Hầu như mọi kiến trúc được xây dựng trong lâu đài thời Trung Cổ đều được xây dựng có chủ đích. (Ảnh: Pixabay).
Những lâu đài thời Trung Cổ là trung tâm quyền lực chính trị trong giai đoạn khoảng 1000 năm giữa thế kỷ thứ 5 và thứ 15, tương tự như Nhà Trắng của Mỹ quốc ngày nay. Khám phá lịch sử thú vị của những tòa lâu đài này có thể đưa chúng ta trở về cội nguồn của nền văn minh phương Tây.
Thể chế thời Trung Cổ khác xa với các chính quyền ngày nay. Các vị vua, lãnh chúa và hiệp sĩ nắm quyền cai trị đất đai, họ cho nông dân thuê đất để canh tác và đổi lại, người nông dân sẽ đóng thuế để được bảo vệ.
Họ sống trong những lâu đài kiên cố vừa là nơi ở vừa có khả năng ứng phó với kẻ thù. Kết cấu phòng thủ rất hiệu quả của lâu đài được phát triển dần qua nhiều thế kỷ, từ các pháo đài gỗ trên đỉnh đồi với rào chắn, hào nước và thành lũy bằng đất bao quanh, đến các kết cấu tường đá rất công phu gồm lớp lớp phòng thủ đồng tâm: thành đất, hào nước, tường ngoài, tường trong, pháo đài phòng thủ, cổng, tháp canh và còn nhiều hơn thế.
Từng chi tiết của cấu trúc này được tinh chỉnh nhằm tăng khả năng phòng thủ hiệu quả nhất, mang đến tối đa lợi thế cho quân phòng thủ trong khi gây nguy hiểm cho những kẻ tấn công.
Hơn nữa, các di tích kiến trúc với cấu trúc rất chi tiết và phức tạp này lại là điều hấp dẫn nhất cho di sản nhân loại. Dù có thể đã lỗi thời nhưng nó tiết lộ cái nhìn sâu sắc về cách loài người thích nghi với một xã hội khác xa với thời đại của chúng ta ngày nay.
Dưới đây, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về một số thành phần cấu trúc của lâu đài Trung Cổ dưới góc độ kiến trúc:
Hào nước
Là một phần không thể thiếu của các công sự lâu đài, hào là một mương đào nhân tạo chứa đầy nước để tạo trở ngại cho đội quân và máy chiến vây hãm tiến gần thành lũy. Khi kẻ tấn công muốn đào đường hầm vào bên trong lâu đài bằng cách tạo ra một lỗ mở tại tường móng, nhờ có con hào mà nước sẽ lập tức tràn vào, cản trở mọi nỗ lực đào bới.
Việc xây hào nước là một yếu tố rất quan trọng cần được cân nhắc khi quyết định vị trí xây lâu đài. Phần đất đá thừa khi đào sẽ được sử dụng để đắp gò đất ở khu trung tâm nơi lâu đài tọa lạc. Độ sâu của hào không quá nửa mét để cản trở kẻ tấn công, và thường gắn cọc để khiến nó càng khó vượt qua hơn.
Lâu đài Bodiam - Xây vào thế kỉ 14 - East Sussex, Anh. (Ảnh qua ft.com).
Tường thành và tháp canh
Cũng như các thành phần khác của tòa lâu đài, những bức tường đá kiên cố giúp phòng thủ trước kẻ thù cũng dần phát triển qua từng thời. Tường có chiều dày khoảng 2,5m với một vài vị trí bố trí các cổng ra vào. Tường xây bằng đá chẻ xếp chồng xen kẽ sỏi và vữa xây liên kết.
Những bức tường được xây trên nền móng rộng làm bằng đá vụn và sỏi hoặc trên đầu các cọc gỗ sồi đóng sâu vào lòng đất. Có nơi, tường được xây trên một bờ dốc khiến việc sao chép hoặc mở rộng quy mô xây dựng trở nên khó khăn hơn. Dần dần phát triển, người ta dùng đá xây dốc tại chân tường, khiến những tảng đá ném từ trên cao dội về phía kẻ tấn công theo những hướng không thể đoán trước.
Phía ngoài của đỉnh thành xây các tường phòng hộ tạo điều kiện cho các cung thủ tự phòng vệ và bắn tên vào kẻ thù qua các lỗ châu mai. Nhưng họ không áp dụng kiến trúc tương tự với mặt trong của tường thành, tránh trường hợp bị bắn ngược vào trong và giảm khả năng phòng vệ của kẻ tấn công khi các bức thành bị công phá.
Phát triển lên nữa, các lâu đài có thiết kế thêm một lớp tường trong để phòng thủ. Lớp tường này còn cao hơn lớp tường ngoài, với mục đích tăng khả năng đối kháng khi kẻ thù tiến vào. Một số thiết kế có những đường hầm kết nối hai lớp tường tạo đường thoát thân cho quân phòng thủ, hay có một lỗ phá dây để cắt đuôi kẻ thù từ phía sau.
Không chỉ đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, các tường và tòa tháp canh còn đóng vai trò hết sức quan trọng hỗ trợ phòng thủ khi lâu đài bị tấn công. (Ảnh: dkfindout.com).
Một tháp canh là điểm phòng vệ cuối của lâu đài. Nó là công trình bền chắc nhất với những bức tường dày và sở hữu một lối vào kiên cố. Vì việc xây dựng rất tốn kém, tháp canh dần được thay thế bằng các tòa tháp tròn lớn hơn dọc theo các bức thành của lâu đài.
Cổng vào
Cổng vào là mục tiêu công phá đầu tiên của quân địch nên qua quá trình phát triển, chúng được gia cố ngày một tốt hơn và dần trở thành điểm mạnh của lâu đài. Vào cuối thế kỷ 12, hệ thống cổng gồm hai tháp ở hai bên lối vào chính. Cổng gồm một cửa gỗ nặng kết hợp thêm một hệ cửa sập bằng gỗ và kim loại để tăng cường khả năng phòng vệ. Thông thường, cầu bắc ngang hào nước có thể nâng lên bằng dây xích để chặn đường tiếp cận vào cổng lâu đài.
Bên trên cổng, bố trí các công sự gồm các “lỗ sát thương” (murder holes) mà quân phòng vệ có thể thả đá lớn, nước sôi hay dầu nóng xuống kẻ tấn công từ bên trên. Họ cũng có thể dập tắt các đám cháy nhằm công phá cổng vào.
Cầu thang
Ngay cả các chi tiết nhỏ cũng được khai thác để tạo ra lợi thế phòng thủ. Rất dễ nhận thấy các cầu thang xoắn của lâu đài được thiết kế theo chiều kim đồng hồ. Vâng, có một chiến lược đằng sau: Giả thiết rằng có một cuộc tấn công từ dưới lên, tay phải là tay cầm kiếm của kẻ tấn công sẽ thuộc phần trong của đường xoắn ốc khiến họ khó vung kiếm hơn rất nhiều. Trong khi tay cầm kiếm của quân phòng thủ thuộc phần ngoài của vòng xoắn cho phép họ tự do vung kiếm để tăng cường khả năng tự vệ.
Cầu thang xoắn gây cản trở cho người thuận tay phải khi cầm kiếm. (Ảnh qua Scottlans.com).
Kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn đã khiến người Châu Âu thời Trung Cổ hoàn thiện hơn về mặt kiến trúc để có thể hỗ trợ tối đa cho chiến thuật phòng thủ. (Ảnh: Pixabay).
Nhà vệ sinh
Không một yếu tố nào bị bỏ sót nhằm củng cố khả năng phòng thủ của tòa lâu đài, ngay cả việc sử dụng nhà vệ sinh! Bồn xí được thiết kế rất đơn giản: thường chỉ là một cái ghế nhỏ có lỗ được đặt trên đỉnh tường thành nơi canh gác, chất thải sẽ rơi trực tiếp vào hào nước bên ngoài. Bồn tiểu cũng được bố trí tại các tường tháp để lính canh không phải rời vị trí của họ quá lâu khi cần.
Tất cả kiến trúc của toà lâu đài đều nhằm mục đích tối ưu cho phòng thủ và chiến đấu.
Leo (biên dịch)
Theo Inspired Original
Tác giả: Michael Wing