Tượng Pietà (1498-1499) bằng đá cẩm thạch, cao 174 cm, rộng 195 cm, dày 69 cm tại Vương cung thánh đường St. Peter, Vatican. (Shutterstock)

 

 

 

Michelangelo - Tên một vị thiên sứ trong Kinh Thánh

Chỉ cần nghe cái tên Michelangelo, chúng ta đã phần nào hiểu được kỳ vọng của cha Michelangelo dành cho con trai. "Michelangelo" trong tiếng Ý hay trong tiếng Anh là sự kết hợp của hai từ "Michael" và "Angel" (Thiên sứ). Đó chính là tên của Tổng lãnh thiên thần Michael trong Kinh Thánh. Đặt tên con trai theo tên một vị Thiên Thần đã cho chúng ta thấy mong muốn con thành tài của người cha.

 

Năm 1475, Michelangelo Buonarroti chào đời tại vùng Tuscany, nước Ý, với thủ phủ là Florence. Florence là một thành phố nhỏ nằm trong thung lũng Arno. Tôi đã đến Ý ba lần và Florence là thành phố nhất định tôi sẽ ghé thăm mỗi khi đến Ý. Lần nào đến đây tôi cũng vui vẻ thoải mái, cảm thấy lưu luyến, không muốn rời đi! Tuy rằng không lớn nhưng Florence lại mang một vẻ đẹp lay động lòng người. Nhà thơ Từ Chí Ma đã ưu ái dành đặt cho thành phố này một cái tên mỹ miều: Phỉ Lãnh Thúy!

 

Cộng hòa Florence chính là nơi khởi nguồn cho phong trào Phục hưng văn hóa nghệ thuật của châu Âu. Gần 90% các bậc thầy sinh ra trong suốt thời kỳ Phục hưng đều đến từ mảnh đất này! Thật có khó thể giải thích được điều thần kỳ này! Tôi xin được nhắc đến một số tên tuổi như: Dante, tác giả của cuốn “Thần khúc”; Petrarch, người đoạt giải “Đệ nhất thi nhân”, giải thưởng cao quý nhất của văn học châu Âu thời bấy giờ, tương đương với giải Nobel văn học ngày nay, Petrarch còn được mệnh danh là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn; Boccaccio, tác giả của cuốn "Mười ngày". Ba vị danh nhân này được mệnh danh là "Bộ ba văn học Phục hưng".

 

Ngoài ra, còn có Giotto, cha đẻ của hội họa phương Tây; Brunelleschi, kiến trúc sư tài ba đã phát minh ra phương pháp phối cảnh tuyến tính, đồng thời là tác giả của mái vòm nhà thờ Florence Santa Maria del Fiore lừng danh. Sau đó là Leonardo da Vinci và Michelangelo. Danh sách này còn rất dài, bởi 90% các bậc thầy trong thời kỳ Phục hưng đều xuất thân từ mảnh đất Florence. Do đó, nơi đây được gọi là "vùng đất được Chúa hôn". Nếu không, thật khó để lý giải cho điều kỳ diệu trên.

 

Michelangelo có một cuộc đời đầy biến động và huy hoàng. Ông sống thọ đến 89 tuổi và đạt được những thành tựu phi thường, vang dội muôn thuở trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc và thậm chí là cả thơ ca.

 

Michelangelo. (Miền công cộng)

 

 

 

Cha của Michelangelo mong muốn con trai theo đuổi con đường học vấn để có một công việc ổn định, mang lại danh dự cho gia đình. Tuy nhiên, từ nhỏ Michelangelo đã bộc lộ niềm đam mê và tài năng nghệ thuật mãnh liệt, đặc biệt là với điêu khắc. Ông kiên quyết theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ, bất chấp sự phản đối của cha.

 

Vào thời điểm đó, nghệ sĩ không phải là một nghề cao quý như ngày nay. Nghệ thuật gia bị coi là tầng lớp thấp kém trong xã hội. Do đó, ta có thể tưởng tượng được sự tức giận của cha Michelangelo khi biết được nguyện vọng của con trai. Cha Michelangelo đã nhiều lần trừng phạt ông vì mong muốn này.

 

Nhưng Michelangelo không hề từ bỏ. Ông đã dứt khoát bỏ học và tìm gặp một người tên là Domenico Ghirlandaio.

 

 

Năm 13 tuổi, Michelangelo đã thuyết phục được danh họa Ghirlandaio nhận mình làm học trò có trả lương!

 

Domenico Ghirlandaio là họa sĩ xuất sắc nhất Florence thời bấy giờ. Ghirlandaio có một xưởng vẽ thu hút rất nhiều học trò. Để theo học tại đây, học trò không chỉ phải nộp học phí hàng năm mà còn phải giúp thầy làm rất nhiều việc, giống như hệ thống học việc ngày nay. Xưởng vẽ của Ghirlandaio được xem là nơi đào tạo nghệ thuật tốt nhất tại Florence. Câu chuyện về Michelangelo bắt đầu từ đây.

 

Một ngày nọ, một cậu bé với vẻ ngoài hồn nhiên xuất hiện trước cửa xưởng vẽ của Ghirlandaio. Cậu bé nhìn qua rồi hét lớn: "Thầy Ghirlandaio, con muốn đến làm việc cho thầy".

 

Mọi người trong xưởng vẽ đều ngừng lại, nhìn chằm chằm vào cậu bé. Ghirlandaio bước ra, nhìn cậu bé có vẻ ngoài không có gì nổi bật nhưng lại có đôi mắt sáng rực ấy, sắc mặt không đổi nói rằng: “Ừ, ngày mai bảo bố cậu mang 11 đồng bạc đến ký hợp đồng!"

Cậu bé mở to mắt, nói: “Không ạ! Thầy nói sai rồi! Con muốn đến giúp thầy làm việc, thầy phải trả tiền công cho con"!

 

Tiếng cười vang khắp xưởng vẽ. Mọi người nhìn Michelangelo với ánh mắt thích thú, chờ đợi xem Ghirlandaio sẽ dạy dỗ cậu bé như thế nào.

 

Ghirlandaio vẫn giữ vẻ mặt bình thản, hỏi Michelangelo: "Họ đến đây học đều phải nộp học phí, tại sao ta lại phải trả tiền công cho con?"

Michelangelo tự tin trả lời: "Vì con là người giỏi nhất".

 

 

Tiếng cười càng lớn hơn. Mọi người đều nghĩ rằng Ghirlandaio sẽ tức giận và đuổi cậu bé đi. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Ghirlandaio không hề tức giận mà nhìn Michelangelo một cách nghiêm túc, nói: "Vậy, hãy cho ta xem thử con có khả năng gì?”

 

 

Rõ ràng, Ghirlandaio đã cảm nhận được khí chất phi thường của Michelangelo.

 

Michelangelo nhìn vào tờ giấy vẽ trên bàn, cầm bút chì và bắt đầu vẽ. Chẳng mấy chốc, cậu bé đã hoàn thành bức vẽ, đặt lên bàn và quay sang nhìn Ghirlandaio. Ghirlandaio cầm bức vẽ lên, xem xét cẩn thận. Xưởng vẽ bỗng chốc im lặng, mọi người nín thở chờ kết quả.

 

Sau một hồi lâu, Ghirlandaio bỏ bức tranh xuống, không nói lời nào với mọi người, liền đi vào trong nhà. Vừa đi, Ghirlandaio vừa nói: "Ngày mai mời bố cậu đến chỗ của ta ký hợp đồng, ta sẽ trả tiền công cho cậu theo tiêu chuẩn của một họa sĩ sơ cấp".

 

Michelangelo nở nụ cười rạng rỡ, quay người đi. Mọi người trong xưởng vẽ đều ngây người. Chưa từng có học trò nào được trả lương. Như vậy, Michelangelo 13 tuổi đã trở thành học trò trong xưởng vẽ của Ghirlandaio.

 

Cứ như vậy, ngày tháng ở xưởng trôi qua từng ngày, chẳng mấy chốc đã một năm.

 

 

Năm 14 tuổi, Michelangelo theo học tại gia tộc Medici, gia tộc nghệ thuật tốt nhất Âu châu

 

Một ngày nọ, sau khi gọi Michelangelo vào phòng riêng, Ghirlandaio mang theo vẻ mặt phức tạp, nói rằng: "Con hãy ngồi xuống đi."

 

Michelangelo cảm nhận được có chuyện gì đó bất thường, bởi ông chưa bao giờ thấy Ghirlandaio hiền hòa như vậy.

Ghirlandaio nói: "Con biết gia tộc Medici của Florence chứ?"

 

Michelangelo tất nhiên biết. Gia tộc Medici là người nắm quyền thực sự ở Cộng hòa Florence, đồng thời là gia tộc giàu có và quyền lực nhất châu Âu thời bấy giờ.

 

Ghirlandaio tiếp tục: "Ngài Lorenzo của gia tộc Medici muốn ta giới thiệu một vài học trò đến đó học".

 

Nói đến đây, Ghirlandaio dừng lại, nhìn Michelangelo với đôi mắt sáng ngời. Trái tim nhỏ bé của Michelangelo đột nhiên đập thình thịch. Trước đó Michelangelo đã biết được tin này.

 

 

Gia tộc Medici là nơi tập trung những nghệ sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư xuất sắc nhất từ khắp nước Ý và thậm chí là toàn châu Âu. Bản thân Lorenzo cũng có trình độ nghệ thuật cực cao, được tôn vinh là "Lorenzo il Magnifico" (Lorenzo Vĩ đại).

 

 

Một bức chân dung Lorenzo của Giorgio Vasari (thế kỷ 16). (Miền công cộng)

 

 

 

 

Michelangelo vô cùng mong muốn được học tập tại đó, nhưng cậu biết rằng chỉ có con cháu quý tộc mới được vào học viện Medici, một đứa trẻ bình thường như cậu làm sao có thể có cơ hội?

 

Michelangelo lo lắng nhìn chằm chằm vào Ghirlandaio, muốn biết tiếp theo thầy sẽ nói gì với mình.

 

Ghirlandaio thấy biểu cảm của Michelangelo, mỉm cười và nói: "Ta đã giới thiệu con và Granazzi. Ngài Lorenzo sẽ cử người đến đón con vào ngày mai. Hôm nay là ngày cuối cùng con học ở chỗ của ta".

 

Michelangelo không thể tin vào tai mình, cậu nắm chặt tay, cố gắng kìm nén sự xúc động. Cậu cắn môi, gật đầu rồi quay người đi ra.

 

Ngày hôm sau, đúng giờ, cỗ xe ngựa của gia tộc Medici đến trước cửa xưởng vẽ. Michelangelo nhìn lại nơi mình đã học tập hơn một năm qua lần cuối. Thầy giáo Ghirlandaio không ra tiễn cậu. Cậu chớp mắt, thở dài và bước lên xe ngựa.

 

Cỗ xe ngựa phi nước đại, trong làn bụi mù, cậu không nhìn thấy thầy Ghirlandaio đã âm thầm đứng trong bóng tối trước cửa. Nhìn theo chiếc xe ngựa xa dần, một giọt nước mắt lăn dài trên má người thầy. Thầy khẽ lẩm bẩm: "Con à, đừng phụ lòng ta! Con sẽ trở thành niềm tự hào của Florence. Không, con sẽ trở thành niềm tự hào của cả nước Ý!"

 

 

Vậy là, Michelangelo 14 tuổi đã bước vào học viện nhân văn của gia tộc Medici. Tại đây, cậu đã trải qua ba năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

 

Điều cần nói ở đây là, Lorenzo de' Medici được mệnh danh là "cha đẻ của thời kỳ Phục hưng". Các nhà sử học nghệ thuật thậm chí còn khẳng định rằng: Nếu không có gia tộc Medici, không có Lorenzo, thì có thể sẽ không có thời kỳ Phục hưng! Điều này cho thấy tầm quan trọng của Lorenzo. Hầu hết các nghệ sĩ vĩ đại trong thời kỳ Phục hưng đều được Lorenzo tài trợ hoặc bồi dưỡng.

 

Lorenzo hiểu rõ rằng, một nhà điêu khắc nếu không có kiến thức văn hóa thì mãi mãi chỉ là một thợ thủ công, và tác phẩm của họ cũng sẽ không có linh hồn. Lorenzo nhận ra Michelangelo là một thiên tài hiếm có, và muốn dành cho cậu nền giáo dục nhân văn tốt nhất, đồng thời ấp ủ mong muốn bồi dưỡng nên một nghệ sĩ đại tài vang danh muôn thuở.

 

Vì vậy, trong thời gian Michelangelo học tại học viện nhân văn Medici, Lorenzo đã mời những học giả xuất sắc nhất châu Âu đến giảng dạy. Những học giả này đã dạy cho Michelangelo thơ ca, hướng dẫn cậu đọc các tác phẩm nghệ thuật kinh điển Hy Lạp và La Mã, rèn luyện cho cậu một phong thái đĩnh đạc và lịch thiệp. Vào thời điểm đó, hiếm có nghệ sĩ nào có cơ hội được nhận nền giáo dục cao cấp như vậy. Do đó, những bài thơ sonnet mà Michelangelo viết bằng tiếng Latin cho các tác phẩm điêu khắc của mình sau này đều vô cùng xuất sắc. Tập thơ của ông cũng trở thành một ấn phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ.

 

Mặc dù Michelangelo chỉ học tại học viện trong ba năm, nhưng đây là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong cuộc đời ông.

 

Năm 1492, Lorenzo Vĩ đại qua đời. Hai năm sau, gia tộc Medici bị liên minh của kẻ thù chính trị và Giáo hội La Mã tấn công, trục xuất khỏi Florence. Mãi đến 18 năm sau, con trai của Lorenzo, Giovanni di Medici, trở thành Giáo hoàng, gia tộc Medici mới giành lại quyền cai trị Florence.

 

 

Làm "đồ cổ giả", Michelangelo mở ra con đường thành danh

 

Sau khi Lorenzo qua đời, Michelangelo 18 tuổi phải đối mặt với vấn đề sinh kế. Vào thời điểm này, nhờ sự phát triển của ngành khảo cổ học, nhiều tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại được khai quật. Sưu tầm đồ cổ trở thành một thú vui tao nhã của giới thượng lưu, thúc đẩy một ngành nghề mới ra đời: làm giả đồ cổ.

 

Thông qua giới thiệu của bạn bè, Michelangelo quen biết một số người buôn đồ cổ giả. Các tác phẩm điêu khắc của Michelangelo sẽ được “cổ hóa”, sau đó bán giống như những bức tượng điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Kết quả thu được thành công vang dội! Hãy thử tưởng tượng xem, có mấy ai sánh được với tài năng của Michelangelo? Dần dần, Michelangelo trở thành "con cưng" được những người buôn đồ cổ săn đón!

 

Chẳng bao lâu sau, một thương gia tên là Milanesi từ Rome đã đến Florence, tìm gặp Michelangelo. Milanesi khuyên anh đến Rome để phát triển. Sau khi gia tộc Medici thất thế, Florence không còn là trung tâm nghệ thuật của Ý nữa, mà vị trí này giờ đây đã thuộc về thành Rome!

 

Vì vậy, Michelangelo, một thiên tài trẻ tuổi với kỹ năng ngày càng điêu luyện và bản lĩnh ngày càng vững vàng, quyết định rời quê hương và đến Rome lập nghiệp.

 

Cơ hội nhanh chóng đến với ông. Một lần nọ, Milanesi bán một tác phẩm điêu khắc "Thần Cupid ngủ say" của Michelangelo với giá cao cho một vị Hồng y giáo chủ tên là Raffaele Riario, và lừa vị Hồng y rằng đây là một di vật cổ đại của Hy Lạp.

 

Hồng y Raffaele Riario là một nhà sưu tầm và là một chuyên gia giám định văn vật có kiến thức nghệ thuật rất uyên thâm. Khi phát hiện ra tượng "Thần Cupid ngủ say" mình mua với giá cao là đồ giả, Hồng y Raffaele Riario vô cùng tức giận. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự tức giận của vị Hồng y này lại trở thành sự kinh ngạc. Nhìn kỹ tác phẩm, vị Hồng y này nhận ra kỹ thuật điêu luyện và phong cách lão luyện được thể hiện trong tác phẩm. Ai có thể tạo ra tác phẩm tinh xảo đến vậy? Nhìn khắp nước Ý, thậm chí khắp cả châu Âu, hiếm có ai sở hữu tài năng xuất chúng như vậy! Hồng y Raffaele Riario quyết tâm phải gặp được người nghệ sĩ này.

 

 

Cuối cùng, Hồng y Riario đã gặp được Michelangelo. Lúc này Michelangelo mới 21 tuổi. Giả vờ tức giận, Hồng y Riario chỉ vào tượng giả và hỏi Michelangelo bằng giọng nghiêm khắc: "Bức tượng này là do cậu điêu khắc à?"

 

Michelangelo run sợ, gật đầu trả lời: "Vâng, thưa ngài."

 

"Cậu quả thật to gan, dám lừa cả ta!"

 

"Xin ngài đừng tức giận, consẽ trả lại toàn bộ tiền cho ngài!" - Michelangelo vội vàng cầu xin tha thứ.

 

Nhìn thấy bộ dạng đáng thương của Michelangelo, vị Hồng y không nhịn được cười. Ông nói: "Thôi được rồi, ngồi xuống đi, ta không đến đây để trừng phạt cậu. Ta chỉ muốn xác nhận xem cậu có phải là người ta đang tìm kiếm hay không!"

 

Hả? Michelangelo bối rối.

 

"Chuyện là thế này. Ta muốn ủy thác cho cậu một tác phẩm điêu khắc với mức thù lao hậu hĩnh. Tuy nhiên, ta chỉ có một yêu cầu duy nhất, đó là tác phẩm này phải là tác phẩm tuyệt vời nhất của thành Rome. Cậu có thể làm được không?"

 

Nghe vậy, Michelangelo nở một nụ cười đầy kiêu hãnh và nói: "Con chính là nhà điêu khắc tài ba nhất nước Ý, không có gì phải nghi ngờ!"

 

 

23 tuổi, Michelangelo tạo nên tác phẩm lừng danh đầu tiên: "Pietà"

 

Hai năm sau, Michelangelo, lúc này 23 tuổi, đã cho ra đời tác phẩm mang tên "Pietà", chính thức khẳng định tên tuổi của ông. "Pietà" hay còn gọi là "Đức Mẹ sầu bi" là một chủ đề tôn giáo phổ biến thời bấy giờ. Tác phẩm thể hiện hình ảnh Đức Mẹ Maria ôm lấy Chúa Giêsu sau khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá.

 

Chúng ta hãy cùng xem cách các nhà điêu khắc thời Trung cổ trước Michelangelo thể hiện chủ đề "Pietà".

 

Bây giờ, hãy cùng xem tác phẩm của thiên tài Michelangelo. Đây là bức tượng "Pietà".

 

Điều khó khăn nhất khi thể hiện chủ đề "Pietà" là sự chênh lệch về tỷ lệ giữa Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Nếu tuân theo tỷ lệ thực tế, Đức Mẹ Maria sẽ quá nhỏ so với Chúa Giêsu, khiến tổng thể tác phẩm mất đi sự cân đối và thiếu vẻ đẹp nghệ thuật.

 

Ở đây, Michelangelo đã thể hiện sự sáng tạo tài tình của mình. Phần thân trên của Đức Mẹ Maria được điêu khắc theo tỷ lệ bình thường. Phần thân dưới được che phủ bởi một chiếc áo choàng rộng lớn, tạo ra một hình chóp lớn hơn so với tỷ lệ thực tế. Tuy nhiên, nhờ có lớp áo choàng và hình ảnh Chúa Giêsu trên tay, nên hoàn toàn không tạo ra cảm giác mất cân đối.

 

Thân hình mềm mại của Chúa Giêsu, khuôn mặt thanh thản, như đang chìm trong giấc ngủ. Đức Mẹ trẻ trung, thánh khiết và xinh đẹp, tĩnh lặng và u buồn, thể hiện sự kiềm chế nhưng đầy lòng thương cảm! Toàn bộ tác phẩm thể hiện hoàn hảo một khí chất thiêng liêng, trang nhã, đồng thời tràn đầy tình mẫu tử sâu nặng. Kỹ thuật điêu luyện, tỷ lệ cơ thể hoàn hảo, thiết kế hình khối ấn tượng, đá cẩm thạch được đánh bóng mịn màng như da người! Tất cả những điều này khiến bất kỳ ai nhìn thấy tác phẩm này đều phải trầm trồ thán phục!

 

Để tạo nên vẻ đẹp sống động như thật cho làn da của tượng, Michelangelo đã sử dụng hơn 20 loại vật liệu khác nhau để đánh bóng, từ thô đến mịn. Thậm chí, ông còn dùng đến cả tơ lụa! Hiệu quả sau khi đánh bóng là vô cùng ấn tượng. Toàn bộ tác phẩm như bừng sáng sức sống, khiến người xem có thể cảm nhận được hơi thở của nhân vật.

 

 

Tượng Pietà (1498-1499) bằng đá cẩm thạch, cao 174 cm, rộng 195 cm, dày 69 cm tại Vương cung thánh đường St. Peter, Vatican. (Shutterstock)

 

 

 

Khi tác phẩm được trưng bày công khai đã gây chấn động toàn bộ thành Rome! Michelangelo đã tạo ra bức tượng vĩ đại nhất của Rome!

 

Sau khi nổi tiếng ở Rome, danh tiếng của Michelangelo nhanh chóng lan truyền đến quê hương Florence. Vào thời điểm đó, Cộng hòa Florence vừa trải qua một thảm họa, chính quyền mới cần một tác phẩm nghệ thuật để thể hiện sức mạnh và tinh thần bất khuất của mình. Chính quyền đã cử người đến Rome tìm Michelangelo và nói với ông rằng: "Tổ quốc cần anh, người dân cần anh, hãy trở về quê hương!"

 

Michelangelo vui mừng khôn xiết và trở về quê hương trong vinh quang.

 

 

 

Sau khi hoàn thành tác phẩm "David", Michelangelo ở tuổi 29 đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới!

 

Vào thời điểm ấy, ở khu đất trống sau Tòa thị chính Florence có một khối đá cẩm thạch khổng lồ bị vứt bỏ. Chất lượng đá rất tốt, nhưng vài thập kỷ trước đã bị một nhà điêu khắc làm hỏng một góc, tạo thành một vết nứt dài. Tảng đá này đã bị xem là đồ bỏ đi, và phơi mưa phơi nắng suốt trong rất nhiều năm! Khi nhìn thấy khối đá, Michelangelo lập tức chỉ vào và nói rằng: "Chính là nó!"

 

Michelangelo có một thói quen khi sáng tác, đó là không cho phép bất kỳ ai nhìn tác phẩm cho đến khi hoàn thành. Do đó, chính quyền thành phố đã dựng riêng cho ông một gian lều để hoàn thành tác phẩm này.

 

Ba năm ròng rã trôi qua, người dân Florence chỉ biết rằng, nhà điêu khắc trẻ kỳ lạ kia ngày ngày miệt mài trong gian lều kín mít, với tiếng đục đẽo vang lên không ngừng. Chẳng ai hay biết rốt cuộc ông đang làm gì bên trong!

 

Cuối cùng, vào một buổi chiều nắng đẹp, Michelangelo với bộ râu quai nón bước ra khỏi gian lều. Ông hít một hơi thật sâu, vươn vai và nheo mắt tận hưởng ánh nắng mặt trời rực rỡ.

 

Ngày hôm sau, ngay tại gian lều, buổi lễ ra mắt tượng David đã được tổ chức với sự tham dự của các vị quan chức và quý tộc Florence. Khi bức tượng được vén màn, "thiên hạ đệ nhất mỹ nam" đã chính thức ra đời!

 

Một điều khác biệt nữa không giống những nhà điêu khắc khác, chính là Michelangelo từng nói, khi nhìn thấy khối đá, ông thấy một sinh mệnh ẩn bên trong. Do đó, ông không điêu khắc, mà chỉ là giải phóng sinh mệnh ấy!

 

Phương pháp điêu khắc của Michelangelo là từ trên xuống dưới, trực tiếp tạo hình nhân vật 360 độ từ đầu đến chân. Nhìn vào tác phẩm, người xem có cảm giác như nhân vật đang từ từ bước ra khỏi dòng nước. Đây là một phương pháp vô cùng hiếm gặp, và trong lịch sử nghệ thuật, có lẽ chỉ có Michelangelo sử dụng phương pháp này.

 

 

Tượng David của Michelangelo,năm 1501–1503, cao 517 cm, trưng bày tại Phòng trưng bày Accademia, Florence. (Shutterstock)

 

 

Còn một giai thoại thú vị khác. Sau khi chiêm ngưỡng tượng David, vị quan chấp chính lúc bấy giờ vô cùng kinh ngạc và thán phục. Tuy nhiên, để thể hiện mình cũng là người am hiểu nghệ thuật, quan chức luôn có xu hướng thể hiện sự hiểu biết của bản thân. Do đó, vị quan chức này quay sang Michelangelo và nói: "Tượng đẹp, đẹp vô cùng, nhưng có vẻ như phần mũi hơi to nhỉ? Anh không thấy vậy sao?"

 

Michelangelo nhìn kỹ và đáp rằng: "Vâng, đúng là hơi to thật."

 

Nói rồi, Michelangelo cầm búa và đục, lén nhặt một ít vụn đá cẩm thạch, leo lên đầu tượng David. Quay lưng về phía quan chấp chính, Michelangelo giả vờ gõ đục vang lên tiếng lách cách, đồng thời lén lút thả từng ít vụn đá cẩm thạch xuống, nhưng thực ra chẳng hề động chạm gì đến tượng.

 

Sau đó, Michelangelo hỏi vị quan chấp chính đang đứng dưới: "Thưa ngài, giờ thì sao? Ngài đã hài lòng hơn chưa?"

 

Vị quan chấp chính chăm chú ngắm nhìn một hồi, rồi gật đầu hài lòng: "Ừm, bây giờ đã đẹp hơn nhiều!"

 

Khi đọc được câu chuyện này, tôi không thể nhịn được cười. Không ngờ Michelangelo nổi tiếng nóng tính lại có những "mưu mẹo" tinh tế như vậy! Thực ra, vị nghệ sĩ tài ba này còn có nhiều câu chuyện như vậy, đây chính là điều khiến ông trở nên rất thú vị.

 

Năm 1504, sau khi hoàn thành tượng David, Michelangelo ở tuổi 29 đã vang danh khắp thế giới! Lúc này, một nhân vật khác xuất hiện tại Florence, khiến thành phố này trở thành tâm điểm chú ý của giới nghệ thuật toàn châu Âu. Đó chính là: Leonardo da Vinci!

 

Da Vinci hơn Michelangelo 22 tuổi. Khi hai thiên tài này gặp nhau tại Florence, một người đã vang danh nhiều năm, một người là hậu bối đang nổi tiếng. Họ sắp sửa bước vào một cuộc đối đầu đỉnh cao chưa từng có!

 

Kết quả sẽ ra sao? Hãy cùng đón chờ phần tiếp theo!

 

 

(Tổ chế tác "Đại thoại tây du" - Biên tập: Lý Hạo)

(ntdvn.net - Đức Nhân biên dịch)