Anne đã viết nhật ký cuộc đời mình trong thời gian lẩn trốn cho đến tháng Tám, 1944. Nguồn: @annefrankhouse
Cô gái Anne Frank - tác giả cuốn sách nổi tiếng Nhật ký Anne Frank - vào năm 1944 đã bị mật vụ Đức phát hiện sau gần 2 năm ẩn trốn trong một nhà kho ở Amsterdam. Người nào đã phản bội gia đình cô và chỉ điểm cho Đức quốc xã? Một cuộc điều tra kéo dài 6 năm nay đã phát hiện ra bằng chứng mới.
Cô gái Anne Frank và thêm 7 người Do thái khác đã bị Đức quốc xã phát hiện vào ngày 4 tháng 8 năm 1944, sau khi họ đã trốn được gần 2 năm trong một nhà phụ bí mật nằm trên một nhà kho cạnh kênh đào ở Amsterdam.
Tất cả đều bị đưa đến trại tạm giam Westerbork và chuyển tiếp đến trại tập trung Auschwitz trước khi Anne kết thúc cuộc đời trong trại tập trung Bergen Belsen ở tuổi 15.
Trong suốt hai năm ẩn náu tại đó, Anne đã viết nhật ký.
Sau cái chết của cô vào năm 1947, cuốn nhật ký này đã được công bố, và trở thành cuốn sách nổi tiếng nhất do một người Do thái viết về chính cuộc đời trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Kể từ đó, cuốn nhật ký đã được dịch ra 60 ngôn ngữ, thu hút trí tưởng tượng của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.
Nhưng ai là người đã phản bội gia đình Anne Frank cung cấp thông tin cho người Đức.
Câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp cho đến nay.
Nhà nghiên cứu Pieter Van Twisk, một thành viên cuả nhóm điều tra, người đã dành 6 năm cố gắng tìm ra câu trả lời.
“Chúng tôi đã tìm kiếm cả rất nhiều tài liệu, dài có lẽ tới hàng cây số. Cuộc điều tra này có thuận lợi lớn nhất là nhờ vào trí tuệ nhân tạo đã giúp tìm ra những mối liên hệ, mà đối với con người thì rất khó để làm được. Chẳng hạn bạn nghe thấy một cái tên, nhưng bạn phải kiểm tra và phân tích hàng ngàn hàng ngàn cái tên để tìm ra mối liên quan, nhưng với trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể dễ dàng gõ cái tên đó vào máy tính và nó sẽ cung cấp những đường dẫn liên quan đến cái tên đó như địa chỉ, những người liên quan, mối liên hệ, số điện thoại, vân vân.”
Nhóm điều tra bao gồm một điệp viên FBI của Hoa Kỳ đã về hưu, Vincent Pankoke, và khoảng 20 nhà sử học, tội phạm học, và chuyên gia phân tích dữ liệu.
Ông Pieter van Twisk cho biết một mẫu chứng cứ mới rất quan trọng đó là một tờ ghi chú không có chữ ký gửi đến cha của Anne, ông Otto Frank, được tìm thấy trong một tài liệu điều tra cũ sau chiến tranh.
“Phát hiện mới đó là là một công chứng viên tên Arnold van den Bergh, một người nổi tiếng ở Amsterdam, đã giao nộp danh sách những người đang ẩn náu, và trên danh sách đó là địa chỉ 263 Prinsengracht, ngôi nhà kho có căn gác bí mật.”
Trên tờ ghi chú đó ghi rằng Arnold van den Bergh đã có được những địa chỉ của những người Do Thái đang lẩn trốn vì khi đó ông ta là một thành viên của Hội đồng Do thái trong thời chiến ở Amsterdam, và ông đã giao nộp danh sách những địa chỉ này cho mật vụ Đức để đổi lại sự an toàn cho gia đình ông ta.
Nhà nghiên cứu Van Twisk nói Arnold van den Beirgh là cái tên duy nhất phù hợp với tất cả các giả thiết mà họ đã phát hiện được.
“Chúng tôi đã điều tra về hơn 30 trường hợp và chúng tôi có thể nói rằng, khá chắc chắn là có khoảng 28, 29 trường hợp là không thể xảy ra. Chỉ có một trường hợp phù hợp với tất cả các giả thiết và động cơ, kiến thức và cơ hội.”
Mặc dù những thành viên của Hội đồng Do thái đều bị đưa đi vào năm 1943, riêng Van den Bergh vẫn được ở lại Hà Lan.
Ông này qua đời vào năm 1950.
Bảo tàng Nhà Anne Frank không tham gia vào cuộc điều tra nhưng họ chia sẻ những thông tin lưu giữ để hỗ trợ cuộc điều tra.
Giám đốc bảo tàng Ronald Leopold nói rằng cuộc nghiên cứu đã đem lại những thông tin mới và sự hiểu biết mới.
“Thứ nhất, tôi cho rằng giả thiết mới này cung cấp cho chúng ta không chỉ thông tin về chuyện xảy ra vào ngày 4/8/1944, mà nhiều hơn thế nữa, sự hiểu biết về hành vi con người, lựa chọn của họ, quyết định họ đưa ra trong khoảng thời gian đầy khó khăn như vậy. Tôi nghĩ rằng thông tin mà nhóm điều tra có được đã một lần nữa, tôi có thể nói, đem lại sự hiểu biết cho chúng tôi ý nghĩa về con người trong những tình huống cực kỳ khó khăn.”
Tuy nhiên ông Leopold cũng cảnh báo cực kỳ cẩn trọng khi đổ lỗi cho một ai đó.
Như nhà sử học Erik Somers thuộc Viện NIOD của Hà Lan về chiến tranh, Đức quốc xã và diệt chủng, đã đề cao cuộc điều tra sâu rộng này nhưng ông bày tỏ sự nghi ngờ về kết luận.
Ông nói, đối với một vụ án nổi tiếng, điều quan trọng nhất là phải có kết luận chính xác.
“Cái tên Anne Frank không phải chỉ là một người nào đó, đó là biểu tượng của Holocaust, và nếu chúng ta đi đổ lỗi cho một ai đó, chúng ta phải chứng minh mình đúng hơn 100%.”
Nhóm điều tra đã xác nhận rằng ông Otto, cha của Anne Frank, người duy nhất trong gia đình sống sót sau chiến tranh, đã biết về bằng chứng cho rằng Van den Bergh là người chỉ điểm, nhưng ông không muốn nói về điều đó công khai.
Pieter Van Twisk tin rằng ông Otto Frank chọn cách im lặng, có thể vì ông không chắc điều đó có đúng hay không, và bởi vì ông không muốn thông tin đó nếu công bố có thể gây thêm sự thù ghét người Do thái.
Ông cũng không muốn ba người con gái của Van den Bergh phải bị ảnh hưởng vì những gì cha của họ có thể đã làm trong quá khứ.
Những phát hiện này sẽ được xuất bản trong cuốn sách “Betrayal of Anne Frank” (Kẻ đã phản bội Anne Frank), do tác giả người Canada Rosemary Sullivan, sẽ được ra mắt trong tuần này.