Trong việc nấu nướng ở nhà bếp không có ai dùng dao hai lưỡi. Ở ngoài đời cũng hiếm thấy loại dao này ngoại trừ nhà binh họ có lưỡi lê - ấy là một thứ dao nhọn, sắc bén hai mép cạnh. Nhóm chữ “con dao hai lưỡi” là thành ngữ trong tiếng Việt (tương ứng với tiếng Anh “A double-edged sword”), đây là một ẩn dụ phổ biến, diễn tả một sự việc, hành động hoặc đặc điểm có thể mang đến cả lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn. Tương tự như hình ảnh một con dao có hai lưỡi sắc, dù hữu ích nhưng cũng dễ gây tổn thương cho người sử dụng nếu không cẩn thận.

 

Thành ngữ này dựa vào nghĩa đen (con dao hai lưỡi thực sự) để cảnh giác (nghĩa bóng) người sử dụng phải nhận thức thấu đáo trong hành động và quyết định.

 

Hãy lạm bàn thế nào là dao hai lưỡi và người dùng phải cẩn thận đến mức độ nào?

 

 

DAO HAI LƯỠI

 

Nói theo thực tế (nghĩa đen), đó là một con dao (dù có thật hay không có thật) có hai mép sắc bén - tức nhiên không có sống dao. Không nói tới lưỡi lê được gắn lên phần đầu súng để cho binh lính sử dụng khi đánh “xáp lá cà”, chúng ta khó mà thấy dao hai lưỡi dùng tại nhà, tại hàng quán hoặc xí nghiệp, ngoại trừ dao rọc giấy có thể dùng bất luận mép nào cũng rọc đôi được một tờ giấy nhưng không sắc đến độ cắt phạm da tay. Người Anh có vẻ thực tế hơn khi họ nói “a double-edged sword” vì rõ ràng kiếm (sword) có loại hai mép cạnh sắc bén.

 

Người Việt giàu trí tưởng tượng bèn mượn sự sắc bén của dao một lưỡi tạo lưỡi thứ hai thay cho sống dao tức thì có ngay con dao hai lưỡi.

 

Bây giờ quơ dao qua phải hoặc qua trái (không cần phải đổi chiều cầm dao) - như người ta vung kiếm - đều cắt phăng được tàu bạc hà bất luận trái hoặc phải. Tiện lợi vô cùng.

 

 

 

CẨN THẬN KHI DÙNG DAO HAI LƯỠI


Giả sử có dao hai lưỡi thật, tất nhiên phải cẩn thận khi dùng; không thể quên rằng một lưỡi chúng ta đang cắt và một lưỡi đang hướng lên sẵn sàng làm đứt da thịt ta khi chạm vào nó - nhất là quên rằng lúc này dao không có sống nên không thể thuận tay nhấn trên “sống” dao để lưỡi kia được ấn mạnh xuống giúp cho nhát cắt dễ dàng!
Câu “dao hai lưỡi” là lối nói tượng hình cho chúng ta dễ nhớ về lời khuyên liên quan đến ứng xử tình thế trong cuộc sống hàng ngày.

 

 


LỢI HẠI THƯỜNG ĐI ĐÔI VỚI NHAU


Trong phép dùng người, thuật ngữ “dao hai lưỡi” thường được đề cập bởi chưng chúng ta không rõ lòng người. Kinh Thánh chép rằng “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Vì không thấu rõ nên chúng ta phải thận trọng trong việc giao tiếp, tin tưởng, giao việc, hùn hạp. Phải qua một số thử thách, một khoảng thời gian tương đối đủ để nhận xét, bằng không chính người mà chúng ta tin cậy (dùng lưỡi thứ nhất để cắt), thì họ lại phản chúng ta (lưỡi thứ hai phạm vào tay mình).

 

Mặt khác, nghĩ rằng mình lợi dụng được người khác mà không bị ngờ người đó lại lợi dụng lại mình. Đạo lý làm người là công bằng, chính trực.

 

Mình muốn người ta làm tốt cho mình thì mình hải làm tốt cho người ta - nghĩa là chỉ dùng dao một lưỡi để tránh hoặc không có rủi ro.

 

Ý nghĩa sâu xa của "con dao hai lưỡi" nhấn mạnh rằng trong mọi tình huống, người thực hiện cần cân nhắc kỹ lưỡng về hai mặt đối lập - lợi ích và rủi ro - để có thể sử dụng "con dao" của mình một cách khôn ngoan nhất.

 

Thành ngữ “dao hai lưỡi” còn áp dụng một một số lãnh vực khác nữa.

 


Y học:Thuốc kháng sinh trị “bá bệnh”, nhưng dùng quá liều hay không đúng mục đích sẽ tổn hại cho cơ thể

 

Truyền thông: Facebook, YouTube giúp kết nối mọi người, loan tải thông tin nhanh chóng nhưng cũng qua đó nhiều người bị gạt, nhận biết nhiều thông tin giả hoặc sai sự thật.

 

Giáo dục:Lối học trực tuyến xem ra là một lợi thế về thời gian, về chi tiêu cho sách giáo; nhưng nếu thiếu sự kiểm soát, con em chúng ta có thể dùng thời giờ “học trực tuyến” vào việc khác như “bấm game”.

 

Giải trí online: Nhờ sự phát triển của kỹ thuật số, mạng chúng ta không cần phải ra ngoài mà vẫn xem được những bộ phim hay, nghe được những chương trình nhạc sôi động, theo dõi các trận thể thao quyết liệt; thậm chí đi du lịch khắp bốn phương trời. Nhưng nếu “bám trụ” vào màn ảnh nhỏ có thể sau một thời gian chúng ta bị căng thẳng, giảm khả năng giao tiếp bạn bè…lâu ngày dẫn đến trầm cảm, lo âu.


Kết lại, thành ngữ “con do hai lưỡi” hàm ý nhắc nhở chúng ta về một sự việc hay một công cụ có cả lợi lẫn hại - điều lợi, hại tùy thuộ vào cách chúng ta sử dụng “dao hai lưỡi”. Chúng phải hiểu rõ rệt về “dao hai lưỡi” trong tay chúng ta, kiểm soát tốt trên hai lưỡi dao sắc bén và quan trọng là tận dụng những lợi ích của dao để dùng đúng mục đích, đồng thời giảm thiểu cũng như ngăn ngừa những rủi ro tiềm ân nơi con dao “hai lưỡi” đang được chúng ta dùng (hoặc ở bên cạnh chúng ta).

 

(DV)