Nam Úc (savietnews.com.au) xin đăng lại bài viết về đất nước Nam Phi của ông Vũ Linh, chủ biên của trang nhật ký trực tuyến (blogspot) Diễn Đàn Trái Chiều. Từ “tôi”, nếu có trong bài viết, là chỉ tác giả của bài viết này.

 

  Tiếp tục cuộc hành trình lang bang thế giới, tuần này, xin mời quý độc giả đi Nam Phi. Bài này hy vọng giúp quý độc gia hiểu thêm về Nam Phi, là xứ đang có 'chiến tranh lạnh' với TT Trump.

 

    Tôi ký hợp đồng làm việc cho Cơ Quan Viện Trợ Mỹ USAID tại Nam Phi và Zimbabwe trong hơn một năm trong một dự án phát triển tiểu thương, dưới thời TT Clinton.

 

    Nam Phi nằm ở mõm cực nam của Phi Châu, có thể nói là quốc gia Phi Châu tiến bộ nhất. Về diện tích, lớn gấp 3 lần Cali (472.000 dặm vuông), với dân số hơn gấp một lần rưỡi Cali (62 triệu). Về ngôn ngữ, Nam Phi rất đa dạng, trên nguyên tắc có tới hơn một tá ngôn ngữ chính thức tuy trên thực tế hầu hết dân Nam Phi đều nói tiếng Anh.

 

    Ở mũi cực nam của Nam Phi là nơi Đại Tây Dương -Atlantic- nước lạnh gặp nước ấm của Ấn Độ Dương -Indian Ocean- nên nước biển rất lạ: phía đông thì ấm, tắm được, phiá tây thì lạnh, không tắm được.

 

    Qua ảnh hưởng của Anh, 3/4 dân Nam Phi theo đạo Tin Lành, với chừng 7% theo Công giáo, còn lại theo các tín ngưỡng bộ lạc linh tinh.

 

    Về ẩm thực, dân Nam Phi đa dạng và tương đối 'văn minh' hơn các dân Phi Châu khác, có nhiều món ăn hơn các xứ Phi Châu khác, nhưng trên căn bản, cũng là những món tương đối giản dị, nướng hay nấu hầm bà lằng như một kiểu 'súp', không có món gì độc đáo, ngon lành hay nổi tiếng. Nhưng Nam Phi có rất nhiều tiệm ăn Âu Châu và cũng nhiều tiệm ăn Tầu (ở Johannesburg, cũng có nguyên một khu phố Tầu, tuy nhỏ), nhưng không thấy có tiệm ăn Việt.

 

    Tại Johannesburg, có một tiệm ăn rất lớn, chuyên bán thịt thú rừng nướng, như thịt hươu, nai, ... Kẻ này chưa đi ăn tại đây, nhưng có đi ăn một tiệm 'chi nhánh' y hệt tại Kenya. Giữa tiệm ăn rất lớn, có một lò than hồng tròn khổng lồ, đường kính cỡ 5-6 thước, với từng tảng thịt thú rừng cắm qua các cây sắt dài cỡ 4-5 thước. Khi thịt chín, thì được cắt từng miếng nhỏ cỡ 30-40 phân, xỏ vào cây gỗ, được nhân viên phục dịch mang lại từng bàn, giới thiệu là thịt gì, nếu khách muốn ăn thì sẽ được xẻo một miếng lớn nhỏ tùy khách để ăn thử. Tiệm không có thực đơn và chỉ có mộyt giá duy nhất. Cả hai tiệm này tại Nam Phi và Kenya sau đó đã bị đóng cửa theo yêu cầu của Tổ Chức Y Tế Quốc Tế WHO vì thịt thú rừng nhiều khi độc hại, nhất là thịt khỉ rừng, bị cấm tuyệt đối (vi khuẩn AIDS từ khỉ truyền qua người).

 

    Nói về thịt thú rừng, ngon nhất là thịt hươu nai, rất nhiều loại, kể cả hươu cao cổ. Sau đó là thịt heo rừng. Dân Phi Châu không rõ tại sao, không ăn thịt giống 'mèo' -felines- như cọp, báo, sư tử,... Thịt voi có thể ăn được nhưng ít ai ăn vì quá dai, cứng. Nhưng dân da đen Phi Châu răng rất tốt, thừa sức ăn thịt voi.

 

    Dân da đen Nam Phi đúng là da đen Phi Châu, nước da đen thui, ngoài ra cũng không khác gì dân da đen Phi Châu nói chung. Hiền hòa, vì ảnh hưởng Anh nên có vẻ lịch sự hơn dân da đen các nước thuộc địa của Pháp trước đây. Mà cũng khác rất xa dân da đen ở Mỹ mà kẻ này thấy hiển nhiên 'du côn và vũ phu' hơn nhiều.

 

    Trên phương diện du lịch, Nam Phi không có những núi cao, thác nước lớn, ... nhưng có nhiều khu bảo vệ thú rừng -reserves- mà du khách có thể đi viếng qua những tours gọi là 'safari' để xem thú rừng như sư tử, trâu nước, rất nhiều khỉ đủ loại, hươu cao cổ,... trong môi trường thiên nhiên của chúng. Ngay đây, phải cảnh giác khách du lịch các tour safari: khá đắt tiền mà lại là chuyện... hên sui may rủi, chẳng biết lúc nào gặp được những con thú đó, có khi đi cả ngày chẳng thấy con nào, tốn tiền oan. Có khi chết oan nữa, như mới đây, một ba du khách từ New Jersey bị một con hà mã -hippopotamus- cắn nát người, chết tại chỗ không ai cứu được.

 

    Các khách sạn Nam Phi trong các khu da trắng thường sang trọng, khá đắt so với mức giá Phi Châu. Cũng phải nói ngay vì bình thường ít người đi Phi Châu, mà phần lớn dân Âu Châu, Mỹ Châu và Á Châu đi Phi Châu vì kinh doanh, hay đại gia, tài tử ca sĩ triệu phú đi du lịch, hay viên chức các tổ chức quốc tế đi máy bay 'chùa' nên vé khách sạn và máy bay đi Phi Châu rất đắt so với giá đi từ Mỹ qua Á Châu. Đại khái phải tính cỡ 2-3.000 đô trở lên một vé 'economy', 5-6.000 đô-la một vé bi-dzi-nét, và trên 10.000 đô-la một vé hạng nhất.

 

    Đất Nam Phi do các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khám phá ra giữa thế kỷ 15, vào năm 1487. Khi đó chỉ là những rừng núi hoang vu với rất nhiều bộ lạc sống rải rác. Qua thế kỷ 17 mới thành lập được một vùng, gọi là có chính quyền, dưới sự đô hộ của Hòa Lan. Qua thế kỷ 18, bị Anh chiếm làm thuộc địa. Năm 1931 được độc lập dưới sự thống trị của dân da trắng gốc Anh và Hòa Lan. Từ năm đó tới năm 1990, Nam Phi nổi tiếng là quốc gia kỳ thị da đen nặng nề nhất, dưới chế độ gọi là 'apartheid'. Năm 1990, ông Nelson Mandela được trả tự do sau khi bị tù 27 năm, qua bản án 40 năm tù vì tội 'khủng bố'. Ông Mandela đắc cử tổng thống năm 1994, làm tới năm 1999, đúng một nhiệm kỳ rồi về hưu. 

 

Ông Nelson Mandela 

 

    Tổng thống Mandela bị kết tội khủng bố nhưng thật ra là nhà cách mạng đấu tranh cho độc lập của Nam Phi rồi sau đó chống chính sách apartheid kịch liệt. Ngay sau khi đắc cử TT, ông đã khôn ngoan ban hành chính sách hòa giải hòa hợp trắng đen, không trả thù hay trừng phạt dân da trắng. Nam Phi đã trở thành một cường quốc lớn mạnh nhất Phi Châu, hơn xa các nước Phi Châu lớn như Nigeria, Algeria, Ai Cập, Kenya, ... Ông Mandela được coi như một vĩ nhân lớn của thế kỷ. Đáng tiếc là 4 tổng thống kế vị sau đó, không ai khá lắm, trong đó có 3 vị bị ép từ chức. Có lem nhem tham nhũng, cũng có độc tài công khai kỳ thị dân da trắng. Đương kim TT Ramaphosa được bầu năm 2019, tái đắc cử 2024, sẽ mãn nhiệm 2029.

 

     Rất nhiều đại công ty Nam Phi nắm quyền chi phối kinh tế trong nhiều nước Phi Châu, cạnh tranh với... Trung Cộng đang cố thống trị Phi Châu.

 

    Nam Phi phải là biểu tượng của sự thành công trong chính sách hòa đồng, sống chung hòa bình trắng đen. Nhưng trái lại, Nam Phi cũng có thể là biểu tượng của sự thất bại của chính sách hòa đồng này vì sự thật là có sống chung mà cũng chẳng có sống chung gì hết.

 

    Lấy một thí dụ thật dễ hiểu: quý vị uống cà phê đen, bỏ sữa trắng vào, quậy một chập, sẽ ra mầu nâu, đậm hay nhạt tùy sữa nhiều hay ít. Trong xứ Nam Phi, dân da trắng sống chung với dân da đen, trộn chấu, nhưng quậy cả mấy chục năm qua vẫn không ra mầu nâu, mà trái lại, vẫn có phần đen, phần trắng riêng rẽ. Cái hay của Nam Phi là không có màu nâu, hai màu đen trắng riêng biệt nhưng không giết nhau chết bỏ, tuy không thân thiện gì với nhau.

 

    Tiêu biểu nhất là thành phố Johannesburg, là thành phố lớn nhất Nam Phi, tuy không phải là thủ đô vì thủ đô Nam Phi là thành phố Pretoria, sát cạnh Johannesburg. Johannesburg tiêu biểu cho hầu hết các thành phố của Nam Phi và của cả xứ Nam Phi luôn, khi thành phố này thật sự là hai thành phố ghép vào nhau.

 

    Một bên là một thành phố không khác gì các thành phố lớn của Mỹ, với xa lộ thênh thang, cao ốc trọc trời thật tân kỳ bằng kính, với nhiều khách sạn thật lớn và sang, những nhà hàng hết sức sang trọng, đắt tiền, những villas khổng lồ, vườn tược hết sức đẹp, được săn sóc rất kỹ, cây cối mát mẻ. Trong khu này, ta thấy toàn dân da trắng, mặc vét rất lịch sự, đi xe hơi hiệu Mercedes, ... Trong khi dân da đen thì toàn là dân phục dịch nhà hàng, khách sạn, tài xế, cảnh sát, phu quét đường, ... Nhưng đi chừng vài con đường, qua khu đen thì lại khác hẳn. Nhà cửa lụp xụp cũ kỹ, đổ siêu đổ vẹo, nhà đất mái tôn nhỏ xíu, toàn dân da đen rách rưới, nghèo nàn, rác rến, đường đất không tráng nhựa, mưa xuống là sình lầy lõm bõm, không cây cối, vườn tược gì, và đặc biệt, không có một bóng dân da trắng nào. Bao nhiêu đời tổng thống và quan chức Nhà Nước da đen vẫn không thay đổi.

 

 

Johannesburg từ trên không chụp xuống: bên trái là khu da trắng, bên phải là khu da đen

 

 

Johannesburg: phiá trước là khu lụp xụp da đen, phiá sau là cao ốc khu da trắng.


 

    Các thành phố lớn của Nam Phi đều y chang. Tại Cape Town là thành phố phía cực nam, sát biển, tất cả các đại dinh dọc bờ biển, rất đẹp, đều trị giá bạc triệu đô trở lên, hầu hết chủ nhà là dân da trắng. Đi sâu vào đất liền tới khu dân da đen, lục xụp nghèo nàn trông thấy.

 

    Tình trạng trộn chấu nhưng không trộn hẳn này được thấy rõ qua các tổ chức chính trị và kinh doanh. 

 

    Trong chính trị, dân da đen nắm quyền gần như hoàn toàn qua các guồng máy chính quyền trung ương cũng như địa phương, trong hành pháp cũng như lập pháp, chiếm tuyệt đại đa số các ghế bộ trưởng, quan chức Nhà Nước, nghị sĩ, dân biểu, thị trưởng, ... Các đảng phái chính trị toàn dân da đen, dân da trắng hầu như né chính trị hoàn toàn. Ngược lại, trong kinh doanh, dân da trắng chiếm thế đại đa số với các tổng giám đốc, giám đốc, đại gia giàu có nhất. Đại công ty là của dân da trắng, tiểu thương toàn da đen. Kẻ này khi đó có nhiệm vụ giúp phát triển tiểu thương, nên toàn làm việc với các tiểu doanh gia da đen. 

 

    Đưa đến tình trạng khá lạ là trong khi trong chính trị, Nam Phi hoàn toàn do dân da đen thống trị, có khuynh hướng thiên xã nghĩa, nhưng trong kinh doanh, lại là một thành đồng của kinh tế thị trường do dân da trắng kiểm soát.

 

    Chuyện đáng nói vì hơi lạ là Nam Phi cũng gặp khủng hoảng di dân y chang như Mỹ, phải nói nặng nề hơn Mỹ nữa. Nam Phi là xứ tương đối giàu có nhất vùng, do đó là đất hy vọng của dân các xứ nghèo mạt chung quanh như Zimbabwe, Mozambique, Congo, ... luôn tìm cách vào lậu, nhưng khác với chính sách của Biden, di dân lậu bị bắt là bị trục xuất ngay, có thoát cũng bị dân địa phương Nam Phi đánh đuổi. Năm 2008, với số di dân lậu tràn vào lên tới trên 200.000 người, chính quyền không kiểm soát nổi, đã xẩy ra 'nội chiến' đánh nhau đẫm máu bằng gậy gộc dao búa giữa dân Nam Phi với các đám di dân.

 

    Tin mới: Nam Phi đang là đối tượng trừng phạt của TT Trump. Sau khi tân chính quyền Nam Phi của TT Cyril Ramaphosa tung ra chính sách cải cách điền địa, tịch thu nhà đất của các điền chủ da trắng để tái phân phát lại cho dân da đen, theo mô thức CS, TT Trump đã ký sắc lệnh ngưng mọi viện trợ cho Nam Phi vì chính sách này bị Mỹ coi như vi phạm nhân quyền và kỳ thị chủng tộc thô bạo nhất. Tuy nhiên, TT Ramaphosa đã bác bỏ những tố giác kỳ thị và khẳng định không có kỳ thị gì hết.

 

    Nam Phi hiện cũng đang được thiên hạ chú ý khi biết Elon Musk là di dân gốc Nam Phi.

 

 

(Theo diendantraichieu blogspot)