“Chủ nghĩa nằm ngửa”, được rất nhiều thanh niên Trung Quốc hưởng ứng (Ảnh: Vision Times)

 

 

 

 

 

“Nằm ngửa” (tiếng Anh: "lying flat) không cần có tổ chức, không cần người đứng đầu, không cần tuyên bố công khai, không cần nhóm họp biểu tình, không cần đăng đàn chống đối. “Nằm ngửa” là một tư tưởng không phải một con người cụ thể, đó chỉ là một trạng thái trong tâm, vì ẩn sâu nên rất khó nắm bắt, rất khó khống chế. Nói cách khác, “nằm ngửa” là một phong trào vô hình.

 

 

Phong trào “nằm ngửa” trong xã hội Trung Quốc đương đại.

 

Thời gian gần đây, có một chủ đề nóng trong xã hội Trung Quốc, gọi là “chủ nghĩa nằm ngửa”, được rất nhiều thanh niên nước này hưởng ứng. Đây không phải là một “hot trend” sớm nở tối tàn về những phong cách sống nhất thời, mà là một giá trị, một triết lý sống hoàn toàn nghiêm túc.

 

 

Quan niệm này đã bắt đầu hình thành trong những năm gần đây, đặc biệt ở thế hệ trẻ sinh ra sau những năm 90 của thế kỷ trước ở xã hội Trung Quốc, nhưng đã trở thành một hiện tượng nổi bật, một lối sống được nhiều người Trung Quốc tán đồng... sau bài viết “nằm ngửa là chính nghĩa” trên mạng Baidu Tieba. Tác giả bài viết tâm sự như sau:

 

“Hơn 2 năm không làm việc rồi, đều đang chơi, không cảm giác có chỗ nào đó không đúng. Áp lực chủ yếu đến từ việc muốn định vị bản thân sau khi so sánh những người xung quanh với nhau, và quan niệm truyền thống của các bậc trưởng bối. Chúng sẽ liên tục xuất hiện bên cạnh bạn. Mỗi khi bạn đọc được thông tin về tìm kiếm nóng thì thấy đều là chuyện yêu đương của các minh tinh, ‘xung quanh chuyện sinh đẻ’ như mang thai chẳng hạn, giống như có những thứ ‘sinh vật không nhìn thấy’ đang tạo ra một loại tư duy cưỡng ép lên bạn. Con người không nhất định phải như thế. Tôi có thể giống như Diogenes chỉ ngủ trong thùng gỗ của mình để phơi nắng, cũng có thể giống như Heraclitus trú ở trong hang động để suy nghĩ về những biểu trưng (logos). Nếu trên mảnh đất này chưa bao giờ thực sự tồn tại trào lưu tư tưởng đề cao tính chủ thể của con người, vậy tôi có thể tự tạo cho bản thân mình, ‘nằm ngửa’ chính là vận động của kẻ trí giả như tôi, chỉ có ‘nằm ngửa’ thì con người mới là thước đo vạn vật.” 

 

 

Có thể tóm tắt ý tưởng của “chủ nghĩa nằm ngửa” rằng: “không làm việc, không mua nhà, không mua đồ, không tiêu dùng, không kết hôn và sinh con, tiết chế ham muốn và nhu cầu đến tối thiểu”.

 

 

“Nằm ngửa” không có nghĩa là hoàn toàn không làm việc, mà là làm việc ít đi, sao cho có đủ chi phí tối thiểu để duy trì cuộc sống, chứ không “bán mạng” cho công việc hay những “giấc mơ đổi đời” nữa.

 

 

 

 

 

 

 

Nằm ngửa là làm việc chỉ đủ chi phí tối thiểu để duy trì cuộc sống, chứ không “bán mạng” cho công việc hay những “giấc mơ đổi đời” nữa (Ảnh: Shutterstock)

 

 

 

Nguyên nhân cho thái độ sống này có thể được diễn giải như sau: “Tôi là người trẻ, tôi đã thấy thế hệ trước phải lao động cật lực mà không mua được nhà, không mua được xe, vẫn phải chật vật đối phó với chi phí sinh hoạt nơi thành thị… chúng tôi đã bị giới đặc quyền đặc lợi dẫn trước quá xa, đến mức không bao giờ còn hy vọng được đứng ngang hàng với họ về điều kiện sống. Mọi việc đâu có giống như nhà nước hứa hẹn, rằng phấn đấu chăm chỉ sẽ đổi đời. Chúng tôi không muốn như những con thiêu thân trong “văn hóa 996” (9 giờ sáng làm việc đến 9 giờ tối mới nghỉ, mỗi tuần làm việc 6 ngày) vốn không thể khiến chúng tôi thành công, mà chỉ vắt kiệt sức lao động để dâng hiến quả ngọt cho người khác.”

 

 

 

Cư dân mạng “Shen lin shen chu 200608” nói: “Dù có vất vả thế nào cũng không giàu lên được, chỉ là công cụ để người khác sai khiến, công cụ hỏng rồi thì thẳng tay vứt đi, nghĩ như thế này thì quả thực chả có gì mà phải vất vả như thế.” 

 

 

Người ta cũng nhận thấy rằng, càng làm nhiều lại càng tốn nhiều chi phí sinh hoạt, xem ra làm nhiều cũng chẳng giàu có hơn “nằm ngửa” là mấy, chi bằng hãy “nằm ngửa” cho xong.

 

 

Trên WeChat, một bài thơ với chủ đề “nằm ngửa” đã trở nên phổ biến, có đoạn viết: “Nằm ngửa là để không khom người. Nằm ngửa là để không cúi quỳ. Nằm ngửa nghĩa là đang đứng ngang. Nằm ngửa là thẳng băng xương sống.” 

 

 

Những hậu quả nhãn tiền của chủ nghĩa nằm ngửa và phản ứng của chính quyền Trung Quốc.

 

Điều có thể nhìn thấy ngay là vấn đề thiếu hụt lao động của Trung Quốc. Do ảnh hưởng của chính sách mỗi cặp vợ chồng không sinh hơn một con của chính quyền nước này những năm trước đây, mà dẫn đến vấn đề hiện nay: tỷ lệ sinh thấp và sự già hóa dân số.

 

 

“Theo báo cáo điều tra dân số của Trung Quốc công bố ngày 11/5/2021 cho thấy, dân số Trung Quốc đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm 0,53% trong 10 năm qua, giảm 0,04% điểm phần trăm so với tỷ lệ tăng dân số hàng năm của thập kỷ trước đó. Đồng thời, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 tuổi trên tổng dân số là 63,35%, giảm 6.79 điểm phần trăm so với 10 năm trước đó; trong khi dân số trên 60 tuổi chiếm 18,70%, tăng 5,44 điểm phần trăm so với 10 năm trước đó”.

 

Thiếu hụt dân số trẻ, thừa dân số già dẫn tới gánh nặng lương hưu và nghiêm trọng hơn là thiếu hụt lực lượng lao động. Thiếu hụt lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh kinh tế, đến giấc mơ tăng trưởng, vốn vẫn được coi là trụ đỡ cho tính chính danh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

 

 

 

Và còn đó “giấc mơ Trung Hoa” làm bá chủ thế giới của “đương kim hoàng thượng đỏ” Tập Cận Bình và ĐCSTQ, biết lấy ai để thành tựu cho nó đây?

 

 

 

Vậy nên dù chính quyền ĐCSTQ công bố chính sách cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh ba con, nhưng người dân không xem đó như một sự “khai ân” đối với quyền con người nghiễm nhiên này, vấn đề là chi phí cho cuộc sống quá đắt đỏ để nuôi con. Nên người trẻ thà “nằm ngửa” còn hơn.

 

 

 

Và từ phong trào “nằm ngửa” này, chính quyền ĐCSTQ đã nhìn thấy sự bất tuân của một bộ phận dân chúng, nhất là thanh niên, đó là điều khiến họ bất an nhất. Dĩ nhiên, cả hệ thống chính quyền phải vào cuộc để xử lý.

 

 

 

Như thường lệ, báo chí luôn đi trước để tạo dư luận.

 

 

Các tờ báo chính thống của ĐCSTQ là Tân Hoa xã và Nam Phương Nhật báo chỉ trích phong trào “nằm ngửa” là “vô sỉ” và “không có ý thức công lý”, là “canh gà độc”.

 

 

Những cơ quan ngôn luận này cũng phát đi tuyên bố của chính quyền rằng: “An phận thì được, nằm ngửa thì không”. Hay nói cách khác, cho phép dân chúng tiếp tục làm con rối của ĐCSTQ chứ không được phép nằm ì ra như thế.

 

 

Và họ lại nhân danh những điều tốt đẹp để kêu gọi: “Giới trẻ hiện nay thích ‘nằm ngửa’, ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của đất nước?” - lời này là của ông Du Mẫn Hồng, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục New Oriental.

 

 

Nhà nước Trung Quốc hiện đã cho đóng nhiều nhóm chat về chủ đề “nằm ngửa” trên mạng internet.

 

 

Dường như thanh niên Trung Quốc đã hiểu ra rằng, một lần nữa, họ lại bị Đảng lừa, như bao thế hệ trước họ đã bị lừa.

 

 

Lịch sử lừa dối của ĐCSTQ.

 

 

1. Lừa dối toàn dân về hứa hẹn dân chủ

“Trong một đất nước dân chủ, chủ quyền nằm trong tay nhân dân, phù hợp với Đạo Trời và Đất. Nếu một nước tự nhận là dân chủ nhưng chủ quyền không thuộc về nhân dân, điều đó nhất định là không đi đúng đường mà chỉ có thể là lệch hướng, và nước này không phải là một nước dân chủ… làm sao mà dân chủ có thể trở thành hiện thực nếu không chấm dứt sự cầm quyền của Đảng và nếu không có một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu? Hãy trả lại quyền lực của nhân dân cho nhân dân!”.

 

 

Điều này nghe như lời hô hào của một “thế lực thù địch” nào đó của ĐCSTQ? Không phải, tuyên bố trên là từ một bài viết đăng trên tờ “Tân Hoa nhật báo” - tờ báo chính thức của ĐCSTQ số ra ngày 27-9-1945. Lúc này, đang là thời gian của cuộc chiến Quốc - Cộng giữa ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng, khi đó ĐCSTQ chưa nắm được quyền lực và cần tô vẽ diện mạo cho đẹp đẽ để có được sự ủng hộ của lòng dân.

 

 

Nhưng sau năm 1949, khi ĐCSTQ đã chính thức nắm quyền thì sao? Tuyệt đối không thể có dân chủ, chỉ có “chuyên chính vô sản”, “dân chủ tập trung”, hay nói cách khác là “độc tài cộng sản” mà thôi. Tất cả những ai dám đề cập đến dân chủ đều bị khép tội và bị thanh trừng, từ cuộc “Vận động trăm hoa” đến phong trào sinh viên ở Thiên An Môn - Bắc Kinh năm 1989.

 

 

Thực tế thì, món nợ lớn nhất của ĐCSTQ không phải là khoản nợ xấu nước ngoài trị giá hàng nghìn tỷ đô la, mà là món nợ về tự do dân chủ với nhân dân Trung Quốc.

 

 

2. Lừa dối nông dân, công nhân 

Để lợi dụng sự ủng hộ của nông dân trong cuộc chiến Quốc - Cộng, Mao Trạch Đông vuốt ve nông dân: “không có bần nông thì không có cách mạng, đả kích nông dân là đả kích cách mạng”. Với tầng lớp địa chủ, phú nông, ngày 20/07/1947, Mao Trạch Đông ra chỉ thị: “ngoài một số ít những phần tử phản động, thì phải có thái độ hoà hoãn nới lỏng với giai cấp địa chủ… giảm bớt kẻ thù”.

 

 

Nhưng khi giành được chính quyền rồi thì sao? Thì địa chủ phải chết. Bằng cách nào? Bằng chiêu lừa “người cày có ruộng”, kích động lòng tham của rất nhiều nông dân, khiến họ đứng lên chống lại địa chủ. Hậu quả của phong trào này là gần một trăm nghìn địa chủ đã bị giết hại bởi đảng viên ĐCSTQ và nông dân, khiến nông thôn Trung Quốc xơ xác tang thương. Sau đó, quả thực “người cày” cũng có ruộng, nhưng chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, rồi tất cả đều bị “lùa” vào hợp tác. Đất đai lại trở thành của hợp tác xã, tức là của nhà nước.

 

 

 

 

Bằng chiêu lừa “người cày có ruộng”, kích động lòng tham của rất nhiều nông dân, khiến họ đứng lên chống lại địa chủ. (The Epoch Times)

 

 

 

 

Và đến nay, nghèo khổ, thiệt thòi nhất vẫn là nông dân Trung Quốc.

 

 

Với công nhân, ĐCSTQ tán dương họ thành “giai cấp tiên tiến nhất”, “chí công vô tư”, “giai cấp lãnh đạo”, “đội quân tiên phong của cách mạng vô sản”... đó là lúc ĐCSTQ cần họ bãi công, gây khó dễ với chủ xưởng, đòi quyền lợi với chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân Đảng, đòi “tăng lương giảm giờ làm”, tham gia vào tổ chức của ĐCSTQ để gây rối xã hội… vì ĐCSTQ tuyên truyền rằng, cần tiêu diệt giai cấp tư sản là giai cấp bóc lột để xây dựng “thiên đường nhân gian”, “xã hội đại đồng”, “nơi không có người bóc lột người” và “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

 

 

Đến nay thì sao? “đội tiên phong của cách mạng vô sản” ấy vẫn tiếp tục lầm lũi trong những công xưởng không thấy ánh mặt trời của ĐCSTQ, như những con ong thợ ngày đêm tự vắt kiệt sức lực để làm giàu cho giới “tư bản đỏ”, chính là ĐCSTQ - những kẻ luôn tự xưng mình là “đầy tớ của nhân dân”. Những “chủ nhân ông” mới này còn bóc lột tàn tệ gấp nhiều lần giới tư sản trước kia. Mỉa mai thay, những người công nhân, nông dân nuôi sống quốc gia, nuôi béo đám “đầy tớ” tham nhũng lại không thể nuôi nổi chính mình. Rốt cuộc vẫn là vật hy sinh trong cú lừa ngoạn mục của ĐCSTQ.

 

 

3. Lừa dối trí thức.

Năm 1957, Mao Trạch Đông đã kêu gọi các nhà trí thức Trung Quốc và những người khác “giúp đỡ Đảng tự chỉnh đốn”. Cuộc vận động này, được gọi tắt là “vận động trăm hoa”. Thực chất, trong nội bộ thân tín của mình, Mao nói rằng đó là chiêu “dụ rắn ra khỏi hang” bằng cách để trí thức nói ra quan điểm của mình dưới danh nghĩa tự do tư tưởng và chỉnh đốn Đảng. Đảng hứa sẽ không trừng phạt, không trả thù. Nhưng ngay sau khi nhân dân mở lòng với Đảng thì là một cuộc thanh trừng tàn nhẫn, rộng khắp trong cả xã hội, đặc biệt là với giới trí thức phản biện. Kết quả của cuộc đấu tranh chống cánh hữu này đã tìm ra 550.000 “phần tử cánh hữu”, 270.000 người đã ra khỏi công chức, 230.000 người bị coi là “phần tử trung hữu” và “phần tử phản đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội”. Những trí thức theo tinh thần Trung Hoa xưa đầy tự trọng đã bị làm nhục, bị giết chết, bị tước đi quyền sống, bị lưu đày, bị cô lập… những người còn lại thì ngoan ngoãn thần phục, từ nay cam phận làm tôi đòi cho ĐCSTQ mà không dám hé răng phản biện nửa lời.

 

 

 

4. “mèo trắng, mèo đen” hay cuộc lừa bịp kế tiếp về giấc mơ làm giàu, dẫn đến phong trào “nằm ngửa”.

 

Đến những năm 80 của thế kỷ trước, khi con đường phát triển đi vào bế tắc thì ĐCSTQ lại hô hào một cuộc cải cách để tìm lối thoát cho mình, duy trì quyền cai trị đất nước của nó vốn đang rất lung lay. Đó là cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc, được Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

 

 

Tinh thần của cuộc cải cách này đó là: khuyến khích người dân làm giàu, tránh xa chính trị, rằng: “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Thực chất là khơi dậy “lòng tham” và đe nẹt cho “sợ”, hay chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. 

 

 

Sau đó thì tư bản kếch xù cùng kỹ thuật tối tân từ phương Tây chảy ầm ầm vào Trung Quốc, như mưa rào rơi trên ruộng hạn. Một đất nước có tỷ người dân chăm chỉ cần cù, thông minh khéo léo, lại bị ĐCSTQ giày vò cho sợ đến mức phải liều mạng để kiếm tiền, thì một màn “kỳ tích kinh tế” đã phát sinh và những lãnh đạo ĐCSTQ chỉ cần ung dung “tọa hưởng kỳ thành”, thoắt một cái biến mình từ những “người vô sản chân chính” thành những trùm tư bản đỏ kếch xù - đối tượng mà họ đã từng tiêu diệt nhân danh công bằng xã hội và giấc mơ xây dựng “thiên đường nhân gian”.

 

 

Nhưng sau mấy chục năm mở cửa kinh tế, tinh thần của xã hội vẫn không hướng thượng mà ngày càng xuống dốc, đạo đức xã hội băng hoại với tốc độ còn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một xã hội không có tự do, không có sáng tạo, không có đạo đức, không có tín nghĩa… thì chắc chắn không có nền tảng phát triển vững vàng. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại, đi giật lùi trong khi số người lao động ngày càng thiếu hụt. Nói cách khác, Trung Quốc “chưa giàu mà đã già”. Lớp trẻ Trung Quốc nhìn thấy sự bất công trong việc “ai là người làm, và ai là người hưởng”, thấy sự lừa bịp trong những khẩu hiệu kích động nhân danh lợi ích quốc gia của chính quyền ĐCSTQ, của các tập đoàn tay sai, của các “ông chủ đỏ” thuộc nhóm lợi ích… nên họ từ chối hợp tác. Và có thể, là vì họ nhìn thấy cả lịch sử lừa dối của ĐCSTQ từ thời lập đảng đến nay.

 

 

Họ đã hành động, bằng cách không hành động gì, đó là “nằm ngửa”.

 

 

 

Sự ưu việt trong lối bất tuân dân sự kiểu “nằm ngửa”, hành động bằng cách không hành động.

 

Cũng như trong bài thơ về chủ đề “nằm ngửa” đã đề cập ở trên, cư dân mạng Trung Quốc không muốn “quỳ” nữa, nhưng cũng không thể “đứng thẳng” được, nên chọn “nằm ngửa”.

 

 

Nếu tiếp tục “quỳ”, thì cắn răng an phận làm thân trâu ngựa cho ĐCSTQ, làm bệ phóng cho “giấc mơ” của ai đó, làm quả chanh cho ĐCSTQ vắt xong bỏ vỏ… chỉ là làm người thì không được.

 

 

Nếu “đứng thẳng”, thì hãy trông gương của những trí thức phản biện trong cuộc “Vận động trăm hoa” năm 1957, của những dân oan mất đất hoặc bị chèn ép đến nỗi phải đi đòi công lý khắp đất nước mà bị quy cho tội gây rối loạn an ninh trật tự xã hội, và gần đây là của những sinh viên đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 v.v. Thậm chí gần hơn nữa có thể kể cả đến những người tu luyện Pháp Luân Công - những người vì tuân theo tôn chỉ tu luyện đã gạt bỏ lợi ích thế tục, hết sức xa lạ với tham vọng lật đổ hay tranh giành thiên hạ với ĐCSTQ; Và họ cũng không chống đối hay gây bất ổn định xã hội, chỉ muốn được làm người tốt hơn... thế mà vẫn bị chính quyền và ĐCSTQ “hủy hoại thân thể, vắt kiệt tài chính, bôi nhọ danh dự”.

 

Vậy chỉ còn có cách “nằm ngửa” mà thôi.

 

 

“Nằm ngửa” không cần có tổ chức, không cần người đứng đầu, không cần tuyên bố công khai, không cần nhóm họp biểu tình, không cần đăng đàn chống đối. “Nằm ngửa” là một tư tưởng không phải một con người cụ thể, đó chỉ là một trạng thái trong tâm, vì ẩn sâu nên rất khó nắm bắt, rất khó khống chế. Nói cách khác, “nằm ngửa” là một phong trào vô hình.

 

 

Tinh thần của “nằm ngửa” là tiết chế dục vọng và nhu cầu, nên là khắc tinh của “lòng tham”. Những người “nằm ngửa” không có bất cứ lý do gì mà chính quyền ĐCSTQ có thể vin vào để đàn áp, nên họ không cần phải “sợ”. Vô tình, chiến lược này lại vô hiệu hóa chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của ĐCSTQ. Không tham không cầu, thì giống như Thánh nhân cổ Hy Lạp Socrates từng nói: “Bí mật của hạnh phúc, bạn thấy đó, không phải nằm ở việc nỗ lực có được nhiều hơn, mà nằm ở việc phát triển khả năng hưởng thụ ít hơn”.

 

 

Chưa hết. Trong một xã hội hỗn loạn nơi nhịp sống quay cuồng, con người ta không còn có thể nghĩ điều gì khác hơn là lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để kiếm càng nhiều tiền càng tốt, điều ấy khiến họ đánh mất thời gian để suy ngẫm, và cũng đánh mất tâm thái bình tĩnh, sáng suốt.

 

 

ĐCSTQ sẽ đối phó bằng cách nào? Tương lai của phong trào “nằm ngửa”.

 

Trong bài viết của mình, tiến sĩ Tạ Điền thuộc Đại học Nam Carolina Hoa Kỳ viết đại ý rằng: “ĐCSTQ có thể đối phó bằng cách tăng chi phí sinh hoạt, khiến những người nằm ngửa buộc phải làm thêm việc để trang trải chi phí đời sống. Nhưng nếu như thế ĐCSTQ sẽ phải tiếp tục in nhiều tiền và gia tăng lạm phát, vậy thì sẽ gia tăng sự phẫn nộ của công chúng và đẩy nhanh sự sụp đổ của chính mình”. 

 

 

Hay là ĐCSTQ huy động công cụ truyền thông, tạo dư luận phê phán, chỉ trích… những điều có ít tác dụng với những người “nằm ngửa” bất cần. 

 

 

Liệu ĐCSTQ có tính đến phương án dùng bạo lực không?

 

 

Có thể vào thế kỷ 20 đã có một chính quyền phát xít lùa những người dân vô tội vào trại tập trung và dùng roi vọt, súng đạn và bạo hành ép họ lao động như súc vật. Nhưng nay đã là thế kỷ 21, cách làm này khó có thể tái diễn.

 

 

ĐCSTQ sẽ không thể ngồi yên, nhưng đây hẳn là một tình huống không dễ xử lý đối với họ.

 

 

Thiển nghĩ, tương lai của phong trào “nằm ngửa” có lẽ nằm trong việc chính những người “nằm ngửa” có thể tiếp tục lối sống này hay không mà thôi.

 

(bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

(Theo ntdvn.com)