Mỗi ngày, đối mặt với rất nhiều vấn đề từ gia đình, học hành, công việc… chúng ta đều phải đưa ra những sự lựa chọn. Làm thế nào lựa chọn chính xác để vào buổi tối, khi chìm vào giấc ngủ, chúng ta không phải hối hận vì những hành động của mình? Câu chuyện về Hercules lựa chọn giữa Đức hạnh và Dục vọng có thể cho bạn những tham chiếu.

 

 

Socrates từng sử dụng câu chuyện “Sự lựa chọn của Hercules” để dạy dỗ học trò. Người ta tin rằng câu chuyện này lần đầu tiên được Prodicus of Ceos ghi chép. Cho đến nay, tác phẩm nổi tiếng nhất vẫn là “Memorabilia” của Xenophon. Dưới đây là phần tóm tắt bản dịch của tác giả Joseph Spence ở thế kỷ 18.

 

 

Huyền thoại về Hercules

Chàng trai trẻ Hercules đi tìm một nơi tĩnh lặng để suy nghĩ tiếp theo mình sẽ bước trên con đường nào: Lựa chọn Đức hạnh (Virtue) hay Suy đồi (Vice).

 

 

Khi anh đang suy ngẫm, hai người phụ nữ to lớn tiến đến chỗ anh. Người phụ nữ đầu tiên giản dị, vẻ ngoài đường hoàng và khiêm tốn. Cô bước đến chậm rãi như bản chất của mình: Chân thành và mang theo sự tôn nghiêm.

 

 

Người phụ nữ thứ hai dáng vẻ tròn trịa và quyến rũ. Cô ấy ăn mặc buông lơi, để lộ cơ thể mình. Cô hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của người khác.

 

 

Người phụ nữ thứ hai nhanh chân tới trước mặt Hercules trước. Cô ta thuyết phục Hercules đi theo con đường của mình bởi đó là cuộc sống “dễ dàng và dễ chịu nhất”. Cô nói “Anh sẽ nếm trải mọi khoái lạc của cuộc đời trong đó; và tự do khỏi hết thảy những mối bận tâm và rắc rối”. Cô ta chính là Vice (Suy đồi).

 

 

Cùng lúc đó, Virtue (Đức hạnh) cũng đến gặp Hercules. Cô hy vọng Hercules sẽ chọn con đường của mình: “Tôi sẽ không lừa dối anh bằng những lời nói khoa trương như cô ta (Vice) đã làm. Những gì tôi làm là đặt ra trước anh là bản chất của sự vật và luật lệ bất biến của các vị Thần. Trong tất cả những điều đẹp đẽ mà thiên đàng đã ban cho loài người, không gì có thể đạt được mà không cần sự chăm chỉ và lao động”.

 

 

Vice đã ngắt lời Virtue, chỉ ra rằng cô ta có thể chỉ cho Hercules con đường tắt dẫn đến hạnh phúc.

 

 

 

 

 

 

Bức tranh “Sự lựa chọn của Hercules” của họa sĩ Paolo de’ Matteis (1662–1728) (Ảnh chụp màn hinh: artuk).

 

 

 

 

 

Khi đó, Virtue đáp lại: “Đúng vậy, cô từng có nguồn gốc từ Thiên thượng nhưng không phải [cô] đã bị loại khỏi Thế giới của các vị Thần sao? Và không phải, từ đó, cô đã bị từ chối bởi hầu hết những người đàn ông đáng kính, kể cả trên Trái đất?”.

 

 

Virtue nói những người đi theo cô sẽ coi nhẹ những điều mình từng làm trong quá khứ và hài lòng với hoàn cảnh hiện tại. Họ được các vị Thần yêu mến; bạn bè yêu thương và được đất nước ca tụng. Và khi dương thọ kết thúc, họ sẽ không lãng quên trong sự xấu hổ mà sẽ tiếp tục được nhân loại ngợi ca, thậm chí truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

 

Như được ghi lại trong câu chuyện sử thi, Hercules cuối cùng đã chọn con đường của Virtue. Huyền thoại này đã truyền cảm hứng cho nhiều sáng tạo của các nghệ thuật gia, bao gồm cả Gerard de Lairlie.

 

 

 

Bức tranh về sự lựa chọn của Hercules của De Lairesse

Gerard de Lairesse là họa sỹ của thời kỳ hoàng kim Hà Lan vào thế kỷ 17. Ông đã sử dụng nhiều yếu tố tân cổ điển hơn trong bức tranh “Hercules at the crossroads” (Tạm dịch: Sự lựa chọn của Hercules) của mình. Chẳng hạn, ông tập trung nhiều vào hình thức hơn màu sắc, giữ cho màu sắc dịu đi. Bức tranh ngụ ngôn này sử dụng chủ đề cổ điển và trang phục để miêu tả câu chuyện của Hercules. 

 

 

Trong bức tranh Lairesse miêu tả 5 nhân vật: Một người đàn ông và 5 phụ nữ. Virtue ở bên phải của Hercules, cô nhìn Hercules nhưng chỉ tay lên trên, trông cô giản dị và đầy phẩm cách.

 

 

Đằng sau Virtue là một người phụ nữ đang hướng ánh mắt sang Hercules. Đầu của cô hơi ngẩng lên và khuôn mặt cô cũng toát lên nét phẩm giá. Trên tay phải của cô ấy là một ngọn đuốc đang cháy âm ỉ.

 

 

Phía bên trái của Hercules là Vice. Cô ta ăn mặc phóng túng và đang vuốt ve để quyến rũ Hercules. Sau lưng cô là một bà lão đang đặt ngón tay ở miệng như thể đang giấu giếm bí mật nào đó. Ánh mắt của bà lão hướng về phía người xem. Hercules cũng nhìn thẳng vào chúng ta, chàng nằm ở tâm điểm của bức hình.

 

 

 

 

 

Bức Hercules at the crossroads của Gerard de Lairesse (ảnh: Common Wikimedia).

 

 

 

 

 

Chúng ta có thể giải mã con đường mà Hercules đã chọn không? Hai người phụ nữ kia là ai? Tại sao Hercules và người phụ nữ lớn tuổi nhìn thẳng vào chúng ta? Và tại sao Hercules lại ở tâm điểm bức hình?

 

 

 

 

Đó chính là sự lựa chọn của chúng ta

Ngôn ngữ cơ thể của Hercules đã chỉ ra con đường chàng lựa chọn. Hercules dùng tay trái để giữ khoảng cách với Vice, hơi quay lưng lại phía Vice và hướng tới Virtue. Chàng cầm chiếc gậy trong tay, chỉ ra chàng sẵn sàng đối mặt với những thử thách trên con đường mình chọn. Chàng đã không lựa chọn con đường “dễ dàng” của Vice.

 

 

Theo Eric Bess, nghệ sĩ tả thực người Mỹ, hai người phụ nữ đằng sau Virtue và Vice là hiện thân chân thực của họ. Vice biến mình thành cô gái trẻ trung xinh đẹp, lôi cuốn Hercules bằng vẻ đẹp ngoại hình và một cuộc sống khoái lạc, dễ dàng. Nhưng khuôn mặt thật ẩn giấu bên trong của cô – cũng chính là kết quả nếu lựa chọn con đường dục vọng này – chính là bà lão da nhăn nheo. Bà nhìn thẳng về phía mọi người, đưa ngón tay lên làm động tác giữ bí mật, như không muốn để người khác biết kết cục thật sự đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của Vice và những thú vui mà cô tâng bốc.

 

 

Vậy tại sao hiện thân thực của Vice là một bà lão già nua? Câu chuyện thần thoại đã tiết lộ về chi tiết này, có một lần Virtue đã gọi Vice là kẻ dối trá. Cô nói: “Ví như đi theo cô (Vice), họ sẽ kiệt quệ khi còn trẻ, họ thiếu khôn ngoan khi về già. Khi còn trẻ, họ đã quen với sự lười biếng và những thứ hào nhoáng; và phải bước qua tuổi già trong đau khổ và lo lắng”.

 

 

Trong khi đó, đằng sau Virtue là cô gái trẻ với khuôn mặt ánh lên niềm tự hào và kiêu hãnh. Kết quả con đường của Virtue chính là đáng tự hào. Dù có khó khăn như thế nào trong đời, khi bóng tối và mây mù che phủ đường đi thì Đức hạnh và Lương tri (Virtue) sẽ dẫn đường cho chúng ta. Đó có lẽ cũng là lý do mà hiện thân của Virtue lại cầm theo một bó đuốc trong tay?

 

 

 

 

 

 

Lương tri, đức hạnh sẽ dẫn lối chúng ta trong bóng tối (ảnh minh họa: Shutterstock).

 

 

 

 

Ở đây, chúng ta có thể thấy sự tương phản mạnh mẽ giữa Virtue và Vice: Một người soi sáng con đường đến tương lai cho chúng ta, trong khi người kia bí mật che giấu sự thật.

 

 

Vậy tại sao Hercules là trọng tâm thị giác của bức tranh? Tại sao không tập trung vào Đức hạnh hay Dục vọng? Bởi vì Hercules có điểm chung với chúng ta ở một mức độ nào đó: Anh ấy phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Chàng hướng mắt nhìn như thể chia sẻ khoảnh khắc phi thường này với mọi người. Ai rồi cũng sẽ phải trải qua những khoảnh khắc như vậy, chúng ta luôn phải đưa ra lựa chọn của riêng mình.

 

 

Từ một góc độ nhất định, chàng cũng đang thách thức chúng ta. Hercules đã chọn con đường theo đuổi Đức hạnh đầy khó khăn, chàng nhìn thẳng vào chúng ta như muốn nói: “Bạn có dám bước đi trên con đường mà ít người dám tiến, con đường khó khăn, con đường của Đức hạnh?”. Chàng như muốn nhắc nhở chúng ta hãy suy nghĩ sâu sắc về kết cục những lựa chọn của mình.

 

 

Trong cuộc sống, trong từng ngày từng giờ, mọi người đều có quyền đưa ra những lựa chọn. Mỗi lần đều là theo đuổi Đức hạnh hay Dục vọng? Đôi khi chúng ta chọn sai đường nhưng hy vọng bức tranh của Lairesse nhắc nhở người xem một thông điệp: Dẫu khó khăn gập ghềnh, đừng bao giờ từ bỏ con đường của Đức hạnh.

 

Bản gốc A Herculean Choice: Virtue or Vice được xuất bản trên Epochtimes.

Về tác giả:
Eric Bess là một nghệ thuật gia tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu tiến sĩ về nghệ thuật thị giác (IDSVA).

(Theo giaoducdkntv)