This entry was posted on Tháng Mười 20, 2023, in Lịch sử thế giới phương Tây and tagged châu mỹChristopher ColumbusColumbusGiáo thuyết Khám pháThời đại Khám pháTrần Quang Nghĩa. Bookmark the permalinkBình luận về bài viết này

 

 

 

Cuộc Đổ Bộ của Columbus

 

 Joshua J. Mark

WORLD HISTORY ENCYCLOPEDIA

Trần Quang Nghĩa dịch

 

 

Giáo thuyết Khám phá là một chính sách ban đầu được ban hành bởi Giáo hội Thiên chúa giáo thế kỷ 15, tuyên bố quyền của các quốc gia theo đạo Thiên chúa được chiếm hữu đất đai của những người không theo đạo Thiên chúa nhằm mục đích cứu rỗi linh hồn của những người đáng thương này.  Những người không theo đạo Thiên chúa không được công nhận là chủ sở hữu đất hợp pháp và bất kỳ vùng đất nào được các nhà thám hiểm theo đạo Cơ đốc ‘phát hiện’ đều được tuyên bố là tài sản của quốc gia của những người khám phá ra chúng?!

 

Giáo thuyết Khám phá được trình bày rõ ràng, đầu tiên, bởi một sắc lệnh của Giáo hoàng ban hành năm 1452, một lần khác vào năm 1455 và nổi tiếng nhất vào năm 1493, ngay sau chuyến thám hiểm năm 1492 của Christopher Columbus đã ‘khám phá’  cái gọi là Tân Thế giới của ông ta.  Sắc lệnh của giáo hoàng năm 1493 đã nêu rõ nhiệm vụ của những nhà thám hiểm Cơ đốc giáo là chiếm giữ vùng đất của những người không theo đạo Cơ đốc nhằm mục đích Cơ đốc hóa dân bản địa và đưa họ vào trong “nền văn minh Cơ đốc giáo châu Âu”.

 

 NGƯỜI MỸ BẢN ĐỊA KHÔNG TIN CON NGƯỜI CÓ THỂ SỞ HỮU ĐẤT ĐAI TRONG KHI ĐỐI VỚI BỌN THỰC DÂN CHÂU ÂU, SỞ HỮU ĐẤT LÀ QUYỀN ĐƯỢC “CHÚA TRỜI CỦA HỌ” BAN CHO.

 

 Ngay sau khi những người thực dân châu Âu lần đầu tiên tiếp xúc với dân bản địa châu Mỹ vào năm 1492, họ quay trở lại với chính sách do Giáo hoàng Alexander VI ban hành năm 1493, trong đó tuyên bố rằng bất kỳ vùng đất nào, ở bất cứ đâu, không dưới lá cờ của một quốc gia Thiên chúa giáo có chủ quyền, đều có thể bị chiếm đóng, được sở hữu bởi bất cứ ai ‘khám phá’ nó, và bất cứ người dân bản địa nào được tìm thấy ở đó đều “được” cải sang Cơ đốc giáo.

 

 Giáo thuyết Khám phá đã tước đoạt đất đai của người dân bản địa ở Châu Mỹ trong thời kỳ thuộc địa, được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ công nhận là hợp pháp vào năm 1823, và vẫn còn nằm trong sách luật cho đến ngày nay mặc dù đã bị Giáo hoàng Francis bác bỏ vào tháng 3  năm 2023 và bị thách thức bởi các học giả pháp lý thời hiện đại.  Phong trào Land Back (Trả Lại Đất), do người dân bản địa Bắc Mỹ khởi xướng và lãnh đạo, hiện đang thách thức tính hợp pháp và đạo đức của Giáo thuyết trơ tráo, xấc xược này, mặc dù được coi là bất công và phân biệt chủng tộc, vẫn ảnh hưởng đến các chính sách của Canada và Hoa Kỳ trong việc họ công nhận  quyền đất đai của người Mỹ bản địa.

 

 

Khái niệm về đất đai của người Mỹ Bản địa và của người châu Âu

 

 Khái niệm về quyền sở hữu đất đai của người Mỹ Bản địa khác biệt đáng kể so với cách hiểu của người châu Âu ở chỗ người Mỹ Bản địa không tin rằng con người ta có quyền sở hữu đất đai trong khi đối với những người thực dân châu Âu, sở hữu đất đai là quyền do Chúa ban cho.  Những người châu Âu xâm chiếm Bắc Mỹ bắt đầu từ thế kỷ 16 và 17 đã hiểu quyền sở hữu đất đai theo đoạn Kinh thánh của Sáng thế ký 1:28:

Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hoạt động trên mặt đất.

 

Đối với người châu Âu, đất đai là thứ cần được thuần hóa, trồng trọt, ‘khai sáng’, vì lợi ích riêng của họ, như Chúa của họ đã ra lệnh, nhưng đối với người Mỹ Bản địa, đất đai là một sinh vật có tri giác,  là mẹ đất của họ, có mối quan hệ gần gũi với họ, được quan tâm và tôn trọng.  Khái niệm đất đai của người Mỹ Bản địa được Talia Boyd, Giám đốc Cảnh quan Văn hóa của Tổ hợp Grand Canyon, giải thích:

 

Ý tưởng ‘sở hữu’ đất đai là một khái niệm xa lạ đối với người bản địa.  Đất có tri giác.  Nó bao gồm nhiều dạng sống và không gian.  Nó chứa năng lượng to lớn.  Từ góc độ của người bản địa, người ta không thể ‘sở hữu’ đất nhưng người ta có thể sống chung với đất.  Mối quan hệ tái tạo của chúng ta với đất đai dựa trên mối liên hệ sâu sắc giữa các thế hệ đã được dạy dỗ thông qua vũ trụ học, nghi lễ và ngôn ngữ của chúng ta.  Người dân bản địa thừa nhận rằng những mối liên hệ đang diễn ra này đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với thế giới tự nhiên.  Chúng ta dâng lễ vật và cầu nguyện cho vùng đất để nó được chữa lành.  Những lời dạy truyền thống hướng dẫn chúng ta duy trì sự tôn trọng sâu sắc đối với đất đai, cuộc sống và những người họ hàng bốn chân và có cánh của chúng ta – tất cả các mối quan hệ của chúng ta.  (Boyd, 1)

 

 

Những người châu Âu đến Bắc Mỹ không có hiểu biết như vậy về đất đai và, được khuyến khích bởi tinh thần cướp bóc của Giáo thuyết Khám phá, họ cảm thấy không cần phải cố gắng tìm hiểu xem người dân bản địa có thể nhìn nhận quyền sở hữu đất đai dưới một góc nhìn hoàn toàn khác với quyền sở hữu của mình như thế nào.  Những người nhập cư châu Âu coi người bản địa là những kẻ man rợ vì không theo đạo Thiên chúa, không văn minh, có niềm tin vào bất cứ điều gì được cho là tầm thường và đất đai của họ được tự do chiếm đoạt.

 

 

Cuộc Đổ Bộ của Columbus

 

 

Lịch sử của Giáo thuyết

Giáo thuyết Khám phá không chỉ biện minh cho việc chiếm đoạt đất đai của những người không theo đạo Thiên chúa mà còn cả con người của họ, lên án họ là “nô lệ vĩnh viễn,” là “kẻ thù của Chúa Kitô”.  Lần xuất hiện đầu tiên của nó là trên sắc lệnh của giáo hoàng được gọi là Dum Diversas (“Cho đến khi có lệnh mới”) do Giáo hoàng Nicholas V ban hành vào ngày 18 tháng 6 năm 1452 cho Alfonso V của Bồ Đào Nha để xác nhận việc ông chiếm đoạt các khu vực ở Tây Phi. Sắc lệnh viết:

 

[Chúng tôi cấp] cho Vua Alfonso nói trên quyền xâm lược, tìm kiếm, bắt giữ, đánh bại và khuất phục tất cả những người Saracens và những người ngoại đạo, cũng như những kẻ thù khác của Chúa Kitô ở bất cứ nơi nào, cũng như các vương quốc, công quốc, lãnh địa tự trị, quận huyện, tài sản và tất cả các động sản  và hàng hóa bất động sản mà chúng nắm giữ và sở hữu, đồng thời biến chúng thành nô lệ vĩnh viễn, đồng thời áp dụng và chiếm hữu các vương quốc, công quốc, lãnh địa tự trị, quận huyện, tài sản và hàng hóa cho chính mình và cho những người kế vị, đồng thời chuyển những loại tài sản ấy, việc sử dụng chúng cũng như lợi nhuận của chúng thành của mình.  (Sáng kiến ​​Giá trị Bản địa, 1)

 

 

Sau đó, Giáo hoàng Nicholas V nhấn mạnh chính sách năm 1455 khuyến khích Bồ Đào Nha chiếm giữ các vùng đất Tây Phi và khuất phục người dân vì lợi ích cứu rỗi linh hồn của họ.  Sau chuyến thám hiểm châu Mỹ của Christopher Columbus năm 1492, một tranh chấp giữa các nhà tài trợ Tây Ban Nha của ông và Bồ Đào Nha, những nước cũng tham gia vào các nỗ lực thuộc địa hóa trong khu vực, đã dẫn đến sắc lệnh của Giáo hoàng Alexander VI thiết lập một đường ranh giới 100 dặm về phía tây của  quần đảo Azores và Cape Verde và trao cho Tây Ban Nha quyền thuộc địa hóa ở phía tây quần đảo này.

 

Nước Pháp Thiên chúa giáovà nước Anh theo đạo Tin lành, tuy không thừa nhận một cách cụ thể Giáo thuyết(hoặc, trong trường hợp của nước Anh, bác bỏ nó vì không thuộc thẩm quyền đối với Học thuyết), vẫn duy trì tinh thần của chính sách khi tuyên bố rằng các quốc gia theo đạo Cơ đốc có nghĩa vụ truyền bá tôn giáo cho những người không theo đạo Cơ đốc và khi làm như vậy, họ được trao quyền chiếm giữ những vùng đất không theo đạo Cơ đốc nhân danh Chúa Kitô.  Do đó, bất kỳ vùng đất không theo đạo Cơ đốc nào đều được hiểu là đã được ‘khám phá’ bởi bất kỳ quốc gia nào đến đó trước và bằng cách cắm cờ quốc gia mình, ‘những người khám phá’ đã sáp nhập những vùng đất đó vào đất nước của họ.

 

 

Cuộc Chinh Phục và Thám Hiểm của Tây Ban Nha ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 16

 

 

Sau khi các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ giành được độc lập từ Anh, Giáo thuyếtKhám phá đã được Thomas Jefferson viện dẫn với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 1792, người đã tuyên bố rằng chính sách từng được áp dụng khi khu vực này nằm dưới sự cai trị của Anh vẫn còn đúng đắn cho đến nay khi nó  đã trở thành một quốc gia độc lập.  Jefferson kết luận điều này dựa trên sự hiểu biết của ông về người Mỹ bản địa là “những kẻ man rợ tàn nhẫn”, một cụm từ ông sử dụng trong Tuyên ngôn Độc lập như một trong những lý do khiến các thuộc địa phải được tự do vì Vua George III của Vương quốc Anh (cai tri 1760-1820) đã hạn chế bành trướng thuộc địa về phía tây và không tiếp tục chiếm đoạt đất đai của người Mỹ bản địa.

 

 

Giáo thuyết đã trở thành một phần của luật pháp Hoa Kỳ vào năm 1823 thông qua việc xét xử vụ án pháp lý Johnson kiện McIntosh.  Johnson, người thừa kế những vùng đất được mua từ người Mỹ bản địa trước Cách mạng Hoa Kỳ, đã kiện McIntosh, người đã mua những vùng đất tương tự từ chính phủ Hoa Kỳ sau Cách mạng.  Chánh án John Marshall của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng quyền sở hữu hợp pháp đối với đất đai được thiết lập bằng cách khám phá và sở hữu theo Giáo thuyếtKhám phá, và do đó, không có vùng đất nào do người Mỹ Bản địa ‘bán’ cho người định cư da trắng là hợp pháp vì người Bản địa không có  quyền sở hữu, chỉ có ‘quyền chiếm dụng’ và vì vậy, không thể bán một mảnh đất như không thể bán căn hộ mà họ đang thuê ở.  Học giả Roxanne Dunbar-Ortiz bình luận:

 

Viết cho đa số, Chánh án John Marshall cho rằng Giáo thuyếtKhám phá đã là một nguyên tắc đã được thiết lập của luật pháp châu Âu và luật pháp của Anh có hiệu lực tại các thuộc địa Bắc Mỹ của Anh và cũng là luật của Hoa Kỳ.  Tòa án đã xác định các quyền sở hữu độc quyền mà một quốc gia Châu Âu có được nhờ khám phá: “Việc khám phá mang lại quyền hạn cho chính phủ, do các thần dân hoặc giới thẩm quyền của nó xác lập, chống lại tất cả các chính phủ Châu Âu khác, quyền hạn này có thể được hoàn thiện bằng quyền  sở hữu.”  Vì vậy, những “nhà khám phá” châu Âu và Âu Mỹ đã giành được quyền sở hữu thực sự trên đất của người bản địa chỉ bằng cách cắm một lá cờ.  (Lịch sử các dân tộc bản địa, 199-200)

 

 

Giáo thuyết Khám phá tiếp tục đưa ra các quyết định pháp lý liên quan đến quyền đất đai của người Mỹ bản địa trong thời đại ngày nay.  Gần đây nhất là vào năm 2005 trong vụ án Thành phố Sherrill kiện Quốc gia Da đỏ Oneida ở New York, Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đại diện cho đa số, đã trích dẫn Giáo thuyết này làm cơ sở để đưa ra phán quyết chống lại Oneida.

 

 

 Văn bản liên hệ

 Đoạn trích sau đây từ sắc lệnh Inter caetera của giáo hoàng năm 1493 (“Trong số các tác phẩm khác”) được lấy từ trang Tài nguyên Lịch sử của Viện Lịch sử Hoa Kỳ Gilder Lehrman.  Mục đích chính của sắc lệnh là giải quyết những căng thẳng giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha về thương mại và thuộc địa hóa ở “Tân Thế giới”, nhưng nó khuyến khích việc chiếm đoạt đất đai của người dân bản địa như được nêu trong sắc lệnh Dum Diversas từ năm 1452.

 

Vì vậy, với tư cách là các vị vua và hoàng thân Thiên chúa giáo, sau khi xem xét nghiêm túc mọi vấn đề, đặc biệt là sự trỗi dậy và truyền bá của đức tin Thiên chúa giáo, như kiểu cách của tổ tiên các ngài, các vị vua nổi tiếng, các ngài đã có ý định,  với sự khoan hồng của Chúa, đặt dưới sự thống trị của mình lên các đất liền và hải đảo nói trên cùng với cư dân bản địa của những nơi ấy và đưa họ đến với đức tin Thiên chúa.  Do đó, nhân danh Chúa, chúng tôi hết lòng khâm phục  mục đích thánh thiện và đáng khen ngợi này của các anh chị em, đồng thời mong muốn mục đích đó được hoàn thành một cách xứng đáng với danh tiếng của Đấng Cứu Rỗi mà chúng ta mang đến những vùng đó, chúng tôi tha thiết khuyên nhủ anh chị em nhân danh Chúa và qua việc anh chị em lãnh nhận phép rửa tội thiêng liêng, theo đó anh chị em bị ràng buộc với các mệnh lệnh tông đồ của chúng tôi, và bởi lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô chúng ta, với lòng nhiệt thành háo hức đối với đức tin chân chính mà các ngài đã trang bị cho các chuyến thám hiểm này, các ngài có mục đích, cũng như  nhiệm vụ, là dẫn dắt các dân tộc sinh sống trên các hòn đảo và quốc gia đó trở về đạo Cơ đốc;  cũng như không bao giờ để những nguy hiểm hay khó khăn ngăn cản mình, với niềm hy vọng và sự tin tưởng mãnh liệt trong lòng rằng Đức Chúa Trời Toàn năng sẽ tiếp tục hỗ trợ công việc của các ngài.

 

Và, để các ngài có thể thực hiện một công việc vĩ đại như vậy với sự sẵn sàng và nhiệt tình hơn nhờ sự ưu ái giáo hội của chúng tôi, chúng tôi, theo ý riêng của mình, không phải theo yêu cầu của bạn hay yêu cầu của bất kỳ ai khác liên quan đến bạn, mà là vì  sự rộng lượng duy nhất của chúng ta và sự hiểu biết nhất định và từ sự trọn vẹn của quyền lực tông đồ của chúng ta, bởi thẩm quyền của Thiên Chúa toàn năng đã ban cho chúng ta nơi chân phước Phêrô và tòa thánh đại diện của Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta nắm giữ trên trái đất, thực hiện theo phương hướng chung của những văn kiện này,  Nếu bất kỳ hòn đảo nào nói trên được sứ thần và thuyền trưởng của ngài tìm thấy, hãy trao, cấp và giao cho các ngài cũng như những người thừa kế và kế vị của mình, các vị vua của Castile và Leon, mãi mãi, cùng với tất cả các lãnh địa, thành phố, trại ấp, địa điểm và làng mạc của họ, và tất cả các quyền, quyền tài phán và tài sản phụ thuộc, tất cả các đảo và đất liền được tìm thấy, được phát hiện và được thám hiểm về phía tây và nam, từ Bắc cực đến Nam cực . . .

 

Hơn nữa, chúng tôi ra lệnh cho các ngài vì sự vâng lời thánh thiện rằng, bằng mọi sự chuyên cần trong cơ sở, như các ngài cũng đã  hứa – chúng tôi cũng không nghi ngờ sự tuân thủ của các ngài theo lòng trung thành và tinh thần vĩ đại của hoàng gia – các ngài  nên chỉ định đến các đại lục và các hòn đảo nói trên những con người xứng đáng , kính sợ Chúa, có học thức, có kỹ năng và kinh nghiệm, để hướng dẫn những người dân và cư dân nói trên về đức tin Thiên chúa giáo và rèn luyện họ đạo đức . . . đó là hạnh phúc.  và vinh quang của toàn thể Kitô giáo.

 

 

 Phần kết luận

 Giáo thuyết Khám phá ngày nay hiếm khi được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện liên quan đến quyền đất đai của người dân bản địa vì nó mang tính phân biệt chủng tộc, bất công và vô đạo một cách trắng trợn, nhưng nó vẫn tiếp tục được áp dụng trong các chính sách của Canada và Hoa Kỳ (cũng như Úc và New Zealand)  về việc trả lại đất đai bị chiếm đoạt cho người dân bản địa.  Dunbar-Ortiz tóm tắt tác dụng của Giáo thuyết:

 

Theo Giáo thuyết Khám phá đã tồn tại hàng thế kỷ, các quốc gia Châu Âu đã giành được quyền sở hữu đối với những vùng đất mà họ đã “khám phá” và cư dân Bản địa mất quyền tự nhiên đối với vùng đất đó sau khi người Châu Âu đến và tuyên bố chủ quyền với nó.  Dưới vỏ bọc “hợp pháp” cho hành vi trộm cắp này, các cuộc chiến tranh xâm chiếm và chủ nghĩa thực dân của người định cư Âu-Mỹ đã tàn phá các quốc gia và cộng đồng bản địa, tước đoạt lãnh thổ của họ khỏi tay họ và biến đất đai họ thành tài sản, bất động sản riêng.  Hầu hết đất đai đó cuối cùng lại rơi vào tay những kẻ đầu cơ đất đai và các nhà kinh doanh nông nghiệp, nhiều trong số đó, cho đến giữa thế kỷ 19, vẫn là các đồn điền được điều hành bởi một hình thức sở hữu tư nhân khác, những người châu Phi bị bắt làm nô lệ.  Có vẻ như phức tạp, Giáo thuyết này vẫn là nền tảng cho luật liên bang [ở Hoa Kỳ] vẫn có hiệu lực kiểm soát cuộc sống và số phận của người bản địa, thậm chí cả lịch sử của họ, bằng cách bóp méo chúng.  (Lịch sử các dân tộc bản địa, 198)

 

Việc ngày càng có nhiều học giả thừa nhận sự bất công tham tàn của Giáo thuyết Khám phá đã đưa ra sáng kiến ​​thay thế lễ  kỹ niệm Ngày Columbus ở Hoa Kỳ bằng Ngày của Người bản địa và cũng gây ảnh hưởng đến phong trào Trả lại Đất đai ở Canada và Hoa Kỳ, những tổ chức ủng hộ việc trả lại đất đai của người Mỹ bản địa nhân danh  công lý.