Những sai lầm nên tránh để bạn duy trì được mối quan hệ hòa hợp với con mình.
Khi đang trong một mối quan hệ, việc phải đưa ra rất nhiều quyết định trong một ngày là không thể tránh khỏi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đôi khi sẽ mắc sai lầm, đặc biệt là với những mối quan hệ đòi hỏi trách nhiệm cao và sự tinh tế như giữa cha mẹ và con cái.
Tuy vậy, tin vui cho bạn là trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn nhìn ra những nguyên nhân căn bản khiến bạn mắc sai lầm trong việc nuôi dạy con cái. Khi nhận thức rõ các vấn đề này, bạn sẽ tránh được những mâu thuẫn với con mình.
Nhìn chung, những lỗi các bậc phụ huynh thường mắc phải chính là việc xâm phạm điều mà chúng tôi tạm gọi là “những ranh giới về tâm lý”, mà những ranh giới này lại là thứ góp phần làm bền chặt các mối quan hệ.
Việc bạn xâm phạm các ranh giới về tâm lý vô hình chung ngăn cản con trẻ hình thành, phát triển những suy nghĩ, quan điểm và cảm xúc riêng của chúng.
(Ảnh: Shutterstock)
Do vậy, nếu bạn muốn con mình trở nên trưởng thành và độc lập hơn, việc nhìn ra và khắc phục được những lỗi phổ biến sau đây rất quan trọng:
1. Đừng đánh đồng con cái với chính mình
Đồng cảm nghĩa là thấu hiểu cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, đồng cảm quá mức lại chính là đánh đồng con cái cũng giống như bạn. Đồng ý là chúng ta đều thấu hiểu và cảm nhận được niềm vui, nỗi đau cùng những hỷ nộ ái ố của những người thân yêu. Tuy nhiên, nếu chúng ta can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của đứa trẻ, vô hình chung chúng ta đã lấy đi từ con cơ hội được có những trải nghiệm của riêng mình, hình thành những quan điểm cá nhân và tự thân vận động giải quyết những khó khăn. Nói cách khác, bạn đã lấy mất của con mình cơ hội để va chạm và trưởng thành. Mỗi cá nhân đều có những vấn đề và trách nhiệm của riêng họ. Bạn hãy tôn trọng quyền được tự trải nghiệm và ra quyết định của con.
Gần đây, một bệnh nhân của tôi chia sẻ rằng khi cô ra ngoài ăn tối cùng nhóm bạn thì đột nhiên nhận được tin nhắn từ con gái. Bà ấy ngay lập tức biến sắc, tỏ vẻ giận dữ và nhanh chóng rời khỏi bữa tiệc. Hóa ra, nguyên nhân là con gái bà đã nhắn tin cho một cậu bạn mà cô ấy có cảm tình, tuy nhiên cậu kia không hề phản hồi lại. Cách người mẹ phản ứng cứ như thể là cậu bé kia hờ hững bỏ rơi, không đáp lại tình cảm của bà ấy chứ không phải con gái bà.
Chính việc thiếu đi ranh giới cần thiết giữa cha mẹ và con cái và việc các bậc phụ huynh coi vấn đề của con mình cũng như vấn đề của chính họ đã ngăn cản con trẻ trưởng thành.
Để tránh đánh đồng con với bản thân mình, bạn hãy tự đặt ra câu hỏi: Con bạn có giống y hệt bạn không? Chúng hoàn toàn khác bạn đúng không? Có phải bạn đang quá lo lắng hoặc là can thiệp quá mức đến những thay đổi cảm xúc của con trẻ?
(Ảnh: Shutterstock)
2. Đừng cá nhân hóa mọi thứ
Một ngày nào đó, những đứa trẻ của bạn có thể coi sự bao bọc của bạn là ngẫu nhiên, hoặc là từ chối bạn, hoặc thậm chí là ghét bạn. Nhưng sự thực lại không hoàn toàn nằm trên những thứ ở bề mặt.
Thực tế là con bạn chỉ phản ứng và hành xử bình thường giống như những đứa trẻ khác trong độ tuổi đó: bận tâm lo lắng chuyện gì đó, bị đẩy đến giới hạn chịu đựng hay là thấy khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc bản thân.
Hiển nhiên là bạn không nên dung túng cho sự vô lễ của con.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu vì sao mình dễ trở thành đối tượng con cái trút giận lên. Vì chúng biết bạn an toàn với chúng, bạn yêu con mình và luôn chăm sóc bảo vệ chúng.
Trong quá trình nuôi dạy con, nếu bạn chỉ nhìn nhận sự việc và xử lý tình huống dưới góc độ, suy nghĩ cá nhân của mình, thì khả năng cao bạn sẽ cảm thấy tức giận, thất vọng, tổn thương hoặc cảm thấy tội lỗi. Chính những cảm xúc tiêu cực này sẽ làm bạn đưa ra các quyết định sai lầm. Trong tâm điểm của một cuộc xung đột, vấn đề nằm ở con bạn, chứ không phải bạn. Nếu con làm tổn thương cảm xúc của bạn, nói những lời không nên nói, hãy cho con thời gian bình tâm lại. Sau đó, bạn sẽ tiếp cận con và hai bên sẽ có một thảo luận mang tính xây dựng.
3. Đừng dự đoán về tương lai của con
Dựa trên những hành vi hiện tại của con để đưa ra dự đoán về tương lai thì thường vô ích và đem đến kết quả tiêu cực. Mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể giữa thực tại và mai sau. Ví dụ, lo lắng rằng con mình sẽ không bao giờ biết đánh răng, làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng ốc, sinh hoạt đúng giờ giấc là trạng thái tâm lý mà các nhà tâm lý học gọi là “catastrophic thinking” (tạm dịch: “tư duy tai hại”). Những suy nghĩ kiểu này thường mang đến lo âu, phiền muộn không cần thiết thay vì giúp cải thiện thực trạng.
Lo lắng về tương lai thái quá sẽ kìm hãm giáo dục con cái một cách lý trí và hiệu quả. Con trẻ cần chúng ta lạc quan về tương lai của chúng, đặc biệt là những đứa trẻ có xu hướng băn khoăn, suy tư về tương lai hơn cả bố mẹ chúng. Sẽ tốt hơn nếu bạn nói với con “Cuối cùng con sẽ làm được điều này thôi” thay vì chất vấn “Con sẽ làm gì để thành công trong tương lai?”
(Ảnh: Pexels)
4. Đừng mất bình tĩnh trước mặt con cái
Hãy nhớ rằng trong giai đoạn niên thiếu, tự kiểm soát và điều chỉnh bản thân là khả năng không phải đứa trẻ nào cũng có. Không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau.
Chúng ta thường lầm tưởng trẻ con cũng không khác gì người lớn, đại khái hiểu đơn giản giống một chiếc bánh chỉ cần thêm chút xíu thời gian để nướng nữa thôi.
Ấy vậy mà, trong thực tế, tư duy của con bạn lại có xu hướng giống một đứa trẻ hơn dù diện mạo bề ngoài của chúng có giống một người trưởng thành.
Khi bạn ghi nhớ điều đó, bạn sẽ thấy mình có thể bình tĩnh hơn lúc con cái la hét phàn nàn, chẳng hạn về việc chúng ấy cảm thấy bất công thế nào khi bố mẹ bắt chúng phải rửa bát.
Dạy con giúp đỡ san sẻ việc nhà với bố mẹ là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, hãy giữ bình tĩnh khi giải quyết xung đột và làm gương cho con. Con bạn sẽ không thể ngay lập tức làm được như bạn, nhưng dần dần, chúng sẽ có thể.
5. Đừng “chiến đấu” với con
Trẻ vị thành niên thường có xu hướng hiếu thắng. Đôi khi tranh đấu là điều chúng thích để khẳng định sự độc lập và cảm thấy được trưởng thành hơn, ngay cả khi hành động của mình vẫn còn như một đứa trẻ. Một sự thật dở khóc dở cười là trẻ sẽ gần như luôn giành phần thắng trong các cuộc tranh luận về quan điểm, mong muốn, lựa chọn vì chúng không có gì để mất.
Điều tốt nhất để hạn chế các xung đột loại này là bạn hãy cho con mình có quyền lựa chọn. Giả dụ, khi bạn có mâu thuẫn với con vì cậu bé muốn đi chơi với bạn bè thay vì ăn tối với ông bà, hãy nhớ rằng, sự việc này không đơn giản là bạn cho phép con hay không, mà là sự bất đồng quan điểm giữa hai bên. Lời khuyên dành cho bạn là hãy đưa ra nhiều lựa chọn cho con. Ví dụ, cậu bé có thể đi chơi cùng bạn bè tối nay rồi cả nhà sẽ đến thăm và ăn tối với ông bà vào cuối tuần tới, hoặc gặp gỡ bạn bè tối nay và tiếp tục làm vậy vào tuần kế tiếp. Điều này trên lý thuyết nghe có vẻ không hợp lý, nhưng nó lại gần với thực tế hơn. Cậu bé có thể quyết định tiếp tục gặp gỡ, giao lưu với bạn bè vì họ thực sự rất quan trọng với cậu. Trong trường hợp này, bạn nên để con mình tự quyết định, nhưng vẫn cần theo dõi kết quả thực tế của lựa chọn đó.
6. Đừng thay thế một cách tuyệt đối vai trò của người bạn đời
Một vài phụ huynh chia sẻ rằng họ phải trở nên quá mềm dẻo hoặc quá cứng rắn để bù đắp cho tính cách đối xứng ở người bạn đời (vợ/chồng). Tuy nhiên, điều này lại lợi bất cập hại. Đầu tiên, nó đặt bạn vào thế phải đứng giữa con cái và người bạn đời của mình.
Trẻ sẽ phải học cách thương lượng với cả bố lẫn mẹ. Việc này cản trở khả năng và các quyết định nuôi dạy con của bạn. Trẻ cần sự kiên định và nhất quán giữa bố mẹ, và bên cạnh đó cũng cần sự linh động, mềm dẻo trong quyết định của cả hai. Nếu người bạn đời của bạn không làm tốt vai trò của họ, thì ít nhất, tự bạn hãy trở thành một phụ huynh tốt để cân bằng và vãn hồi lại những thiếu sót của người ấy. Cho đến khi họ có thể phối hợp tốt với bạn để dạy dỗ con cái, hãy tránh tối đa việc mắc phải những lỗi giống họ.
7. Im lặng khi bạn cần lắng nghe
Lắng nghe là một trong những điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác. Lắng nghe là biểu hiện của tình yêu và sự giúp đỡ vô điều kiện. Đáng tiếc là, nhiều phụ huynh thường nói nhiều một cách không cần thiết khi cố gắng dạy dỗ con, trong khi đứa trẻ đang thực sự cần được lắng nghe. Im lặng là chìa khóa tuyệt vời để trao cơ hội cho người khác lên tiếng. Thông qua lắng nghe, bạn có thể hiểu rõ hơn về tình huống của con mình và từ đó có thể đưa ra lời khuyên tốt hơn. Tuy vậy, đừng chỉ nghe và nhìn nhận mọi thứ dưới quan điểm của con, mà lắng nghe để thấu hiểu cách con nhận định và phản ứng với sự việc. Hãy đặt câu hỏi “Thế nào” (How) và “Cái gì” (What) khi chuyện trò với con, và đừng hỏi “Tại sao” (Why) vì điều đó có thể khiến con có tâm lý phòng vệ.
“Có thể nói cho mẹ nghe con làm bài thế nào mà nhận điểm D môn Hóa vậy?” là một câu hỏi mang mục đích và sắc thái khác hẳn với “Tại sao con lại bị điểm D?” Hay “Con thử nghĩ xem cách nào sẽ giúp con cải thiện điểm số” thì tốt hơn là nói với đứa trẻ “Con cần nhờ thầy giáo giúp đỡ sau mỗi giờ học trên trường và phải học thêm ở nhà 30 phút mỗi ngày.”
8. Đừng làm thay việc cho trẻ
Một người quen của tôi gần đây buồn phiền về việc 2 tuần trước kỳ học đầu tiên của năm nhất, con trai ông ấy quyết định không muốn học đại học vội vì nghĩ bản thân chưa thực sự sẵn sàng.
Ông và bà vợ rất chiều chuộng con, từ việc giúp đỡ hỗ trợ con trong mọi việc để chuẩn bị cho con vào đại học cho đến gọi điện, lái xe đến gặp và khích lệ con khi con cảm thấy bối rối có nên học tiếp hay không. Mặc dù vậy, cậu con vẫn quyết định tạm thời chưa lên đại học vội. Thay vì tranh luận hay gây sức ép cho con, họ bảo con nói chuyện với thầy trưởng khoa về việc nghỉ phép, điền vào các giấy tờ thủ tục cần thiết và gọi cho bố mẹ đến đón sau khi hoàn thành. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ để cho con trai tự quyết trong tình huống nhạy cảm như thế.
Tuần sau, ông ấy gọi cho tôi và nói đó là một trong những quyết định khó khăn nhất trên cương vị làm cha mẹ và vợ chồng ông rất buồn lòng. Tuy nhiên, quyết định dù miễn cưỡng này cũng đem lại cho vợ chồng ông niềm tự hào và tự tin hơn khi chứng kiến con trai tự lập giải quyết các vấn đề phát sinh khi đưa ra lựa chọn của mình.
Bạn hãy thử tiếp nhận thử thách nhỏ này: Lấy ra một tờ giấy và viết lên đó tất cả những việc bạn làm cho con trong một tuần. Có thể bạn phải tốn rất nhiều giấy đấy. Vào cuối tuần, bạn hãy lấy tờ giấy đó ra, nhìn lại một lượt. Hãy bỏ qua những việc con bạn có thể tự làm, và bạn dừng làm thay con những việc đó. Hãy khoanh tròn những việc con bạn chỉ có thể làm được một phần, và hãy để con làm phần của con thôi. Bạn cứ tiếp tục làm vậy và rà soát lại vào mỗi cuối tuần. Tôi tin chắc rằng, vào những tuần kế tiếp, bạn sẽ thấy sự thay đổi đáng kể. Khối lượng công việc của bạn sẽ giảm đi và con bạn cũng trở nên độc lập hơn từ lúc nào không hay.
Thể thiện tình yêu thương, sự tôn trọng và khích lệ là cách tuyệt vời nhất để trẻ nhỏ sống lành mạnh và thành công. (Ảnh: Storyblock)
9. Đừng quá nghiêm khắc với con
Thỉnh thoảng trêu chọc con một chút giúp đứa trẻ giảm căng thẳng, tạo ra bầu không khí vui vẻ tích cực trong gia đình, đưa bố mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn. Ngược lại, con cái cũng thích trêu chọc, đùa nghịch và làm cha mẹ cười. Việc này không chỉ mang tính quan hệ cá nhân mà còn là một trong những cách giúp tạo lập bản sắc, cái tôi riêng.
Trêu đùa là một cơ hội tuyệt vời để bạn mô hình hóa một phản ứng hài hước cho con thấy. Đứa trẻ sẽ tiếp thu và học hỏi điều này, để trở nên linh hoạt, tích cực hơn trước những lời châm chọc hay đùa nghịch của bạn bè, hay thậm chí có khiếu hài hước, một trong những kỹ thuật tuyệt vời và hiệu quả nhất trong giao tiếp.
10. Đừng xâm phạm đời tư của con
Đây là một việc khó để làm được trong thời đại số ngày nay. Bạn có nên theo dõi con trên mạng xã hội, đọc tin nhắn của con, tìm kiếm con vị trí của con qua tính năng của các phần mềm? Việc này có tồn tại tranh luận cả hai chiều. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc tôn trọng quyền riêng tư của con cái, ít nhất là cho đến khi một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện.
Việc cha mẹ tò mò và muốn dò tìm thông tin về con khiến cho nhiều thanh thiếu niên tức giận và phản kháng lại không mấy tích cực. Bên cạnh đó, việc này cũng không đem lại hiệu quả mong đợi. Có thể lấy một ví dụ, tôi biết một số đứa trẻ nói với bố mẹ mình chúng đang ở nhà bạn. Thực tế là các em đã đến đó, nhưng để lại điện thoại và sau đó ra ngoài tham dự một bữa tiệc ở nơi khác. Cuối cùng thì việc dò la nơi chốn, vị trí của trẻ lại phản tác dụng, làm phá vỡ niềm tin và làm cho hầu hết các vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Cha mẹ nhận được thông tin sai và theo đó đưa ra các kết luận sai lầm.
Hơn thế nữa, các nhà tâm lý học cho biết, không có việc một đứa trẻ sẽ không bao giờ lạm dụng chất gây nghiện hay hút thuốc chỉ vì cha mẹ có thể truy tìm được vị trí của chúng qua máy tính hoặc điện thoại. Những đứa trẻ chỉ trở nên lén lút hơn khi phụ huynh cố gắng tìm hiểu tường tận cuộc sống riêng tư của chúng. Mặc dù vậy, có những trường hợp mà chúng ta cần ra ngoài và tìm cho ra nơi chốn của trẻ khi chúng gặp nguy hiểm. Đó lại là ngoại lệ và bạn đừng ngần ngại can thiệp để bảo vệ con mình. Ngoài những tình huống đặc biệt này, hãy chắc chắn bạn có lý do chính đáng để biết thông tin cụ thể về con, và cho trẻ thấy việc bạn làm không chỉ đơn thuần bởi bạn lo lắng, mà thực sự vì lợi ích và sự an toàn của chính đứa trẻ. Hãy đưa ra cảnh báo một cách công minh cho trẻ, và thu hồi điện thoại nếu con không có quyền tiếp cận. Cách này không những ngăn việc con bạn có bất kỳ cơ hội nào để xóa dữ liệu xấu trong máy mà còn cho con thấy bạn đang giám sát những hành vi không tốt của con một cách công khai.
Cuối cùng, hãy nói với chính mình, hơn ai hết bạn phải trung thực, chân thành và bao dung với bản thân. Tất cả chúng ta đều mắc lỗi và thậm chí là mắc lỗi nhiều lần. Dù chúng ta có nỗ lực cầu toàn đến mức nào thì việc trở thành một người cha hay người mẹ hoàn hảo không tỳ vết là điều không thể. Bạn nên hiểu rằng, làm cha mẹ không phải là một kỹ năng, nó đúng hơn là một mối quan hệ. Một trong những tố chất quan trọng nhất của một mối quan hệ tốt và lành mạnh chính là khả năng bao dung những khuyết điểm và lỗi lầm của đối phương, học hỏi từ sai lầm, xin lỗi khi cần thiết và tiếp tục đi về phía trước.
(Ảnh: Shutterstock)
Để kết thúc bài viết này, hãy suy ngẫm về một nghịch lý. Nếu bạn tin tưởng vào mối quan hệ giữa bạn và con, con cái bạn sẽ hiểu rằng bạn ở đây vì chúng, nhưng trớ trêu thay, vì sự thoải mái của bạn chúng cũng tự cho phép mình có thể mắc sai lầm trong một phạm vi nhất định.
Bài viết của Thạc sĩ Adam Price trên Psychology Today
Hoa Minh biên dịch