Tại một quán điểm tâm, chung quanh chiếc bàn tròn kê gần cửa, năm ông đầu bạc ngồi chờ dịch vụ sau khi đã gọi cà phê phin, bánh mì giòn, trứng ốp-la cho bữa ăn sáng nay – ngày thứ Bảy ấm áp.
Đây là một nhóm bạn cao niên thân thiết. Họ gặp nhau trong đồng cảnh ngộ – đều là di dân đến xứ người vì muốn tự do, muốn đổi đời. Tuy tuổi tác ngang nhau, nhưng thực tế vẫn có ông già nhất mang tên Cả, ông trẻ nhất tên Út, và ba ông còn lại lần lượt được gọi là Trỏ, Giữa, Nhẫn. Coi mặt đặt tên nên dễ nhận dạng.


Ở nước nhà, mỗi ông mỗi miền, họ chưa hề gặp nhau một lần. Nay trên “đất khách”, được biết nhau đôi ba lần qua sinh hoạt cộng đồng, chùa chiền hay nhà thờ, hội thánh nên kết bạn. Dù không cư ngụ sát nách nhau, nhưng nhờ có xế hộp hoặc tàu điện, xe buýt, cứ hú một cái các ông tụ lại chẳng lâu lắt chi – thôi thì “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng tốt.


Từ ngày lập nên “Đội Ngũ” - nhóm 5 trự – các ông vui lắm. Ai nấy đều bảo rằng chính đội ngũ đã cứu mình ra khỏi buồn bực, thậm chí khỏi trầm cảm và tệ nhất là có ông định “bỏ quách xứ màu mỡ để trở về cố hương” nhưng nhờ nhóm mà ngừng ý định. Mỗi ông mang một tâm sự – nỗi niềm biết tỏ cùng ai! Ấy chính lý do đó mà họ gặp nhau ăn sáng vào buổi cuối tuần để tán chuyện gẫu chứ không lạm bàn quốc sự – xin làng nước hiểu cho.


Mỗi người mỗi tánh; gia cảnh, trình độ, sở thích khác nhau; công việc trước đây cũng khác nhau nữa. Có ông về VN như cơm bữa, có ông chẳng rời chân khỏi đất “căng ga ru” lấy 1 ngày, có ông đã đi du lịch Âu Mỹ mòn cẳng. Gặp nhau để “xả bầu tâm sự”. Các ông đã cam kết “Mỗi khi chúng ta ăn, uống ở ngoài, nhất định ăn, uống giống nhau” - đấy là sự bày tỏ đồng nhất và thiết hữu của “Đội Ngũ”. Các ông cũng cam kết khi tán gẫu, bàn chuyện, nhất định chỉ góp ý chứ không tranh luận để khỏi phân rẽ nội bộ hoặc làm mất tình hòa khí mà các ông quý hơn vàng, hơn các bà thích hột xoàn.

 

 

Trên trời có vảy tê tê

 

Như đã chia phiên, tuần này đến lượt ông Út trình làng một câu chuyện. Nhấp ngụm cà phê Ý lần nhì, ông Út cất giọng đọc hai câu ca dao:
 

“Trên trời có vẩy tê tê
Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.”

 

Không ai bảo ai, bốn ông kia nhanh miệng phụ họa theo:
 

“Một vợ tát nước bờ ao
Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
Một vợ thì đi buôn bè
Sóng to, gió lớn nó đè xuống sông.
Một vợ thì đi buôn bông
Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
Một vợ thì đi buôn vôi
Gặp nước tung tóe nó sôi ầm ầm.
Một vợ thì đi buôn mâm
Dè đâu mâm thủng lại nằm ăn toi.
Một vợ thì đi buôn nồi
Bị ngay nồi méo, có nồi thiếu vung.
Một vợ thì đi buôn hồng
Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!”

 

Không đợi bất kỳ câu hỏi nào, ông Út phá lên cười và tỏ bày:
- Thưa quý anh, em đây không nói tới chuyện của ông bảy vợ thời đa thê mà chẳng nên bột nên đường; nhưng nói chuyện thời nay, ở xứ sở này tuy cấm nhiều vợ thế mà ông nọ lách cách tài tình để có bảy vợ và em nghi còn nhiều hơn thế, các anh ạ.


Và rồi ông Út thao thao kể…


Sau một thời gian định cư trên đất Úc, ông A ở vào hàng tráng niên, cỡ 50 gì đó tự dưng rời bỏ người vợ “không hôn thú” và ba con, một trai, hai gái - không may một trong hai gái lại có cô “nghễnh ngãng” dường như có vấn đề trong não bộ - để ra ở riêng. Gia đình hiểu việc tách riêng này sẽ giúp cho vợ con không lệ thuộc vào ông nên bà nhà có thể xin đứng ra chăm sóc con gái “kém hiểu biết” mà nhận trợ cấp cả mẹ lẫn con.

 

Được tự do, không khác gì chim xổ lồng, ông đến chia phòng với một bạn “đực rựa” ngang tuổi tác và ông bạn này cũng cùng hoàn cảnh “ra riêng” như ông. Vẫn tiếp tục đi làm hãng, nhưng ông lấy phép nghỉ để về Việt Nam hai hoặc ba lần một năm. Người ta bắt gặp ông cặp được một bà.

 

Vì ông là “trai tân” (chưa có vợ theo hôn thú) nên việc cưới một bà để hú hí cho ấm áp những tháng mùa đông tại Úc không khó. Đám cưới diễn ra bên VN, nghe nói cũng lớn lắm vì bà nọ có gia sản của chồng để lại sau một tai nạn xe hơi đã thiệt mạng. Hình ảnh đầy đủ, đi lại với nhau gần một năm, giấy tờ thông suốt nên ông xin “đưa nàng về dinh” được Bộ Di trú Úc “Ok”.

 

Cặp đôi nửa chừng xuân này ăn ở với nhau đúng hai năm, có được một mụn “con mọn”, bắt đầu lục đục. Bà trách cứ ông sao cứ thường vắng nhà. Bà không màng đến đồng lương của chồng vì lợi nhuận từ trang trại của bà bên VN đủ cung cấp bà (mới vừa qua tuổi 45) và con dại (mới tròn một tuổi) một cuộc sống sung túc. Chính ngôi nhà bà và ông A đang ở cũng do tiền bà mang theo khi “di dân dạng hôn nhân”.

 

Thế rồi, một hôm ông nạt nộ to tiếng với bà. Bà nức nở khóc. Hàng xóm nhạy cảm gọi báo cảnh sát. Họ đến và lập biên bản nhưng bà nói là xích mích nhỏ, không có bạo hành. Ông A cay cú bà rồi bỏ đi cũng như đã bỏ người vợ không hôm thú trước đây.

 

Người ta thấy, ông A dạo này ăn diện, tập tành hát karaoke cùng bè bạn. Trong số này cũng có đôi ba bà rất tự do và hơ hớ; không hiểu thuộc lớp chồng bỏ hay bỏ chồng. Ông A cặp được một bà. Họ “hùn hạp” với nhau mọi thứ chuyện trên đời nghĩa là từ tình cảm đến vật chất. Thời này mạng xã hội đã thịnh hành, ông A và “cô vợ ngoại hôn” mở Facebook đưa hình ảnh thắm thiết lên.

 

Bà vợ có hôn thú của ông A nhìn hình ảnh trên Facebook của “chồng” mà tức “ứa gan”. Bà gặp luật sư và đơn xin ly thân, ly dị khởi sự vì được cho biết không còn lý do nào ảnh hưởng tới việc định cư của bà trên đất Úc nếu bà và ông A chia tay.

 

Ông A không tỏ ra buồn  bã mà ngược lại còn vui khi được báo cho biết có đơn xin ly hôn của vợ. Tất nhiên ông thuận ý. Lại thêm một lần, ông A không còn ràng buộc bởi hôn nhân.

 

Cái tin ông A được “tự ro” lan ra. Tại các hội đoàn, hội quán, nhóm chơi nhạc mà ông A thường  hay  lui  tới, ai cũng biết điều này; thậm chí còn có người chúc mừng ông nữa! Ai cũng ngóng xem chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai – một tương lai rất gần – đối với ông ta.

 

Sắp rời khỏi hàng ngũ U60, ông A đã chung sống với 3 phụ nữ - còn ngoài luồng, có ai nữa không thì khó biết bởi vì ông ưa la cà, nay chỗ này mai chỗ nọ. Tội nghiệp cho các bà tin vào miệng lưỡi dẻo quẹo và ngọt lịm của ông mà "trao thân gửi phận" cho ông để rồi không sớm thì muộn cũng rã. Bạn thân của ông   A kể rằng ông ta mạnh mẽ chuyện đàn ông lắm lắm. Thời trai trẻ, ông ta dám "đêm bảy, ngày ba, ra vô không kể" - đó là điều ông khoe với mấy ông bạn thân - thật dối thế nào, không ai rõ; chỉ biết ông không mệt mỏi "quyến rũ" các bà. Ông có tánh đứng sát người đối diện để nói năng, tay nhẹ nhàng vuốt trên lưng ra chiều ưu ái. Bà, cô nào thấy điều ấy sỗ sàng thì gạt ra và tránh xa... khỏi phải sa bẫy ái tình.

 

Thoát khỏi dây xích chứng thư hôn nhân theo pháp lý, ông A đổi “gu”. Lúc này ông thích mấy cô qua Úc bề ngoài là du học, bề trong là mong được ai đó “đứng ra cưới” để được ở lại. Các cô cũng tụ thành nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, chỉ vẽ hoặc giới thiệu cho nhau. Tìm một con nai “ngơ ngác” đã qua tuổi dậy thì, không khó. Chẳng mấy chốc, ông A thỏa lòng với tiếng “chú, chú, em, em” từ đối tượng; ông A cười tít mắt. Người vợ hờ không biết mà có biết cũng chẳng quan trọng gì miễn sao ông vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà.

 

Tới tuổi nghỉ hưu, do ông sanh trước năm 1964, chính phủ Úc cho phép ông A rút trọn số tiền trong quỹ hưu bổng của mình để mua một căn hộ. Lần này, nhất là đang lúc quen biết một số em trẻ, nên ông không mua nhà mà mua một “apartment delux”. Các em thấy một nơi ở sang trọng nên lé mắt, bám lấy “anh già” sát nút. Các em quần cho “chú” nhiều trận tơi bời toát mồ hôi. Ông A đem chuyện phòng the kể lại người bạn sành đời, mới hay các em muốn ông “ngủ” sớm để chiếm đoạt căn hộ cao cấp; bởi luật pháp xứ này công nhận sự ràng buộc của nam nữ nếu đã sống với nhau trên nửa năm bất kể có làm hôn thơ giá thú hay không. Ông A hoảng hồn, gọi công ty địa ốc quen thuộc bảo “urgent sale” rồi ông dông tuốt về VN ẩn náu.

 

 

Nhờ hưởng tiền già qua Bộ Cự chiến binh Úc nên ông có thể ra sống nước ngoài thoải mái. Tiền trợ cấp vẫn vào tài khoản của ông đều đặn 2 tuần 1 lần. Với số tiền trên 500 đô một tuần tương đương 8 triệu đồng VN, vị chi hơn 30 triệu một tháng nên ông được liệt kê vào dạng Việt kiều xộp. Với số tiền tuy nhiều gấp ba công nhân viên trung bình tại VN, không thể cho ông tậu xe hơi nhưng ông đủ lực mướn một căn nhà ở ngoại biên Sài Gòn, một người làm trong việc chợ búa, bếp núc, và giặt giũ.

 

Ông vẫn thói nào tật ấy, thích ra ngoài săn mồi. Nhìn ông A, tuy mái tóc hơn hai phần ba đã rắc muối tiêu, nhưng thân thể còn “tráng kiện”, bóp ở túi sau lại phồng; gái tơ thì có thể khó, gái lỡ thời thì khối. Ông A chơi lại Facebook với tên khác, đưa ảnh của ông chụp cách lúc đó cũng 5 năm, đội nón kết, đeo kính mát lên… xin kết bạn… chỉ thời gian ngắn, vô số lời ngỏ để ông tuyển. Mác Việt kiều Úc xem vậy cũng có giá! Cuối cùng ông A kết một phụ nữ miệt vườn, mặt trái soan tươi sáng, nước da ngăm ngăm nhưng có duyên, nói nặng dịu dàng, tánh tình chân chất. Đã đến lúc ông muốn buông cương ngựa, muốn ngồi trên đám mạ non, nhìn con cò trắng lượn đảo trên không trung.

 

Một năm ông trở về quê hương thứ hai – nhưng là quê hương "cung phụng" và nuôi ông sống; còn quê hương thứ nhất giờ đây chỉ là nơi hồi niệm về thời để chỏm, tắm mưa.

 

Ai quen biết ông A cũng đoán già đoán non rằng ông ta đã đến lúc “mỏi gối chùn chân”. Nghe được, ông vội tuyên bố to đùng để nói lại cho đúng: “Không, tớ còn khỏe. Ngừng sao đặng”. Rồi nhân đó, ông tiết lộ hai điều kín đáo không ai biết trong cuộc đời tình ái của ông.

 

Số là, trước khi vươt biên, ông có người bạn gái. Một tuần trước khi phải thay đổi chỗ ở để  tới nơi gần điểm xuất phát ra khơi, hai người họ gặp nhau. Qua lời hứa hẹn và bàn tay “quỷ khóc, thần sầu” của ông , người con gái ấy đã nhẹ dạ trao cái ngàn vàng cho ông. Thế là cô ta thành người vợ không hôn thú của người đàn ông ngoài 30 tuổi. Tới đảo tỵ nạn, ông mới biết muốn được vào đệ tam quốc gia không dễ. Ngày tháng chờ đợi, ông quên dần người con gái nhẹ dạ kia. Ông phải vào rừng kiếm củi, xuống xóm nhà dân hải đảo xin nước ngọt đem về trại. Ông càng buồn lo hơn nữa khi có tin các phái đoàn phỏng vấn nhận dân tỵ nạn hầu như đều từ chối đàn ông độc thân vượt biển tìm tự do một mình, không gia đình thân thích cùng đi. Ông lanh trí (tài của những chàng đào hoa), nhờ cái khó nó ló cái khôn, ông làm quen bằng cách sốt sắng giúp đỡ một gia đình vừa “đổ bộ” lên đảo, gồm hai vợ chồng trên 50, có hai con gái tuổi dưới 30. Ông tấp vào gia đình này và từ đó có tên chung một danh sách. Ông cảm tình với cô chị và trở nên vợ chồng “ngầm” khi được Úc nhận gia đình này vào Úc với mã số ưu tiên vì chủ gia đình là một thông dịch viên cho một đơn vị Công binh của quân đội Hoàng gia Úc tham chiến tại VN (khoảng 1962-1969) ở khu Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy ông và con gái “ân nhân” không hôn thú. Khi vợ chồng ông đã có được hai con và đang chuẩn bị đón đứa thứ ba, ông A léng phéng bên ngoài quen được một cô gái khi hai người cùng học tại lớp Thông dịch viên của một trường Cao đẳng TAFE. Ông giở màn dối trá là “chưa vợ” mà thực sự phải là “vợ chửa” để quyến dụ cô. Họ đã trở nên khắng khít, từng lén lút đến với nhau với một kế hoạch “không để dính bầu”. Chuyện chưa đổ bể, thì cô ta được bố mẹ ở bên Mỹ bảo lãnh qua đoàn tụ.

Ông Út chép miệng:

-Tóm lại, ông A này đã trải nghiệm tình ái qua sáu, bảy phụ nữ, tuổi tác khác nhau, địa vị khác nhau. Nhưng có lẽ đều chung một tật "mê ông ta". Có người cho rằng ông A có tài chinh phục, chắp tay tôn ông làm "sư phụ"; có người thì rủa ông  ta là thứ "bướm ong, bội tình, bạc nghĩa, là thứ không nên kết bạn".

 

Chúng ta đây nghĩ thế nào, thưa anh Cả?

 

-Chẳng có gì phải nghĩ. Đừng ganh tị. Phần số ông ta lắm vợ, duyên nợ đàn bà ông ta phải gánh. Để rồi lúc bóng ngả xế chiều... ông ta sẽ thấm. Thôi thì...

“Trên trời có vẩy tê tê

Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.” ª