Danviet xin trích đăng bài viết “Vấn đề lẩy Kiều” của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn. Bài viết được Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết và đăng trên trang facebook của Giáo sư tại địa chỉ: https://www.facebook.com/t.nguyen.2016
Vấn đề lẩy Kiều
(Nguyễn Văn Tuấn)
Chẳng hiểu sao tôi không mặn mà lắm, có khi hồi hộp, khi thấy mấy vị lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam lẩy Kiều.
Hồi nhỏ tôi mê truyện Kim Vân Kiều. Thời đó, nhờ một ông thầy dạy văn quá hay (theo tôi thấy) nên tôi mê thơ lục bát của Nguyễn Bính và đặc biệt là Nguyễn Du. Mê những câu thơ được gieo vần nhịp nhàng và nhứt là rất giàu nhạc điệu. Mê những chữ bay bổng mà mình không thể nào nghĩ ra. Mê thôi, chớ chẳng hiểu gì sâu xa đâu. Cũng vì mê cái vần điệu, nên tôi ít khi nào tìm hiểu về nguồn gốc, thậm chí nội dung của Truyện Kiều là gì. Tôi nghĩ nhiều người khác chắc cũng như tôi, tức là thích vần điều và chữ nghĩa, chớ chưa chắc biết nội dung của một bài thơ.
Rồi đọc sách báo thấy các vị học giả khen Kiều quá chừng và mình tin như thế. Học giả Phạm Quỳnh xem Kim Vân Kiều là một ‘quốc hoa’ và tuyên bố thẳng rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu này được trích dẫn không biết bao nhiêu lần, và cho tới nay vẫn có báo chí trích lại như để nói lên một chân lí.
Mãi đến khi ở tuổi thanh niên, tôi mới biết Kiều là một phóng tác (không phải sáng tác như Chinh Phụ Ngâm Khúc) từ một tác phẩm bên Tàu, chẳng dính dáng gì đến Việt Nam. Tôi mới biết nhân vật Thuý Kiều và Thuý Vân chẳng có chất Việt gì cả. Quan trọng hơn là câu chuyện / nội dung đằng sau những ngôn từ bay bổng đó có rất nhiều điều đáng bàn thêm.
Thuý Kiều là một nhân vật ‘lầu xanh’. Khi thân phụ của cô lâm nạn và gia đình đang lúc khốn đốn, thì Thuý Kiều đã tự nguyện hi sinh … bán mình. Lúc đó, Kiều đã là 'bồ bịch' với chàng thư sinh Kim Trọng rồi, nhưng cô ấy vẫn quyết định làm liều. Kiều bán mình cho tên Mã Giám Sinh, nhưng tên này sau đó đã bán Kiều vào lầu xanh để tiếp khách dưới sự quản lí của mụ Tú Bà. Nàng không chịu tiếp khách và đòi tự tử, nên Tú Bà cho ra khỏi lầu xanh, nhưng dùng mưu kế để nàng gặp tên Sở Khanh và cuối cùng cũng phải làm việc ở lầu xanh.
Thúc Sinh là một tay chơi (chắc giống như mấy tay 'anh chị' ngày nay) trong một lần đến lầu xanh gặp Thuý Kiều và đem lòng thương mến nàng. Thúc Sinh rước nàng về làm vợ hai (vợ chánh của y là Hoạn Thư). Hoạn Thư vì tánh ghen tuông đã nhiều lần hành hung Kiều. Kiều ở không được nên đòi đi tu. Ngay cả khi đi tu, Hoạn Thư cũng tìm đến hành hung, và thế là nàng phải bỏ đi, và trên đường ra đi nàng gặp vãi Giác Duyên, nhưng sau đó Kiều lại bị bán vào lầu xanh một lần nữa.
Ở đây (lầu xanh) nàng gặp một anh hùng hảo hớn tên là Từ Hải cứu nàng và hai người sống chung với nhau được hơn 5 năm. Sau đó, Từ Hải đã bị viên tổng đốc Hồ Tôn Hiến lập mưu sát hại. Cái chết của Từ Hải là do một phần sự nhẹ dạ của Thuý Kiều. Có lẽ chính vì thế mà sau khi Từ Hải chết, Thuý Kiều nhảy xuống sông tự tử.
Tóm lại, câu chuyện của Thuý Kiều như tôi tóm lược trên chẳng có gì đáng chú ý. Nàng Thuý Kiều là một người phụ nữ xinh đẹp, tài nghệ có vẻ ở mức bình thường, nàng chẳng có đóng góp gì cho đời. Câu chuyện chỉ xoay quanh một cô gái ‘hồng nhan bạc phận’ như thế thôi.
Nói vậy không có nghĩa là đánh giá thấp tác phẩm. Kim Vân Kiều vẫn là một tác phẩm bất hủ. Đó là một công trình sáng tác chữ nghĩa rất đồ sộ, xứng đáng là một di sản của dân tộc. Tác phẩm đó có giá trị lớn về ngôn ngữ, thi pháp. Còn giá trị về tư tưởng hay đạo đức thì có lẽ chỉ là thứ yếu.
Lẩy Kiều
Chẳng rõ do ai cố vấn mà các tổng thống Mĩ khi ghé thăm Việt Nam khoái lẩy Kiều. Bill Clinton khi gặp ông Trần Đức Lương xướng câu:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
Joe Biden khi tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mĩ cũng lẩy hai câu Kiều:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hai câu đó hay! Năm 2016, Barack Obama đến thăm Việt Nam chọn hai câu Kiều khác:
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi
Mới đây, trong chuyến viếng thăm rất ngắn, Joe Biden lại lẩy hai câu Kiều:
Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày
Nói chung, các vị này chỉ xướng ngôn được hai câu thôi. Dĩ nhiên, họ chọn những câu mang tính 'chiến lược' trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tôi không rõ khi họ đọc mấy câu thơ đó, họ có thật sự hiểu ý nghĩa của chúng, có biết những câu đó được viết ra trong bối cảnh nào của câu chuyện Kim Vân Kiều. Chẳng hạn như câu "Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày" mà Biden đọc dùng để mô tả lúc Kiều gặp Từ Hải, nàng có được một cuộc sống viên mãn, nhưng khổ nỗi cuộc sống này không kéo dài vì sau đó thì Từ Hải bị sát hại.
Vậy câu ông Biden đọc có ý nghĩa gì trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước hiện nay? Có vẻ chẳng có ăn nhập gì cả, ngoài chữ nghĩa bóng bẩy tưởng là có liên quan!
Mấy vị này chắc chẳng phải khoe kiến văn gì đâu, mà chỉ dùng mấy câu thơ đó để ... lấy lòng chủ nhà thôi. Có lẽ các vị ấy ngầm nói rằng 'trước khi tới đây, tôi đã nghiên cứu kĩ rồi, làm bài tập kĩ rồi, và những câu thơ này là một minh chứng.' Chỉ mua vui một vài giây phút thôi, hay cao lắm là làm cho giới báo chí Việt Nam ... xuýt xoa.
Những cái nhìn khác về Kim Vân Kiều
Ở trên, tôi có trích dẫn câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh về Kiều. Nhưng thời đó, không phải ai cũng có cùng quan điểm đó; trong thực tế, nhiều trí thức đương thời đánh giá nội dung Kim Vân Kiều không cao. Cụ Phạm Quỳnh xem Kim Vân Kiều là "quốc hoa", nhưng cụ Ngô Đức Kế thì nghĩ khác:
“Nguyễn Du dịch Kiều từ thời Gia Long; thế thì từ Gia Long về trước, khi chưa có Truyện Kiều thì nước ta không quốc hoa, không quốc tuý, không quốc hồn, thế thì cái văn tự vũ công sáng chói từ triều đinh, Lê, Lý, Trần ở đâu đem đến?”
Cụ Huỳnh Thúc Kháng xem Thuý Kiều là "con đĩ Kiều gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít". Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn làm thơ chỉ trích Nguyễn Du về Kim Vân Kiều. Cùng quan điểm này, Nguyễn Công Trứ xem Kim Vân Kiều là sách 'tà dâm'. Còn cụ Ngô Đức Kế thì phê phán một cách gay gắt:
"Xem trong bộ Tình Sử của Tàu biết bao nhiêu sự ly kỳ hơn [...] Một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hoá đạo đức đã là việc bất chính; mở đầu quyển sách như thế, dù phía sau có tỏ vẻ hiếu nghĩa gì đi nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời."
Chẳng hiểu sao dân đàng trong không ưa Kiều mấy. Thời Triều Nguyễn ít ai nhắc đến Kim Vân Kiều. Ai cũng công nhận Kim Vân Kiều có giá trị về ngôn ngữ chớ không phải nội dung. Và, như thế thì Kiều không phải là tác phẩm văn học tiêu biểu của người Việt?
Nhưng ngay cả ngôn ngữ trong Kim Vân Kiều cũng chỉ là một loại uyển ngữ, một loại chữ nghĩa hoa hoè, không thật lòng. Đặc biệt là dân trong Nam không mặn mà với loại ngoa ngôn này; họ đã quá quen với loại 'văn chương thật thà' của những Nguyễn Chánh Sắc, Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu, v.v. Thành ra, chắc gì mấy vị tổng thống Mĩ đến đây lẩy Kiều là thật lòng, rất có thể chỉ là 'đầu môi chót lưỡi' mà thôi.
---//---
Trong phần trả lời các bình luận trên trang của Giá sư Nguyễn Văn Tuấn, trương mục @ Ngoc Rang Nguyen viết bình luận:
“Hồi nhỏ tôi học thơ Kiều thấy vần điệu cũng hay nhưng chằng hiểu cốt truyên lại là những câu chuyện tế nhị ở chốn lầu xanh nên cac thầy lại không dám nói rõ cho học sinh như thế hệ HS bây giờ đâu. Lớn lên tôi mới biết truyên Kiều mượn câu chuyên của tàu không còn thấy hứng thú và nể phục tác giả”
GS “Nguyễn Văn Tuấn trả lời Ngoc Rang Nguyen , rằng “Lục Vân Tiên và Chinh Phụ Ngâm Khúc thuần Việt hơn. Tôi đoán là do thiếu “PR” nên hai tác phẩm này không nổi tiếng như Kiều.”
Thay lời tòa soạn: Tôi đồng tình với ý kiến của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn. Lục Vân Tiên và Chinh Phụ Ngâm Khúc nên được “PR” (“PR” = quảng bá, đề xướng,...)... như mọi người đã làm với Truyện Kiều. Giá trị của Lục Vân Tiên và Chinh Phụ Ngâm Khúc còn ở chỗ đây là hai tác phẩm sáng tác chứ không phải là tác phẩm phóng tác. (Danviet.com.au ; LH)