Đi sắm Tết năm Rắn tại một chợ Tết ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 27/01/2024. AP - Hau Dinh

 

 

 

Biểu tượng của năm Ất Tỵ 2025 là Rắn. Con vật đứng thứ sáu trong 12 con giáp, theo lịch pháp cổ truyền của Đông Á, có lẽ là biểu tượng chứa đựng nhiều giá trị tương phản nhất. Đại diện cho sự khôn ngoan, lanh lẹn, được kính nể, rắn cũng bị coi là loài phản trắc, nham hiểm. Rắn có nơi được giao phó trọng trách bảo vệ đền, chùa…, nhưng Rắn nhiều khi cũng là kẻ độc ác cần diệt trừ. Song biểu tượng rắn không dừng ở tính chất nhị nguyên đó…

 

Vì sao năm Thìn gắn liền với năm Tỵ? Vì sao năm con Rồng rồi mới đến năm con Rắn ? Về biểu tượng Rắn, hai nền văn minh lớn Trung Hoa và Ấn Độ để lại những dấu ấn lớn nào trong văn hóa Việt Nam ? Biểu tượng Rắn trong văn hóa Việt Nam có thể đóng góp gì vào thời điểm nhân loại đang đối mặt với « cuộc đại diệt chủng sinh giới lần thứ 6 » (mà lần gần nhất cách nay hàng trăm triệu năm)?

 

Hôm nay mùng Ba Tết Ất Tỵ 2025, mời quý vị ngược dòng lịch sử trở về với một số trầm tích của biểu tượng Rắn ở Việt Nam, mảnh đất giao lưu của nhiều nền văn hóa, cùng với hai nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa Huế, tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn và phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, chuyên gia về văn hóa dân gian Đông Á và Đông Nam Á.

 

 

 

Tâm lý ghét và sợ Rắn

 

Nhưng trước hết, mời quý vị nghe cảm nhận của chị Loan ( Sài Gòn) về con Rắn ở người Việt: « Nếu nói theo dân gian, con rắn là thông minh sắc sảo. Nhưng nếu thông minh đó là tốt thì giúp người. Còn nếu thông minh lươn lẹo thì hại người thôi. Nói chung là nó có hai mặt. Về con rắn, người ta nghĩ về cái xấu nhiều hơn là cái tốt. »

 

Đối với rất nhiều người Việt Nam nói chung, rắn không phải là loài vật thân thiện. Nghĩ tới rắn, nhiều người liên tưởng đến nọc độc nguy hiểm chết người, loài vật hình thù trơn trượt, không chân. Người Việt có nhiều câu nói để chỉ tính xấu của con người với hình ảnh rắn như « Khẩu Phật tâm xà », « đồ rắn độc », rồi « Cõng rắn cắn gà nhà » hay « Đánh rắn là phải đánh dập đầu ». Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn ghi nhận sự vắng mặt của biểu tượng Rắn trong lăng Vua Khải Định :

« Ở trong Khải Thành Điền, nơi an táng vua Khải Định, vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, thì ở trong Tòa Tiền Điện, nơi thiết trí một án thờ, bây giờ có chân dung vua Khải Định, vua cho trang trí 11 con linh vật, biểu tượng cho các con vật cầm tinh các năm. Riêng con Rắn là không có. Ở vị trí con Rắn, ông ta thay vào vật khác. Hoặc các nghệ nhân làm việc vào thời đó, cho đó là một điềm xấu, nếu đưa vô lăng tẩm của một vị vua thì không hay. Tôi ngồi thống kê các ô trang trí này, có đủ các con vật, tức là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, đến Tỵ thì trống.

 

Cũng cùng một triều đại của nhà Nguyễn chúng ta thấy đầu triều, vua thứ nhì của nhà Nguyễn là Minh Mạng cho khắc đến hai lần, (một lần) Nhiễm xà và (một lần) Mãng xà trên Cửu Đỉnh. Như vậy, trở lại câu chuyện đầu tiên, trong tâm thức của người Việt, Rắn vừa là Tốt, vừa là Xấu. Rắn vừa mang biểu tượng cho sự sinh sôi nẩy nở, mùa màng, nhưng cũng là biểu tượng cho nhục dục, tội lỗi, nham hiểm, và vì vậy có người thích, có người không thích. »

 

 

 

Thủy Thần/Thủy Quái: Tính nhị nguyên của « Rắn »

 

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nêu bật tính hai mặt của biểu tượng Rắn : « Đối với văn hóa của người Việt, con Rắn không phải là biểu tượng đồng nhất, giống như các biểu tượng khác. Khi nói về con Rồng thì là để chỉ sự linh thiêng, sự bay lên, sự phát triển. Hay khi nói về Trâu thì là con vật hiền lành, cần mẫn, con vật giúp ích cho đời. Trong lịch sử Việt Nam, con Rắn mang hai yếu tính : tốt và xấu. Chúng ta thấy trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn lại có 200 truyện, trong đó có tới 11 truyện có liên quan đến con Rắn.

 

Chúng ta thấy hình tượng Rắn nổi tiếng nhất là trong câu chuyện Thạch Sanh. Trong câu chuyện đó, con Rắn đã biến thành một con Chằn tinh hay con Trăn tinh, tu luyện lâu năm, và đi hại người. Và rồi chúng ta thấy trong câu chuyện về thần Núi Tản Viên, con Rắn được coi là con trai của vua Thủy Tề, bị bọn trẻ chăn trâu đánh chết. Sau này, con Rắn nhiều lần là hiện thân cho thế lực dưới nước, biểu tượng cho các thế lực bên dưới, thế lực âm, tấn công con người. Có rất nhiều trường hợp, người ta coi con Rắn là con vật xấu xí, hung ác. Tính của nó rất nham hiểm, hay xúc giục, hoặc là có nọc độc, có thể giết người, và thứ ba là rất tráo trở. Đó là những yếu tính xấu.

 

Ở một khía cạnh thứ hai, con Rắn được coi là yếu tính tốt, biểu tượng của nước, biểu tượng của sự mềm mại, uyển chuyển. Đối với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, con Rắn được coi là biểu tượng cho nguồn gốc của các dòng chảy. Con Rắn chính là hình tượng của các dòng sông, hình tượng của nước, của mùa màng, của sinh sôi, nẩy nở. Đó là lý do mà người ta thờ cúng con Rắn. Nó cũng là Vật Tổ trong truyền thuyết Lạc Long Quân – huyền thoại Linh Lang Vương. Giao long là một con Rắn Thần, rất to, biểu tượng cho sự uy nghiêm, sự oai phong. Đó là biểu tượng đang từng bước « rồng hóa », tức là từ con Giao long phát triển thành Rồng. Người ta cho rằng đây là các huyền thoại do các sử gia người Việt sưu tầm được, sáng tác thêm. Trong giai đoạn này, hình ảnh con Rắn mang mầu sắc phong kiến, được đồng nhất với vương quyền. Nhiều người cho Rồng là từ Rắn mà phát triển nên. »

 

Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp thời cổ đại, Rắn là biểu tượng của thủy thần, sức mạnh các dòng sông, thế lực ban phúc và giáng họa. Tục thờ rắn hiện diện phổ biến ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt dọc các con sông lớn ở hạ lưu, như sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Theo hai nhà khảo cứu địa phương, Đổng Đức Khiêm và Nguyễn Hữu Bình, trong hiện tại, chỉ riêng dọc khu vực sông Cầu, xứ Kinh Bắc, đã có tới 316 ngôi đền thờ cặp thần rắn « Ông Dài, Ông Cụt », mà một số nhà nghiên cứu coi như là cặp rắn thần có mặt sớm nhất trong thần điện của người Việt cổ. Rắn cũng hiện diện qua hình tượng ông Lốt, hay Thanh xà – Bạch xà, trong các đền phủ của đạo Mẫu (hay đạo Tứ phủ), tín ngưỡng dân gian phổ biến bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam.

 

 

 

« Rồng là chính, Rắn là tà »: Sản phẩm của văn hóa chuyên chế Trung Hoa 

 

Quan niệm Rồng là chính thống, còn Rắn thì hèn kém, thậm chí là biểu tượng cho sự độc ác, là sản phẩm của văn hóa chuyên chế Trung Hoa, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ :

« Văn hóa Trung Hoa, trải dài theo lịch sử thời quân chủ của họ, đã xây dựng nên một biểu tượng Rồng là chúa tể của vạn vật. Biểu tượng Rồng lấy cái thân của con Rắn, và thậm chí một vài bộ phận khác, ví dụ đầu hoặc vẩy, vẩy cá hay vẩy rắn nói chung. Và khi nó đã tích lũy những điểm tốt đẹp nhất của loài rắn và muôn loài, thì đương nhiên nó sẽ đẩy các loài vật như loài rắn xuống hàng thứ cấp. Một cặp cấu trúc, Rồng – Rắn, được dựng nên. Theo đó, Rồng là biểu trưng của Hoàng gia, của giới quý tộc, của quyền uy, của tính dương, của cái được cho là tính chính thống.

 

Đối lập với nó là biểu tượng được cho là của cái gian ác, của âm tính, của một cái gì đó rất hạ cấp, nhưng lại gắn chặt với đời sống dân gian. Dù dân gian người Trung Hoa vẫn coi rắn là biểu trưng của sự mắn đẻ, và sự trường sinh, vì rắn lột xác để sống tiếp, và một vài khía cạnh mang lại may mắn. Nhưng khi đặt trong tương quan với Rồng, thì rõ ràng có sự thua thiệt. Bởi vậy mới có câu : ‘‘trứng Rồng lại nở ra Rồng, liu điu lại nở ra bầy liu điu’’. Chúng ta thấy một cặp cấu trúc thượng/hạ rất rõ ràng. Giới nho sĩ xưa và những người chịu ảnh hưởng của nhãn quan Nho giáo ngày nay vẫn còn giữ ở một mức độ nhất định rằng Rắn là biểu trưng của sự hung ác, của sự tàn bạo, nói chung là đối lập với sự thiện lành. »

 

Đông đảo người Việt đều biết đến bi kịch « Lệ Chi Viên » đầu thế kỷ 15 của đại công thần nhà Lê Nguyễn Trãi, tác giả « Bình Ngô đại cáo », bị tru di tam tộc, với lý do người vợ Nguyễn Thị Lộ sát hại nhà vua. Trong xã hội Việt Nam, câu chuyện về người vợ tài năng của Nguyễn Trãi, bị coi là hóa thân của loài rắn, để báo thù vẫn ám ảnh người đời gần 6 thế kỷ sau, đến mức cuối thế kỷ 20, có cả một cuộc « vận động minh oan cho Nguyễn Thị Lộ ». Ảnh hưởng của văn hóa chuyên chế Trung Hoa dường như ăn sâu trong xã hội Việt Nam đến mức khó tin.

 

 

Ảnh hưởng Ấn Độ: Rắn Naga học Phật

 

Trái ngược với ảnh hưởng chuyên chế phương Bắc, hình tượng rắn đến từ văn minh Ấn Độ có những điểm tương đồng với văn hóa bản địa, đặc biệt với rắn thần Naga học Phật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ cho biết:

« Người Ấn Độ, hay các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đều coi Rắn trước hết là biểu trưng của những dòng sông. Trong các tương tác với truyền thống Ấn Độ ở Việt Nam, chúng ta thấy có người Chăm ở Trung Bộ, và người Khmer ở Nam Bộ, hiện diện trong truyền thuyết của họ, trong kiến trúc, mỹ thuật, thí dụ như đền tháp Chăm, trong các tượng thần thánh, chúng ta vẫn thấy biểu tượng Rắn Naga 5 đầu, xòe ra để che chở hay bảo vệ thần Vishnu. Chuyển hóa thành tượng Rắn 5 đầu, hay 7 đầu, bảo hộ Đức Phật, là chuyện về sau.

 

Trong nhiều chuyến đi công tác, khảo sát ở các ngôi chùa Khmer, Nam Bộ, tôi được nghe người Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng hay Trà Vinh kể rằng khi Đức Phập thuyết pháp, người dân rất hăm hở, nhiệt huyết đến chùa, ngồi lặng lẽ nghe Đức Phật giảng. Trong số các loài vật cũng mong muốn được tu theo Đức Phật, có một con Rắn. Con Rắn biết rằng, nếu để nguyên thân hình rắn để vào chính điện thì không hay, nên nó hóa phép thành một người đàn ông chỉnh tề, mặc trang phục trắng. Nhưng mà vì cốt của nó là loài vật, nên nghe chữ được chữ mất. Nghe một thời gian thì nó buồn ngủ quá. Khi nó ngủ thì ngáy. Mọi người mới nhìn quanh mới thấy nó hoàn nguyên trở lại hình ảnh của một con rắn. Người ta bỏ chạy hết…. Cuối cùng nó mới nảy ra một cái ý là xin phép Đức Phật không vào chính điện, để không làm kinh hãi những người xung quanh. Đứng ở bên ngoài, hai bên bậc thềm, hoặc là ngồi bên trên nóc chùa, để mỗi ngày, có thể nghe được tiếng kinh của Đức Phật.

 

Đó là lý do tại sao mà khi đến chùa người Khmer ở Nam Bộ, hoặc là người Campuchia trên đất Campuchia hay Thái Lan, hay Miến Điện, chúng ta thấy trong kiến trúc mỹ thuật, đầu rắn Naga vươn lên ở đầu hồi, ngẩng cao. Hình thái chế tác mỹ thuật tạo hình rất đẹp, tượng trưng cho sự hướng thượng, hướng về hướng Thái dương, hướng Mặt Trời. Đồng thời nó cũng thể hiện sự thị uy. Khi đến chùa, người ta thì bỏ hết mọi dục vọng, mọi tà niệm ở bên ngoài. Khi hiện diện ở bên trong khuôn viên chùa, đứng trước Đức Phật phải là những cá thể với lòng chân thành nhất, hướng thiện nhất. »

 

 

Trò chơi dân gian Rồng rắn lên mây. © Tranh Hàng Trống

 

 

 

« Rồng Rắn lên mây » : Trò chơi luyện rèn đoàn kết 

 

Liên quan đến rắn, trong dân gian Việt Nam có một trò chơi của trẻ nhỏ nổi tiếng lâu đời, thường được gọi là trò « Rồng rắn lên mây », đi kèm bài hát đồng dao : « Rồng rắn lên mây, Có cái cây lúc lắc (hay núc nác), Có nhà điểm binh, Hỏi thăm thầy thuốc, Có nhà hay không? … »

 

Thầy Thuốc: « Cho xin khúc đầu. »

Rồng rắn: « Những xương cùng xẩu. »

Thầy Thuốc: « Cho xin khúc giữa. »

Rồng rắn: « Những máu cùng me. »

Thầy Thuốc: « Cho xin khúc đuôi. »

Rồng rắn: « Tha hồ Thầy đuổi. »…

 

Về nguồn gốc của trò chơi rất phổ biến một thời này, có nhiều cách giải thích hoàn toàn khác nhau. Có người coi đây là một nghi lễ tránh trùng tang, có người coi đây là một ý nói đến đất nước Việt Nam vào cái thời ba miền bị chia cắt… Dù nguồn gốc và ý nghĩa ra sao, ý thức thực tế và trực tiếp của trò chơi này rõ ràng là thúc đẩy hoạt động hướng đến một mục tiêu chung, giúp những người tham gia luyện rèn tinh thần đoàn kết, gắn bó. Trò chơi gắn chặt Rồng với Rắn bất chấp bao nỗ lực chia lìa...

 

Về trò chơi Rồng rắn lên mây, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ nhận định : « Phải có sự kết hợp của cả hai, của cái văn hóa tinh hoa và văn hóa dân gian thì mới có thể phát triển. Chính vì thế mới có câu ‘‘Rồng rắn lên mây’’. Một mình Rồng thì chưa chắc đã lên mây, còn mình Rắn thì đương nhiên không thể. Nếu chúng ta biết kết hợp một cách hài hòa và xử lý những khoảng cách, nếu có, giữa biểu tượng Rồng và Rắn, có nghĩa là giữa ý niệm của tầng lớp tinh hoa và những nguyện ước của bình dân thì dân tộc có thể phát triển. Rồng Rắn có thể lên mây. »

 

 

 

Thìn rồi đến Tỵ và « Rồng Rắn lên mây » 

 

Con Rồng chuyên chế trong văn hóa Trung Hoa hút lấy những nét tốt của loài rắn, nhưng trong lịch pháp cổ truyền 12 con giáp, năm Thìn đi trước rồi mới đến năm Tỵ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ suy ngẫm :

« Ngày nay khi mà tất cả các dân tộc, tất cả các quốc gia đều phải mở cửa, phải tiến hành giao lưu, về kinh tế, về văn hóa, và đặc biệt là chào đón sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, thành ra ranh giới giữa những định kiến hoặc những khác biệt trong văn hóa, đặc biệt trong thế giới biểu tượng, giữa các nước với nhau và giữa các biểu tượng trong cùng một nền văn hóa cũng bắt đầu mờ nhạt dần. Cái này phản ánh đúng cái gọi là ‘‘Tương đối luận văn hóa’’, mọi thứ đều có giá trị tương đối. Thành ra khi mà nhãn quan Nho giáo đã phai nhạt dần, thì những ranh giới của cái được cho là quý tộc, cái được cho là bình dân, giữa Rồng và Rắn cũng mờ nhạt dần. Thành ra ngày nay, về biểu tượng Rồng người ta cũng đánh giá lại. Chưa chắc gì rồng đã là cao sang, quyền quý [bởi trên thực tế, trong thời quân chủ, chúng được sử dụng như các công cụ]. Biểu tượng Rắn chưa chắc gì hoàn toàn là biểu trưng của cái Ác. Mọi thứ mang tính hai mặt hết.

 

Khi đi vào thế giới biểu tượng người ta có xu hướng mỹ hóa, hoặc triết lý hóa các bình diện được cho là tích cực của các loài, để khuyếch trương nó lên, và người ta cố gắng để hạn chế đến mức tối đa những phần phiến diện còn lại của biểu tượng đó (cái « phiến diện » trong diễn đạt của tác giả một phần đáng kể hàm nghĩa là những gì tiêu cực). Hoặc là người ta đơn giản là không nói về nó [cái phiến diện]. Chính vì thế mà bây giờ khi chúng ta đang chào đón năm Tỵ, năm Rắn, người ta thường nhấn mạnh đến tính tích cực của nó, và kèm theo đó là những gửi gắm, mong ước sự hòa bình, hạnh phúc hoặc thịnh vượng và đặc biệt là theo nguyên tắc Rồng rồi mới đến Rắn, và cuối cùng ‘‘lên mây’’. Thành ra là Rồng dù có sang, nhưng Rồng vẫn phải đi trước và làm nền cho Rắn. Rồng với Rắn thì mới lên mây được, phải không ạ ?

 

Theo trật tự, thì sau năm Thìn rồi mới đến năm Tỵ. Năm Tỵ muốn phát triển phải đứng trên vai năm Thìn. Khi năm Tỵ đứng trên vai năm Thìn, thì chưa chắc con Rồng đã cao hơn Rắn. Thành ra có nhiều cách để thấy là trong thế giới đương đại, cái tính tôn ti trật tự cao thấp, nếu có, của thời quân chủ, sẽ bị giải cấu trúc. Và các biểu tượng bây giờ đứng thành hàng, hàng dọc – hàng ngang, như nhau. Cách mà chúng ta diễn giải đều phụ thuộc vào việc chúng ta mong muốn gửi gắm mong ước điều gì. Bởi biểu tượng là kết tinh của những mong ước. »

 

 

 

Rắn : « Sinh lực nguyên thủy » 

 

Hình tượng con rắn mang ý nghĩa muôn mặt trong văn hóa Việt Nam. Rắn là dòng sông mang lại màu mỡ, thịnh vượng, nhưng cũng có thể là dòng sông cuồng nộ... Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Huỳnh Ngọc Trảng nhìn thấy trong con Rắn biểu trưng của « năng lượng sống nguyên thủy », điều mà ông rút ra qua quan sát và đúc kết thành tựu của giới khoa học phương Tây:

« Con Rắn là biểu trưng cho cái bản năng, mà người ta gọi là năng lượng sống nguyên sơ. Cái đó biểu tượng ra là nước, rồi ra dòng sông. Nước cũng biểu tượng cho sự Sống. Nó là sự chuyển động. Thay đổi không ngừng. Nó là sức mạnh hủy diệt nữa. Nhưng sự hủy diệt nó dẫn đến tái sinh. Nhiều thứ lắm. Và nước cũng giúp phục hồi ».

 

Rắn được coi là loài vật vừa sống trên cạn, vừa có thể sống dưới nước. Trong lịch sử Trái đất, sự sống từ các đại dương đi lên. Biểu tượng rắn gắn liền với suối nguồn kỳ diệu của sự sống.

 

 

 

Thách thức Sinh Tử: « Rắn » và việc xây dựng một « Ý thức về toàn thể »

 

Sự bùng nổ của công nghệ - kỹ thuật và sự thịnh vượng kinh tế đưa nhân loại hiện nay đạt đến « cảnh giới tiến bộ » chưa từng có. Tuy nhiên, cũng chính tham vọng phát triển vô hạn, bất chấp các giới hạn về môi trường và khí hậu, đang đặt thế giới trước hiểm họa « đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu ». Nhiệt độ Trái đất tăng quá mức 1,5°C (so với thời tiền công nghiệp), do năng lượng hóa thạch, đang khiến Trái đất ngày càng trở nên khó sống nổi với chính loài người.

 

Nhiều nhà khoa học phương Tây, như nhà nhân chủng học Pháp Phillipe Descola, nhìn thấy cội nguồn sâu xa của xu thế hủy diệt nói trên trong chính « vũ trụ quan » (cosmologie) của con người hiện đại (với nòng cốt là tư tưởng phương Tây), coi Thiên nhiên là cái bên ngoài con người, và là đối tượng để khai thác. Chính « Vũ trụ quan » đó đang « tàn phá mối quan hệ của con người với sinh giới », và « không cho phép xã hội đương đại ý thức được rõ » đại thảm họa đang diễn ra (Đài Radio France, phỏng vấn Phillipe Descola).

 

Năm Rắn có thể chỉ đơn thuần được coi như một biểu tượng năm thông thường theo truyền thống. Biểu tượng Rắn có thể chỉ được gắn vào các niềm tin vào số mạng, vận hạn… Ất Tỵ có thể được nhiều người chú ý đến như một năm rủi ro. Nhưng năm Rắn cũng có thể là một dịp để trở về với những minh triết ngàn đời: Rắn có thể là cơ hội để khắc phục tầm nhìn chỉ thấy cây mà không thấy rừng, để hướng đến một « Ý thức về toàn thể », để nhận ra những hiểm họa và cội nguồn của những hiểm họa đe dọa sự sống của toàn thể nhân loại hiện nay.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ, trong cuộc trả lời phỏng vấn, đã nhắc đến « Báu vật phương Nam » của văn hóa Việt Nam : Cụm tượng độc nhất vô nhị Rắn 7 đầu bảo vệ Đức Phật bốn tay trong một ngôi chùa ở tỉnh An Giang. Cụm tượng này nguyên ủy là di vật của nền văn minh Ốc Eo, có tuổi đời ít nhân hơn một ngàn năm trước. Tượng Phật bốn tay này nguyên là tượng thần Bảo tồn sự sống Vishnu, của nền văn minh Ấn Độ cổ. Rắn thần cuộn tròn là hiện thân cho nền tảng của « vũ trụ », của sự sống, gắn bó mật thiết với thần Bảo tồn Vishnu. Rắn thần vươn cao hiện thân cho « tư duy hướng thượng » và « sức sáng tạo của con người ».

 

Vươn cao nhưng không đoạn tuyệt với những cội rễ : Phải chăng là bài học minh triết căn bản nhất, đã được các thế hệ đi trước gởi gắm qua hình tượng rắn ? Bài học từ đây có thể giúp gì cho nhân loại trong tình thế nguy nan hiện nay ?

 

 

 

Rắn thần Naga 7 đầu hộ vệ tượng Phật bốn tay, nguyên là tượng thần Bảo tồn sự sống Vishnu của Ấn Độ giáo, tại thị trấn Ốc Eo, ở tỉnh An Giang, Việt Nam. © Ảnh của tác giả Nguyễn Ngọc Thơ.

 

 

« BÁU VẬT PHƯƠNG NAM »

RẮN 7 ĐẦU BẢO VỆ PHẬT và TƯỢNG "THẦN BẢO TỒN" VĂN MINH ẤN ĐỘ CỔ

 

(Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ)

« Theo quan niệm triết lý của người Bà La Môn xưa và Hindu ngày nay, thế cuộn tròn của loài rắn là thế vững chắc của nền tảng ‘‘vũ trụ’’, mà trên đó con người được sinh sống, được sinh hoạt, được sáng tạo, được xây dựng cuộc sống của mình….  Thân rắn cuộn tròn, nhiều vòng, rất bề thế, hình ảnh của một ‘‘đại ngã’’ đã được cụ thể hóa, bằng vòng tròn con rắn cuộn. Cái đầu của nó ngẩng lên, vươn rất cao. Thể hiện tư duy hướng thượng, nhưng đồng thời thể hiện sức sáng tạo của con người. Sáng tạo này được xây dựng trên bản thể của vũ trụ, chứ không phải từ không trung rơi xuống, mà không có nền tảng nào cả.

 

Và đồng thời khi đi vào trong tôn giáo, trong nghệ thuật tôn giáo, rắn trong truyền thống Bà La Môn thường gắn với thần Vishnu, tức thần Bảo tồn. Thường có những truyện như lúc thần Vishnu phải chống chọi với những lũ ma vương, từ giông bão đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Con rắn nó xòe 5 cái đầu bên trên thần Vishnu để che chở cho Thần. Cái này xuất hiện trong bức tượng ở di chỉ khảo cổ Ba Thê, thị trấn Ốc Eo, ở tỉnh An Giang, có từ hơn một ngàn năm. Người Việt ở đó vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã tiếp nhận bức tượng này, chuyển đổi cái vỏ hình dáng vật lý bên ngoài để trở thành tượng Đức Phật, có bốn tay. Trên bốn tay cầm các vật thể, được cho là cấu tạo nên vũ trụ, theo quan niệm của Bà La Môn giáo của người Ấn. Trên đầu Đức Phật, có hình ảnh con rắn xòe 7 đầu. Con rắn trở thành Đức Hộ Pháp cho Đức Phật, theo quan điểm của cư dân địa phương.

 

Bức tượng Phật bốn tay này khác biệt hoàn toàn về phong cách của các bức tượng khác trên lãnh thổ Việt Nam. Khi nhắc đến Phật giáo, người ta nhắc đến bể khổ và sự giải thoát, từ bi. Cái nét chung của các tượng Phật thường là trầm tư, dịu dàng, nhìn chúng sinh ngụp lặn trong bể khổ và cứu khổ. Không thể nào có được nét mặt tươi sáng, hoặc rất sinh động. Tượng Phật bốn tay thực chất là tượng thần Vishnu (Bảo tồn) … Tượng Phật bốn tay này và tượng Bà Chúa Xứ, nguyên là tượng thần Shiva (thần Hủy diệt), là hai báu vật của vùng đất phương Nam. »

 

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)