Mạng dịch vụ « HomeExchange » ban đầu là một công ty Mỹ. Đến năm 2017, mạng này được một doanh nhân người Pháp (ông Emmanuel Arnaud) mua lại, rồi sáp nhập vào công ty « Guest to Guest » chuyên tạo cơ hội trao đổi kinh doanh giữa người tiêu dùng với nhau. Theo báo Les Échos, ngày càng có nhiều khách du lịch Tây phương chọn dịch vụ đổi nhà này vì họ không chi quá nhiều tiền lưu trú trong những kỳ nghỉ gia đình. Sự phát triển mạnh của các nền tảng trực tuyến cũng như tỷ lệ lạm phát cao, khiến cho nhiều du khách Âu-Mỹ đi tìm những giải pháp thay thế cho việc thuê phòng khách sạn truyền thống hay dịch vụ lưu trú ngắn ngày Airbnb.

 

 

 

HomeExchange hiện có mặt tại 140 nước trên thế giới

 

Để tham gia vào mạng dịch vụ HomeExchange, trước hết bạn phải sở hữu một căn hộ để có thể trao đổi với những người khác, sau đó bạn đăng ký làm thành viên cộng đồng này với mức phí hàng năm khoảng 210 euro. Các thành viên thường được chia thành nhiều nhóm, tùy theo khu vực, thành phố, ngôn ngữ hay quốc tịch .... các thành viên trung thành thường đăng tin nhắn trên mạng và chia sẻ với nhau những khung thời gian họ muốn đổi nhà hoặc cho mượn nhà ở mà không lấy tiền. Mỗi lần làm như vậy, thành viên được tính thêm điểm (guest points / GP) và như vậy họ có thể dùng điểm ngay tức khắc hoặc đợi thêm một thời gian, tích lũy thêm điểm khi có dịp cần đi nghỉ mát ở một nơi khác, chọn một căn nhà cao cấp hơn. Mạng HomeExchange hiện có hơn 200.000 thành viên tại 140 nước trên thế giới và đã thực hiện 296.215 vụ đổi nhà trong năm qua.

 

Theo chuyên viên nghiên cứu Pascale Senk, đồng tác giả với ông Martin Rubio, quyển sách hướng dẫn « Échanger sa maison (le nouvel esprit du voyage) » nhà xuất bản Éditions des Équateurs, hình thức trao đổi nhà ở ban đầu nhằm mục đích tạo ra một cung cách mới cho khách thích đi du lịch. Với thời gian, trào lưu này đã thực sự trở thành một hiện tượng xã hội, khá thịnh hành tại các nước Âu-Mỹ. Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ, tác giả Pascale Senk cho biết mô hình đổi nhà giữa các thành viên với nhau phát triển mạnh vì phù hợp với tinh thần « du lịch bền vững »: giảm thiểu các chi phí, đồng thời nâng cao lợi ích cho môi trường và cho các cộng đồng địa phương. Trái với dịch vụ Airbnb, mạng lưới cho mượn nhà miễn phí không gây ra tình trạng khan hiếm nhà ở cho dân. 

 

 

Nói như vậy thì nước nào luôn giành lấy vị trí quán quân trên bảng xếp hạng này và đâu là các cộng đồng thành viên năng động trong việc tham gia phát triển mô hình đi đu lịch dựa trên việc trao dổi nahf với nhau. Cô Pascale Senk cho biết:

 

 « Đứng đầu danh sách này vẫn là các thành viên ở Bắc Mỹ kể cả Hoa Kỳ và Canada. Kế theo sau là các thành viên tại Úc, New Zealand và xa hơn nữa có Nam Phi. Tình trạng này phần lớn là do hệ ngôn ngữ : Mỹ, Canada hay Úc đều sử dụng tiếng Anh và việc nói cùng một ngôn ngữ tạo thêm nhiều điều kiện dễ dàng thuận lợi cho việc trao đổi. Và cũng đừng quên rằng, thói quen trao đổi nhà ở bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Vào năm 1954, các giáo sư đại học người Mỹ ở New York đã có sáng kiến trao đổi nhà ở giữa giới giáo viên với nhau trên toàn bộ các bang nước Mỹ. Công ty hàng không Mỹ Panam sau đó đã lấy lại sáng kiến này bằng cách tổ chức trao đổi nhà ở giữa các nhóm nhân viên với nhau, nhân các kỳ nghỉ hè. Sau Hoa Kỳ, đến phiên Canada, rồi Thụy Sĩ và Hà Lan bắt nhịp trào lưu. Các gia đình giáo viên hay nhân viên công ty tha hồ đi du lịch mà không sợ tốn quá nhiều tiền, trong kỳ nghỉ hè có thể dài đến một tháng. Từ chuyện trao đổi nhà ở này, bắt đầu sinh ra các mạng lưới dịch vụ như HomeLink và InterVacation. Mãi đến đầu những năm 1990, ông Ed Kushins mới sáng lập tại California công ty HomeExchange, ban đầu in trên giấy danh sách các nhà cho mượn, sau đó thay thế bằng một trang web. Hơn 15 năm sau ngày ra đời, HomeExchange (cũng như phiên bản Canada Échange de Maison) được công ty Pháp Guest to Guest mua lại. Nhưng dù có đổi chủ, công ty vẫn giữ nguyên tên gọi, chuyện trao đổi nhà ở đã trở thành một thói quen nếu không nói là một truyền thống của người Bắc Mỹ. Với các phương tiện di chuyển thời nay, việc trao đổi nhà ở giữa bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ hoặc giữa Hoa Kỳ và Âu châu càng thêm dễ dàng ».

 

 

 

HomeExchange không phải là « nhà cho thuê trá hình »

 

Trao đổi nhà ở giữa các thành viên đôi khi sống cách xa nhau cả chục ngàn cây số dĩ nhiên rất hấp dẫn về mặt tài chính. Thế nhưng đâu là những hạn chế (không dễ nhìn thấy ngay) của mô hình du lịch này. Cô Pascale Senk nhận xét:

 

 « Tôi đã viết quyển sách này cùng với tác giả Martin Rubio. Và chúng tôi muốn đề cao một cung cách đi du lịch mà quan hệ không chỉ đơn thuần là kinh doanh, mua bán. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi vẫn là chữ « trao đổi ». Dĩ nhiên là lần đầu tiên, bạn đổi nhà của mình với một thành viên khác, cách tính toán đầu tiên vẫn là tiết kiệm chi phí. Điều này lại càng đúng khi bạn có kế hoạch đi chơi xa, trong khi gia đình bạn có đến 4 thành viên. Việc tiết kiệm phí lưu trú là điều rất quan trọng. Ban đầu bạn cho mượn nhà của mình, rồi sau đó khi đến phiên gia đình bạn, nhà ở sẽ được một người khác cho mượn. Tuy nhiên, hình thức trao đổi nhà ở này chủ yếu dựa vào lòng tin tưởng lẫn nhau, sự có qua có lại trong quan hệ, chứ không có chuyện kinh doanh hay đổi chác tiền bạc ».

 

Hạn chế đầu tiên có lẽ nằm ở trong tinh thần biết tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn có một căn hộ nhỏ ở Paris, thì bạn khó thể nào đòi đổi căn nhà ít phòng của mình với một biệt thự sang trọng ở Hawaii hay Miami. Hạn chế thứ nhì nằm ở trong thủ tục đi lại. Ngoài vấn đề visa còn có việc xin giấy phép du lịch điện tử. Một người đến từ Nam Phi có lẽ sẽ đổi nhà dễ dàng hơn với một kiều dân ở Âu châu. Các thủ tục đi lại thường tạo thêm rào cản giữa các châu lục với nhau. Hạn chế thứ ba có lẽ là do việc một số thành viên không tôn trọng các quy định rõ ràng của chương trình trao đổi nhà ở. Chẳng hạn như một số thành viên cho mượn nhà miễn phí, rồi sau đó lại đòi tiền trên danh nghĩa mướn nhân viên quyét dọn, làm vệ sinh. Điều đó đi ngược lại với chương trình trao đổi miễn phí, và rơi vào tình trạng dịch vụ « nhà cho thuê trá hình ».

 

Cuối cùng là hạn chế về mặt tâm lý. Có nhiều người không dễ gì tiết lộ cuộc sống riêng tư của họ. Chuyện cho mượn nhà dù là chỉ trong một thời gian ngắn, vẫn buộc họ phải chấp nhận để cho những người xa lạ sờ mó đến đồ đạc riêng tư hay bước vào không gian thân mật của họ. Đây là một nét văn hóa dễ nhận thấy : người châu Á nói chung, và người Nhật Bản nói riêng nổi tiếng là dè dặt, kín đáo …. ». 

 

Tuy có nhiều điểm giới hạn, nhưng theo báo Les Échos, mạng dịch vụ HomeExchange thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng trong bối cảnh giá khách sạn tăng mạnh và một số thành phố hạn chế Airbnb để giải quyết vấn đề nhà ở cho dân. Nhiều khách du lịch quốc tế dần chuyển sang sử dụng các mạng như HomeExchange, HomeSwap hay ThirdHome đều khai thác cùng một thị trường.

 

Trong hai năm qua, số người đăng ký dịch vụ đổi nhà đã tăng gấp đôi, vượt mức 220.000 thành viên, trong đó phần lớn các thành viên có địa chỉ ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ý hay Tây Ban Nha. Doanh thu của mạng HomeExchange tăng 40 phần trăm chỉ trong một năm và hiện đạt mức 35 triệu euro. Do vậy trước mắt, có thể xem dịch vụ trao đổi nhà ở là một biện pháp bổ túc chứ chưa thể là giải pháp thay thế cho Airbnb.

 

 

 

(Theo RFI)