Xin phép được đăng lại bài viết “Vén màn lịch sử Đông Dương qua những trang sách du kí ‘Du Lịch Xứ Đông Dương Xưa’” của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc Châu, để hầu độc giả, về “cholesterol, bệnh tim mạch, và thuốc statins”. Bài viết được Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn yết trên trang nhật ký (blog) cá nhân của Giáo Sư tại: Tuan V. Nguyen AM
Vén màn lịch sử Đông Dương qua những trang sách du kí ‘Du Lịch Xứ Đông Dương Xưa’
Trong thời đại tân tiến và vội vã ngày nay, nhiều người trong chúng ta có xu hướng tìm về quá khứ. Chúng ta mơ ước được một lần đặt chân đến những vùng đất cổ kính, khám phá những ngôi chùa đúng với nghĩa của chữ ‘hoàng tráng’, những bãi biển hoang sơ và những rừng núi hùng vĩ — không phải của hôm nay, mà của những ngày tháng đầu thế kỉ 20. Qua cuốn sách ‘Du lịch Xứ Đông Dương Xưa‘ [1], soạn giả Trần Hữu Phúc Tiến sẽ giúp chúng ta, độc giả và tôi, thực hiện một hành trình khám phá đầy thú vị qua những trang sách đầy ấp hình ảnh và sử liệu.
‘Đông Dương’ ở đây dĩ nhiên bao gồm Việt Nam, Lào, và Cam Bốt. Đây là một vùng đất giàu lịch sử và văn hoá, với sự giao thoa độc đáo giữa các nền văn minh bản địa và ảnh hưởng từ Trung Hoa và Ấn Độ. Việt Nam trải qua nhiều triều đại với những ảnh hưởng lớn từ Trung Hoa nhưng vẫn giữ vững bản sắc riêng, đặc biệt trong thời kì Đại Việt. Lào từng là vương quốc Lan Xang, mệnh danh là ‘Vùng đất Triệu Voi’ (Vạn Tượng) với văn hóa Phật giáo ăn sâu vào đời sống. Cam Bốt từng là một vương quốc của đế chế Khmer, nổi tiếng với những công trình kiến trúc vĩ đại như Đế Thiên – Đế Thích.
Áp phích quảng cáo du lịch Đông Dương
Vào giữa thế kỉ 19, vùng đất này chịu sự đô hộ của Pháp, và trở thành Liên bang Đông Dương. Thời kì này mang lại nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục kiểu Pháp, nhưng cũng để lại nhiều tổn thương về chánh trị và xã hội. Thật vậy, trong thời kì thuộc địa, người Pháp đã đổ vốn vào Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam. Họ xây dựng hệ thống giao thông, cảng biển, cầu cống, mở các trường học, đại học, bệnh viện, tạo nên một diện mạo đô thị hiện đại. Sài Gòn, Hà Nội trở thành những trung tâm thương mại sầm uất, thu hút người dân từ khắp nơi đổ về. Nông nghiệp được cải tiến, các đồn điền trồng cao su, cà phê mọc lên san sát, biến Việt Nam thành một trong những nhà sản xuất nông sản lớn trong vùng. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản cũng mang lại lợi nhuận cho thực dân Pháp. Song song với những đóng góp về cơ sở hạ tầng, người Pháp cũng du nhập văn hóa, luật pháp, giáo dục phương Tây vào Việt Nam, để lại những dấu ấn quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa của người dân. Song song đó, người Pháp cũng thực hiện nhiều chuyến thám hiểm và khám phá, để lại những bản đồ, tư liệu quí giá về đất nước và con người Đông Dương.
Biệt thự dưới chân một ngọn núi ở Tam Đảo
Cuốn sách ‘Du Lịch Xứ Đông Dương Xưa’ có mục đích khiêm tốn là ‘giới thiệu các điểm du lịch phổ biến thời ấy, cũng như các điều kỳ thú.‘ Với mục đích đó, soạn giả đã tuyển chọn những danh lam thắng cảnh từ biển đảo (Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn và Sầm Sơn, Vịnh Hạ Long, Vịnh Cam Ranh, Phú Quốc, Côn Đảo, v.v.), cao nguyên (Sapa, Tây Nguyên, Tam Đảo, Ba Vì, Bà Nà, v.v.), các đô thị (Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Vạn Tượng, Kinh đô Phật Giáo Luang Prabang, Nam Vang, v.v.) thời trước 1945. Dù nhan đề là ‘Đông Dương’, nhưng cuốn sách tập trung chủ yếu vào Việt Nam.
Toàn cảnh Đền Đế Thiên (Angkor Wat).
Mỗi trang sách trong Du lịch Xứ Đông Dương Xưa không chỉ đơn thuần là một bản đồ du lịch đến những danh lam thắng cảnh mà còn là một chuyến hành trình khám phá lịch sử và văn hóa. Bằng cách viết đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, soạn giả khéo léo lồng ghép những câu chuyện, những sự kiện lịch sử vào từng địa danh, giúp độc giả hình dung rõ nét hơn về quá trình hình thành và phát triển của từng vùng đất. Từ những ngôi chùa cổ kính đến những cung điện nguy nga, từ những làng quê yên bình đến những đô thị, tất cả đều được tái hiện một cách chân thực và sống động, giúp độc giả như đang lạc vào một thế giới xưa cũ. Qua đó, độc giả không chỉ được mở mang kiến thức về lịch sử, địa lí mà còn cảm nhận được sự giao thoa, hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên một bức tranh đa màu sắc về Đông Dương. Từ đó, mỗi chúng ta sẽ càng thêm yêu quý và tự hào về đất nước mình.
Cầu Thê Húc (Hồ Hoàn Kiếm)
Với định dạng song ngữ Việt – Anh, soạn giả đã giúp cho độc giả ngoại quốc đi từ Bắc vào Nam, khám phá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng một thời., mang đến cái nhìn toàn cảnh về đất nước và con người Đông Dương qua ống kính của du khách Pháp thời đó. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, bản dịch tiếng Anh của cuốn sách có phần hơi cứng nhắc, nhiều chỗ văn phong mang đậm dấu ấn của tiếng Việt.
Điểm nhấn của cuốn sách chính là những hình ảnh tư liệu quí hiếm, tái hiện lại một Đông Dương xưa với những nét đẹp rất riêng. Những bức ảnh đen trắng, những bản đồ cổ không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn mang đến cho người đọc những trải nghiệm thị giác vô cùng thú vị.
Một tấm ảnh đen trắng chụp ở Đồ Sơn làm tôi thấy giằn vặt về tính giai cấp thời đó. Bốn người con gái trẻ trung, với bộ yếm gợi cảm, đang vất vả khiêng kiệu. Trên kiệu, một người đàn ông, cùng một đứa trẻ có lẽ là con trai của ông. Bức ảnh, dù không ghi rõ thời điểm, nhưng qua những đường nét xưa và trang phục truyền thống, có thể hình dung ra một xã hội với những nếp sống giản dị mà cũng đầy khắc nghiệt. Qua ống kính máy ảnh, người xem như được chứng kiến khoảnh khắc đời thường của những con người lao động, nơi vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt Nam hòa quyện với những gánh nặng cuộc sống và làm đối tượng sex của giai cấp giàu có.
Những nữ phu khiêng kiệu (hình chụp ở Đồ Sơn).
Cuốn sách này sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai yêu thích lịch sử, địa lí, đặc biệt là những người quan tâm đến du khảo (vừa du lịch, vừa khảo cứu). Bên cạnh đó, cuốn sách cũng là một món quà ý nghĩa dành tặng cho những người muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam và giới thiệu về Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Qua ‘Du lịch Xứ Đông Dương Xưa’, độc giả sẽ có một hành trình khám phá đầy thú vị về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của Đông Dương xưa. Cuốn sách là một món quà tinh thần dành cho những ai yêu thích tìm hiểu về quá khứ. Nói như văn hào André Gide, ‘Hãy đi thật xa, để khi trở về, bạn sẽ thấy mọi thứ khác đi’, cuốn sách ‘Du lịch Xứ Đông Dương Xưa’ sẽ đưa độc giả thực hiện một chuyến đi như vậy.
___
[1] Sách ‘Du Lịch Xứ Đông Dương Xưa‘ (Tourism in French Indochina), 157 trang, do Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành vào năm 2024. Giá bán 300,000 đồng.