(Nhận xét của Ban Xét Giải Dịch thuật, Giải Văn Việt lần thứ Ba)

 

Ra đời năm 1949, tiểu thuyết “1984” của Georges Orwell đã nhanh chóng được dịch ra 65 thứ tiếng, là tác phẩm tiếng Anh được dịch nhiều nhất thời kỳ đó. Nó nhanh chóng trở thành một tác phẩm kinh điển thuộc loại tiểu thuyết chính trị và khoa học xã hội giả tưởng.

 

 

NXB Giấy Vụn

 

 

Ảnh hưởng sâu xa của “1984” thể hiện ngay trong việc nhiều từ ngữ tác giả đặt ra đã đi vào ngôn ngữ tiếng Anh: Big Brother, doublethink, thoughtcrime, Newspeak, Room 101, telescreen, 2 + 2 = 5, memory hole… Tính từ Orwellian ra đời, chỉ sự lừa bịp chính thống, sự kiểm soát bí mật, những từ ngữ đánh lạc hướng một cách trơ tráo, và sự thao túng lịch sử ở một nhà nước toàn trị hay chuyên chế.

 

Năm 2005, “1984” được tạp chí Time chọn trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 đến 2005, Công ty xuất bản Random House chọn đứng số 13 trong 100 tiểu thuyết thế giới hay nhất thế kỷ XX, và độc giả chọn xếp thứ 6. Năm 2003, BBC xếp “1984” đứng thứ 8 trong cuộc điều tra dư luận bạn nghe đài.

 

Tháng 11 năm 2011, chính phủ Mỹ tranh biện trước tòa án tối cao về ý muốn tiếp tục chương trình theo dõi cá nhân qua định vị GPS. Thẩm phán Stephen Breyer đã đáp lại: “Nếu vậy, quý vị đột nhiên làm ra một thứ nghe giống như 1984…”.

 

Năm 2013, sau khi rò rỉ thông tin về chương trình giám sát Internet toàn cầu của NSA (Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ), sách “1984” bán tăng gấp 7 lần. Năm 2017, dẫn đầu danh sách sách bán qua mạng Amazon.

 

Bản tiếng Việt “1984” của Phạm Nguyên Trường lần đầu ra mắt trên mạng talawas ở Đức từ năm 2008. Tại Việt Nam, nó được NXB Giấy Vụn ấn hành năm 2012 với lời giới thiệu kết thúc như sau:

 

“1984 của George Orwell miêu tả một xã hội đen tối cùng cực, nhưng nó giúp ta nhận diện sâu sắc chế độ toàn trị, để chúng ta có thể thấu hiểu và tránh lặp lại nó, cũng như giúp ta sửa chữa những sai lầm còn tồn đọng mà ta không thể hoặc không dám nhìn thấy. Hiểu theo nghĩa đó, cuốn tiểu thuyết gây ớn lạnh của George Orwell chính là một thông điệp của hi vọng.”

 

Bản dịch đăng trên Văn Việt đã được chuyên gia thẩm định về tiếng Anh, nhà thơ & dịch giả Trịnh Y Thư (Hoa Kỳ) nhận xét:

“Bản dịch đã bám sát nguyên tác và lột tả trọn vẹn điều nguyên tác muốn trình bày. Bản dịch chứng tỏ dịch giả chẳng những thừa khả năng nắm bắt cả hai ngôn ngữ Anh, Việt mà còn bỏ công sức tra cứu kĩ lưỡng trong lúc dịch. Nói chung, là một bản dịch rất tốt”.

 

 

NXB Vô Danh

 

 

Kết quả bầu chọn của Ban Xét Giải Dịch thuật:

Năm nay, lần đầu tiên Giải Văn Việt bổ sung thể loại Dịch thuật. Hai dịch phẩm vào Chung khảo đều của dịch giả Phạm Nguyên Trường: “Trại súc vật” và “1984”. Kết quả: “1984” được 4 phiếu chọn, 1 phiếu trắng (lý do được người bỏ phiếu đưa ra là không có điều kiện đối chiếu bản gốc tiếng Anh).

 

Phạm Nguyên Trường là dịch giả sung mãn, có nhiều dịch phẩm được biết đến trong cộng đồng ham đọc sách, đã từng đoạt Giải Văn hoá Phan Châu Trinh và Giải Sách hay về dịch thuật.

 

Đã đăng trên Văn Việt

(http://phamnguyentruong.blogspot.com)