Marianna Spring
Phóng viên điều tra mạng xã hội - BBC
Dù không có nhiều người dùng bằng một số nền tảng mạng xã hội lớn khác, X dường như có tác động đáng kể đến các cuộc thảo luận chính trị. (Ảnh: BBC Việt ngữ)
Tỷ phú Elon Musk đã ca ngợi Twitter là một pháo đài của tự do ngôn luận từ khi ông mua lại nền tảng mạng xã hội này hai năm trước.
Tuy nhiên, trong năm 2024, X, tên gọi mới của Twitter, đã thay đổi, từ một thứ giống như một quảng trường cộng đồng thành một trung tâm phân cực, nơi hội tụ những bài viết và quan điểm đầy tranh cãi.
Gần đây, một vài trương mục (tài khoản) chia sẻ những quan điểm chính trị và tin tức gây hiểu nhầm, thậm chí bị cáo buộc kích động thù hận, đột ngột trở nên nổi bật.
Những điều này là rất đáng quan tâm vì X, dù không có nhiều người dùng bằng một số nền tảng mạng xã hội lớn khác, dường như có tác động đáng kể đến các cuộc thảo luận chính trị.
X không chỉ là nơi nhiều chính trị gia tên tuổi, cơ quan chính phủ, và lực lượng cảnh sát đưa ra thông báo và bày tỏ quan điểm, mà chủ sở hữu của X, ông Musk, cũng đã công khai liên kết với ông Donald Trump – điều có thể tái định hình cách các lãnh đạo của những nền tảng mạng xã hội khổng lồ khác ứng xử với vị tổng thống Mỹ kế nhiệm.
Điều gì gây ra làn sóng thay đổi này? Phải chăng là do nhân khẩu học của người dùng X trong năm qua thay đổi – hay đó là kết quả của những quyết định có chủ đích từ ban lãnh đạo?
Sự trỗi dậy của 'truyền thông' Twitter
Hai tháng trước, trương mục (tài khoản) Inevitable West không tồn tại trên X.
Giờ đây, trương mục (tài khoản) này tự nhận mình là "Người bảo vệ các giá trị và văn hóa Tây phương " này có 131.600 người theo dõi (con số này đang tăng nhanh chóng).
Mỗi ngày, những bài đăng trên Inevitable West thu hút 30 triệu lượt xem, theo chia sẻ của chủ trương mục (tài khoản).
Chính ông Musk từng phản hồi một số bài viết của Inevitable West trên X.
Trong một số bài đăng gần đây của trương mục (tài khoản) này, thường đi kèm những dòng chú thích phong cách tin nóng, có một video giả quay cảnh ông Trump nói với thủ tướng Anh rằng "[tôi sẽ] xâm chiếm đất nước của ông và làm cho nước Anh vĩ đại trở lại."
Inevitable West cũng đăng một số bài viết ủng hộ nhân vật hoạt động cực hữu Tommy Robinson, cũng như một số thông tin sai lệch đã bị vạch trần về việc nông dân Anh biểu tình và một vụ tấn công bằng dao tại thị trấn Southport (Anh) khiến ba trẻ em thiệt mạng trong một buổi tập nhảy theo chủ đề Taylor Swift.
Ông Elon Musk đã mua lại trang Twitter vào năm 2022
Ông Elon Musk đã mua lại Twitter vào năm 2022. Getty Images
Trương mục (tài khoản) này phủ nhận những cáo buộc phát tán thông tin sai lệch và kích động lạm dụng hoặc bạo lực.
Chủ trương mục (tài khoản) nói với tôi, "Mục đích của trương mục (tài khoản) X của tôi là trở thành tiếng nói của số đông thầm lặng ở Tây phương ".
Người này từ chối công bố danh tính khi chúng tôi trò chuyện trực tuyến, nhưng tự nhận là "thuộc thế hệ Gen Z" và "không phải người Nga".
Người này lập luận, "Thông tin và ý kiến không kiểm duyệt ắt sẽ khiến Mỹ, tất cả Tây phương và Âu châu dịch thêm về phía cánh hữu, [điều đã được] chứng minh qua chiến thắng của ông Donald Trump và sự trỗi dậy của cánh hữu tại châu Âu,"
"Trên phạm vi toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc các chính trị gia và lãnh đạo tham nhũng sẽ bị phơi bày".
Người này dường như coi sự nổi tiếng của Inevitable West như biểu trưng cho "cái chết" của thứ mà người này gọi là "truyền thông chính thống".
Điều đó có lẽ không đáng ngạc nhiên, đặc biệt là sau cuộc bầu cử Mỹ, chính ông Musk đã nói với người dùng X:
"Bạn chính là Truyền thông Hiện thời."
Từ dấu tích xanh tới lượt thích: những thay đổi của X
Khi mới mua lại Twitter, ông Musk nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện đầy đủ mọi quan điểm chính trị và phản đối việc các công ty truyền thông xã hội và chính phủ kiểm duyệt thông tin.
Ngay lập tức, những thay đổi đã được thực hiện, bao gồm việc cắt giảm nhân sự số lượng lớn và điều chỉnh các chính sách quản lý nội dung về các vấn đề như thông tin chính trị sai lệch.
Ngoài ra cũng có hàng loạt thay đổi về bản chất của bảng tin, gồm việc tạo ra hai mục riêng biệt: "Theo dõi" (Following), hiển thị nội dung từ các trương mục (tài khoản) bạn theo dõi, và "Dành cho bạn" (For You) có nội dung do thuật toán đề nghị, tương tự như TikTok.
Chụp lại hình ảnh,Ông Musk công khai ủng hộ ông Trump từ tháng Bảy. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhưng, trong năm 2024, X đã có một làn sóng thay đổi khác, mang tới những biến chuyển sâu sắc hơn.
Tính năng chặn trương mục (tài khoản) đã được thay đổi – ngay cả khi bạn chặn một trương mục (tài khoản), trương mục (tài khoản) đó vẫn có thể xem nội dung bạn đăng tải. Trong khi đó, số lượt thích không hiện công khai nữa.
X vẫn duy trì ghi chú cộng đồng (community notes), một tính năng cho phép người dùng đóng góp thông tin nhằm kiểm chứng hoặc phản biện nội dung các bài đăng.
Người dùng X hiện cũng có thể bỏ tiền để mua dấu tích xanh, thứ từng được cấp miễn phí và là một chỉ dấu xác nhận danh tính trương mục (tài khoản).
Hiện tại người dùng phải trả phí hàng tháng để đăng ký (ghi danh) X Premium và nhận dấu tích xanh. (Có ba mức phí - ở Anh, mức Cao cấp hiện có giá khoảng 10 bảng Anh/tháng, tức khoảng 320.000 đồng)
Các trương mục (tài khoản) Premium nhận nhiều quyền lợi và trở nên nổi bật hơn, đồng thời có thể kiếm tiền qua những tương tác họ có với những trương mục (tài khoản) có dấu tích xanh khác.
Kể từ tháng Mười 2024, X đã sửa quy định – doanh thu của các trương mục (tài khoản) cá nhân không chỉ dựa vào quảng cáo mà còn bao gồm lượt thích, chia sẻ và bình luận từ các trương mục (tài khoản) Premium khác.
Chụp lại hình ảnh,Ông Mark Zuckerberg phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của Meta. Ảnh: GETTY IMAGES
Đương nhiên, các nền tảng mạng xã hội khác cũng cho phép người dùng kiếm tiền từ các bài đăng và qua việc chia sẻ nội dung được tài trợ - điều này không hiếm – nhưng phần lớn các nền tảng lớn đều có quy định cho phép họ tắt tính năng kiếm tiền hoặc tạm khóa những trương mục (tài khoản) đăng tải thông tin sai lệch.
X không có quy định tắt tính năng kiếm tiền đối với những trương mục (tài khoản) như vậy, dù X có cho phép người dùng thêm mục ghi chú cộng đồng vào những bài đăng gây hiểu nhầm hoặc có thông tin sai lệch.
X cũng không cho phép các nội dung "truyền thông gây hiểu lầm" (như video bị chỉnh sửa hoặc giả) mà "có thể gây nhầm lẫn diện rộng về các vấn đề công cộng, ảnh hưởng đến an toàn công cộng hoặc gây hại nghiêm trọng".
Theo Inevitable West, X có thể trở thành một công việc. Chủ trương mục (tài khoản) này nói với tôi rằng nếu đăng khoảng bảy bài mỗi ngày thì có thể kiếm về tối thiểu "2.500 USD mỗi tháng" (khoảng hơn 63 triệu VND).
Người này cũng nói rằng mình biết một trương mục (tài khoản) khác kiếm được khoảng "25.000 USD" (khoảng hơn 630 triệu VND) mỗi tháng – đề cập tới một trương mục (tài khoản) dường như có 500.000 người theo dõi và đăng "khoảng 30" bài viết mỗi ngày.
Thuật toán có thay đổi không?
Việc một website thay đổi thuật toán (hoặc hệ thống gợi ý), ví dụ theo hướng thúc đẩy hoặc có lợi cho một số bài đăng, cũng sẽ mang tới những thay đổi.
Chưa rõ là liệu điều đó có thuộc trường hợp này hay không.
Đúng là tôi có nhận thấy sự đa dạng của các bài đăng được đề nghị trong mục "Dành cho bạn" bây giờ có sự khác biệt so với thời điểm một năm trước.
Đây là điều tôi đã phân tích trong một "Dự án Cử tri Ngầm". Tôi đã tạo ra và điều hành các trương mục (tài khoản) mạng xã hội của hơn 20 nhân vật hư cấu, sống ở Mỹ và Anh, có quan điểm trải khắp dải phổ chính trị.
Những nhân vật này có hồ sơ trên các trang mạng xã hội chính, bao gồm X, cho phép tôi khảo sát nội dung được đề nghị cho những trương mục (tài khoản) khác nhau.
Các trương mục (tài khoản) này để chế độ riêng tư, không có bạn bè và không nhắn tin với người thật.
Chụp lại hình ảnh,Ông Trump và ông Musk trong một sự kiện. Ảnh: GETTY IMAGES
Bất chấp sự khác biệt trong quan điểm chính trị được những trương mục (tài khoản) này thể hiện, tôi nhận thấy trong sáu tháng cuối năm nay, bảng tin trên những trương mục (tài khoản) này chủ yếu là những bài đăng gây chia rẽ, có xu hướng ủng hộ ông Trump hoặc phản đối những chính trị gia và những người trên khắp thế giới mà được coi là không ủng hộ ông Trump.
Tuy nhiên, tất cả những điều này có vẻ là hệ quả của môi trường và các thay đổi rộng hơn trên X thay vì một thay đổi đơn giản trong thuật toán.
Andrew Kaung, người từng là chuyên viên phân tích về an toàn người dùng tại TikTok và cũng từng làm việc tại Meta, đã dành nhiều năm quan sát cách các hệ thống gợi ý có thể được cập nhật và thay đổi.
Ông nói, "Những gì chúng ta đã thấy trên X không chỉ là sự thay đổi của thuật toán, mà còn do sự thiếu hụt các cơ chế an toàn dưới danh nghĩa tự do ngôn luận.”
Ông Musk tham gia cùng một cuộc họp mặt được tổ chức tại Madison Square Garden cùng ông Trump. GETTY IMAGES
Nina Jankowicz là cựu Giám đốc điều hành của Hội đồng Quản lý Thông tin Sai lệch của Mỹ. Hội đồng này được thành lập vào năm 2022 để tư vấn cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ trong các vấn đề bao gồm việc Nga tuyên truyền thông tin sai lệch, và đã bị giải thể sau khi công chúng phản đối vì những lo ngại liên quan đến tự do ngôn luận và tính minh bạch.
Bà lập luận rằng thuật toán của X hiện giờ "ưu ái các thông điệp gây chia rẽ và sai lệch", đồng thời nói rằng những trương mục (tài khoản) đăng tải nội dung ít gây tranh cãi đã bị sụt giảm lượt xem.
"Hệ quả là chính nền tảng tự quảng bá mình là một quảng trường công cộng lại trở thành một môi trường cực kỳ nhân tạo, là một tấm gương đen phản chiếu những phần đáng lo ngại nhất của bản tính con người."
Những người có ảnh hưởng tình cờ
Tôi đã nhắn tin tin cho hàng chục trương mục (tài khoản) lớn khác. Họ nói rằng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trên X thường tới một cách bất ngờ.
"Tôi chưa từng có chủ đích trở thành một influencer (người có tầm ảnh hưởng)," một trương mục (tài khoản) có tên Andi chia sẻ. Anh ta nói mình sống ở New York.
"Nhưng tôi nghĩ đằng nào cũng có nền tảng này rồi, tôi nên cố tận dụng nó cho những mục tiêu của riêng mình."
Anh ta nói mình đã chia sẻ một meme (ảnh/video vui) về sóc sau khi biết có một con sóc bị an tử do người ta lo ngại nó bị bệnh dại. Meme này đã có hơn 45 triệu lượt xem.
Andi so sánh lượng tiếp cận này với Joe Rogan, một người làm podcast nổi tiếng và có 14,5 triệu người theo dõi trên X.
"Tôi không phải Joe Rogan, nhưng thật đặc biệt khi một thứ tôi đăng có thể đạt số lượt xem tương đương [với Joe Rogan] như vậy."
Andi và những trương mục (tài khoản) X khác mà tôi trò chuyện cùng đều tin rằng những thay đổi của X là tốt đẹp vì giờ đây họ có thể đạt lượng tiếp cận họ chưa từng mong đợi.
Cáo buộc kiểm duyệt thiên vị
Trước đó trong tháng này, một vụ tấn công tại một khu chợ ở Đức, khiến 5 người chết và hơn 200 người bị thương, đã được tranh luận sôi nổi trên X.
Nội dung tranh luận chủ yếu xoay quanh nghi phạm, một công dân Đức gốc Ả Rập Saudi
Các công tố viên Đức cho biết cuộc điều tra đang tiếp tục, nhưng cho rằng một động cơ tiềm năng dẫn đến vụ tấn công "có thể là sự bất mãn về cách người tị nạn Ả Rập Saudi bị đối xử tại Đức".
Inevitable West là một trong những trương mục (tài khoản) bình luận: "Truy quét các nhà thờ Hồi giáo. Cấm kinh Koran. Thực hiện trục xuất hàng loạt. Lòng kiên nhẫn của chúng ta đã chính thức cạn kiệt."
Trương mục (tài khoản) này đã bị cáo buộc kích động thù địch do các bài đăng về các vấn đề như nhập cư và tôn giáo. Những trương mục (tài khoản) khác cho rằng điều đó có thể kích động bạo lực.
Inevitable West đáp lại bằng cách nói rằng mình "thực chất đang kích hoạt sự an toàn".
Vào năm 2023, ông Musk đã đổi tên Twitter thành X. NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Khi được hỏi về vấn đề này, Inevitable West nói với tôi rằng mình sẽ nói điều tương tự về các tôn giáo khác.
Một lần khác, họ từng nói sẽ không bao giờ xóa những bài viết của mình – ngay cả khi chúng hóa ra là sai sự thật.
Giữa lúc đó, người dùng khắp thế giới đang đọc bài viết của Inevitable West.
Twitter từ lâu đã hứng chịu những cáo buộc về thiên vị trong phương pháp quản lý nội dung, cả trước và sau khi ông Musk mua lại công ty này, cũng như những nghi vấn về việc liệu Twitter trước đây có hạn chế quyền tự do ngôn luận hay không.
Tôi từng nói chuyện với người trong cuộc ở Twitter về vấn đề này khi thực hiện một cuộc điều tra cho chương trình Panorama được phát sóng vào năm 2023.
Họ nói với tôi rằng, theo họ, công ty sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ người dùng khỏi troll (các hành vi gây rối), thông tin sai lệch do chính quyền điều phối và việc khai thác tình dục trẻ em, cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc cắt giảm nhân sự hàng loạt, bên cạnh những lý do khác.
Lúc bấy giờ, X không phản hồi những lập luận này.
Sau đó, ông Musk đã chia sẻ lại một bài báo của BBC về tập phim Panorama với chú thích: "Xin lỗi vì đã biến Twitter từ một thiên đường dưỡng dục thành một nơi... có những kẻ troll." Ông cũng nói rằng "những kẻ troll khá thú vị."
Lúc khác, ông Musk đã nói rằng mình "không có lựa chọn" nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự của Twitter do thua lỗ tài chính.
Lisa Jennings Young, cựu trưởng bộ phận thiết kế nội dung tại X, người đã làm việc tại công ty này tới năm 2022, nói rằng: "Tôi cảm thấy như thể tất cả chúng ta đang cùng nhau trải qua một thí nghiệm xã hội to lớn [lên nhân loại]."
Bà nói, nó không có một mục tiêu cụ thể,. Thay vào đó, theo bà, nó "không phải một thí nghiệm khoa học xã hội được kiểm soát [mà là một cuộc thí nghiệm] mà tất cả chúng ta đều tham gia".
Bà đánh giá, không ai biết kết quả chung cuộc có thể là gì.
Ông Musk từng nói rằng mình "không có lựa chọn" nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự của Twitter do thua lỗ tài chính. NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Một số người dùng X nói với tôi rằng gần đây họ đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội khác, bao gồm Bluesky.
Bluesky bắt đầu hoạt động vào năm 2019 như một nền tảng truyền thông xã hội "phi tập trung" thử nghiệm do ông Jack Dorsey, cựu giám đốc điều hành Twitter, lập ra.
Nó hiện có hơn 20 triệu người dùng.
Rất khó để xác định chính xác có bao nhiêu người dùng thật đã rời X – hay thực sự số người dùng X đã tăng lên.
Elon Musk và X không trả lời yêu cầu phỏng vấn và các lập luận được nêu trong bài viết này.
Ông Musk trên sân khấu cùng ông Trump trong một cuộc vận động tranh cử. NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
X cho biết ưu tiên của họ là bảo vệ tiếng nói của người dùng và họ có bộ quy tắc về thái độ thù địch, trong đó nói rằng những người dùng "không được nhắm tới người khác bằng việc lạm dụng hoặc quấy rối hoặc khuyến khích người khác làm như vậy".
Phát ngôn viên của X trước đây từng nói với BBC:
"X có sẵn một loạt chính sách và tính năng để bảo vệ thảo luận xung quanh các cuộc bầu cử.”
"Chúng tôi sẽ gắn nhãn những nội dung vi phạm chính sách truyền thông giả và thao túng của chúng tôi, đồng thời xóa những trương mục (tài khoản) tham gia vào việc thao túng nền tảng [X] hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quy tắc của chúng tôi."
X cũng từng nói với Ủy ban Âu châu vào tháng 11/2024 như sau: "[X] phấn đấu trở thành quảng trường của internet bằng cách thúc đẩy và bảo vệ tự do ngôn luận."
Mạng xã hội gặp gỡ ảnh hưởng chính trị
Kể từ cuộc bầu cử Mỹ 2024, X đã khẳng định vị thế của mình là trung tâm cập nhật thông tin chính trị về chính quyền mới của ông Trump.
Từ tháng Bảy 2024, ông Musk đã công khai ủng hộ ông Donald Trump, khi đó là ứng cử viên tổng thống.
Hiện tại, ông đã được đề cử một vị trí trong chính phủ, dẫn đầu một nhóm tư vấn mới có tên là Bộ Chính phủ Hiệu quả (Doge).
Sam Freeman, một cựu nhân viên của Meta hiện là chuyên gia về Tin cậy và An toàn tại Cinder (một công ty tự giới thiệu có mục tiêu tạo ra một môi trường an toàn cho người dùng của các nền tảng trực tuyến), cho rằng điều này sẽ có tác động rộng lớn hơn đến các ông chủ truyền thông xã hội khác.
Ông dự đoán họ "sẽ cần phải có một mối quan hệ cá nhân hơn với chính quyền mới", đặc biệt nếu họ cảm thấy áp lực về quy định và an toàn trực tuyến ngày càng tăng.
Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook (nay là Meta) và sau này đã mua lại Instagram, gần đây đã có bữa tối với ông Trump tại nhà riêng ở Mar-a-Lago của tổng thống đắc cử.
Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok, Shou Zi Chew (Châu Thụ Tư). NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ông Trump từng chỉ trích ông Zuckerberg trong quá khứ, cáo buộc Facebook và một số nền tảng khác có sự thiên vị.
Ông Trump có lần viết, "Facebook, Google và Twitter, chưa kể tới Truyền thông Tha hóa, đều về phe những đảng viên Dân chủ cực tả".
Liệu bữa tối ở Mar-a-Lago có phải một chỉ dấu cho thấy quan hệ đã phóng khoáng hơn?
Một điều chắc chắn là bữa tối này cho thấy Zuckerberg nghĩ rằng việc gần gũi với Trump ít nhiều sẽ đem lại lợi ích cho bản thân.
Tương tự, CEO TikTok Shou Zi Chew (Châu Thụ Tư) cũng được cho là đã gặp ông Trump tại Mar-a-Lago khi công ty truyền thông xã hội này đang chiến đấu chống lại những dự luật cấm TikTok của chính quyền Mỹ.
Chính phủ Mỹ cho rằng công ty mẹ của TikTok, ByteDance, có liên kết với chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả TikTok và ByteDance đều phủ nhận điều này. Tòa án Tối cao sẽ nghe các lập luận pháp lý từ TikTok vào tháng Một, 2025.
Từ trái sang: Nick Candy, Elon Musk và Nigel Farage. NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tại Anh, Đạo luật An toàn Trực tuyến sẽ sớm được thi hành, theo đó các công ty sẽ phải cam kết với cơ quan quản lý Ofcom về cách thức đối phó với các nội dung trái pháp luật và những bài đăng gây hại cho trẻ em.
Ở Úc, các chính trị gia thậm chí còn thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, cuối cùng thì - vì phần lớn các gã khổng lồ truyền thông xã hội có trụ sở ở Mỹ - chính sách của chính phủ và tổng thống Mỹ sẽ có tác động lớn nhất.
Ông Freeman nhận định, "Quan điểm của Trump đối với một nền tảng sẽ quyết định cách thức chính quyền của ông ấy nhìn nhận nó".
Câu hỏi còn lại là: Quan điểm của ông Trump về vấn đề này thực sự là gì - và liệu trong tương lai ông ta có yêu cầu những nền tảng này phải chịu trách nhiệm theo một cách khác hay không?
Dù kết quả thế nào thì chắc chắn tầm ảnh hưởng cũng sẽ rất sâu rộng.
(Theo BBC Việt ngữ)