“Tôi bịa ra chúng. Từ đầu của tôi.”

 

 

Written by: Vũ Thành Long

 

Neil Gaiman, tiểu thuyết gia, biên kịch người Anh, nổi tiếng với các tác phẩm giả tưởng như "Coraline", "Bụi sao", "Những vị thần nước Mỹ",... Ảnh: Vanity Fair

 

 

"Where do you get yours ideas?", Neil Gaiman

 

 

Mỗi ngành nghề đều có những cạm bẫy riêng. Ví dụ, bác sĩ luôn được hỏi xin tư vấn miễn phí, luật sư thì được hỏi xin thông tin pháp lý, người làm tang lễ thì được bảo rằng nghề này hẳn phải thú vị lắm và người ta nhanh chóng chuyển chủ đề. Và những nhà văn thì được hỏi chúng tôi lấy ý tưởng của mình từ đâu.

 

Ban đầu, tôi quen đáp lại bằng mấy câu không mấy hài hước: “Từ Câu lạc bộ Ý-tưởng-của Tháng,” tôi nói, hoặc “Từ một cửa hàng tại Bognor Regis”, “Từ một cuốn sách bụi bặm đầy rẫy ý tưởng trong tầng hầm nhà tôi”, hay thậm chí là “Từ Pete Atkins.” (Atkins là người bạn làm biên kịch và tiểu thuyết gia của tôi; chúng tôi từng quyết định rằng mỗi khi được hỏi, tôi sẽ nói tôi lấy ý tưởng từ anh, và anh sẽ nói anh lấy từ tôi. Nó nghe khá hợp lý vào thời điểm đó.)

 

Rồi chính tôi cũng ngán ngẩm với những câu trả lời không mấy hài hước đó, và giờ đây tôi kể họ nghe sự thật.

 

“Tôi bịa ra chúng,” tôi nói. “Từ đầu của tôi”

 

Mọi người vẫn không hài lòng. Tôi không biết tại sao. Trông họ bất mãn như thể tôi đang cố lướt nhanh qua họ trên phố, như thể đó là một bí mật lớn, và vì là chuyện hậu trường nên tôi không được phép tiết lộ.

 

Và dĩ nhiên, làm gì có chuyện đó. Đầu tiên, tôi thực sự không biết các ý tưởng đến từ đâu, điều gì khơi nguồn cho chúng, hay bao giờ thì cái nguồn cảm hứng đó sẽ vơi cạn. Thứ hai, tôi ngờ rằng bất cứ ai hỏi câu đó thực chất là muốn một bài giảng ba tiếng trời về quy trình sáng tạo. Và cuối cùng, ý tưởng không quan trọng tới thế. Thực sự không. Bất cứ ai cũng có một ý tưởng cho một cuốn sách, bộ phim, câu chuyện hay chương trình truyền hình.

 

Tất cả những tác giả từng xuất bản đều có những người tự tìm đến bạn và nói họ có một ý tưởng. Đề xuất không thay đổi - họ kể bạn nghe về ý tưởng, bạn ghi chú lại và biến nó thành một tiểu thuyết, rồi hai bạn có thể chia 50-50.

 

Tôi quả thực rất thoải mái với những người này. Tôi kể họ nghe sự thật, rằng tôi có quá nhiều ý tưởng nhưng lại quá ít thời gian. Và tôi chúc họ may mắn.

 

Những ý tưởng không phải phần khó. Nó chỉ là một mắt xích nhỏ trong cái toàn thể. Tạo ra những nhân vật thuyết phục thì khó hơn nhiều. Và điều khó nhất là quy trình - việc bạn ngồi xuống và nặn ra từng từ một để kiến thiết nên công trình kia: khiến câu chuyện trở nên thú vị và mới mẻ.

 

Dù vậy, đó vẫn là câu hỏi mà người ta muốn được giải đáp. Về phần tôi, họ còn muốn biết liệu tôi có lấy ý tưởng từ trong mơ không. (Câu trả lời: không.) Tất nhiên, tôi không sổ thẳng vào mặt họ được vậy. Cho tới giờ là thế.

 

Nhóc Holly 7 tuổi nhà tôi từng nài tôi tới làm diễn giả tại lớp con bé. Giáo viên đã rất nhiệt tình, và rồi tôi đến.

 

Bọn trẻ ngồi trên sàn, tôi thì trên ghế, và năm mươi con mắt thơ ngây kia đang dán chặt vào tôi. “Khi bác bằng tuổi các cháu, mọi người bảo bác đừng bịa chuyện,’ tôi bắt đầu. “Ngày nay, họ trả bác tiền vì điều đó.” Sau chừng hai mươi phút thì tới phần hỏi đáp.

 

Và cuối cùng thì một nhóc đã hỏi về nó.

 

“Bác lấy những ý tưởng của mình từ đâu?”

 

Và tôi nhận ra tôi nợ bọn trẻ một câu trả lời, một câu trả lời thỏa đáng. Chúng chưa đủ lớn để tò mò gì hơn. Đó hoàn toàn là một câu hỏi hợp lý, nếu bạn không bị hỏi về nó mỗi tuần.

 

Đây là những gì tôi đã nói với chúng:

 

Cháu có ý tưởng từ nhờ mơ mộng giữa ban ngày. Cháu có ý tưởng từ nhàm chán. Cháu có ý tưởng mọi lúc. Sự khác biệt duy nhất giữa nhà văn và người bình thường là bọn bác để tâm tới điều đó.

 

Cháu có ý tưởng khi tự hỏi bản thân những câu rất đơn giản. Câu hỏi quan trọng trong tất cả chỉ là, Sẽ thế nào nếu…?

 

(Sẽ thế nào nếu cháu thức dậy với một đôi cánh? Sẽ thế nào nếu em gái cháu biến thành một con chuột? Sẽ thế nào nếu cháu phát hiện ra giáo viên dự tính sẽ ăn thịt một trong số các cháu ở cuối kỳ này - nhưng cháu không biết đó là ai?)

 

Một câu hỏi quan trọng khác là Giá như

 

(Giá như đời cứ như nhạc kịch Hollywood. Giá như tôi có thể co lại nhỏ bằng một cái nút bấm. Giá như có một con ma làm bài tập hộ tôi.)

 

Và rồi những câu hỏi khác nữa: Tôi thắc mắc… (Tôi thắc mắc cô ấy làm gì khi ở một mình…) và Nếu điều này xảy ra… (Nếu điều này xảy ra thì điện thoại sẽ bắt đầu trò chuyện với nhau và loại bỏ người trung gian…) và Sẽ không thú vị nếu… (Sẽ không thú vị nếu thế giới từng được cai trị bởi mèo sao?)...

 

Những câu hỏi này, và những câu khác tương tự, và những câu hỏi mà tự chúng có thể tạo dáng (Chà, nếu loài mèo từng thống trị thế giới, tại sao giờ lại không còn nữa? Và chúng thấy thế nào về điều đó?) là một trong những nơi ý tưởng bắt nguồn.

 

Một ý tưởng không nhất thiết phải là một cốt truyện, mà chỉ là điểm khởi đầu của sáng tạo. Cốt truyện sẽ tự xây dựng chính nó khi một người bắt đầu hỏi bản thân những câu hỏi để biết vạch xuất phát ở đâu.

 

Đôi khi ý tưởng là về một con người (Có một cậu bé muốn học về phép thuật). Đôi khi nó là một địa điểm (Có một tòa lâu đài ở tận cùng thời gian, và đó là nơi duy nhất có thể tìm thấy nó). Đôi khi nó lại là một hình ảnh (Một người phụ nữ, dò dẫm trong một căn phòng tối với vẻ mặt trống rỗng.)

 

Thường thì các ý tưởng sẽ tới việc kết hợp hai thứ chưa từng được kết hợp lại với nhau. (Nếu một người bị cắn bởi ma sói sẽ trở thành ma sói, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một con cá vàng bị cắn bởi một ma sói? Sẽ ra sao nếu một cái ghế bị cắn bởi một ma sói?)

 

Tất cả hư cấu đều là một quá trình tưởng tượng: bất kể bạn viết gì, thể loại và độ dài ra sao, nhiệm vụ của bạn là bịa ra những thứ thật thuyết phục, thú vị và mới mẻ.

 

Và khi đã đã có cho mình một ý tưởng - thứ mà bạn giữ lại được sau tất cả để bắt đầu, nhưng rồi sao?

 

Rồi bạn viết. Bạn viết từng từ một cho tới khi hoàn thành - bất kể ra sao.

 

Đôi khi mọi sự không như ý, hoặc câu chuyện khác xa cách bạn mường tượng ban đầu. Đôi khi chuyện bung bét hết cả. Đôi khi bạn quẳng nó đi và làm lại từ đầu.

 

Tôi nhớ vài năm trước, tôi đã nảy ra một ý tưởng hoàn hảo cho một câu chuyện về Sandman. Nó nói về một succubus đã cho các nhà văn và nghệ sĩ những ý tưởng và đổi lại, họ phải trao hắn tuổi thọ của mình. Tôi gọi nó là Sex and Violets.

 

Nó xem chừng là một câu chuyện đơn giản, và chỉ khi tôi ngồi xuống viết, tôi mới phát hiện ra nó giống như cố gắng giữ cát mịn trên lòng bàn tay: mỗi khi tôi tưởng đang tóm được nó, thì nó lại chảy qua kẽ tay tôi và biến mất.

 

Tôi đã viết vào thời điểm đó:

 

Cho tới nay, tôi đã bắt đầu câu chuyện này hai lần, và đã đi được khoảng nửa chặng đường mỗi lần, chỉ để ngồi đây xem nó chết cứng ngắc trên màn hình.

 

Sandman, đôi khi có thể coi là một truyện tranh kinh dị. Nhưng không có gì khứa vào da thịt tôi đau hơn việc chấp nhận phải kết liễu nó. Tôi đã từ bỏ, với thời hạn thuộc về thì quá khứ.

 

Chính những ý tưởng - cùng khả năng thảo chúng ra giấy, và biến chúng thành những câu chuyện - khiến tôi trở thành nhà văn. Điều đó có nghĩa là tôi không cần phải dậy sớm vào buổi sáng, lên tàu với những con người tôi không quen và đến làm một công việc tôi căm ghét.

 

Ý niệm của tôi về địa ngục là một tờ giấy trắng. Hoặc một màn hình trống trơn. Và tôi ngồi đây, nhìn chằm chằm vào nó, không nặn ra nổi một từ đáng để nói, một nhân vật độc lập đáng để tin, và một câu chuyện chưa từng được kể trước đây.

 

Nhìn chòng chọc vào tờ giấy giắng.

 

Mãi mãi.

 

Dù vậy, tôi vẫn viết để thoát khỏi nó. Tôi đã tuyệt vọng và gom nỗi kinh hoàng của riêng tôi, cùng ý tưởng cốt lõi để tạo ra một câu chuyện có tên Calliope, nói về nơi các nhà văn lấy ý tưởng của họ. Đó là trong một cuốn sách có tên DREAM COUNTRY. Bạn có thể đọc nếu thích. Và đâu đó trong quá trình viết câu chuyện ấy, tôi đã ngưng lo sợ việc những ý tưởng có thể biến mất.

 

Tôi lấy ý tưởng của mình từ đâu ư?

Tôi bịa ra chúng.

Từ đầu của tôi.

 

(Theo blog westudy)