranh Edward Hopper không hẳn mang đến tiêu cực thuần túy. Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông Cape Cod Morning, miêu tả cảnh người phụ nữ nhoài người nhìn ra khoảng sân trước nhà và bị thu hút bởi phong cảnh thiên nhiên bình dị.

 

Ở bức sơn dầu Compartment C Car, cô gái vùi đầu vào những trang sách khi chuyến xe đang chạy. Và những bức tranh khác của Edward Hopper, dẫu bị tách ra với phố thị hiện đại, con người vẫn dành thời gian để hòa vào cảm xúc, sở thích riêng tư.

 

Edward Hopper như đang gửi gắm một lời nhắc nhở đến những người đi sau ông 100 năm rằng đây là hiểm họa nhưng cũng là dịp chúng ta sống cuộc sống chỉ cho riêng mình.

 

Một số bức tranh của Edward Hopper:

 


Mối quan hệ hờ hững của những con người trong quán rượu ven đường, Nighthawks (1942)

 

 

Đây là dịp để chúng ta đọc lại những cuốn sách phủ bụi trên kệ, Compartment C Car (1938)

 

 

Tác phẩm Morning Sun (1952)

 

 

Tác phẩm Intermission (1963)

 

 

 

Trạm xăng vắng lặng, Gas (1940)

 

 

 

Tác phẩm Office in a Small City (1953)

 

 

 

Tác phẩm Circle Theatre (1936).