(Xem phần 1)

 

Tượng tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp. (Shutterstock)

 

 

Phía sau các bức tượng

Ngoài các bức tranh bàn thờ và cửa sổ kính màu, một trang trí khác của nhà thờ là các tác phẩm điêu khắc. Nghệ thuật điêu khắc Gothic chủ yếu được phản ánh trong các tác phẩm điêu khắc cao và chạm nổi, có thể thể hiện một hiệu ứng độ sâu và độ nét nhất định, để nâng cao cảm giác về không gian của nhà thờ. Về tổng thể, các tác phẩm điêu khắc thời đó chỉ là phần phụ của kiến ​​trúc, chẳng hạn, nhiều nơi như cổng hay cửa sổ của nhà thờ thông thường đều có sự chung sức của các nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư.

 

Về lý, các bức điêu khắc trong nhà thờ nên là những tác phẩm thuần túy về chủ đề tôn giáo. Tuy nhiên, nghiêm khắc mà nói thì vẫn có những tác phẩm không thuộc về Cơ đốc giáo (còn gọi là Kitô giáo) thuần túy. Trong các tòa kiến trúc tôn giáo như Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris (Cathédrale Notre-Dame de Paris) và Nhà thờ chính tòa Đức Bà Chartres (Cathédrale Notre-Dame de Chartres), có thể nhìn thấy các tác phẩm điêu khắc của 7 môn nghệ thuật và các chủ đề khác. Đây là những thứ thuộc về một nền văn hóa cổ khác chứ không phải văn hóa Cơ đốc giáo.

 

Bức tượng trên cổng Nhà thờ chính tòa Đức Bà Chartres, Pháp. (Shutterstock)

 

“Bảy Nghệ thuật Nhân văn” hay còn gọi là “Bảy Nghệ thuật Tự do” (Les sept Arts liberaux), là bảy môn học mà một công dân phương Tây tự do trong xã hội cổ đại nên học. Các trường đại học thời Trung cổ dần dần xuất hiện vào thế kỷ XII và XIII ở Châu Âu. Trong trường, ba môn cơ bản được dạy đầu tiên là: Ngữ pháp học, Tu từ học và Phép biện chứng, được gọi là "Trivium" (Tam khoa). Trên cơ sở này, các giáo sư đại học sẽ dạy bốn môn khác bao gồm Số học, Âm nhạc, Hình học và Thiên văn, được gọi là "Quadrivium" (Tứ khoa). “Tam khoa” và “Tứ khoa” tựu chung gọi là “Thất nghệ”, sau khi hoàn thành 7 môn này, sinh viên có thể học thêm các khóa học nâng cao như Triết học và Thần học.

 

Tuy nhiên, dù là Thất nghệ hay Triết học, chúng đều không xuất hiện từ thời Trung cổ, mà bắt nguồn từ truyền thống văn hóa của thời đại Hy Lạp cổ; còn nói về Thiên văn, Tinh tượng (vị trí và độ sáng của các vì sao) thì thậm chí còn bắt nguồn từ thời đại viễn cổ xa xưa hơn. Nói một cách nghiêm khắc thì chúng không liên quan gì đến Cơ đốc giáo.

 

Lấy triết học làm ví dụ, ban đầu nó là một cách nhận thức về thế giới, về vũ trụ và chân lý ở thời Hy Lạp cổ, có phần giống với phương pháp tu luyện của Phật gia và Đạo gia ở phương Đông. Trong giới học thuật phương Tây luôn có không ít các nhà sử học và nhà triết học nổi tiếng cho rằng, triết học thời đó của Hy Lạp cổ không phải là những học vấn mà con người ngày nay nhận thức được, mà nó chính là một loại tu luyện tinh thần (Exercice Spirituel). Đây là phép suy lý khi so với pháp môn tu luyện do Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử truyền xuất ra. Có thể thấy, điều này khác xa với khái niệm “triết học” trong suy nghĩ của chúng ta ngày nay.

 

Một số môn phái tu hành và pháp môn tu luyện được lưu truyền từ thời Hy Lạp cổ (những thứ mà ngày nay người ta cho rằng là trường phái triết học) có sức sống mạnh mẽ, vì trí huệ mà chúng truyền tải vượt quá cả kiến ​​thức thông thường trên thế gian. Ngay cả trong thời đại Cơ đốc giáo thống trị Châu Âu, ngọn lửa tu hành thời cổ đại vẫn chưa bị dập tắt. Bởi vì dưới truyền thống văn hóa huy hoàng của Hy Lạp cổ, lối tư duy theo kiểu triết học đã ăn sâu vào máu của người Châu Âu.

 

Ngay từ những ngày đầu khi một số nhà truyền giáo kết hợp triết học Hy Lạp cổ để chứng minh cho tính hợp lý của giáo lý Cơ đốc giáo, cho đến một số Cơ đốc nhân sau này cố gắng chứng minh sự vĩ đại của Thượng Đế bằng cách tìm tòi những điều bí ẩn của đại tự nhiên, những hành vi này đã vô tình phá hoại sự đơn thuần vốn có trong giáo lý tôn giáo của họ, cho phép các tư tưởng hỗn tạp bên ngoài trộn lẫn vào, dẫn đến niềm tin tôn giáo không còn thuần túy. Khi phương pháp tu hành của một tôn giáo bị trộn lẫn với các phương pháp tu luyện khác, bản thân tôn giáo đó sẽ bị suy yếu.

 

Các ngành khác như thiên văn học cũng theo logic như vậy. Con người ở thời đại công nghệ kém phát triển không có những khái niệm thiên văn học như khoa học hiện đại ngày nay. Ngành thiên văn học lúc bấy giờ ngoại trừ một lượng nhỏ nghiên cứu về thiên văn, thì chủ yếu là Tinh tượng học, hay còn gọi là Chiêm tinh học, nói theo cách thông thường thì dùng để toán mệnh. Vua chúa các nước hầu như đều tin vào Thiên tượng và vận mệnh, trong cung đình cũng có các nhà chiêm tinh hỗ trợ quân vương đưa ra quyết định, vua chúa cũng tài trợ cho nghiên cứu trong lĩnh vực này.

 

'Một nhà chiêm tinh bói lá số tử vi Horoscope' trong tác phẩm Utriusque Cosmi Historia năm 1617 của Robert Fludd. (Public Domain)

 

 

Chúng ta đều biết rằng các ngôi sao trên bầu trời đều có tên. Ví dụ, chòm sao Jupiter (Sao Mộc) là tên của Vua của các vị Thần trong Thần thoại La Mã cổ; chòm sao Venus (Sao Kim) là tên của Nữ Thần Tình yêu và Sắc đẹp trong Thần thoại La Mã cổ. Hầu hết tên của các chòm sao có nguồn gốc từ các vị Thần, hoặc các nhân vật và động vật trong Thần thoại Hy Lạp cổ. Còn 12 cung hoàng đạo nổi tiếng lại có liên hệ trực tiếp đến các yếu tố tôn giáo của thời kỳ sớm hơn nữa – thời Babylon cổ...

 

Rõ ràng, một tín đồ Cơ đốc giáo suốt ngày đọc tên các vị Thần trong một hệ khác để nghiên cứu chiêm tinh học là điều không tốt. Vì vậy, từ thế kỷ VI đến thế kỷ XII, trong các khu vực do giáo hội thống trị đã đặt ra rất nhiều hạn chế đối với những thứ này.

 

 

Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng, nếu một sự vật hoàn toàn không có tác dụng gì hoặc là thứ giả thiết không có thật, nó sẽ không có lực sống để song hành cùng lịch sử. Cũng là nói, nếu thuật chiêm tinh hoàn toàn không có tác dụng bói toán hoặc chỉ là thủ thuật để lừa người, vậy nó sẽ không thể tồn tại hàng nghìn năm cho đến ngày nay.

 

Đồng thời, theo dòng chảy thời gian của lịch sử, giới luật hoặc quy tắc trong tôn giáo cũng bị buông lỏng và suy yếu, thêm vào đó là các kết quả nghiên cứu dẫn đầu về chiêm tinh học của thế giới Hồi giáo, Đế quốc Byzantine (Đế quốc Đông La Mã) cũng ngày càng dành sự quan tâm cho tinh tượng, cũng như sự thừa nhận trong các tài liệu tòa án hoàng gia của quan chức một số nước phương Tây, những thứ văn hóa hoàn toác khác biệt với tôn giáo Cơ đốc cuối cùng lại hưng thịnh trở lại ở Châu Âu.

 

Có thể thấy, một số thứ chạm khắc trong các công trình tôn giáo Cơ đốc là đại diện của nền văn hóa khác. Nó phản ánh tình trạng tín ngưỡng lúc này không còn thuần túy như thuở ban sơ, mà cần có tri ​​thức bên ngoài và lý tính của con người làm phụ đạo. Cách truy cầu từ bên ngoài như vậy kỳ thực không phù hợp với truyền thống nguyên thủy “tu hành nội tâm” của Cơ đốc giáo. Nó khiến sự chú ý của mọi người dần hướng đến cuộc sống hiện thực và những vật ngoài thân.

 

Về sau nó dần phát triển thành tình trạng, con người muốn chứng minh ân điển của Thần thông qua những thành tựu đạt được ở thế gian, chứ không phải chỉ dựa vào sự tịnh hóa của nội tâm. Những tác phẩm điêu khắc này đã ghi lại một cách trung thực sự suy yếu dần của Thần tính trong tư tưởng của con người, cũng như quá trình nhân tính và những thứ thế tục dần chiếm thế chủ đạo.

 

Hội họa theo trường phái kiểu cách

Thời kỳ Phục hưng huy hoàng và lộng lẫy như từ trên trời rơi xuống. Màn tái hiện của nền nghệ thuật chính thống, trưởng thành và ở thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử nhân loại lần này giống như một tiếng chuông thần thánh, trang nghiêm, vang dội cổ kim.

 

Sau khi thời kỳ Phục hưng kết thúc, ánh hào quang của nó vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử nghệ thuật nhân loại trong hơn 200 năm. Nó đã truyền tải những yếu tố nghệ thuật và nội hàm văn hóa chính thống mà Thần truyền cấp cho con người. Tuy nhiên, ý nghĩa và các nhân tố xuất hiện trong quá trình phát triển của lịch sử không bao giờ là đơn nhất, trong Âm - Dương cân bằng không thể nào chỉ có các nhân tố chính diện, tích cực, sự xâm nhập của văn hóa đương nhiên cũng có mặt phụ diện, tiêu cực của nó. Kỳ thực, mọi thứ ở thế gian con người đều luôn như vậy. Đặc biệt là sau thời kỳ Phục hưng, những nhân tố phụ diện ngày càng bộc lộ nhiều hơn.

 

Thời gian trôi đi, Leonardo da Vinci, một trong ba bậc thầy vĩ đại của thời kỳ Phục hưng, đã qua đời tại Pháp vào năm 1519. Một năm sau, Raphael, một bậc thầy hội họa khác, biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật thời Phục hưng, cũng rời bỏ thế gian ở Rome. Sự ra đi của hai bậc thầy khiến mọi người hoài niệm, thương tiếc, nhưng cũng là mốc đánh dấu thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Phục hưng Ý bắt đầu đi xuống. Kiếp nạn của Rome vào năm 1527 được giới sử học xác định là sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim.

 

Mặc dù một trong ba bậc thầy Phục hưng còn lại – Michelangelo – vẫn còn sống, nhưng, sở trường của ông là những tác phẩm điêu khắc, và chỉ có mình ông thì không thể cứu vãn cỗ xe Phục hưng đang lao xuống dốc. Những năm tháng chiến tranh, sự hủ bại của giáo hội, nền kinh tế đình trệ, cùng với nhân tâm khó lường, và nhiều yếu tố phụ diện khác đã dần thay đổi tư tưởng và tâm thái của giới nghệ sĩ thời bấy giờ, đồng thời cũng làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật.

 

3 bậc thầy Phục hưng, từ trái sang phải: Leonardo da Vinci, Raphael, Michelangelo. (Ảnh 1: Frederic Lewis/Getty Images; Ảnh 2 và 3: Public Domain)

 

Vào thời điểm đó, nước Ý tôn sùng nhất là nền văn hóa Hy Lạp cổ. Văn hóa này rất coi trọng những khải phát đến từ lý tính của con người, tức là thông qua lý trí của con người mà nắm bắt chân lý, giá trị và ý nghĩa của một cuộc sống hoàn mỹ. Mặc dù loại tư tưởng này hưng khởi vào thời kỳ Phục hưng, nhưng nó cũng có lịch sử của nó.

 

Như đã đề cập trước đó, trong thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo, một số nhà truyền giáo đã cố gắng kết hợp triết học Hy Lạp cổ và La Mã cổ để chứng minh cho tính hợp lý của giáo lý của họ. Qua đó, hình thành nên Triết học của các cha giáo lý (Patristic philosophy), và sau đó là Triết học kinh viện (Scholasticism) phát triển vào thời Trung cổ. Mặc dù bị pha lẫn với những nhân tố cổ đại không thuộc Cơ đốc giáo, nhưng vì những nhân tố này và những lý luận của tôn giáo đã trải qua sự mài giũa và hợp nhất của lịch sử, nên chúng cũng được giáo hội công nhận là một sản phẩm trong hệ của mình. Vì vậy mọi người đã quen với việc chứng minh các giáo lý tôn giáo thông qua lý tính và các quan điểm triết học.

 

Khi tình hình hỗn loạn, tình trạng hủ bại, thậm chí dâm loạn trong giáo hội ngày càng không được lòng dân, niềm tin của mọi người vào Thần bị suy yếu. Người ta trở nên coi trọng cuộc sống hiện thực, lý tính và ý thức của chính mình hơn. Xưa kia, con người tôn sùng việc đề cao phẩm hạnh và đạo đức để thành kính chờ đợi sự cứu rỗi của Thượng Đế. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, tư tưởng của con người dần phát triển thành coi trọng giá trị cá nhân hơn, nhấn mạnh vào sự phát triển của bản thân, dùng đạo lý của con người và sự chủ động của chính mình để thay đổi hoàn cảnh hiện thực. Do đó, các nhân tố Thần tính và tín ngưỡng luôn được nhìn thấy trong tác phẩm của các nghệ thuật gia đã bị giảm bớt, dần thay vào đó là thể hiện xu hướng chủ nghĩa hưởng lạc và nhân tính hóa.

 

Khi những thứ thuộc về nhân tính, thế tục hóa lấp đầy tâm trí người nghệ sĩ, cái lý tính ban đầu dần nhường chỗ cho cảm xúc của nhân tính, nó không còn lý trí như trước. Đồng thời, trong sự cạnh tranh khốc liệt của ngành nghề, các nghệ sĩ đều đang tìm kiếm những phong cách độc đáo vượt trội hơn những người đi trước. Để giành được sự xem trọng của người mua, họ lại phải đáp ứng thị hiếu không ngừng thay đổi theo trào lưu. Hơn nữa, sự phát triển của thị trường nghệ thuật ở thế kỷ XVI cũng khiến việc nhận được sự khen ngợi của các nhà phê bình và sự chú ý của các nhà kinh doanh nghệ thuật ngày càng trở nên quan trọng.

 

Các yếu tố trên đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều thủ pháp sáng tác ngày càng khác so với các phương pháp sáng tạo của thời kỳ Phục hưng trước đó. Chúng dần dần đi xa khỏi nguyên tắc chân thực trong hội họa của Leonardo da Vinci và vẻ đẹp hài hòa cổ điển của Raphael. Nó đã hình thành nên phong cách đối lập với chủ nghĩa cổ điển ban đầu của thời kỳ Phục hưng đỉnh cao, hậu thế gọi đó là "Manierisme" (trường phái kiểu cách).

 

Cần phải chỉ ra rằng, "Manierisme" là một thuật ngữ không rõ ràng trong giới học thuật đời sau, không có một khái niệm chính xác được giới học thuật công nhận chung, vì vậy các họa sĩ Mannerism khác nhau cũng có những phong cách độc đáo của riêng họ. Mặc dù các họa sĩ cố vắt óc tạo ra những hiệu ứng thị giác mới lạ để vượt qua các bậc thầy của thời kỳ Phục hưng, nhưng nghệ thuật không chỉ giới hạn ở hình thức bên ngoài, mà còn bao gồm cả phong thái và diện mạo tinh thần cũng như nội hàm tư tưởng mà nghệ sĩ muốn thể hiện trong các tác phẩm của mình. Thông qua hình thức nghệ thuật hoàn mỹ được hun đúc qua muôn vàn thử thách, người nghệ sĩ có thể biểu lộ lý giải của bản thân về nghệ thuật và ước vọng theo đuổi vẻ đẹp thần thánh.

 

 

Bức tranh "Entombment" (Sự chôn cất) vẽ năm 1528 của Jacopo da Pontormo, một họa sĩ theo trường phái kiểu cách đời đầu. (Public Domain)

 

 

Vẻ đẹp nội tại ấy có thể biểu hiện qua các yếu tố thị giác bên ngoài như bố cục hài hòa, hình thể chính xác, màu sắc chân thực… Nhưng nếu ngay từ các yếu tố thị giác cơ bản bên ngoài đã sai lệch thì không thể nào toát ra tinh thần cao quý bên trong. Cho nên thể hiện cái “mới lạ” thông qua hình thể biến dị không khác gì việc uống thuốc độc giải khát. Bởi vì xét từ góc độ tâm lý của khán giả, sự tươi mới tức thì do hình thể người biến dị trong tranh mang lại sẽ không lâu dài, người ta sẽ sinh lòng phản cảm. Nói đơn giản thì một bức tranh vẽ không giống sẽ làm người ta cảm thấy khó chịu theo bản năng. Vì vậy, những tác phẩm này cuối cùng đã không mấy nở rộ trong lịch sử nghệ thuật.

 

Trong thời đại không có máy ảnh, tranh chân dung mang chức năng ghi hình, và vẽ giống là quy tắc đầu tiên. Thử tưởng tượng nếu ai đó yêu cầu một nghệ sĩ vẽ anh ta, nhưng người nghệ sĩ vì muốn đạt được một “phong cách” mới lạ nên đã dùng thủ pháp thấu thị để vẽ, trông như thể đầu hoặc cơ thể của người đó bị bóp méo. Có ai muốn trả tiền cho một bức tranh chân dung như vậy không? Bản năng thị giác của con người là muốn nhìn thấy những tác phẩm vẽ như thực. Vì vậy, những phong cách có chút đột biến kia không tồn tại được lâu và dần mai một.

 

Diễn giải nghệ thuật khỏa thân

Do quyền lực của giáo hội bị suy yếu và vương quyền thế tục được đề cao, các nhà tài trợ cho thị trường nghệ thuật không còn chủ yếu là giáo hội và các hệ thống liên quan của nó như trước kia. Vì vậy, các chủ đề và loại hình nghệ thuật thời này phong phú hơn nhiều so với các tác phẩm hội họa hay điêu khắc tôn giáo nguyên thủy. Chân dung, lịch sử, phong tục, thần thoại Hy Lạp và các chủ đề khác bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật. Vào thời điểm này, thị hiếu thẩm mỹ của các gia đình hoàng gia cũng thế tục hơn so với thời Trung cổ. Các nghệ sĩ đã nhân cơ hội này để giới thiệu nghệ thuật khỏa thân vốn phổ biến ở Ý đến các quốc gia tương đối bảo thủ khác.

 

Trên thực tế, hình tượng khoả thân trong các tác phẩm nghệ thuật không phải là điều cấm kỵ tuyệt đối, ngay cả trong thời Trung cổ. Vẫn có các trường hợp khỏa thân ngoại lệ như Adam và Eva, hoặc những người ác bị tống vào địa ngục, bởi vì theo các ghi chép trong Kinh Thánh thì họ đều mang hình tượng khỏa thân. Chẳng hạn như ở thế kỷ XIII, các tác phẩm điêu khắc Adam và Eva bên trong và bên ngoài Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris đều không mặc y phục.

 

Người thời đó quan điểm rằng, hình ảnh khỏa thân sau tội nguyên tổ là đi ngược lại với tôn chỉ cấm dục của Cơ đốc giáo, dễ làm khơi dậy dục vọng của con người, làm bại hoại phong tục và giáo hóa. Vì vậy, hình tượng khỏa thân thường bị gắn với thứ không đứng đắn, nhục dục, tội chướng và ma quỷ, trừ một số trường hợp ngoại lệ thì tất cả đều bị cấm.

 

 

Trang trí phù điêu ở mặt tiền phía tây của Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris. Nội dung bên trái là sự ra đời của Eva; phần giữa là hoàn cảnh Adam và Eva bị cám dỗ trong Vườn Địa đàng; bên phải là nội dung trục xuất Adam và Eva khỏi Vườn Địa đàng. Vì hình tượng trong các tác phẩm nghệ thuật thời đó phải tuân theo các ghi chép trong Kinh thánh, nên tất cả đều khỏa thân. (Public Domain)

 

 

Tuy nhiên, thời kỳ Phục hưng nghệ thuật Ý lại mang đến một cách giải thích khác. Sau khi Đế quốc Ottoman trỗi dậy, nó xâm lược và hủy diệt Đế quốc Byzantine (Đế quốc Đông La Mã). Nhiều học giả địa phương đã chạy sang phương Tây để tị nạn, họ mang theo một lượng lớn các kho tàng nghệ thuật Hy Lạp cổ và La Mã cổ, cùng các tác phẩm kinh điển cổ đại về triết học và lịch sử. Điều này cho phép Châu Âu, đặc biệt là Ý, quốc gia nằm gần Byzantine nhất, sau khi kết hợp chúng với thành quả khảo cổ của bản địa, đã có được sự hiểu biết sâu hơn về nền văn minh huy hoàng và những thành tựu nghệ thuật thời cổ đại. Trong đó tất nhiên bao gồm cả nghệ thuật khỏa thân ở Hy Lạp cổ và La Mã cổ.

 

Người Hy Lạp cổ cho rằng, hình tượng đẹp nhất trong vũ trụ phải là một vị Thần vĩ đại, và các vị Thần Hy Lạp cổ đã tạo ra con người theo hình tượng của chính họ, vì vậy trong thế giới con người không có gì đẹp hơn một thân hình người khỏe đẹp, kiện mỹ. Do đó, các nghệ sĩ Hy Lạp cổ đã ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể người trong tác phẩm nghệ thuật. Đây thực sự là quan niệm khác nhau một trời một vực so với hầu hết các dân tộc ở Châu Âu, người Châu Âu cho rằng khỏa thân là xấu xí.

 

Nhưng sau khi quan điểm này được khai quật, nó đã được các nghệ sĩ Ý trong thời kỳ Phục hưng áp dụng. Bởi vì Cơ đốc giáo cũng cho rằng Chúa đã dùng đất để tạo ra con người theo hình tượng của chính Ngài. Hình tượng của Thần là hoàn hảo, nên cơ thể người – một sản phẩm phỏng theo – cũng mang những nét đẹp tương ứng.

 

 

Bức tranh “Chúa tạo ra Adam” (1508-1512) của Michelangelo vẽ trên trần Nhà nguyện Sistine, Vatican. (Public Domain)

 

 

Ban đầu, các nghệ sĩ Ý đã khắc họa hình tượng khỏa thân cho các nhân vật thần thoại trong nền văn minh Hy Lạp hoặc các vị Thần được ghi lại trong sách cổ không mặc quần áo, nhằm thể hiện vẻ “chân thực” thánh thiện và thuần khiết không bị ô nhiễm bởi các quan niệm xấu thấp kém, bởi vậy không mang hàm ý sắc tình, khiêu dâm ở đây.

 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, do lượng người đăng ký mua các tác phẩm loại này ngày càng tăng, tranh khỏa thân đã dần hình thành một trào lưu. Do người vẽ tranh có những nền tảng tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ khác nhau, người mua và người thưởng thức đa phần cũng lại là những người thường có đủ thất tình lục dục, nên có không ít người mua tranh không phải để trưng bày công khai, mà là để tự ngắm và sưu tập riêng, hoặc làm quà tặng trong xã hội thượng lưu để mở rộng mối quan hệ.

 

Dần dần, mặc dù các nhân vật khỏa thân trong các tác phẩm vẫn được đặt theo tên của các nữ thần như “Thần Vệ nữ Venus” hay “Thần Aphrodite”, nhưng trên thực tế, người ta đều biết rằng những cái tên này chỉ là vỏ bọc hư danh và là cái cớ để phô bày vẻ đẹp gợi cảm trần trụi.

Tượng thần Vệ Nữ thành Milo được tìm thấy vào năm 1820 ở đảo Milos của Hy Lạp. Pho tượng được cho là có niên đại vào khoảng 130 TCN, khắc họa vị Nữ Thần Tình yêu và Sắc đẹp. (Livioandronico2013/Wikimedia Commons/CC BY-SA 4.0)

 

 

Thời đó không tồn tại nghề làm mẫu chuyên nghiệp, người làm mẫu cho các họa sĩ vẽ tranh khỏa thân thông thường chỉ có thể là những cô kỹ nữ cao cấp với ngoại hình nổi bật. Họ đều kiếm được không ít, sống trong những ngôi nhà sang trọng, rất có trình độ về thi pháp và âm nhạc. Nhưng những cử chỉ nho nhã và dung mạo hư ảo của họ không thể thay đổi bản chất trái tim họ.

 

Vì vậy, hình tượng nữ Thần vẽ ra từ những cô mẫu kỹ nữ có thể thể hiện ra Thần tính thánh thiện và cao thượng hay không, thì cần phải xem sự tu dưỡng của chính người nghệ sĩ. Khi lòng sùng kính với thần thánh trong tư tưởng người nghệ sĩ biến mất, những gì người xem nhìn thấy chỉ là hình vẽ khiêu dâm trần trụi bằng kỹ thuật cao.

 

Do sự ô nhiễm của dòng chảy xã hội và sự xói mòn tín ngưỡng của nhân tâm, người ta cũng không chất vấn tại sao một họa sĩ tin vào Chúa lại đi vẽ các vị Thần của Hy Lạp cổ và La Mã cổ – một hệ văn hóa khác văn hóa Cơ đốc. Mặc dù các tín đồ ở phương Tây thời đó có thể chưa nghe đến thuật ngữ “bất nhị pháp môn” (chỉ chuyên nhất theo một pháp môn, không thể cùng lúc đặt hai chân lên hai thuyền) của Phật gia, nhưng ngày thường họ cũng đã học những giáo lý tương tự trong Cơ đốc giáo. Những thứ trộn lẫn từ bên ngoài đã làm sức mạnh của tín ngưỡng tôn giáo trở nên suy yếu, khiến tín ngưỡng tôn giáo ngày càng khó tiếp tục duy trì đạo đức con người.

 

Đồng thời, chính vì dục vọng của con người phàm tục nên cho dù đứng trước các bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc khỏa thân vừa đẹp lại không mang tính gợi sắc gợi tình, họ vẫn bị kích thích và nảy sinh ra những suy nghĩ sắc dục. Do vậy, ngay cả khi cái tâm của người nghệ sĩ làm nghệ thuật là thuần khiết, trong sáng, nhưng nếu chủ đề tác phẩm là khỏa thân, nó cũng có thể khơi dậy dục vọng của người xem và gây tác động tiêu cực tới xã hội.

 

Nghệ thuật khiêu dâm trực tiếp kích thích các giác quan của con người và phá vỡ nghiêm trọng cuộc sống hiện thực. Nhà sử học nổi tiếng người Thụy Sĩ ở thế kỷ XIX Jacob Burckhardt cũng chứng thực trong một nghiên cứu rằng, cuộc khủng hoảng xã hội là do hiện tượng ngoại tình lan rộng và sự suy thoái đạo đức hôn nhân gia đình ở Ý trong thời kỳ Phục hưng gây ra.

Ông viết: "Một đặc điểm của thời kỳ này ở Ý là, hôn nhân và các quyền lợi của nó bị chà đạp một cách tới tấp và có ý thức hơn bất cứ nơi nào khác ... Vợ chồng không chung thủy không còn là việc gì hiếm hoi, hơn nữa trong một số trường hợp còn dẫn đến sự trả thù đẫm máu". 

 

Phong thái đạo đức xã hội băng hoại có liên quan mật thiết đến sự dẫn dắt và cổ xúy của các tác phẩm nghệ thuật. Hậu quả của sự buông thả không có ước thúc về mặt đạo đức không chỉ thể hiện trong các cuộc khủng hoảng của gia đình và xã hội. Theo sử sách về y học, từ năm 1494 đến năm 1495, lần đầu tiên ở Naples, Ý xảy ra một đợt bùng phát bệnh lây truyền trên quy mô lớn và sau đó lan rộng khắp Châu Âu.

 

Đó là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, có tỷ lệ tử vong cao, sau này được gọi là "bệnh giang mai". Do không có phương pháp điều trị hiệu quả, căn bệnh này nhanh chóng khiến các quốc gia choáng váng khi giết chết hàng triệu người. Mọi người kinh hãi bảo nhau rằng đây là sự trừng phạt của Thượng Đế cho sự dâm loạn ở hạ giới, khi này họ mới bắt đầu ước thúc dục vọng của chính mình.

Hình minh họa y học sớm nhất được biết đến về những người mắc bệnh giang mai, Vienna, năm 1498. (Public Domain)

 

 

Trên thực tế, khi con người bị dục vọng mạnh mẽ điều khiển, ngay cả khi đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh tật hoặc thậm chí tử vong, vẫn có người thà chấp nhận rủi ro chứ không chịu từ bỏ, từ những nhóm người mắc căn bệnh này trong lịch sử có thể thấy.

 

Để kiểm soát căn bệnh, người ta chỉ đành dùng đến liệu pháp thủy ngân, chất này rất nguy hại cho cơ thể và có tác dụng phụ rất lớn. Cho đến trước những năm 1940, con người vẫn chưa thể tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả cho bệnh giang mai, vì vậy, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh này là giữ mình trong sạch.

 

Những người dân Châu Âu có nền tảng đạo đức tương đối ổn định vào thời điểm đó rất không ưa chủ nghĩa hưởng lạc phóng túng của người Ý, thậm chí vào thế kỷ XVI, ở Anh còn lưu truyền một câu ngạn ngữ cực đoan: “An Englishman Italianate is a devil incarnate” (Một người Anh bị Ý hóa chính là hiện thân của ma quỷ).

 

Từ việc tác giả William Shakespeare miêu tả các nhân vật người Ý trong các vở kịch của mình như những kẻ xấu xa, đạo đức đồi bại, gian trá xảo quyệt, có thể thấy rằng hệ tư tưởng kiểu Ý không hề được các quốc gia phía bắc thừa nhận. Nhưng bản thân Shakespeare cũng không thoát khỏi ảnh hưởng này, các tác phẩm như “Venus và Adonis”... của ông thực sự cũng miêu tả lộ liễu vấn đề này.

 

Từ sự lây lan của bệnh giang mai ở các nước Châu Âu có thể thấy, Châu Âu thời đó nói chung, chứ không riêng nước nào, đã bước đến giai đoạn sa sút về đạo đức. Bởi vì hơn 90% bệnh nhân nhiễm giang mai là lây nhiễm qua đường tình dục, mức độ dâm loạn của một quốc gia tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc bệnh.

 

Loại trào lưu tư tưởng phóng túng và hưởng lạc này được đóng gói trong những kỹ xảo và phương pháp hội họa, điêu khắc tinh tế. Từ cảm quan bên ngoài, rất khó để có thể nhìn thấy mặt xấu của nó. Trong mắt nhiều người, sự thịnh vượng của văn hóa và nghệ thuật Ý phản ánh xu hướng tư tưởng học thuật tiên phong lúc bấy giờ, đặc biệt là kỹ xảo nghệ thuật vượt xa các vùng khác cùng sự tinh tế đáng kinh ngạc đã tạo nên một nhận thức sai, quan niệm sai rằng cứ là nghệ thuật Ý thì cái gì cũng hay cũng tốt. Sự hào nhoáng ở bề mặt khiến chúng ta không dễ gì có thể suy ngẫm sâu hơn về bản chất của sự vật, sự việc.

 

Do các tác phẩm nghệ thuật có thể trực tiếp gây kích thích và lây nhiễm nhất đến giác quan của con người, nên ảnh hưởng của chúng đến đạo đức của con người cũng là mạnh mẽ nhất. Những người thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật kiểu này sẽ dần bị tiêm nhiễm bởi các tư tưởng được thể hiện trong đó. Khi những tư tưởng này được phổ biến rộng cũng khiến quan niệm đạo đức của xã hội thay đổi. Trong khi phần lớn xã hội thời đó vẫn theo đạo, thậm chí vẫn có một bộ phận khá lớn tín đồ nhiệt thành, nhưng các hành vi xuất hiện sau khi đạo đức sa sút đã trái ngược hoàn toàn với yêu cầu trong Kinh Thánh.

 

Vào thời điểm đó, các họa sĩ tại các quốc gia khác rõ ràng cũng bị trào lưu tư tưởng này tiêm nhiễm nặng. Ví dụ, từ thế kỷ XVI, Pháp cũng có những bức tranh khỏa thân tương tự. Mặc dù tranh khỏa thân giúp các họa sĩ quen thuộc hơn với phương pháp vẽ cấu trúc cơ thể người và nâng kỹ thuật vẽ tranh lên một tầm cao mới, nhưng tác dụng phụ của nó thì ai cũng rõ. Từ tác phẩm “L’Heptameron” (Thất nguyệt đàm) của Marguerite de Navarre (1492-1549), chị gái của Vua Pháp François I, có thể thấy suy nghĩ của các nhà quý tộc thời đó.

 

Trước sự lây lan của căn bệnh tình dục trên diện rộng và sự tức giận của những người theo trường phái cải cách tôn giáo, sau khi Hội nghị các Đẳng cấp (Estates General) kết thúc vào cuối tháng 1/1561, Pháp đã công bố lệnh cấm mại dâm và đóng cửa các nhà chứa cũng như các nhà tắm chung nam nữ. Mặc dù từ đó, hoạt động mại dâm chẳng qua chỉ là chuyển từ chế độ công khai sang chế độ ngầm nhưng dù sao nó cũng có chừng mực hơn.

 

 

Bức tranh "Công đồng Trentô" ở Bảo tàng cung điện Buonconsiglio, Trento. (Laurom/WikiMedia Commons/CC BY-SA 3.0)

 

 

Năm 1563, Công đồng Trentô (Concile de Trente) kéo dài 18 năm từ 1545-1563 cuối cùng đã kết thúc. Hội nghị đưa ra câu trả lời mang tính quyết định về phong trào cải cách tôn giáo của Martin Luther và tuyên bố phương án cụ thể. Vì lúc bấy giờ đại đa số người dân là tín đồ tôn giáo, nên những phương án này cũng liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân. 

Công đồng Trentô quyết định, ảnh khoả thân bắt đầu bị cấm trong các tác phẩm nghệ thuật. Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc nổi tiếng trước đây có hình người khỏa thân được các nghệ thuật gia thời ấy sửa bằng cách vẽ thêm quần áo hoặc hoa lá để che bộ phận sinh dục và tránh trực tiếp để lộ những bộ phận nhạy cảm. Đồng thời, do phát hiện giới nghệ thuật đã lạm dụng chủ đề tôn giáo, cuộc họp còn quyết định: Về sau giáo hội sẽ là bên kiểm duyệt nghiêm ngặt nội dung các tranh ảnh, hình vẽ tôn giáo; yêu cầu các nghệ sĩ khi miêu tả các câu chuyện tôn giáo phải thể hiện được khung cảnh trang trọng và linh thiêng; cần nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật trong việc tuyên dương mỹ đức.

(ntdvn.net; Nam Phương - Theo Arnaud H - The Epoch Times)