Trong lòng mỗi người dường như không thoát khỏi một sự cay đắng nào đó vụt đến và đọng lại. Sự cay đắng càng tồn tại lâu càng làm người ta ngột ngạt, che mờ khả năng nhận xét và khơi dậy thái độ căm ghét người khác.

 

Sự cay đắng có thể đến từ nhiều khía cạnh khác nhau - một sự phản bội, một người bất tín, một vụ lừa lọc, một cuộc tranh đoạt, một đối xử tàn nhẫn; những hình thức này chuyển tới hành động oán giận và không giải tỏa ngay được; nó ầm ỉ trong tâm trí để rồi sôi sục trong tim thành men vị đắng cay. Để giải quyết nỗi cay đắng trong lòng, đa số tìm đến tôn giáo. Sự nhân từ, hỷ xả của đạo Phật giúp loại bỏ cay đắng; lời khôn ngoan trong Kinh Thánh và lời răn dạy của Chúa về tha thứ, bác ái có thể giúp cho cay đắng tan biến. Nói chung, người cay đắng được niềm tim xoa dịu, an ủi để có lại được

cảm xúc bình an, hiền hòa.

 

Câu Kinh Thánh quan trọng giúp giải tỏa niềm cay đắng được ghi trong tâm thư Ê-phê-sô của sứ đồ Phao-lô rằng: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (đoạn 4, câu 31-32). Một trong những câu chuyện đáng chúý nhất trong Kinh Thánh cho thấy hậu quả tai hại của sự cay đắng có thể được tìm thấy trong câu chuyện của Ca-in và A-bên. Trong sách Sáng thế ký, miêu tả sự ghen tị và cay đắng của Ca-in đối với anh trai mnh là A-bên; cuối cùng chàng trai này đã phạm tội giết chết anh trai mình mặc dù nhận được lời cảnh báo từ Chúa là phải làm chủ cảm xúc. Ca-in vẫn để cho nỗi cay đắng của mình mưng mủ, dẫn đến một kết cục bi thảm làm thay đổi mãi mãi cuộc đời anh ta.

 

Theo Phật giáo, sân si là nguồn gốc của đau khổ.

 

Phật dạy rằng con người nên buông bỏ những tâm niệm tiêu cực như hận thù, ganh ghét. Khi buông bỏ được sân si, tâm hồn sẽ trở nên thanh thản và an lạc. Cùng thể ấy, khi buông bỏ được sự giận dữ, con người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, không còn bị những cảm xúc tiêu cực chi phối; buông bỏ sự đố kỵ và ghen tỵ giúp người ta sống một cuộc sống hài lòng và bình yên hơn.

 

“Lấy hận thù diệt hận thù, hận thù sẽ mãi không dứt. Chỉ có từ bi mới diệt được hận thù. Đó là chân lý muôn đời.” Lời Phật giải thích rằng: Trả thù chỉ khiến hận thù tiếp diễn mà không bao giờ kết thúc. Chỉ khi ta dùng lòng từ bi, tha thứ và hiểu biết, hận thù mới có thể được hóa giải.

 

Vậy thử hỏi, một người có cay đắng trong lòng nhưng không tin vào đạo giáo, có thể nào dứt bỏ được cay đắng kia không?

 

Câu trả lời là “Được”. Trước hết phải nhận định rằng, hành động để ngừng cay đắng sẽ cải thiện cuộc sống của chính mình. Khi nỗ lực vượt qua sự cay đắng, chúng ta sẽ có năng lượng để đầu tư vào việc theo đuổi các mục tiêu tích cực.

 

Đối phó với sự cay đắng không phải là một quá trình diễn ra trong một sớm một chiều mà cần dành thời gian để suy ngẫm về cảm xúc của mình, tự thuyết phục bản thân buông bỏ và hướng năng lượng của mình vào tương lai. Dưới đây là 13 bước phải trải qua để loại bỏ cay đắng.

 

-Tự hỏi bản thân “Tại sao tôi lại cay đắng như vậy?”

Sự cay đắng không tự nhiên mà có. Một hoặc nhiều điều gì đó đã xảy ra khiến chúng ta cay đắng. Ở giai đoạn này, chúng ta nên nhận ra những bất bình của mình và chấp nhận rằng những cảm xúc không vui ban đầu là có cơ sở. Hãy xem bước này như lời tạm biệt với những sự kiện trong quá khứ đã làm tổn thương mình.

 

-Tìm động lực để thay đổi

Nghiễm nhiên chúng ta đeo mang sự cay đắng của mình như băng bó vết thương. Quá trình chữa lành không thể diễn ra khi chúng ta quấn mình trong sự cay đắng. Trong bước này, hãy liệt kê những hậu quả mà sự cay đắng đã tạo ra - việc viết ra những suy nghĩ của mình sẽ biến những cảm xúc trừu tượng thành một hình thức hữu hình chẳng hạn như:

•       Mất bạn bè

•       Luôn cảm thấy tức giận

•       Không có niềm vui

•       Thường xuyên tranh cãi…

 

Sau khi viết xong danh sách, hãy cầm nó trên tay và đọc to. Nhờ đó, có thể giải thoát bản thân khỏi bóng tối của sự tức giận.

 

-Hãy tha thứ cho bản thân trước

Khi nhận ra sự cay đắng đã làm xói mòn chất lượng cuộc sống của mình như thế nào, chúng ta có thể cảm thấy tức giận với chính mình. Chính sự cay đắng đã “huấn luyện bộ não” của chúng ta phản ứng tiêu cực với hầu hết mọi thứ. Sau nhiều năm tháng cay đắng, chúng ta có thói quen phán xét mọi thứ và mọi người một cách khắc nghiệt.

 

Để đảo ngược xu hướng đó, hãy bắt đầu bằng cách đối xử với bản thân nhẹ nhàng hơn. Ai cũng mắc lỗi và cần cơ hội sửa đổi. Hãy tha thứ cho bản thân vì những lỗi lầm trong quá khứ và thay vào đó tập trung xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

 

-Mở lòng với ai đó

Hãy dành thời gian để nhắc lại những vấn đề khiến có thái độ cay đắng với mục đích tạo tiền đề cho sự thay đổi và rồi nói chuyện với người khác có thể giúp khép lại những sự kiện gây tổn thương - giúp chúng ta có thêm động lực để thoát khỏi thái độ cay đắng.

 

-Tập thể dục

Sự cay đắng khiến chúng ta xa lánh và chìm đắm trong suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Thế nên, hoạt động thể chất ở hầu hết mọi hình thức đều có thể chống lại tác động sinh lý của sự tức giận và cay đắng. Endorphin do cơ thể giải phóng trong quá trình tập thể dục giúp cải thiện tâm trạng một cách tự nhiên.

 

-Phòng ngừa những suy nghĩ cay đắng

Xây dựng thói quen tinh thần mới cần có thời gian. Khi mọi thứ làm mình khó chịu, tâm trí chúng ta có thể dễ dàng quay lại đổ lỗi cho người khác, bi quan và phàn nàn. Hãy suy ngẫm về những người hoặc tình huống cụ thể khiến mình phản ứng cay đắng. Khi xác định được những hành vi cay đắng cụ thể, như tức giận với điều nhỏ nhặt thì nếu mình đang suy nghĩ hoặc hành động với sự cay đắng tương tương, hãy dừng lại và sau đó vượt qua cảm xúc đó.

 

-Trân trọng năng lượng sống của chính mình

Hãy nghĩ về việc hao tốn năng lượng cho một điều gì đó làm tổn thương mình. Sau đó, hãy cân nhắc xem được hưởng lợi như thế nào nếu hướng năng lượng đó đi nơi khác. Khi thấy được giá trị trong năng lượng sống của mình, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn về cách sử dụng nó (không để vào sự cay đắng).

 

-Chịu trách nhiệm về cảm xúc

Mặc dù chúng ta là nạn nhân của sự kiện khiến bị cay đắng, nhưng cố gắng đừng coi như vậy. Tức giận về cách đối xử tệ bạc là một phản ứng hợp lệ, nhưng tức giận không phải là con đường để chuộc lỗi. Chúng ta cần chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình. Cuối cùng, phải lựa chọn giữa việc cay đắng hoặc chọn tiếp tục cảm xúc sau một trải nghiệm tiêu cực.

 

-Tập trung vào hiện tại

Sự cay đắng luôn đâm rễ trong lòng nhưng chúng ta phải quyết tâm không để cảm xúc tiêu cực đó giam cầm mãi mãi, hãy ngắt kết nối suy nghĩ của mình khỏi quá khứ, mà bắt đầu đặt ra những mục tiêu mới. Dù không phải lúc nào cũng thành công với các mục tiêu, nhưng ít nhất chúng ta sẽ gắn bó với tương lai thay vì than thở về quá khứ.

 

-Thực hành thiền định hàng ngày

Nếu chìm đắm trong nỗi đau của quá khứ, thật khó để không cay đắng. Hãy tìm sự bình yên trong khoảnh khắc hiện tại. Học cách thiền để rèn luyện bộ não của mình ngừng suy nghĩ tiêu cực.

 

-Thực hành lòng biết ơn hằng ngày

Một trái tim biết ơn là liều thuốc chữa lành cho sự cay đắng. Trong khi sự cay đắng đầu độc niềm vui, lòng biết ơn củng cố sự tích cực và nhận thức về bản thân. Nó giúp chúng ta thấy nhẹ nhõm hơn khi coi nhẹ những điều hiển nhiên trong cuộc sống làm mình cay đắng.

 

-Kỳ vọng ít hơn ở người khác

Nếu mọi người thường xuyên làm mình thất vọng và cảm thấy buồn bã và cay đắng vì điều đó, thì hãy hạ thấp kỳ vọng của mình. Nếu họ không đáp ứng được kỳ vọng của mình, chúng ta có hai lựa chọn: chấp nhận họ hoặc chấm dứt mối quan hệ. Hãy cố gắng chấp nhận những người mình quan tâm vì chính con người họ. Tập trung vào những phẩm chất tích cực của họ thay vì suy nghĩ về việc họ đã làm mình thất vọng như thế nào.

 

-Vươn lên khỏi sự thoải mái

Sự cay đắng phát triển khi cuộc sống trở nên vô vọng và mình cảm thấy bất lực. Hãy thúc đẩy bản thân nhiều hơn một chút; ngừng cho rằng mình không thể làm được điều gì đó và hãy thử xem. Đừng để những giả định tiêu cực và vô vọng gieo mầm cay đắng và hối tiếc.

 

Tóm lại, học cách buông bỏ sự cay đắng và tức giận đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng sự tự do về mặt cảm xúc mới sẽ giúp chúng ta định vị được thành công trong tương lai. Khi giải thoát bản thân khỏi sự tiêu cực, chúng ta có thể trở nên hấp dẫn hơn, yêu đời hơn, dễ thương hơn. Nhớ rằng, việc ôm lấy cay đắng sẽ làm cạn kiệt năng lượng của chính mình và không bao giờ giải quyết được vấn đề.

 

Nếu bạn đang có sự cay đắng trong long, hãy bắt đầu thực hiện các bước trên đây ngay hôm nay để buông bỏ sự cay đắng và cảm thấy phấn khích với cuộc sống trở lại./.

 

 

N. R. (Viết riêng cho Nam Úc & Dân Việt)