Hãy tưởng tượng bạn mở mắt ra và thấy mình đứng trong một tòa nhà sang trọng, một sảnh lớn có mái vòm, bên trong là tông màu tối với nhiều ánh đèn vàng. Bạn không biết nơi đó là gì, bạn chỉ có thể đoán được đó là một nơi trưng bày triển lãm vì trên tường treo rất nhiều tranh vẽ hoặc hình chụp nghệ thuật, cạnh mỗi tác phẩm đều có đèn chiếu vào nhìn rất chuyên nghiệp. Bạn đi ngó nghiêng bên trong tòa nhà đó, cảm thấy vừa hoang mang vừa phấn khích. 

 

Tuy vậy bạn cảm thấy có gì đó không ổn ở chỗ trưng bày này, bởi vì họ treo những tranh như thế này:

 

 

Green White

 

 

 

Blackboard

 

 

Orange Red Yellow

 

"Có thể đây là các tác phẩm phối màu của sinh viên mỹ thuật", bạn thầm nghĩ. "Tại sao người ta lại trưng bày chúng nhỉ? Có thể họ trưng bày để bán về treo trong nhà, mình mua một cái về để trong phòng bếp trông cũng thú vị.".

 

Và rồi trong lúc bạn mở ví ra đếm xem còn bao nhiêu tờ polymer xanh lá cây, một nhóm người to cao, mặc áo vét trịnh trọng, đi giày da xịn, túi LV, tay đồng hồ Omega, Rolex, trên người phảng phất mùi nước hoa cao cấp, chầm chậm đến chỗ bạn và ngắm các bức tranh. Họ đăm chiêu suy nghĩ, bạn thấy có vài người run rẩy.

"Giáo sư ngài thấy sao?", người đàn ông trẻ tuổi hỏi một bác tóc đã bạc.

"Quá tuyệt vời quá tuyệt vời, bức Green White này rẻ nhất cũng phải 1 triệu đô.", giáo sư thốt lên. "Còn bức Blackboard kia, tôi nghĩ không thể rẻ hơn 2 triệu được. Hãy nhìn các đường nét kia xem. Nó thật là....."

 

Mình có thể thấy bạn không còn nghe được gì sau đó nữa, lỗ tai bạn đang lùng bùng mấy từ: giáo sư, 1 triệu đô, 2 triệu đô.

 

Và trong khi bạn còn chưa hoàn hồn, vẫn chưa kịp cất chiếc ví có chứa mấy tờ polymer xanh lá cây, thì vị giáo sư già đó quay qua bạn hỏi:

"Sao cháu thấy sao, những bức họa này tuyệt vời không? Cháu thấy bức Blackboard này mà chỉ có giá 2 triệu thì có quá rẻ không?"

 

Bạn sẽ trả lời như thế nào?

 

Tình huống bạn đang đối mặt phải chỉ là phiên bản hiện đại của câu truyện ngắn "Bộ quần áo mới của hoàng đế" của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen.

Ngày xưa có một vị hoàng đế rất thích mặc quần áo đẹp nên đã chi nhiều tiền để may các bộ y phục đẹp nhằm trưng diện. Mỗi giờ ông đều mặc một áo dài khác nhau.

Hoàng đế cư ngụ ở một kinh đô lớn, hàng ngày có rất nhiều khách nước ngoài lui tới. Một ngày kia có hai tên lừa đảo - làm ra vẻ là thợ dệt - tới nói rằng chúng biết dệt một thứ vải rất đẹp. Không chỉ màu sắc và hoa văn hết sức đẹp, mà những quần áo may bằng vải này có một đặc tính kỳ lạ, là chúng trở nên vô hình đối với những kẻ không xứng với chức vụ của mình, cũng như những kẻ quá ngu xuẩn.

Hoàng đế tin lời hai kẻ lừa đảo này nên cho chúng rất nhiều tiền và cung cấp tơ lụa cũng như sợi vàng để chúng dệt vải may trang phục cho mình.

Hai kẻ lừa đảo mua 2 khung dệt, ngồi giả vờ làm các thao tác ra vẻ đang bận rộn dệt vải. Ít hôm sau hoàng đế sai viên quan thân tín của mình tới xem việc dệt vải đã tiến hành tới đâu và vải dệt có đẹp không. Viên quan già tới phòng dệt, thấy 2 tên lừa đảo này đang ngồi giả vờ dệt trước 2 khung dệt. Chúng mời ông tới gần khung dệt và hỏi: "Ngài thấy vải này có đẹp không ?". Ông mở to mắt nhìn mà không thấy vải nào, chỉ thấy 2 khung dệt trống rỗng, nhưng không dám nói ra. Ông nghĩ bụng: Trời ơi ! Chắc ta không xứng với chức vụ hoặc quá ngu xuẩn, nên không nhìn thấy vải. Ông bèn giả vờ làm ra vẻ nhìn thấy vải đẹp, hết sức khen ngợi và hứa sẽ về tâu trình lên hoàng đế.

Chờ lâu sốt ruột, hoàng đế đích thân dẫn đoàn tùy tùng tới xem vải của 2 tên lừa đảo. Ngài cũng chỉ thấy 2 tên lừa đảo đang ngồi giả vờ dệt, nhưng chẳng nhìn thấy tấm vải nào trên khung dệt. Hoàng đế nghĩ bụng: "Quái lạ, sao ta chẳng nhìn thấy vải vóc nào, hay là ta không xứng đáng làm hoàng đế ?". Nghĩ vậy nhưng ông không nói ra, và luôn miệng khen vải đẹp lắm. Tới lượt đoàn tùy tùng vào xem, cũng chẳng ai nhìn thấy vải vóc nào, nhưng không ai dám nói ra điều đó; trái lại, họ đều cất tiếng khen vải đẹp và khuyên hoàng đế hãy lấy vải này may bộ y phục mới để mặc trong cuộc diễu hành sắp tới.

Tới ngày lễ hội, hoàng đế tới phòng dệt. Hai tên lừa đảo giơ chiếc quần và chiếc áo dài tưởng tượng lên, chỉ trỏ những nét đẹp do chúng bịa ra và nói: "Bộ quần áo này hết sức đẹp, lại nhẹ như tơ, Ngài mặc vào sẽ có cảm tưởng nhẹ tênh, như không mặc gì trên người". Chúng yêu cầu hoàng đế cởi hết quần áo đang mặc ra, rồi mặc cho ông bộ quần áo mới may.

Hoàng đế mặc bộ quần áo mới hãnh diện đi diễu hành trước các quan và dân chúng đứng chào ở hai bên lề đường. Mọi người đều cất tiếng khen ngơi bộ y phục mới của hoàng đế.

Chợt một đứa trẻ bỗng nói: "Nhưng ông ấy có mặc quần áo nào đâu". Lời nói của đứa bé được truyền tai từ người nọ sang người kia. Cuối cùng đám dân đều hô: "Nhưng ông ấy có mặc quần áo nào đâu".

 


 

 

 

Quay trở lại nơi triển lãm bạn đang đứng, bạn sẽ nói gì với những chuyên gia, giáo sư mỹ thuật đó? Bạn sẽ nói:

"Cháu chẳng hiểu gì hết, bức tranh này cháu thấy 500 nghìn đồng là còn quá mắc và cháu chỉ mua về để treo trong phòng ăn thôi. Tại sao mọi người lại nghĩ rằng những nét vẽ nguệch ngoạc này và nghĩ rằng nó đáng giá triệu đô la? Mọi người bị lừa rồi."

 

Hay là bạn sẽ nói:

"Dạ vâng, cháu thấy đây thực sự là một tuyệt tác...."

 

Tình huống này chỉ là giả tưởng nhưng những bức tranh kia là thật, và được đem đi đấu giá thật. Bạn đoán xem chúng được bán với giá bao nhiêu? Câu trả lời cuối bài. 

 

 

Nó có thật hay không?

Hẳn nhiều người trong chúng ta tin rằng chúng ta sẽ chẳng rơi vào tình huống như thế, và nếu có chúng ta sẽ thấy được sự thật và nói lên sự thật. Chúng ta sẽ nói rằng: "Này nhà vua có mặc gì trên người đâu", và chúng ta tin rằng với đầu óc tư duy tốt chúng ta sẽ chẳng dễ "bị lừa", bị "dắt mũi". Chúng ta luôn tự tin như thế? Nguồn đâu ư, bạn có thể tìm thấy điều đó trong hàng loạt sách báo của các nhà khoa học chuyên về hành vi, tâm lý như: Dan Ariely, Daniel Kahneman.

 

Sự sáng suốt này chỉ là ảo tưởng, giống như một công trình bằng cát, nhìn thì đồ sộ nhưng sóng đánh vào thì sập ngay. Sóng ở đây là những kẻ chỉ muốn lừa gạt chúng ta.

 

Ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này chính là sự kiện cúng vong ở Chùa Ba Vàng (tên tiếng Anh là Gold Bar Pagoda) hay cúng sao giải hạn ở Chùa Phúc Khánh. Thật là kinh ngạc khi hàng chục nghìn người sẵn sàng chi hàng trăm nghìn, hàng triệu, thậm chí trăm triệu để cố gắng đạt được một thứ mà họ không thể cảm nhận được bằng 5 giác quan. Tại sao họ lại tin vào điều đó? Đơn giản vì có một nhóm người nói với họ rằng nó có thật. Chỉ đơn giản như vậy. Lời nói của họ là bằng chứng cho sự tồn tại của thần linh, của sao, của linh hồn, của ma quỷ. Nhóm người đó không phải chỉ là ở chùa, chùa chỉ là điểm "chốt sales" thôi.

 

Trong truyện của Andersen chỉ có hai kẻ lừa đảo. Nhưng ngoài đời, cả xã hội đã góp tay cho chuyện này. Một người từ khi sinh ra đã nghe đến việc cúng, cấm, kiêng kỵ, đã được đưa đi chùa đều đặn, thì hẳn người đó sẽ tin vào sự tồn tại của thần linh ma quỷ. Đối với họ cúng sao giải hạn là hoạt động bình thường giống như là mua vé đi máy bay vậy. Những người đó có thể là bất cứ ai: bác sĩ, kỹ sư, luật sư, công nhân lao động, lãnh đạo cấp thành phố, cấp tỉnh, lãnh đạo trung ương.

 

Mình không khẳng định rằng ma quỷ có tồn tại hay không, mình chỉ nói rằng có rất nhiều điều mà chúng ta coi là hiển nhiên trong cuộc sống thực chất chẳng có gì đảm bảo là nó tồn tại cả. Chúng ta tin là nó có thật vì chúng ta thấy mọi người quanh ta đều coi là nó có thật. 

 

Một ví dụ khác có thể nói đến là khái niệm "nghề nghiệp ổn định". Ai cũng muốn có nó, muốn có một nghề nghiệp ổn định, nó thực sự là một mục tiêu trong cuộc sống. Ai hồi trẻ hẳn cũng từng nghe ba mẹ nói: "Phải có nghề nghiệp ổn định mới lập gia đình", và nhiều người đã dành hết sức để tìm cho ra sự ổn định đó. Khi họ cảm thấy không ổn định, họ nghĩ rằng họ đã thất bại. Và khi con người ta có được nghề nghiệp ổn định, họ lại cảm thấy bế tắc, muốn thoát ra khỏi sự ổn định đó để thử một hướng đi mới cho bản thân, thử thách hơn.

 

Vì chúng ta đã coi những khái niệm trừu tượng đó là một sự thật hiển nhiên như mặt trời mọc đằng Đông, chúng trở thành điểm mù trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không nghĩ đến nó nữa. Và khi những kẻ khôn ngoan tìm ra được điểm mù ấy, chúng tấn công chúng ta và chúng ta gục ngã.

 

Ví dụ tiêu biểu mang tầm quốc tế là Theranos. Bạn đã nghe tên start-up kỳ lân đình đám một thời này chưa? Nó được thành lập bởi một cô gái trẻ tên là Elizabeth Holmes vào năm 2004 sau khi cô quyết định bỏ ngang việc học ở Đại học Stanford để thay đổi nền y học toàn cầu. Sản phẩm của Start-up đó là một cỗ máy xét nghiệm máu có thể được đặt ở nhà và phân tích xét nghiệm hàng trăm loại bệnh khác nhau. Việc xét nghiệm rất đơn giản, bạn chỉ cần nhỏ 1,2 giọt máu vào chiếc máy là được. Hãy tưởng tượng bạn chỉ cần mua một chiếc máy, đặt ở nhà và để bố mẹ bạn xét nghiệm máu hằng ngày xem có bệnh ung thư, bệnh gan, bệnh máu gì không. Rõ ràng đó là một cuộc cách mạng y học vì hiện nay nếu bạn muốn thực hiện 200 xét nghiệm máu khác nhau bạn phải đóng tiền gần hàng trăm lần ở nhiều bệnh viện khác nhau. 

 

Vào đỉnh điểm năm 2015, start-up này được định giá là hơn 9 tỷ đô la và được đầu tư hơn 1 tỷ đô la. Elizabeth Holmes nổi như cồn và được vinh danh là một trong những doanh nhân tài ba nhất ở thung lũng Silicon Valley.

 


 

Còn bây giờ? Start-up đó không đáng giá một xu và Elizabeth đang phải hầu tòa? Tội của cô là công ty của cô Theranos chẳng có sản phẩm gì cả. Chính xác hơn họ có một cái máy không thực hiện được bất kỳ xét nghiệm gì, tất cả những gì họ làm là làm giả kết quả xét nghiệm hoặc lấy máu của bệnh nhân đem đi chỗ khác xét nghiệm rồi nói là họ làm. Tất cả những tuyên bố, hứa hẹn của họ về một tương lai tươi sáng hơn cho người bệnh chỉ là trò bịp. Vậy thì tại sao các nhà đầu tư lại đổ 1 tỷ đô la cho họ? Bởi vì các nhà đầu tư đó, cho dù họ có bằng thạc sĩ, quản lý khối tài sản hơn hàng triệu đô la, là một CEO, họ đều có các điểm mù. 

 

Và Elizabeth Holmes đã vận dụng tất cả các kỹ năng sales của mình để khai thác các điểm mù đó để thuyết phục họ tin vào một thứ không tồn tại. Bạn còn nhớ bài viết của mình về Đắc Nhân Tâm và sales chứ, Elizabeth Holmes hẳn đã thuần thục hầu hết các kỹ năng trong sách đó. Thậm chí Elizabeth còn lên được tầm cao mới khi mà giả giọng mình thành giọng nam trầm suốt hơn 10 năm trời (đã có 1 biệt đội Internet được lập ra để truy lùng giọng thật của cô).

 

Bạn có thể nghe giọng đó trong trailer phim tài liệu này:

https://youtu.be/wtDaP18OGfw

 

"Fake it until you make it"

 

 

Bởi vì chúng ta khao khát muốn một thứ gì đó là sự thật

Điểm mù trong tư duy của chúng ta đến từ việc chúng ta là một sinh vật cảm tính, suy nghĩ của chúng ta bị chi phối bởi cảm xúc (emotion-based) và nhiều lúc chúng ta đưa ra quyết định bằng bản năng (instict-based). Như đã nói ở trên, rất đáng tiếc là chúng ta thường xuyên huyễn hoặc bản thân rằng chúng ta luôn có tư duy tốt, biết lý lẽ, là người biết suy nghĩ. 

 

Chúng ta đi đường nhìn những người nghiện hút chích, hoặc đọc báo nói về những người trẻ chơi ma túy, nghiện game, mê sống ảo, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ như thế. Điều đó giống như bạn rủ đứa bạn đang bị bệnh đi ăn vậy. Bạn đãi đứa bạn ăn những món ngon nhất: cua sốt ớt, hàu nướng phô mai, cá ngừ Na Uy nướng sốt nấm. Đứa bạn của bạn vì người yếu quá nên bảo: thôi tao không thèm ăn, còn bạn thì nói: trời ngon vậy mà không ăn sao, khó hiểu nhỉ, sao nhìn mấy món này mà lại không thèm ăn? Bạn sẽ thấy khó hiểu cho đến khi bạn rơi vào tình huống bị bệnh như vậy.

 

Cảm xúc luôn là một điểm yếu và những vấn đề mình nêu ở trên, vấn đề Chùa Ba Vàng, về cuộc sống ổn định, về Theranos đều liên quan đến cảm xúc.

 

Về chùa Ba Vàng mình không ở ngoài Bắc nhưng mình có thể hiểu được rằng chùa đã đánh trúng vào những nỗi niềm của con người. Một trong những nỗi niềm đó là: hiểu được thế giới. Con người chúng ta rất ghét sự bất định, sự hỗn loạn, chúng ta luôn muốn giải thích mọi thứ, muốn thấy một quy luật, một trật tự.

Bản thân người nhà mình có một bác lớn tuổi trước đây không quan tâm gì lắm đến chùa chiền tôn giáo, ngày xuân bác đi chùa thì cũng chỉ là đi như bao người khác. Thế rồi người thân bác mất đột ngột, một cách quá đột ngột đến mức bác bị sốc, bị bấn loạn tinh thần. Bác luôn kêu gào trong đau khổ: "Tại sao, tại sao chuyện này lại xảy ra? Tôi đã làm gì mà phải khổ vậy? Chồng tôi sống hiền lành lương thiện sao lại chết đột ngột thế này?" 

 

Và bác tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi tại sao ấy ở đâu? Đó chính là cửa chùa, ở đó người ta nói cho bác nghe về mối nhân duyên, về tiền kiếp, về nghiệp. Đột nhiên bác cảm thấy như được khai sáng, và bác bỗng trở thành một con người khác. Bác tìm thấy ý nghĩa của cái chết và bác bình tâm trở lại. Và đó là lúc bác không còn đặt câu hỏi về việc cúng dường tiền triệu cho chùa nữa.

 

Mình tin rằng có rất nhiều người chủ động tìm đến tôn giáo như chùa để cúng sao, cúng dường là vì họ mong tìm thấy được lời giải trong cuộc sống cũng như kiểm soát được cuộc sống. Kiểm soát ví dụ như sắp tới có hạn thì làm hành động này sẽ tránh được hạn. Họ không còn cảm thấy yếu đuối, vô dụng nữa.

 

Niềm tin mãnh liệt này lớn đến mức ngay cả khi sự thật lừa đảo bởi chùa Ba Vàng được phơi bày, nhiều người họ đã không tin, còn đăng bài phản đối. Họ không chấp nhận sự thật vì họ có khao khát mãnh liệt là những gì họ tin là sự thật. Họ phải bảo vệ niềm tin đó, bởi vì cuộc sống của họ xoay quanh những giá trị, niềm tin đó.

 

Còn về Theranos, có một điều rất lạ nhưng rất đúng đó là có rất nhiều nhà đầu tư ủng hộ Theranos thấy Elizabeth Holmes như là một đứa con gái, cháu gái của mình. Trong sách Bad Blood của nhà báo John Carreyrou, người đã điều tra và đưa ra ánh sáng sự giả dối của công ty này, ông ghi chép rằng rất nhiều người trong ban quản trị của công ty là những cụ ông lớn tuổi, trên 70, họ đều yêu mến Elizabeth như một đứa cháu gái. Một CEO khác cũng mù quáng tin Elizabeth vì vị CEO ấy không có con gái như ông thầm muốn và nhìn Elize, ông như thấy được ước mơ của mình. Nhờ có sự hậu thuẫn của những cụ ông lớn tuổi quyền cao chức trọng này mà Elizabeth đã có thể hút tiền từ các nhà đầu tư khác. 

 

Sau này khi vụ lừa đảo bị phơi bày, vẫn còn rất nhiều người đàn ông lớn tuổi tin tưởng Elizabeth và tin rằng cô "cháu gái" đang bị người khác hãm hại. Ngay cả khi người bên trong công ty gặp mặt họ tố cáo trực tiếp sai phạm của Elize, họ vẫn không tin và bảo những người đó hãy im đi. Họ có khao khát mãnh liệt là những gì họ tin là sự thật và họ quyết tâm bảo vệ niềm tin ấy.

 

Hàng tỷ đô thiệt hại đã bị gây ra chỉ vì những cảm xúc sâu thẳm bên trong của vài con người.

 

Chúng ta đánh giá thấp những trải nghiệm cảm xúc đó, cho nên chúng ta lơ là phòng bị vì luôn nghĩ rằng mình là người mạnh mẽ. Mình biết vài người luôn nghĩ rằng họ sẽ có một cuộc sống lành mạnh, cho đến khi họ trải qua biến cố cuộc đời như thất tình, thất nghiệp, họ trở nên nghiện rượu, thích đi bar và chơi thuốc. Họ trở nên giống những người mà vài năm trước họ bĩu môi chê cười.

 

Bạn có thấy nhà vua không mặc gì?

Nhiều người nói rằng nguyên ngành công nghiệp tranh đương đại là một trò lừa đảo khi những tác phẩm như bạn thấy ban đầu được bán với giá triệu đô la. Có thể đây là một sự nói quá, tranh đương đại vẫn có nhiều tác phẩm làm ngất ngây lòng người. Nhưng rõ ràng việc có người bỏ hàng triệu đô la chỉ cho những bức tranh như vậy là điều đáng lo ngại, nó giống như họ bị điều khiển bởi một kẻ quyền lực, kẻ đó nói với họ rằng bức tranh này có giá hàng triệu đô và họ tin là thật.

 

Nhìn rộng ra, xã hội hiện đại của chúng ta hiện nay vận hành được vì có những người có thể thuyết phục bạn tin vào những thứ không tồn tại. Họ luôn nhắc đến câu chuyện, khoảnh khắc và kêu gọi người tiêu dùng chia sẻ câu chuyện của bản thân.

 

Ví dụ như đây là quảng cáo trong dịp Tết của Coca Cola:


 

Phải thành thật nói với nhau rằng giữa Tết và Coca Cola chẳng có gì liên hệ với nhau cả, và Coca Cola cũng chẳng liên quan gì đến các giá trị gia đình cả, thậm chí là nó còn khiến người nhà bạn mệt mỏi hơn vì bệnh béo phì. Nhưng ở đây chúng ta thấy những người làm quảng cáo đang cố gắng thuyết phục bạn tin rằng sản phẩm nước đường có gas của họ bằng cách nào đó sẽ khiến Tết của bạn trọn vẹn hơn, tràn ngập yêu thương hơn.

 

Hay là đồng hồ Rolex này, túi LV, các đồ hiệu của Nike, TopShop, nước hoa, đồ trang sức, điện thoại iPhone, chúng mắc tiền là vì người ta thuyết phục được người tiêu dùng rằng chúng đáng số tiền ấy. Có thể công sức để làm ra được chiếc Rolex chỉ là 500 đô la nhưng đội ngũ marketing và sales có thể khiến người mua cảm thấy chiếc đồng hồ đó đáng giá 5000 đô la, thậm chí người mua còn có thể cảm thấy giá đó là rẻ nữa! 

 

Điều này thể hiện rõ nhất ở đồng hồ Daniel Wellington, vốn được gia công tại Trung Quốc với chi phí chỉ khoảng 30 đô la nhưng luôn được bán với giá từ 100 đến 150 đô la. Hãng này thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo rất bài bản, biết người trẻ thích gì và bị tác động bởi những cảm xúc gì. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ bạn sẽ thấy câu chuyện gắn kèm với chiếc đồng hồ đó (bạn có thể đọc trên website của hãng) chả liên quan chút gì đến nó cả. 

 

Chúng ta hay nghe những khái niệm như: giá trị thật, trở về giá trị thật. Nhưng thực chất không có giá trị thật, giá trị của một vật phục thuộc vào cảm xúc của bạn dành cho thứ đó. Nó cũng tương tự như những bức tranh kia thôi.

 

Khi hiểu được sức mạnh của cảm xúc và điểm mù trong tư duy, chúng ta sẽ khoan vội bĩu môi khinh bỉ người khác, nói rằng họ "dân trí thấp dễ bị dắt mũi" hay gọi họ là "những con lừa" bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng chẳng khác gì họ. Có chăng chúng ta "là con lừa" trong một lĩnh vực khác. Chúng ta cũng tin vào những câu truyện kể không có thật để mua những giá trị, niềm tin mà người khác khơi gợi. 

 

Tuy nhiên không vì hiểu điều này mà chúng ta trở nên vị kỷ, tức thành người kiểu: "tao không tin được ai trên đời này". Ngược lại, qua điều này chúng ta hiểu được cách xã hội vận động cũng như sự luân chuyển của dòng tiền, từ đó có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong sự nghiệp cũng như việc kinh doanh của mình.

Nói ngắn gọn là ở trong xã hội này sẽ luôn có một nhóm người cố gắng thuyết phục bạn tin vào một quan niệm, giá trị vô hình nào đó để bạn đưa tiền cho họ. Đôi lúc khi thấy mình đắm chìm vào một niềm tin nào đó mà bạn tin tưởng rằng không thể sai được, và ai cũng nói với bạn như vậy, bạn có thể lùi lại và tự hỏi: "Liệu hoàng đế có đang mặc gì hay không?"

 

Câu trả lời cho đầu bài:

-Bức tranh đầu tiên tên là Green White bởi họa sĩ Ellsworth Kelly, được bán đấu giá 1.6 triệu đô la.

-Bức tranh thứ hai tên là Blackboard bởi Cy Twombly được bán với giá 70 triệu đô la.

-Bức tranh thứ ba có tên là Orange, Red and Yellow của họa sĩ Mark Rothko có giá bán 86.8 triệu đô la. 

(Nguồn: spiderum.com)