TRANH NGŨ HỔ: CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT BỨC MỘC BẢN NGHỆ THUẬT DÂN GIAN HAY LÀ MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA VIỆT CỔ ĐƯỢC TIỀN NHÂN MÃ HÓA VÀ GIẤU SAU VỎ BỌC TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN NHẰM BẢO TỒN VÀ TRUYỀN LẠI CHO CON CHÁU VIỆT?
(Hà Hưng Quốc)
2. GIẢI MÃ TRANH NGŨ HỔ HÀNG TRỐNG
Nhìn vào bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, hầu như mọi người đều biết 5 con hổ và màu sắc của chúng là tượng trưng cho ngũ hành. Đó là trực nhận của quần chúng, dầu họ không biết gì nhiều về lý thuyết ngũ hành. Và họ đã không sai.
Tuy nhiên, theo nhận xét của tác giả, bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống không phải là “bức tranh ngũ hành” mà là bức tranh “lý thuyết ngũ hành.” Năm con, năm màu, năm quả hay bất cứ cái gì có đủ 5 cũng làm nên ngũ hành. Và một bức tranh chỉ cần phản ảnh bao nhiêu đó đã đủ điều kiện là một bức tranh ngũ hành. Nhưng một khi nguyên lý và qui luật sinh khắc của ngũ hành được đưa vào trong tranh thì nó không còn là bức tranh ngũ hành nữa mà đã trở thành là bức tranh (chứa đựng) lý thuyết ngũ hành. Và giữa hai có một sự cách biệt rất lớn. Một đàng gắn liền với tín ngưỡng dân gian còn một đàng thì gắn liền với thế giới học thuật quảng bác. Thêm vào đó, bố cục của bức tranh rất tinh vi dầu chủ đề rất tầm thường. Do đó, cái độc đáo của bức tranh Ngũ Hổ nằm ở chỗ là nó có một cấu trúc rất tinh vi và nội dung chứa đựng một lý thuyết lớn nhưng tất cả được che đậy bởi một vỏ bọc bình dị ở bên ngoài.
Trước hết chúng ta vẽ một vòng tròn giống với đội hình của 5 con hổ và viết xuống một hành tương ứng theo màu sắc của mỗi con hổ. Phóng đại cho chữ Thổ lớn gấp đôi so với những chữ khác cho tương xứng với kích cỡ gấp đôi của con hổ nâu ở trung ương so với những con khác. Kế tiếp vẽ một vòng cung có mũi nhọn chỉ hai chiều giữa hổ đen hành Thủy và hổ trắng/vàng hành Kim, giữa hổ xanh lá hành Mộc và hổ đỏ hành Hỏa, giữa hổ xanh lá hành Mộc và hổ đen hành Thủy, giữa hổ đỏ hành Hỏa và hổ trắng/vàng hành Kim. Những vòng cung hai chiều này đại diện cho thế liên minh giữa mỗi cặp hổ. Sau cùng chúng ta vẽ một đường thằng hai chiều giữa hổ xanh lá hành Mộc và hổ trắng/vàng hành Kim, giữa hổ đen hành Thủy và hổ đỏ hành Hỏa. Những đường thẳng hai chiều này đại diện cho thế kình chống nhau của mỗi cặp hổ. Tất cả đều theo đúng với những chi tiết đã được ghi nhận trong phần I. Và kết quả sẽ giống như hình H5.
H5: NGŨ HỔ VÀ NGŨ HÀNH
Sau cùng chúng ta cho hổ biến khỏi bức tranh H5. Điều chỉnh toàn bộ phiên bản để cho hành Thủy nằm về phương chính Bắc (phía trên). Dời trục ngang Mộc-Kim và trục đứng Thủy Hỏa ra ngoài và đặt ngay dưới vòng tròn, hai đường thẳng cắt nhau tại trung điểm, tạm gọi là hình X. Ghi chú vị trí Thủy, Hỏa, Kim, Mộc vào hình X. Đến đây là chúng ta đã “phục dựng” xong mô hình lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Xem hình H6.
H6
Bây giờ chúng ta mới đem mô hình lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống đặt cạnh mô hình lý thuyết ngũ hành phổ cập và mô hình lý thuyết ngũ hành nguyên thủy để so sánh. Xem hình H7.
H7 – SO SÁNH THUYẾT NGŨ HÀNH
Lý thuyết ngũ hành phổ cập là một lý thuyết ngũ hành mà đa số đều quen thuộc. Ngũ hành là 5 loại vật chất. Năm hành đồng đẳng. Sinh khắc của 5 hành chỉ diễn ra một chiều khép kín. Ngũ hành tương sinh theo qui luật Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ. Ngũ hành tương khắc theo qui luật Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ. Nguyên lý và hai quy luật sinh khắc của nó được tóm gọn trong hình H7-A.
Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy là một lý thuyết ngũ hành ít người biết. Nguyên lý và hai quy luật sinh khắc của nó được tóm gọn trong hình H7-C. Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy được nói tới lần đầu tiên trong tác phẩm Việt Dịch của Hà Hưng Quốc. Và sau đó tác giả của Việt Dịch đã chứng minh là bảng Lục Thập Hoa Giáp [1] và bộ môn Tử Vi [2] được xây dựng trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy chứ không phải trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành phổ cập.
Lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống vừa được giải mã và tóm gọn trong hình H7-B. Phần hình tròn, một nửa trên của hình H7-B, thể hiện quy luật tương sinh của lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Phần hình hai đường thẳng cắt nhau nhau tại trung điểm, một nửa dưới của hình H7-B, thể hiện quy luật tương khắc của lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.
So sánh 3 mô hình với nhau, nó không khó để chúng ta nhận thấy mô hình lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống thực ra chính là mô hình lý thuyết ngũ hành nguyên thủy. Cái mô hình hành Thổ ở trung tâm với 4 hành còn lại ngồi trên một vòng tròn thể hiện liên hệ tương sinh hai chiều giữa các hành tiếp giáp nhau cùng với hình hai đường thẳng cắt nhau tại trung điểm thể hiện liên hệ tương khắc giữa hai hành đối lập nhau là dấu ấn của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.
Nó cũng không khó để chúng ta nhận ra là mô hình lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống hoàn toàn khác với mô hình lý thuyết ngũ hành phổ cập. Có ít nhất là 3 điểm làm nên sự khác biệt.
- Lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống có nguồn gốc từ thiên văn. Chìa khóa xác nhận chính là chòm Bắc Đẩu và Thái Dương trong tranh. Lý thuyết ngũ hành phổ cập có nguồn gốc từ 5 loại vật chất. Do đó, không thể đánh đồng!
- Mô hình lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống cho thấy sự vận hành của quy luật tương sinh cũng như của quy luật tương khắc là sự vận hành hai chiều. Hai hành tiếp giáp nhau thì sinh nhau, tương sinh. Hai hành đối lập nhau thì khắc nhau, tương khắc. Còn hai quy luật sinh khắc của ngũ hành phổ cập thì vận động theo một chiều khép kín [đã là một chiều thì không thể “tương” do đó không thể nói là “tương sinh” hay “tương khắc” theo đúng ý nghĩa]. Giữa hai lý thuyết không có sự tương đồng và cũng không thể nhầm lẫn.
- Lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống có hành Thổ nằm tại trung tâm còn lý thuyết ngũ hành phổ cập thì không có. Mô hình lý thuyết ngũ hành phổ cập cho thấy rõ điều này. Xem hình H7-A. Nguyên lý của của lý thuyết ngũ hành phổ cập cũng xác nhận điều này. Nguyên lý đó là 5 hành đồng đẳng, sinh khắc chỉ diễn ra một chiều khép kín. Đã là vậy thì làm gì có chuyện hành Thổ nằm ở trung tâm của vòng tròn tương tác. Mọi giải thích sinh khắc với hành Thổ nằm ở trung tâm đều là biện giải “bắt quàng” [và phải vay mượn hình Hà Đồ và hình Lạc Thư để giải thích] vì tự thân của lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không thể giải thích được làm thế nào hành Thổ có thể nằm ở trung tâm.
Trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, con cọp nâu hành Thổ ngồi ở chính giữa có kích cỡ gấp đôi những con hổ khác là để biểu thị cho vai trò nổi trội của hành Thổ nằm tại trung tâm. Sự quan trọng đối với vai trò của hành Thổ trong lý thuyết ngũ hành nguyên thủy cũng được trình bày rõ rệt trong cuốn Việt Dịch: “Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy trong Việt Dịch coi chức năng và sức mạnh của 5 hành là 4+1. Chức năng và sức mạnh của 4 hành Thủy, Mộc, Hỏa, Kim ngang nhau. Nhưng riêng hành Thổ thì trội hơn 4 hành kia . . . Theo đó, hành Thổ làm trung gian cho 4 hành kia và dung nạp được cả 4 hành kia.” [3] Ngược lại, lý thuyết ngũ hành phổ cập thì coi 5 hành đều ngang nhau. Như vậy thì con hổ nâu lớn gấp đôi ngồi ở trung tâm chỉ có thể đại diện cho hành Thổ của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy chứ không thể nào là của lý thuyết ngũ hành phổ cập.
Con hổ hành Thổ ngồi ở trung tâm của vòng tròn được phóng lớn gấp đôi so với những con hổ khác không phải chỉ là “to lớn, uy nghiêm, quắc thước . . . biểu hiện bản lĩnh vững vàng, thành, tín” như Lê Hướng Quỳ nhận xét (Nguồn: Mạn Đàm Tranh “Ngũ Hổ”) mà còn là biểu hiện chỗ trọng tâm của vấn đề, chỗ trọng điểm của lý thuyết, chỗ trọng yếu của nội dung.
Như vậy thì, nội dung cụm ảnh 5 con hổ của bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống đã được làm sáng tỏ. Có ai đó đã cố ý mã hóa LÝ THUYẾT NGŨ HÀNH NGUYÊN THỦY và giấu nó trong bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Xin lập lại, không phải là lý thuyết ngũ hành phổ cập đa số đều quen thuộc mà là LÝ THUYẾT NGŨ HÀNH NGUYÊN THỦY. Con hổ vĩ đại ở trung tâm với chòm Bắc Đẩu và Thái Dương đã “nói” như vậy. Ai đó đã “làm nổi cộm” sự khác biệt cực kỳ quan trọng này qua hình ảnh con hổ hành Thổ vĩ đại ở trung tâm với chiếc chìa khoá là cụm hình Bắc Đẩu và Thái Dương.
Tại sao là 5 hổ mà không là 5 quả hay 5 con gì khác? Tại sao là chòm Bắc Đẩu và Thái Dương mà không là chòm sao nào khác hay là cái gì khác?
Những câu hỏi này dẫn chúng ta đến công việc giải mã cụm hình ảnh thứ hai trong bức tranh: chòm Bắc Đẩu và Thái Dương.
Chòm Bắc Đẩu và sao Bắc Thần, ngoài việc nhờ vào nó để định hướng [hướng Bắc], còn là cây kim chỉ thời gian và mùa tiết trên trái đất.
Thiên văn Á Đông chia các sao trong vòng Bắc Cực Khuyên (circumpolar stars) và cả các sao trong vòng Hoàng Đạo thuộc nửa múi cầu liên hệ trong thiên cầu thành 12 cung từ Tí đến Hợi chiếu xuống mặt phẳng Xích Đạo. Chuôi của chòm Bắc Đẩu trong Tiểu Hùng Toạ [Ursa Minor] chỉ vào cung Tí thì gọi là Kiến Tí, chỉ vào cung Sửu thì gọi là Kiến Sửu, chỉ vào cung Hợi gọi là Kiến Hợi.
H13 - BẦU TRỜI CỰC BẮC
(Nguồn: Hán Việt Dịch Sử Lược của GS Trần Hữu Quang)
Mỗi tháng Đẩu Cương chỉ vào một cung. Thập Nhị Thần là 12 nơi mà Đẩu Cương của chòm Bắc Đẩu chỉ vào mỗi tháng. Tháng Giêng Đẩu Cương chỉ Dần, tháng Hai Đẩu Cương chỉ Mão, tháng Ba Đẩu Cương chỉ Thìn . . . Đẩu Cương chỉ vào đâu thì nguyên khí của tháng ở tại đấy. Nguyên khí của trời thì vô hình nên cứ trông Đẩu Cương của chòm Bắc Đẩu chỉ vào đâu thì biết nguyên khí ở đó, nên gọi là Nguyệt Kiến.
Trong cuốn Thiên Văn Học Cổ Trung Hoa, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ đã viết về vai trò của Đẩu Cương của chòm Bắc Đẩu như sau:
[Trích dẫn]
“Xem sao Bắc Đẩu buổi chiều khoảng 18 giờ sẽ biết dưới trần gian đang ở vào mùa nào. Thí dụ:
- Tháng 11 ta, chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Tí.
- Tháng 12 ta, chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Sửu.
- Tháng 1 ta, chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Dần.
- Tháng 2 ta, chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Mão, v.v.
Như vậy, sao Bắc Đẩu chính là đồng hồ để chỉ mùa, chỉ tháng quanh năm.
Sao Bắc Đẩu còn quay một vòng trong một ngày, như chiếc kim đồng hồ. Thí dụ: Lúc 18 giờ buổi chiều nào đó, ta thấy chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Mão, thì 6 giờ sau tức vào nửa đêm, ta sẽ thấy nó chỉ hướng Ngọ. Sáu giờ sau nữa (tức 6 giờ sáng ngày hôm sau), nó sẽ chỉ hướng Dậu. Suy ra thì 12 giờ trưa hôm sau nó sẽ chỉ hướng Tí, để rồi 18 giờ chiều lại chỉ hướng Mão, v.v. . . .
. . . Sao Bắc Đẩu còn quay một vòng trong một ngày, như chiếc kim đồng hồ. Thí dụ: Lúc 18 giờ buổi chiều nào đó, ta thấy chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Mão, thì 6 giờ sau tức vào nửa đêm, ta sẽ thấy nó chỉ hướng Ngọ. Sáu giờ sau nữa (tức 6 giờ sáng ngày hôm sau), nó sẽ chỉ hướng Dậu. Suy ra thì 12 giờ trưa hôm sau nó sẽ chỉ hướng Tí, để rồi 18 giờ chiều lại chỉ hướng Mão, v.v. . . .”
[Ngưng trích dẫn]
Trong tập Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quí Đôn đã bàn về tiết khí trong một năm và tại đây thêm một lần nữa cho thấy vai trò của Đẩu Cương của chòm Bắc Đẩu.
[Trích dẫn]
“Từ khi chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Mão (tháng 2), chính là tiết Xuân Phân, cho đến tiết Lập Hạ giữa tháng Tị (tháng 4) là lúc Thiếu Dương quân hỏa làm chủ khí, tiết trời lúc ấy sáng sủa, là đức của vua chúa. Từ khi chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Tị (tháng 4), chính là tiết Tiểu Mãn, cho đến tiết Tiểu Thử vào giữa tháng Mùi (tháng 6) là lúc Thiếu Âm tướng hỏa làm chủ khí, tiết trời lúc ấy nóng dữ, là lúc tướng hỏa làm việc. Từ khi chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Mùi (tháng 6), chính là tiết Đại Thử, cho đến tiết Bạch Lộ vào giữa tháng Dậu (tháng 8), là Thái Âm thấp thổ làm chủ khí, tiết trời lúc ấy mây mưa nhiều, khí ẩm thấp bốc lên. Từ khi chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Dậu (tháng 8), chính là tiết Thu Phân, cho đến tiết Lập Đông vào giữa tháng Hợi (tháng 10), là lúc Dương minh táo kim làm chủ khí, tiết trời đến lúc ấy thì vạn vật đều khô ráo. Từ khi chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Hợi (tháng 10), chính là tiết Tiểu Tuyết, cho đến Đại Tuyết (vào giữa tháng 12) là Thái Dương hàn thủy làm chủ khí, lúc ấy tiết trời rét quá. Từ khi chuôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng Sửu (tháng 12), chính là tiết Đại Hàn, cho đến tiết Kinh Trập (vào giữa tháng 2) là lúc Quyết Âm phong mộc làm chủ khí, tiết trời lúc ấy gió nhiều. Ấy là mỗi tiết khí ở trong khoảng hơn 60 ngày, quanh khắp vòng trời, hết rồi lại quay lại.”
[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: Thiên Văn Học Cổ Trung Hoa của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ).
Chòm Bắc Đẩu có 7 sao. Sao ở vị trí thứ nhất là Khôi. Sao ở vị trí thứ 5 là Hành. Sao ở vị trí thứ 7 là Tiêu. Ba sao này gọi chung là Đẩu Cương.
H12 - CHÒM SAO BẮC ĐẨU
Bắc Thần là sao Thiên Cực tinh đã được dùng để định vị trí “trung tâm điểm trời.” Trầm Quát, thiên văn gia đời Tống, đã viết “Trước đời Hán, người ta tưởng rằng sao Bắc Thần ở trung tâm điểm trời, vì thế gọi là Cực tinh.” Sau này người ta mới biết thực ra sao Bắc Thần cũng xoay quanh Bắc Cực và theo thời gian đã có nhiều sao khác nhau giữ địa vị của sao Bắc Thần. Hữu Khu có lẽ đã được coi là Bắc Thần vào khoảng năm 3000 B.C.; Thái Ất (42 hay 184 Draconis) là Bắc Thần khoảng năm 2000-1500 B.C; Thiên Ất (3067i Draconis) là Bắc Thần khoảng năm 1500-1000 B.C.; Thiên Đế tinh (b Ursae Minoris, Kochad) là Bắc Thần khoảng năm 1000 B.C.; Thiên Trụ hay Nữu Tinh (4339 Camelopardi) có lẽ đóng vai sao Bắc Thần đời Hán; và Thiên Hoàng Đại Đế (a Ursae Minoris) đóng vai sao Bắc Thần hiện nay.[4]
Vai trò của chòm Bắc Đẩu và sao Bắc Thần đã được trình bày. Tưởng tượng sao Bắc Thần là cái cốt ở trung tâm của mặt đồng hồ còn Đẩu Cương của chòm Bắc Đẩu là cây kim đồng hồ xoay quanh cái cốt.
Thái Dương thì ai cũng biết là mặt trời. Nó là mặt trời trong Thái Dương Hệ của chúng ta.
Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, “Khoảng thế kỷ 4 trước Công nguyên, Thạch Thân, Cam Đức, và Vu Hàm là những người đã vẽ những bản đồ sao đầu tiên. Sau này, Trần Trác (thế kỷ 4 cn) cũng bắt chước học mà lập bản đồ sao. Tiền Lạc Chi (khoảng 424-453) cũng đã làm những bản đồ sao trên giấy phẳng. Sau này, Hoắc Vân Tất Đạt (715) trong quyển Khai Nguyên Chiêm Kinh cũng phỏng theo các tài liệu cũ mà vẽ lại các bản đồ sao. Ngày nay, quyển sách này cũng như quyển Tinh Kinh hãy còn. Tùy Thư - Thiên Văn Chí viết: “Trần Trác, một thiên văn gia nước Ngô (thời Tam Quốc) là người đầu tiên đã làm một bản đồ sao (khoảng năm 310) theo đường lối 3 thiên văn gia xưa (Cam Đức, Thạch Thân, Vu Hàm).”
Mặt trời là Dương còn tinh tú và mặt trăng là Âm. Sự kết hợp của chòm Bắc Đẩu với Thái Dương cho chúng ta biết chiếc chìa khoá này có liên quan đến Âm Dương Lịch. Thiên Văn và Lịch Pháp luôn đi đôi.
Về Âm Dương Lịch, GS Nguyễn Hữu Quang đã viết:
[Trích dẫn]
“Âm-dương Hợp-lịch biến-đổi theo Triều-đại: Nhà Hạ lấy Kiến-Dần làm tháng Giêng, Nhà Thương/Ân lấy Kiến-Sửu làm tháng Giêng, Nhà Chu lại lấy Kiến-Tí làm tháng Giêng. Nhà Tần lại lấy tháng Hợi làm tháng giêng. Kể từ Nhà Hán trở đi, tháng Kiến Dần mới nghiễm-nhiên được chọn làm tháng giêng. Cuộc cải-tiến lịch đầu là việc bãi bỏ Lịch Chuyên-Húc năm Đinh-sửu (104 BC), đời Hán Vũ-Đế. Lịch ấy mang tên Thái-sơ, đế-hiệu mới của Hán Vũ-Đế. Sử-gia Tư-mã Thiên (145-78 ?) tạo ra Lịch Tứ-phân 四分 (1 năm = 365 1/4 ngày), còn Lưu-Hâm (#46 BC-23) tổng-hợp ra Lịch Tam-thống 三 統 dùng Kinh Dịch một cách triệt-để, nhưng dùng thiên-văn lịch-tượng một cách tối-thiểu. Sau này, Đời Nguyên và Đời Minh đều dùng Lịch Thụ-thì. Trên nguyên-tắc Đời Minh có đặt ra Lịch Đại-thống 大統 nhưng trên thực-tế họ vẫn dùng Lịch Thụ-thì, sửa đổi chút ít để chỉnh tuế-sai cho hợp với giáp-tí đương-quan. Đời Thanh lại đặt ra Lịch Thì-hiến với sự giúp đỡ của các linh-mục Dòng Tên.”
[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: Hán Việt Dịch Sử Lược của GS Nguyễn Hữu Quang)
Trở lại với câu hỏi vì sao là 5 hổ mà không là 5 con gì khác. Chúng ta đều biết 5 Hổ còn có cách gọi khác là 5 Dần. Trong chu kỳ 60 năm gọi là Lục Thập Hoa Giáp cũng có 5 mốc Dần. Thứ tự từ đầu chu kỳ cho đến cuối là Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần, Nhâm Dần và Giáp Dần. Người ta dùng 5 mốc Dần này để độn/tìm ngũ hành nạp âm trong những ứng dụng lý số, và gọi đó là Ngũ Hổ Độn Pháp.
Như vậy thì, một mặt cụm hình 5 con hổ đi cùng với cụm hình Bắc Đẩu-Thái Dương là để xác định lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống có nguồn gốc từ thiên văn và xác định vị trí phía Bắc hành Thủy cho con hổ đen. Vấn đề này rõ ràng như ban ngày. Một mặt khác, cụm hình 5 Dần đi cùng với cùm hình Bắc Đẩu và Thái Dương còn trỏ vào “một cái gì đó” có liên quan đến lịch pháp, theo đó liên quan đến sự vận hành của mùa tiết, và có liên quan đến lý thuyết ngũ hành, theo đó liên quan đến sự ứng dụng của lý thuyết ngũ hành. Một cái gì đó rất “nặng ký” và có một giá trị không kém giá trị của lý thuyết ngũ hành.
Sau khi cân nhắc, tác giả đi đến kết luận “cái gì đó” chính là Bảng Lục Thập Hoa Giáp.
Như đã nói, trong tác phẩm Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp của Hà Hưng Quốc, tác giả đã chứng minh là Bảng Lục Thập Hoa Giáp được kiến tạo trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy. Như vậy thì sợi dây liên hệ đầu tiên giữa tranh Ngũ Hổ Hàng Trống và Bảng Lục Thập Hoa Giáp chính là cái lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.
Bảng Lục Thập Hoa Giáp là một sản phẩm quan trọng và có giá trị không kém gì lý thuyết ngũ hành. Nó là kết tinh của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy với lịch pháp qua cái phương pháp gọi là Ngũ Hành Nạp Âm. Nó là đáp án của bài toán vạn vật vận hành qua sự biến thiên của hành khí trong một chu kỳ 60 năm. Ngũ Hành Nạp Âm và Bảng Lục Thập Hoa Giáp được ứng dụng trong tất cả [nếu không là tất cả thì cũng là hầu hết] bộ môn lý số.
Trong tác phẩm Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp của Hà Hưng Quốc, tác giả cũng đã chứng minh và đưa đến kết luận là toàn bộ Bảng Lục Thập Hoa Giáp chứa đựng thông tin quan trọng về vị trí địa dư, về khí hậu thời tiết, về điều kiện kinh tế, về trình độ kỷ thuật, về phong tục . . . những thông tin được mã hoá trong Bảng Lục Thập Hoa Giáp có thể so sánh với “thông tin mật” được sưu tập và lưu trữ tại NIGA (National Geospacial Imagery Agency) của NSA thời nay.
Một lần nữa chúng ta lại thấy “có ai đó” đã cố tình mã hóa những thông tin về “cội nguồn phát tích” và đem giấu trong Bảng Lục Thập Hoa Giáp.
Như vậy thì sợi dây liên hệ thứ hai giữa tranh Ngũ Hổ Hàng Trống và Bảng Lục Thập Hoa Giáp chính là sự mã hóa để che dấu “văn bản” và “cội nguồn” của hai sản phẩm, Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy và Ngũ Hành Nạp Âm 60 Hoa Giáp, một cái là lý thuyết còn một cái là ứng dụng.
Bên cạnh đối tượng số một là Bảng Lục Thập Hoa Giáp chúng ta còn thấy có đối tượng thứ hai là bộ môn Tử Vi. Nó cũng liên quan đến lý thuyết ngũ hành nguyên thủy, đến lịch pháp, đến sự vận hành của khí tiết, đến cả ngũ hành nạp âm.
Trong tác phẩm Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi của Hà Hưng Quốc, tác giả đã chứng minh là toàn bộ “hạ tầng cơ sở” của bộ môn Tử Vi được kiến tạo trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy. Những bí ẩn đã tồn tại trong suốt một thời gian dài --rất dài, có thể là cả thiên niên kỷ-- không có đáp án thỏa đáng bởi vì lý thuyết ngũ hành phổ cập không đủ khả năng để giải thích.
Nếu lý thuyết ngũ hành nguyên thủy chỉ có thể giải thích được một vài mảng rời rạc hoặc là lý thuyết ngũ hành phổ cập chỉ không thể giải thích được một vài chi tiết nho nhỏ thì chưa phải là vấn đề đáng báo động. Nhưng ở đây sự thất bại của lý thuyết ngũ hành phổ cập rõ ràng là “rộng khắp” và có đặc tính “lỗi hệ thống.” Đồng thời lý thuyết ngũ hành nguyên thủy lại có khả năng giải đáp được tất cả lỗi hệ thống của lý thuyết ngũ hành phổ cập. Điều này chứng tỏ đã có một sự tồn tại của hai lý thuyết ngũ hành trong nhiều năm. Và dựa trên bằng chứng đã được tác giả Hà Hưng Quốc đưa ra thì chỉ có lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới thật sự là “bản gốc” vì những sản phẩm quan trọng có liên quan tới lý thuyết ngũ hành như là Bảng Lục Thập Hoa Giáp hoặc bộ môn Tử Vi và ngay cả Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống mà chúng ta đang nói tới đều được kiến tạo trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy. Hay nói một cách khác, lý thuyết ngũ hành phổ cập chỉ là một “bản sao” sai lệch ngay từ nguyên lý.
Khi đem tất cả cột lại với nhau và đặt trên cùng một khung ảnh thì chúng ta sẽ thấy tính “hệ thống” và tính “chính thống” của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy nổi bật lên.
H8 - BỨC TRANH TỔNG THỂ
Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có thực sự là bản gốc, là chính thống? Câu hỏi này dẫn chúng ta đến bước thứ ba là giải mã cụm hình cờ, gươm và hòm ấn.
Cờ, gươm, ấn là biểu tượng của quyền lực. Với con hổ vĩ đại hành Thổ ngồi ở trung ương thì quyền lực này phải được hiểu là quyền lực tuyệt đối.
Cụm hình này không đứng riêng lẽ mà là đứng chung với hai cụm hình kia để tạo thành bố cục và nội dung của bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Vì vậy, cái quyền lực tuyệt đối mà cụm hình muốn biểu thị chắc chắn là phải được hiểu và diễn giải ý nghĩa trong tương quan với ý nghĩa của hai cụm hình ảnh kia.
Vậy thì, quyền lực đó là quyền lực gì?? Không, chắc chắn không phải là quyền lực “sức mạnh vũ trụ thiên nhiên, tiết mùa, thời vận của quy luật tự nhiên” như Lê Hướng Quỳ nhận xét. [5] Theo tác giả, quyền lực đó là quyền lực “văn hóa chính thống,” là quyền lực “sáng tạo ra bản gốc,” là quyền lực “nắm giữ tinh yếu” của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy. Là quyền lực của “ai đó” vốn là chủ nhân đích thực của một di sản văn hóa phi vật thể rất là đồ sộ.
Đến đây thì nội dung của bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống đã được phô bày trọn vẹn.
Dựa trên những bằng chứng mà chúng ta vừa khám phá, chúng ta có thể kết luận tranh Ngũ Hổ Hàng Trống không phải là một bức tranh chỉ đơn giản “khắc hoạ hình tượng những vị nhiên thần vừa cao quý vừa gần gũi với con người” như Đặng Nghiêm Vạn đã nhận xét khi viết về Tranh Nhân Gian Hàng Trống. [6] “Có ai đó” đã “mã hoá” lý thuyết ngũ hành nguyên thủy vào bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. “Có ai đó” đã “chủ ý” mượn hình ảnh 5 con hổ để dễ dàng “thần hóa” bức tranh và nhờ đó khoát lên nó chiếc áo tín ngưỡng dân gian để bảo tồn “văn bản” muốn chuyển giao cho “hậu duệ của chủ nhân đích thực” qua sự truyền thừa “không canh cải” từ thế hệ trước qua thế hệ sau. Và văn bản đó thì thầm: “Hãy trân trọng lý thuyết ngũ hành mà ta đã gởi gấm vào đây. Nó mới thực sự là bản gốc của lý thuyết ngũ hành sáng tạo từ tổ tiên của các ngươi, là một phần của nền văn hóa chính thống của các ngươi. Lần theo dấu tích để tìm lại những kho tàng khác của tổ tiên các ngươi đã bị tước đoạt. Lần theo nó để tìm lại cội nguồn minh triết của tổ tiên. May mắn cho ngươi được kế thừa một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đồ sộ.”
Những lời thì thầm của bức tranh, dầu là dựa vào thông tin đã giải mã, hiển nhiên vẫn chỉ là theo cảm nhận của tác giả.
Giải mã nội dung của bức tranh chỉ là một vế của vấn đề. Còn một vế khác quan trọng cũng không kém, đó là làm rõ vấn đề ‘ai đó” là ai và ai mới là “chủ nhân đích thực” của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.
“Ai đó” có thể nào là dân Hán hay không? Không. Chắc chắn là không phải. Người Hán không có lý do gì để phải mã hóa và che giấu nó. Nếu lý thuyết ngũ hành nguyên thủy là của người Hán thì sự cạnh tranh giữa hai lý thuyết đã diễn ra từ lâu giữa “thanh thiên bạch nhật” và những “bí ẩn,” những “bất cập” mà lý thuyết ngũ hành phổ cập không đủ khả năng để giải thích, đã không tồn tại suốt một thời gian rất dài.
Vậy thì chỉ còn lại một giải thích hợp lý. “Ai đó” phải là người trong số những dân tộc bị người Hán xâm chiếm và văn hóa bị tước đoạt; là người từng tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình, một nền văn hóa từng “thấp sáng” Trung Nguyên trong lúc Hán tộc vẫn còn là dân du mục man rợ; là người không muốn những di sản văn hóa cực kỳ quan trọng lọt vào tay kẻ xâm lược; là người muốn bảo tồn những di sản văn hóa đó của tổ tiên để truyền lại cho con cháu.
Xét ra, hợp lý hơn cả, ai đó phải là hậu duệ của Viêm Việt trong số Bách Việt. Thu hẹp lại, ai đó rất có thể là con cháu của đất nước Việt Thường Thị, con cháu của Lạc Việt.
Vũ Hữu Sự cho rằng “[s]ức sống của bức tranh chính là ở chỗ nó đã thoát được khỏi cái vòng tôn giáo ấy.” (Nguồn: Từ bức tranh dân gian ''Ngũ Hổ'' nghĩ về con hổ trong văn hóa Á Đông) còn tác giả của sách Văn Hóa Vĩnh Phúc thì cho rằng “tranh Hàng Trống chủ yếu để thờ cúng, không kịp chuyển hóa cùng thời đại, dần dần bị mai một.” (Nguồn: sách Văn hóa Vĩnh Phúc: Các dòng tranh dân gian và phần chú thích). Tác giả thì ngược lại cho rằng nhờ núp dưới chiếc áo tín ngưỡng nhân gian mà tranh Ngũ Hổ Hàng Trống mới không bị kẻ thù xâm lược thiêu hủy nên còn tồn tại tới ngày nay và nhờ không chuyển hóa theo thời đại mà lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mã hóa trong tranh mới còn nguyên vẹn đến ngày nay để được khám phá.
(Theo vietdich.blogspot.com)
[1] Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp, tác giả Hà Hưng Quốc, trong Vườn Ươm Việt Dịch (www.vietdich.blogspot.com).
[2] Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi, tác giả Hà Hưng Quốc, trong Vườn Ươm Việt Dịch (www.vietdich.blogspot.com).
[3] Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi – Hà Hưng Quốc, www.vietdich.blogspot.com
[4] Nguồn: Thiên Văn Học Cổ Trung Hoa, Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ.
[5] Mạn Đàm Tranh “Ngũ Hổ” của Lê Hướng Quỳ.
[6] Văn Hóa Việt Nam Đa Tộc Người: Khảo Cứu của Đặng Nghiêm Vạn.
(vietdich.blogspot.com)