Tại một quán điểm tâm, chung quanh chiếc bàn tròn kê gần cửa, năm ông đầu bạc ngồi chờ dịch vụ sau khi đã gọi cà phê phin, bánh mì giòn, trứng ốp-la cho bữa ăn sáng nay – ngày thứ Bảy ấm áp.

 

Đây là một nhóm bạn cao niên thân thiết. Họ gặp nhau trong đồng cảnh ngộ – đều là di dân đến xứ người vì muốn tự do, muốn đổi đời. Tuy tuổi tác ngang nhau, nhưng thực tế vẫn có ông già nhất mang tên Cả, ông trẻ nhất tên Út, và ba ông còn lại lần lượt được gọi là Trỏ, Giữa, Nhẫn. Coi mặt đặt tên nên dễ nhận dạng.

 


Ở nước nhà, mỗi ông mỗi miền, họ chưa hề gặp nhau một lần. Nay trên “đất khách”, được biết nhau đôi ba lần qua sinh hoạt cộng đồng, chùa chiền hay nhà thờ, hội thánh nên kết bạn. Dù không cư ngụ sát nách nhau, nhưng nhờ có xế hộp hoặc tàu điện, xe buýt, cứ hú một cái các ông tụ lại chẳng lâu lắt chi – thôi thì “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng tốt.

 


Từ ngày lập nên “Đội Ngũ” - nhóm 5 trự – các ông vui lắm. Ai nấy đều bảo rằng chính đội ngũ đã cứu mình ra khỏi buồn bực, thậm chí khỏi trầm cảm và tệ nhất là có ông định “bỏ quách xứ màu mỡ để trở về cố hương” nhưng nhờ nhóm mà ngừng ý định. Mỗi ông mang một tâm sự – nỗi niềm biết tỏ cùng ai! Ấy chính lý do đó mà họ gặp nhau ăn sáng vào buổi cuối tuần để tán chuyện gẫu chứ không lạm bàn quốc sự – xin làng nước hiểu cho.

 


Mỗi người mỗi tánh; gia cảnh, trình độ, sở thích khác nhau; công việc trước đây cũng khác nhau nữa. Có ông về VN như cơm bữa, có ông chẳng rời chân khỏi đất “căng ga ru” lấy 1 ngày, có ông đã đi du lịch Âu Mỹ mòn cẳng. Gặp nhau để “xả bầu tâm sự”. Các ông đã cam kết “Mỗi khi chúng ta ăn, uống ở ngoài, nhất định ăn, uống giống nhau” - đấy là sự bày tỏ đồng nhất và thiết hữu của “Đội Ngũ”. Các ông cũng cam kết khi tán gẫu, bàn chuyện, nhất định chỉ góp ý chứ không tranh luận để khỏi phân rẽ nội bộ hoặc làm mất tình hòa khí mà các ông quý hơn vàng, hơn các bà thích hột xoàn.

 

 

Một chiến lược trong cuộc đời.

 

 

Hôm nay ông Giữa sẽ kể câu chuyện về một phụ nữ mà ông biết và hiểu rõ từ ngày bà đặt chân lên đất nước này ở khoảng tuổi ngoài 30 cho đến ngày bà xin sang định cư với gia đình con gái ở xứ khác khi đó cũng vừa qua 60.

 

Đó là câu chuyện của bà xin tạm gọi là Bốn. Bà Bốn viết thư từ đảo tị nạn Bi Đông (Bidong, Terengganu, Malaysia), nơi gia đình chị ruột vừa rời để đến đây định cư do người cháu họ làm giấy bảo lãnh. Vì mới chân ướt chân ráo ở nơi đất lạ quê người chưa đầy ba tháng, bà Ba cùng chồng không làm gì hơn được, đành hứa hẹn với em gái cho qua nhưng cũng nhắn cho biết nếu quốc gia nào nhận thì cứ đi, đừng chần chờ, riêng muốn sum hiệp với chị thì dường như phái đoàn của nước này chỉ chú ý đến những người tị nạn có gia đình, ít muốn tiếp người độc thân.

 

Bà Bốn khi vượt biển tìm tự do, đâu có là phụ nữ một thân một mình; bà có chồng cùng đi. Nhưng không may, thuyền của bà bị hải tặc Thái dí đuổi; nên nhiều người khỏe mạnh phải lên mạn thuyền cầm gậy gộc, dao súng ứng chiến phòng khi bọn hải tặc xông tới. Thuyền chạy hết tốc độ, người đứng chen chúc khiến ông chồng bà Bốn cùng một người khác té nhào xuống biển. Bà Bốn trở nên độc thân.

 

Bà Bốn gặp được gia đình bà Ba tại đảo Bi Đông thì mừng lắm. Chị em mừng mừng tủi tủi. Lúc này, bà Ba cùng bốn con, tuổi dưới 20, nôm nốp chờ người thân từ bên Mỹ bảo lãnh. Họ nghe đồn “đến Mỹ sướng lắm”; do vậy hầu như bà và con chỉ chầu chực trước lều trại của phái đoàn Mỹ chứ không ngó ngàng đến các quốc gia thứ ba khác. Ông chồng bà Ba, vốn là nhà xuất nhập cảng máy may Singer, phụ tùng xe hơi Peugeot, Renault, nói tiếng Pháp làu làu, cho rằng đến Pháp quốc hoa lệ thì hơn. Sự lưỡng lự của họ làm cho dãi dầu chuỗi ngày khổ cực trên đảo gần hai năm rưỡi. Số vàng mang theo phải đem ra bán để có cơm cá, thịt thà; chứ thiếu thốn trăm bề như những người dân tị nạn khác chắc họ không kham nổi. Tuy nhiên, sức chịu đựng của người tị nạn có hạn, hơn nữa Cao ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc thay đổi quan niệm “đã xin tị nạn thì không có quyền chọn lựa nơi đến; ai không chịu đi, cho ở lại đảo vĩnh viễn”; điều này làm gia đình bà Ba “vỡ mộng Hoa Kỳ”; ông Ba vội vàng liên lạc với người cháu họ tại Úc để bảo lãnh cho gia đình ông. Âu cũng là Trời giúp, chỉ hai tháng sau, gia đình ông bà Ba được đặt chân tới Sydney. Một căn nhà do hội Vincent de Paul đã chuẩn bị cho gia đình này tại nội thành Tây Nam Sydney, vùng Pymont. Một tuần trước, vợ chồng cháu họ ông Ba và hai bà Úc (Helen và Lynn, vợ của hai doanh nhân Úc sống tại vùng Wahroonga và Tarramurra, Bắc Sydney) trong hội Vincent de Paul, lau chùi sạch sẽ, sắm thực phẩm đầy ắp tủ… nệm ấm, chăn êm, khăn lông, sà bông thơm, bàn chải… để đón gia đình ông Ba. Người Úc, quen thân của gia đình cháu họ của ông Ba, gồm ông bà Tiến sĩ H., thuộc Tin Lành Anh giáo, ông bà Nha sĩ B., Tin Lành Trưởng Lão, nội trong tuần đầu cũng đến chào mừng và tặng quà gia đình mới nhập cư Úc.

 

Tất cả những tin tốt đó chắc chắn được kể rất chi tiết cho bà Bốn - như thêm động lực và thúc giục bà Bốn tìm mọi cách để thỏa đáng điều kiện của phái đoán Úc.

 

Không lâu, bà Bốn báo tin đã tái giá. Đám cưới đơn giản trên đảo diễn ra, bà Bốn đã có đôi. Bà Ba một lần nữa nhờ cháu họ giúp. Lại cũng do Ông Trời phù trợ, nên đơn xin bảo lãnh được chấp thuận. Phái đoàn Úc mời bà Bốn và chồng đến làm thủ tục nhập cư.

 

Chúa nhật kế ngày chị em bà Ba đoàn tụ tại một quốc gia phồn thịnh, an bình, ông Ba nói với cháu họ đưa gia đình ông đến nhà thờ để tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời. Nhằm hôm đó là Chúa nhật đầu tháng, trong lễ thờ phượng có Tiệc Thánh, ông Ba đứng lên nhận Tiệc Thánh (bánh mì không men và nước nho) cứ như là một tín đồ ngoan đạo mà thực sự ông chưa hiểu giáo lý của đạo Cơ Đốc.

 

Hai năm sau, ông bà Bốn sanh được bé gái. Khi bé gái chưa đầy một tuổi, ông Bốn gặp tai nạn xe trong một đêm đi làm Bưu điện về và qua đời bởi thương tích quá nặng. Bà Bốn trở nên “mẹ góa con côi”. Khi ấy, người trong gia đình mới lòi ra cái tin “nó có số sát phu”! Thời gian này, người Việt định cư chưa đông, nhưng vẫn thường gặp gỡ nhau qua những bữa ăn ngoài trời cuối tuần. Cũng là dịp để người độc thân này “nhắm nhứ” người độc thân khác. Bà Bốn không được ai chú ý vì “cái số của bà” mà gia đình chị để lọt ra ngoài, chứ bà cũng duyên dáng, khéo ăn nói lắm!

 

Thấy ở chung với chị và lại có con mọn nên bất tiện. Bà Bốn âm thầm lên kế hoạch cho đời mình. Bà có được việc làm ở dưới phố. Mỗi ngày bà Bốn bắt xe buýt đi và về. Tại trạm đón xe gần nhà anh chị, bà Bốn chú ý tới một ông Úc, lớn hơn bà trên chục tuổi. Bà mon men hỏi chuyện trong lúc chờ xe, ông này vui vẻ đáp lại. Chẳng bao lâu, họ hẹn hò nhau và kết cuộc ông mời bà về ở chung. Ông là người dễ chịu, con riêng của bà Bốn cũng được ông xem như con chung. Chỉ có cái tội là ông thích bia, thích rượu mạnh nên thường say túy lúy mỗi buổi tối. Ông Bob say nhưng lành tính, chỉ lừ đừ và gật gù ngủ thiếp chứ không léo nhéo, bí bô, vỗ bàn, đạp ghế như mấy ông chồng vùng Đông Nam Á. Do vậy, cái tật của ông Bob - người Úc, đàn ông thứ ba chung sống với bà Bốn – chẳng những không phiền đối với bà Bốn mà còn là điều bà hài lòng vì cứ như thế dễ thở hơn là “tỉnh táo”… biết đạu theo ông theo bà sớm bởi thâm tâm của bà Bốn cặp với ổng là cốt có chỗ trú ngụ hơn là yêu đương, ân ái!

Ăn ở với nhau đúng một năm, ông Bob mua “ngàn đóa hoa hồng” tặng bà Bốn. Bà Bốn chuẩn bị cơm chiều tươm tất với vài, ba món Á châu đặc biệt để mừng “ngày đôi ta chung sống được tròn năm”. Sau khi bữa ăn, thấy ông Bob vui, bà Bốn thỏ thẻ “Bob à, mình bán căn hộ này để mua một ngôi nhà rộng rãi hơn và có vườn tược nữa”. Bob đáp tỉnh queo “Được chớ, nhưng căn hộ này cứ để nguyên. Em và tôi chung vốn đồng đều, số còn lại cùng đứng ra mượn tiền ngân hàng”. Vậy là bà Bốn thua Bob một keo. Bà cứ nghĩ, Bob đồng ý bán căn hộ (khu bờ miển, ngoại ô phía Nam của thành phố Sydney) để dồn tiền mua căn nhà cho cả hai đứng tên chung; dè đâu “chàng Bob dẫu thường say men rượu nhưng vẫn tỉnh táo men tiền” nên không dại gì làm theo ý bà Bốn.

 

Tuy thế, họ vẫn chung sống bền bỉ với nhau theo “đồng góp, đồng hưởng” chứ không thực hiện phương châm “của chồng công vợ”. Có thể nói đây là một cặp Việt – Úc ở với nhau đến khi đầu bạc không hề có sứt mẻ, cãi cọ. Bà Bốn cho rằng ông Bóp này thuộc hàng “cao số” nên đã trấn áp được “cái số của mình” nên bà cứ ở vậy cho yên thân, không hề “quậy”.

 

Thời gian cứ thế êm đềm trôi và con gái bà lập gia đình với một chàng trai Việt, con người bạn thân của bà hồi học cùng trường trung học với nhau. Chỉ năm sau, bà Bốn ên chức bà ngoại. Cặp vợ chồng trẻ có nhà riêng, cách nơi ở của bà Bốn ông Bob khoảng 30 phút lái xe. Cuối tuần nào ông Bob cũng chở bà Bốn đến chơi với gia đình con, dùng cơm xong thì bày bàn domino đập kêu đôm đốp, tới khuya mới về; hôm nào bà uể oải, ông chưa tỉnh hơi men thì ngủ lại luôn qua trưa Chúa nhật.

 

Khi cháu ngoại của bà Bốn được bốn tuổi, con gái con rể bất hòa; ông Bob bà Bốn bất lực khuyên giải nên họ rã đám. Cô ả hay thật, cô có cậu trai tơ từ bên Mỹ qua hỏi cưới và rồi họ dắt cháu ngoại của bà Bốn lên máy bay rời Úc mặc kệ ngân hàng cho đấu giá căn nhà thế chấp để thu hồi vốn, nếu còn dư chút đỉnh sau khi khứa đôi thì phần cô xin tặng mẹ gọi là “báo dáp công ơn dưỡng dục”.

 

Bà Bốn thấy con rể (ngoài miệng) không nơi cư ngụ nên nói với Bob cho về ở. Bob “Ok” vì ông ta có người “đối tửu” cũng vui.

 

Một gia đình có ba người đi làm, không tiếng con trẻ ê a, nên khấm khá dễ dàng và lần hồi bà Bốn không gặp bà con, không gần cộng đồng, bỏ lần món ăn Việt nấu nướng cầu kỳ, quay qua món ăn Tây gọn gành “làm mau, ăn nhanh và dọn lẹ”. Âu đó cũng bởi da mặt của ông Bob mỗi lúc một chuyển màu từ nước da trắng của người Tây sang màu đỏ như gấc nên sánh đôi với “chồng” thường làm bà ngượng; nhất là ông gặp gặp ai cũng chành miệng nói bằng giọng lè nhè Úc rặc: “Gút-đai, mây” (G’day, mate). Thực quả tội, họ ở xa lắm, cách trung tâm Sydney về hướng tây Nam trên 50 cây số, xem như vùng ngoại biên của cộng đồng người Việt tị nạn.

 

Khoảng 30 năm sau, đột nhiên nhiên người ta thấy bà Bốn báo tin sẽ cùng “con rể ngoài miệng” qua Mỹ sống. Được hỏi nhờ đâu, bà Bốn cười hóm hình “Con gái mình chứ ai trồng khoai đất này”. Vậy còn ông Bob? “Ổng quy tiên rồi”. Bấy giờ bà ở tuổi ngoài 60. Hỏi sâu hơn, bà không ngần ngại cho quay lại đoạn cuối của những ngày vui vẻ với Bob.

 

Ông Bob hơn bà Bốn trên chục tuổi, thích uống rượu, bia. Có được căn hộ vùng biển (đã trả hết nợ thế chấp) nên thu tiền cho mướn được khoảng 2 ngàn đô một tháng, cộng thêm tiền lương của một công chức xuyềnh xoàng giữ kho vật liệu, do vậy xài cách mấy cũng không hết. Nơi ở chung với bà Bốn và có thêm “con rể ngoài miệng” thì mọi chi phí sinh hoạt được chia ba đồng đều. Phần tiền nợ thế chấp tới đoạn cuối này (gần đủ 25 năm) nên chẳng còn là bao nhiêu nên miễn góp cho chàng rể cựu.

 

Bà Bốn hoàn toàn không được ông Bob kể về giòng họ, cứ nghĩ rằng “ông từ lỗ nẻ chui lên”. Tuyệt nhiên chẳng một thân nhân nào gọi điện hay viết thư thăm ông ta. Bà Bốn có hỏi, ông chỉ vẩy tay “Nothing to say, mate” (không có chi để nói). Họ sống với nhau không nồng nàn ngoài mặt, không tha thiết bên trong nhưng vẫn là đôi bóng dưới một mái nhà và giường ai người ấy ngủ.

 

Khi ông Bob đủ 60, ông ta xin nghỉ hưu. Ông không rút tiền hưu bổng làm vốn mà để Sở hưu bổng cấp tiền cho ông sống – sung túc hơn hưởng tiền già của Bộ Xã hội. Không đi làm, ông Bob có nhiều thì giờ rỗi rảnh tại nhà; bà Bốn chưa tới tuổi hưu nên vẫn đi cày. Từ ngày đó, ông Bob gia tốc cơn say… Hơn mười năm sau, ông bị đột quỵ và qua đời tại bệnh viện. Bà Bốn hú hồn - nếu ông Bob bị liệt nằm một chỗ thì gánh nặng ngàn cân sẽ trút trên đôi vai gầy guộc của bà.

 

Vì ông Bob không người thân, bà Bốn cũng chẳng muốn cho người quen mình biết tin buồn “ông Bob qua đời”, nên lặng lẽ chọn thủ tục đơn giản nhất cho việc chuyển hoa kiếp người của ông ta. Nhà quan nhận thi thể ông Bob và âm thầm đưa đi hỏa thiêu sau khi bà dBốn rơi lệ xót thương đặt một bó hoa hồng trêm quan tài ông Bob.

 

Bà Bốn hoàn tất mọi thủ tục pháp lý với sự trợ giúp của văn phòng luật để nhận căn hộ của ông Bob, tiền còn lại trong ngân hàng của ông Bob và chỉ căn nhà chung sẽ hoàn toàn là của một mình bà. Nếu tính trị giá gia sản này thành tiền theo thời giá, bà Bốn sẽ là tân triệu phú của Úc.

 

Thư qua thư lại với con gái độc nhất đang sống bên Mỹ, bà kể cho cô ả nghe về con số ước tính của tiền bà Bốn có thể có trong tay là gần 2 triệu đô. Chỉ nửa năm sau, bà Bốn cho bán sạch sành sanh những gì thuộc về bà để ôm tiền đô (hoặc chuyển qua ngân hang) đi qua Mỹ vì con gái bà đã xin được chiếu khán nhập cư Mỹ cho mẹ và chồng cũ. Xin như thế nào để có visa, bà Bốn không kể.

 

Vậy là bà Bốn hoàn tất chiến lược định cư tại Hoa Kỳ sau khi thực hiện những chiến thuật cư trú tại Úc từ việc có nơi ở yên ấm, đến lúc gom thu được tài sản không tốn mồ hôi sức lực! Chừ đây, khen hay chê hỉ!