Tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay, cao 157 cm, nặng 101 kg (SBS Việt ngữ)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, Việt Nam, đang triển lãm "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian", nhân đó ra mắt pho tượng nữ thần Durga bốn tay mới được hồi hương trong năm nay. Nhưng nhà nghiên cứu độc lập có tiếng, Philippe Truong ở Pháp nói rằng nhiều đồ giả được trưng bày.
Pho tượng đồng Nữ thần Durga là trung tâm của cuộc triển lãm "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian" gồm hai phần: Tượng và linh vật tôn giáo, và Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc.
Pho tượng được thu hồi từ một vụ án buôn bán cổ vật bất hợp pháp do Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ phối hợp cùng Cảnh sát Luân Đôn tiến hành trong năm 2023. Pho tượng sau đó được trao lại cho đại diện của Việt Nam ở Anh và chỉ được giao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hồi tháng Sáu năm nay.
Người ta thấy có nhiều hiện vật tiêu biểu tại cuộc triển lãm như: Tượng thần Shiva, tượng nam thần, nữ thần, tượng thần Ganesha, tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, Linga - Yoni, tượng bò thần Nandin… bằng chất liệu vàng, bạc gắn đá quý.
Bên cạnh đó là những đồ trang sức mang tính tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của nghệ thuật Champa, đặc biệt được dùng cho các vị thần Hindu giáo như thần Brahma, thần Visnu, thần Shiva, thần Ganesha, bò thần Nandin, chim thần Garuda, rắn thần Naga.
Nhưng một chuyên gia đồ cổ ở Pháp, Philippe Truong cáo giác rằng cuộc triển lãm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày "những tác phẩm điêu khắc giả, được thực hiện rất kém".
Ông Philippe Truong viết trên Facebook cá nhân, "Đây là một sự xúc phạm đến nền văn minh Champa rực rỡ! Làm sao cái gọi là bảo tàng lớn nhất Việt Nam dám trưng bày những điều kinh hoàng như vậy! Tôi xấu hổ! Tôi phẫn nộ!"
Không thấy ông Philippe Truong đưa ra chứng cớ nào, mà chỉ đăng hình chụp của một số tượng đang được trưng bày, không hiểu có phải hàm ý đó là những tượng ông cáo buộc là giả?
Champa là quốc gia từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832, ở miền Trung Việt Nam.
Pho tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay có nguồn gốc Việt Nam, niên đại vào thế kỷ 7 với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn, Hội đồng đánh giá của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia xác định, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay đã tìm thấy ở đâu.
Năm 2022, ông Philippe Trương, một chuyên gia về đồ cổ thời Nguyễn, đã lên tiếng sau khi thấy một ấm trà với niên hiệu Gia Long được đưa ra đấu giá tại Millon-Asium vào tháng Tư.
Ông Philippe Trương công bố trên trang Facebook cá nhân, và được báo Thanh Niên trích dẫn: “Đây là copy giả mạo, đồ mới. Tôi đã cầm trong tay và nghiên cứu kỹ lưỡng tại Millon”.
Theo ông Philippe Truong nếu là những chiếc ấm thời Gia Long thật thì các đồ này đã qua sử dụng và phải có dấu vết sự hao mòn nhất định phía trong.
Ông Philippe Trương giải thích, “Còn những chiếc ấm mà tôi đã xem gần đây rất sạch và không có vết mòn thời gian. Dù có cho qua nhiều lần ngâm hóa chất thì bên trong luôn luôn vẫn còn lại một chút dấu vết của trà. Các ấm này mới tinh như vừa ra lò”.
Đây không phải lần đầu ông Philippe Trương lên tiếng về việc có đồ giả tại các phiên đấu của nhà đấu giá quốc tế. Hồi tháng Hai năm 2021, ông cũng lên tiếng về một số hàng giả được cho là đồ pháp lam Huế thế kỷ 18 được bán nhà đấu giá Mỹ GWS.
Nhiều chuyên gia trong lãnh vực này lo lắng vì có người Việt làm hàng giả nên mỹ thuật Việt Nam không còn được chú ý.