Thành ngữ Tây phương có câu “Đừng đánh phụ nữ dù chỉ bằng 1 đóa hoa” (Never hit a woman, even with a flower) hoặc “Ladies first” (quý bà, quý cô trên hết) để tỏ ra nhường nhịn và trân trọng phụ nữ của cánh đàn ông.
Đó là chuyện xa xưa, còn bây giờ phụ nữ có tỷ lệ cao hơn trong bất cứ ở nơi nào trên thế giới là nạn nhân của bạo lực và đáng buồn thay lại là bạo lực gia đình.
Theo Nha Thống kê Úc (ABS), trên khắp nước Úc, bạo lực gia đình đã ảnh hưởng đến 23 phần trăm phụ nữ - tức là 2.3 triệu phụ nữ Úc đang phải đối mặt hoặc đã trải qua nguy hiểm trong chính ngôi nhà của họ do bạn tình gây ra. Chính phủ Liên bang biệt riêng ngân sách gần 4 tỷ đô để bảo vệ phụ nữ trong các vụ bạo lực gia đình.
Đối với người Việt, phụ nữ được đề cao bởi bản chất công, dung, ngôn, hạnh. Dù thời thế thay đổi, nếp sống ngày nay khác, giao tiếp xã hội rộng rãi hơn nhưng trong nhiều gia đình, phụ nữ Việt vẫn luôn luôn có một vị trí quan trọng là nền tảng của gia đình - bên cạnh đó, người đàn ông là cột trụ của gia đình thì có phần xuống cấp bởi các bà, cô đã xông xáo trên thương trường để gia tăng ngân sách gia đình chứ không hẳn chỉ là “nội tướng” của hơn nửa thế kỷ trước đây.
Qua ca dao Việt Nam, hình ảnh của phụ nữ được miêu tả cách chi tiết từ cay đắng, đau khổ, chịu đựng trăm bề đến những nét đẹp tao nhã, cao quý vô ngần uyển chuyển theo dòng lịch sử.
Với tuổi thanh xuân, dù vất vả trong cuộc sống đồng áng, nhưng người gái quê chân chất cũng có những giây phút dâng trào cảm xúc riêng tư:
“Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”.
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”.
Có cô hồn nhiên, hay tinh nghịch, không quá câu nệ như gái khuê phòng:
“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.
Cũng có khi tế nhị, ý tứ, nết na:
“Sáng ngày tôi đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu? Thưa rằng tôi đi hái dâu
Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn Thưa rằng bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người”.
Các cô biết đề cao tình yêu thương, lòng chung thủy, không ra khỏi vòng lễ giáo:
“Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình duyên chỉ hẹn một lần mà thôi”.
“Muối ba năm muối đang còn mặn Gừng chín tháng gừng hãy còn cay Đạo cương thường chớ đổi đừng thay Dẫu có làm nên danh vọng
hay rủi có ăn mày ta cũng bên nhau”.
Trong xã hội phong kiến, những quan niệm bất công, khắt khe, “trọng nam, khinhnữ”, tới tuổi lập gia đình, hầu như phụ nữ cơ hồ mặc mình cho số phận, “thân gái 12 bến nước, may nhờ rủi chịu”:
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”.
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
Và buồn tủi hơn nữa nếu chẳng may ở vào gia đình coi nhẹ phẩm giá của nữ giới:
“Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”.
Có những lúc bị đời châm biếm hoặc họa may có người cảm thông cho các cô gái miền quê chân chất, nên hát rằng:
“Cô kia cắt cỏ đồng màu
Chăn trâu cho béo làm giàu cho cha. Giàu thì chia bày chia ba
Phận cô là gái được là bao nhiêu”.
Không còn gì thiệt thòi cho bằng khi chính mẹ mình đối xử:
“Em như quả bí trên cây
Dang tay mẹ bứt những ngày còn non”.
Khi đi lấy chồng, lúc đó các cô thấy “đời là may rủi”. Với quan niệm “xuất giá tòng phu” - tàng tích của thời xưa - đã buộc nhiều cô vì chữ hiếu nên chấp nhận xa quê dầu cố thốt lên lời than thở:
“Mẹ ơi, đừng gả con xa,
Chim kêu gà gáy biết nhà mẹ đâu”.
Rồi đành thấm thía nỗi buồn lúc nhớ về quê mẹ:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
“Chiều chiều ra đứng bờ sông Muốn về với mẹ mà không có đò”.
Cùng với quan niệm hôn nhân là “gả bán”, phụ nữ Việt phải sống trong cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Mẹ chồng tất nhiên từng làm dâu, khổ ải đã qua như thế nào thì nay trút lại cho dâu!
Nếu gia đình chồng mang ý niệm “mua vợ” cho con, thì chắc chắn nàng dâu được nhà chồng xem là “Ô-sin không công”, trả cái nợ đồng lần mà chính mẹ chồng trước đây gánh chịu:
“Trách cha, trách mẹ nhà chàng Cầm cân chẳng biết là vàng hay thau Thực vàng chẳng phải thau đâu
Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng”. “Tiếng đồn cha mẹ anh hiền
Cắn cơm không vỡ cắn tiền vỡ tan”.
Vì cưới xin thường do sắp đặt, dạm hỏi nên hầu như người chồng bỏ mặc vợ mình trong cảnh làm dâu. Họa chăng đôi trai gái quen biết nhau mà nên duyên phận, lúc đó có thể chồng mới dám “gồng mình” bênh vợ:
“- Em nấu cơm quên đơm vào rá Em kho cá quên bỏ đồ màu
Ra lấy chồng sợ nỗi làmdâu Em đây vụng đường nội trợ, e mai sau anh buồn.
- Canh cá không ngon, miệng giòn là đặng Dù ai nói muối mặn, mình cứ bảo muối cay Quyết lòng gá nghĩa sum vầy
Thân phụ già có chê chua chê chát, đã có anh đây đỡ lời”.
Một đôi khi, nàng dâu không chịu đựng nổi nỗi đọa đầy của nhà chồng, có cô đành phải quyết định liều lĩnh - rời bỏ nhà chồng:
“Cô kia đội nón đi đâu?
Tôi là phận gái làm dâu mới về Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi”.
Cũng trong thời phong kiến, xã hội cho phép “trai năm thê, bảy thiếp; gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Hủ tục này đưa đến cho một số phụ nữ phải làm vợ lẽ. Tiếng lòng mỉa mai:
“Thân em làm lẽ chẳng nề
Đâu như chính thất, ngồi lê giữa đường”
Hoặc buông lời xót xa than vãn:
“Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công Tối tối chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò. Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn. Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn, Để tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con.”
Người phụ nữ khi lập gia đình, ai cũng mong được một mái ấm gia đình, một tình yêu thương chân thật, vì thế họ nhắn nhau:
“Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”.
Còn ai không mấy tự tin thì:
“Chồng con là cái nợ nần
Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”.
Nhưng dù trong bất hạnh, chúng ta vẫn tìm thấy những phụ nữ Việt Nam có trái tim đôn hậu, có lòng vị tha, cao thượng chấp nhận “phần số đã an bài” để vươn lên, sống có chung thủy, dẹp bỏ bi lụy.
Ca dao đã phản ảnh phụ nữ Việt giàu tình nghĩa, thủy chung son sắt.
Ở thời nào cũng vậy, phụ nữ Việt Nam được kết thành bởi muôn vàn cánh hoa tươi thắm, đủ màu sắc, hương thơm. Trên đời này có bao nhiêu hoa đẹp làcó bấy nhiêu tên đặt cho phụ nữ Việt Nam.
Trong những khoảnh khắc tĩnh tại, người ta nhận ra rằng: Dù qua những biến động của thời cuộc, nếp sống kinh tế phồn thịnh, ảnh hưởng của trào lưu bên ngoài, phụ nữ Việt Nam chăm chút cho vẻ đẹp không phải chỉ bằng phấn son, nhung lụa, hành động nhất thời, mà là cả một hành trình sâu sắc nhất của cuộc sống từ nội tâm đến vóc dáng - một nét thanh tú truyền thống mà phụ nữ Việt gìn giữ và phát triển được thế giới ngưỡng mộ trong tà áo dài tha thướt./.
D. Đ. (Viết riêng cho Nam Úc & Dân Việt)