Tại một quán điểm tâm, chung quanh chiếc bàn tròn kê gần cửa, năm ông đầu bạc ngồi chờ dịch vụ sau khi đã gọi cà phê phin, bánh mì giòn, trứng ốp-la cho bữa ăn sáng nay – ngày thứ Bảy ấm áp.
Đây là một nhóm bạn cao niên thân thiết. Họ gặp nhau trong đồng cảnh ngộ – đều là di dân đến xứ người vì muốn tự do, muốn đổi đời. Tuy tuổi tác ngang nhau, nhưng thực tế vẫn có ông già nhất mang tên Cả, ông trẻ nhất tên Út, và ba ông còn lại lần lượt được gọi là Trỏ, Giữa, Nhẫn. Coi mặt đặt tên nên dễ nhận dạng.
Ở nước nhà, mỗi ông mỗi miền, họ chưa hề gặp nhau một lần. Nay trên “đất khách”, được biết nhau đôi ba lần qua sinh hoạt cộng đồng, chùa chiền hay nhà thờ, hội thánh nên kết bạn. Dù không cư ngụ sát nách nhau, nhưng nhờ có xế hộp hoặc tàu điện, xe buýt, cứ hú một cái các ông tụ lại chẳng lâu lắt chi – thôi thì “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng tốt.
Từ ngày lập nên “Đội Ngũ” - nhóm 5 trự – các ông vui lắm. Ai nấy đều bảo rằng chính đội ngũ đã cứu mình ra khỏi buồn bực, thậm chí khỏi trầm cảm và tệ nhất là có ông định “bỏ quách xứ màu mỡ để trở về cố hương” nhưng nhờ nhóm mà ngừng ý định. Mỗi ông mang một tâm sự – nỗi niềm biết tỏ cùng ai! Ấy chính lý do đó mà họ gặp nhau ăn sáng vào buổi cuối tuần để tán chuyện gẫu chứ không lạm bàn quốc sự – xin làng nước hiểu cho.
Trong năm người, tánh tình khác nhau, gia cảnh khác nhau, trình độ khác nhau, sở thích khác nhau; công việc trước đây cũng khác nhau nữa. Có ông về VN như cơm bữa, có ông chẳng rời chân khỏi đất “căng ga ru” lấy một ngày, có ông đã đi du lịch Âu Mỹ mòn cẳng. Các ông hợp nhau chỉ vì mang chung một nỗi niềm u uẩn của tuổi xế chiều. Gặp nhau để “xả”. Vì biết nhiều thứ không giống nhau, các ông đã cam kết với nhau rằng “Mỗi khi chúng ta ăn, uống ở ngoài, nhất định ăn, uống giống nhau” – đấy là sự bày tỏ đồng nhất và thiết hữu của “Đội Ngũ”. Các ông cũng cam kết khi tán gẫu, bàn chuyện, nhất định chỉ góp ý chứ không tranh luận để khỏi phân rẽ nội bộ hoặc làm mất tình hòa khí mà các ông quý hơn vàng, hơn các bà thích hột xoàn.
Món ăn, thức uống đã sẵn sàng. Ông Cả nhấp chút cà phê rồi khai pháo:
- Hôm nay, anh Giữa cho chúng tôi nghe chuyện gì đây.
Có lời đáp gọn lõn:
- Già mà còn ham hố!
Bốn ông cùng thốt một tiếng “Hả?”. Có lẽ họ nghĩ “Ông Giữa định vạch áo cho người xem lưng chăng vì bọn mình ai cũng ở hàng lão niên”.
- Dạ, để em kể - ông Giữa điềm nhiên cất giọng.
Tại khu phố nọ, ông bà Bình sống chung với gia đình người con trai thứ trong một ngôi nhà khang trang. Ba năm trước, ông Bình là công chức của Bộ Sắc tộc, nơi ông thường xuyên có dịp tiếp xúc với nhiều sắc dân nên ông rất thân thiện, cởi mở.
Người mình gặp ông đều khen ông hào hoa, dễ mến. Nay ông đang hưu trí, hiện được tròn 70, bà nhà kém ông bốn tuổi. Khi từ giã nhiệm sở, ông nhận được số tiền hưu hơn 100 ngàn đô. Hai ông bà bàn bạc với nhau rồi đồng ý chia làm bốn, cho ba con ba phần, còn lại một phần làm cuộc du lịch Âu châu.
Ông bà khá kỹ, không đi thẳng mà vòng về Việt Nam thăm làng xóm cũ; sau đó, từ thành phố mua tour du lịch Đức và Ý. Một năm sau, cả hai vợ chồng lãnh tiền già không có gì khó khăn bởi đã cho tan chảy xong số tiền hưu bổng hợp lý – Tây cũng thường làm vậy. Không chi phí nhà cửa, điện nước nên cuộc sống rất thong dong, chẳng có gì lo lắng dẫu cho vật giá mỗi ngày một tăng mà tiền già thì hàng năm mới nhích lên bạc đồng. Chỉ có cái, bà Bình phải coi cháu, để con trai, con dâu cùng bà Bình phải coi cháu, để con trai, con dâu cùng đi “kéo cày” trả nợ nhà.
Những năm tháng đầu khi rời tay gõ trên phiếm bàn tính, không phải mở xem những chồng hồ sơ dầy cộm, ông Bình rất vui vì có thời giờ gọi điện thoại hoặc thăm bạn bè; đôi khi còn đi chơi xa. Ông hài lòng với sinh hoạt mới này; xem như là phần thưởng sau những năm làm việc vất vả nhận lương… nuôi vợ.
Giờ đây, tuy chưa hẳn mất phong độ nhưng có phần ông chậm hơn trước; có lúc xìu xìu, có lúc nổi hứng bất tử. Ông ăn uống rất ngon miệng. Bác sĩ khuyên ông nên tránh xa thịt của loài vật bốn chân; hai chân tạm được còn không chân thì khỏi kiêng cữ. Ông làm ngơ trước lời cảnh báo. Thịt bò là thứ khoái khẩu của ông, giảm hoặc bỏ thì “đời chán sống”. Xơi thịt đỏ, da dẻ ông không lợt lạt. Nếu mái tóc ông không bạc trắng, người ngoài phải tin ông mới ngoài 60 – ít nhất ông “trẻ” hơn đồng niên gần 10 năm. Ông hãnh diện về điểm này nên ai lỡ miệng gọi ông bằng bác, bằng ông thì tức khắc ông “quay mặt đi hướng khác, chẳng thèm trả lời”. Bà nhà biết tánh tình ông nên chiều được lúc nào là chiều ngay, chẳng muốn làm ông buồn phiền nhất là ông hay léo nhéo bên cạnh “bà trẻ hơn tôi những bốn tuổi. Tôi chưa già, thì bà còn phải khỏe… hơn bu thằng cu đấy nhé”. Ông nói ỡm ờ, ví bà như cô con dâu cả! Bà nháy mắt trái, nguýt chồng “Phải gió nhà ông”. Hai vợ chồng phá lên cười rân, vui vẻ.
Ông Bình có chút sĩ diện về thâm niên công bộc dân của mình. Ông không thích la cà bè bạn bá láp, mà cũng chẳng “vui thú điền viên” – thực tế nhà con trai thứ của ông không có vườn trước vườn sau rộng rãi. Ông Bình chọn bầu bạn với YouTube. Những câu chuyện kém lành mạnh mà ông Bình nghe được hay thúc giục ông điều này điều nọ.
Một buổi tối, bấy giờ vào khoảng 10 giờ đêm, ông Bình sang phòng cháu nơi bà Bình đang cố dỗ cháu ngủ. Ông đẩy cửa nhè nhẹ, mở he hé, nói vọng vào:
- Thằng bé ngủ chưa, bà về phòng rỗi chứ?
Tiếng bà Bình hạ thấp:
- Chưa. Nó ấm đầu nên khó ngủ. Ông về phòng ngủ trước đi.
Ông Bình giật cánh cửa, đóng ập lại. Ông không về phòng ngủ mà xuống phòng bếp, bật điện ấm nước, tự pha cho mình một ly cà phê đắng. Ông định bụng đêm nay không ngủ, chờ hai con (trai và dâu) đi dự tiệc cưới về để nói cho chúng biết đừng đầy đọa mẹ chúng (mà làm khổ ông)!
Ông Bình ngủ thiếp lúc nào không rõ, con về cũng chẳng hay. Chừng khi có người lay vai đánh thức, ông mới mở choàng mắt:
- Thì ra bà. Sao tôi ngủ ngoài này? Hồi đêm bà ngủ đâu?
- Phòng cháu. Nó giẫy giụa, tôi không sao rời tay ra được.
Ông Bình ức trong lòng lắm nhưng không hé môi.
Từ đêm hụt hẫng kia, ông Bình có chút thay đổi. Tám giờ sáng, ông Bình ra khỏi nhà, đến quán cà phê góc phố. Gọi một ly cà phê nâu, chiếc bánh nướng và ngồi đó có vẻ trầm ngâm nhưng kỳ thực đôi mắt rất sáng, rà quanh những cô gái phục vụ. Bà Bình biết ông đi quán uống cà phê nên khích lệ vì sợ ở nhà không có gì làm khiến ông bực bội.
Vài ba tuần liên tục tại cà phê góc phố với tư thế rập khuôn ngày nào cũng như ngày nấy nên ông dễ làm người khác chú ý. Ông biết được tên phụ nữ dịch vụ mà ông “chấm”. Người này khoảng 40, dáng dấp gọn gàng, xinh đẹp. Ông ngỏ ý mong được “em” pha cà phê cho “anh” hàng ngày. Ông cũng biết nói những câu bông đùa dọ ý. Cô phục vụ nửa chừng xuân mỉm cười cho có lệ mà không đối đáp thêm điều gì khác. Tất nhiên ông kém vui. Mấy cô dịch vụ trẻ tinh nghịch thỉnh thoảng trêu ông; ông ghét vì bản thân ông không muốn miệng đời ngạo ông gằng “già rồi còn ham trống bỏi”. Xem ra, ông cũng khôn đáo để. Chẳng hiểu từ đâu, ông Bình ngộ một điều “quán cà phê góc phố giữa chỗ đông người qua lại, tia nắng ban mai soi tỏ, nên các nàng dịch vụ không dám tiến xa hơn và khách hàng cũng chẳng dám ngỏ lời”. Vậy là ông Bình giã từ cà phê góc phố.
Biết được thú vui bên ngoài, ông đâu chịu bỏ cuộc sớm vậy. Không được chỗ này thì tìm chỗ khác. Ông chuyển qua quán ăn uống đa dạng. Bước qua cửa có màn rèm che, bàn kê tầng dưới; bước lên cầu thang, bàn kê tầng trên. Không gian được thiết kế thơ mộng, ánh đèn mờ mờ ảo ảo thay cho ánh sáng tự nhiên. Khách vào thường ngồi lâu và kêu ba bốn món ăn, đôi khi kèm thêm bia, rượu mạnh; nhưng cũng có khách gọi một bữa cơm trưa, hoặc cơm chiều. Ông Bình là loại khách thứ hai. Ông nói với vợ, mỗi tuần ra ngoài gặp gỡ bạn đồng liêu cũ ba buổi trưa trong tuần nên dùng cơm chung với họ. Bà Bình “Ô-kê salem” ngay vì được rảnh tay để chăm sóc cháu cưng.
Tại nhà hàng mini này, ông Bình cũng chấm được một “em” trong lứa tuổi ông “mơ”. Ông bảo rằng “tầm này mới đầy kinh nghiệm yêu đương”. Em của ông “chịu đèn”, ông thấy thơ thới trong lòng, được trẻ lại vài tuổi. Em bị chồng bỏ - “cái thằng chồng vũ phu đó, nó đi em cúng heo tạ thần linh”, ông Bình khoái trá híp mắt, “Em cần gì anh giúp”, ông Bình dám nói với em như vậy khi được mời ghé nhà chơi. Qua lại đôi bà lần, ông dạn dĩ tự tin, em vui vẻ “hầu chuyện”. Việc ông Bình đi với bà phụ dọn bàn ở nhà hàng X đã có tiếng xầm xì vì không ai lạ với “con mụ vua lừa” đó. Ông Bình cho rằng thiên hạ ganh ghét nên nói năng tầm phào.
Một hôm, “em của ông Bình” quẹt đôi môi hình trái tim dầy lớp son đỏ chói lên vai áo ông Bình, khiến ông ta lộ vẻ “hoảng sợ”. Em hiểu ý, cởi phăng nút áo ổng, sát sàn sạt mặt vào mặt ông, nói ngọt như mía lùi “Để em đem áo anh đi gột tẩy, kẻo…”.
Y thị chưa dứt câu, cánh cửa trước mở tung, một người đàn ông to con bước vào, trên tay cằm iPhone hướng về phía ông Bình. Hắn quát to:
- Lão kia, dám vào đây, sàm sỡ vợ ta hả? Nó đã làm gì mình? Đồ già mà còn ham hố!
Hắn chìa iPhone cho ông Bình xem tấm hình hắn vừa chụp. Rõ ràng tay ông Bình quàng qua cổ vợ hắn, mặt ông già bạc đầu và mặt người phụ nữ có chồng khít vào nhau. Tẩy rửa sao cho khỏi cái nhục “gian phu dâm phụ”. Tuy nhiên, gã đàn ông to con không hăm he gì cả, chỉ vẩy bàn tay phải hướng ra cửa trước:
- Cửa mở sẵn, mời cụ ra ngay cho.
Ông Bình ba chân bốn cẳng phóng nhanh, không nhìn lại phía sau nhưng nghe được tiếng “thằng chả”: “Cẩn thận kẻo té đó cha”. Biến cố này làm hồn vía ông lên mây. Ông Bình mừng thầm trong bụng “May quá, nó thả mình”.
Đâu có dễ như ông Bình nghĩ. Gã to con dùng tấm hình chụp được để tống tiền ông. Nó đòi 10,000 đô bằng không nó gửi cho vợ, con trai, con dâu của ông và thậm chí đưa lên mạng xã hội. Hẹn trong ba ngày!
Ông Bình nằm ì ở nhà, bứt tóc, nhéo tai, đấm ngực chưa hiểu phải đối phó làm sao. Nếu nó đòi $1,000, ông đem nộp ngay để êm chuyện; đằng này số tiềm gấp 10 lần, ông không đào đâu ra được.
Bà Bình thấy chồng không vui, không đi gặp bạn, cho là ông yếu trong người nên chăm sóc ông đặc biệt. Trước tình nghĩa của vợ, ông Bình thấy xấu hổ, bật lên tiếng khóc. Ông ôm ghì vợ và thú tội “ham hố”. Các con ông hay chuyện, nhận phần lỗi về mình vì đã nhờ mẹ giúp hết cả thời gian chăm sóc cha.
Cả nhà lẫn người quen thân quyết với nhau báo cho gã to con biết là “ông già ham hố bị mắc lừa, im chuyện là tốt, bằng không thưa cảnh sát để điều tra tìm sự thật”. Gã to con hậm hực rồi im luôn.
Các con ông Bình hợp tác “book tour” để bố mẹ du lịch 10 ngày “tiêu trừ hình ảnh ham hố”.
Kết thúc buổi gặp gỡ hôm nay, ông Cả chép miệng:
“Ham quá thì lọt hố, chẳng tránh đâu cho khỏi”.
D. Đ (Viết cho Dân Việt & Nam Úc)