Hội họa tả thực thời kỳ Phục Hưng đã đạt đến đỉnh cao, khiến người xem thán phục.

 

 

 

 

Hai họa sĩ nổi tiếng của Hy Lạp là Zeuxis và Parrhasius đã có lần so tài với nhau bằng những tác phẩm kiệt xuất tinh tế nhất của mình. Bức tranh hoa quả của Zeuxis sống động như thực khiến những con chim trên bờ tường sà xuống mổ những trái nho trong tranh...

 

 

Một trong những cội nguồn của nghệ thuật nhân loại chính là khởi đầu từ mô phỏng tự nhiên. Ví dụ hội họa là sự mô phỏng ngoại hình của tự nhiên, hý kịch là mô phỏng hành vi và tình cảm nhân vật. Bản thân mô phỏng đã thú vị, từ quá trình mô phỏng đến kết quả mô phỏng, bất kể là có giống hay không thì con người có thể so sánh giữa thật và giả, tìm tòi phân tích và phát huy. Về kỹ xảo mà nói, mô phỏng càng giống thì độ khó càng cao. Nếu đạt đến thật giả khó phân thì không chỉ thú vị mà còn khiến cho người ta thán phục công phu đích thực.

 

 

 

Hình 1 - Bức tượng Nữ hoàng Nefertiti  ở thời kỳ nền văn minh cổ Ai Cập.

 

 

 

 

Đặc điểm lớn nhất của mỹ thuật phương Tây chính là ở chỗ có thể tái hiện như thật hình thể tự nhiên, mà loại tả thực này có lịch sử lâu đời. Trong các nền văn minh cổ như Ai Cập (hình 1), Tây Á (hình 2), Hy Lạp (hình 3)... có không ít những tác phẩm sống động như thật, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc nhân vật và động vật thường là có tỷ lệ chính xác rất cao càng khiến cho việc tạo hình trở nên sống động. Về phương diện hội họa, từ những bức bích họa, tranh bản gỗ và tranh trên đồ gốm cổ đại còn lại ngày nay, có thể thấy kỹ pháp đa phần là các nét vẽ đường nét và tô màu phẳng, so với tả thực thị giác chân chính (hội họa hiện thực) thì vẫn còn một khoảng cách. Nhưng những câu chuyện cổ Hy Lạp được lưu truyền lại dường như đã chứng minh các họa sỹ đương thời có năng lực tả đến mức “thật giả khó phân biệt”.

 

 

Hình 2 - Tượng điêu khắc của người Assyrian.

 

 

 

Hình 3 - Bức tượng người ném đĩa thời Hy Lạp cổ.

 

 

 

Hai họa sĩ nổi tiếng của Hy Lạp là Zeuxis và Parrhasius đã có lần so tài với nhau bằng những tác phẩm kiệt xuất tinh tế nhất của mình. Chỉ thấy bức tranh hoa quả của Zeuxis sống động như thực khiến những con chim trên bờ tường sà xuống mổ những trái nho trong tranh. Giữa tiếng tán thưởng vang lên, Zeuxis đắc ý nói với đối thủ rằng: "Bây giờ xin mời Parrhasius mở tấm vải che trên bức tranh để mọi người thưởng thức tác phẩm của ông nào".

 

 

Vừa dứt lời thì Zeuxis liền phát hiện ra mình đã phạm phải sai lầm. Thì ra trên bức tranh của Parrhasius không có tấm vải che nào, tấm vải che là do ông ấy vẽ ra. Lúc này Zeuxis không thể không cúi đầu thán phục. Bởi vì bức tranh của ông chỉ lừa được cặp mắt của chim, nhưng bức tranh của Parrhasius đã lừa cả ông - cặp mắt của một họa sỹ bậc thầy.

 

 

Còn có một câu chuyện rằng, họa sỹ mà Alexander tán thưởng nhất là Apelles do gặp bão trên biển mà trôi dạt đến Ai Cập. Địch thủ của ông đã mua chuộc lộng thần của quốc vương Ai Cập Ptolemaios I Soter để lừa họa sĩ rằng quốc vương mời ông tham gia dạ tiệc. Apelles tưởng thật nên đến hoàng cung, nhưng vì tự tiện vào hoàng cung nên khiến vua Ptolemaios I Soter nổi giận bắt lại. Apelles kêu oan. Quốc vương cho ông cơ hội chứng minh mình vô tội. Kết quả là họa sĩ thuận tay nhặt một hòn than bên bếp lò và nhanh chóng vẽ ra bức tranh chân dung viên lộng thần đã lừa ông đi dự dạ tiệc. Quốc vương nhìn liền nhận ra thuộc hạ của mình, bèn tha tội cho Apelles. Câu chuyện này cũng đã nói rõ Apelles có khả năng quan sát và trí nhớ sắc bén, có thể nhanh chóng nắm bắt được đặc trưng nhân vật thì mới có thể cứu được tính mạng mình.

 

 

 

 

Hình 4 - Cuộc chiến giữa Alexander và Darius.

 

 

 

 

 

 

Bức bích họa mosaic (tranh khảm) nổi tiếng khai quật ở Pompeii là "Cuộc chiến giữa Alexander và Darius"  (hình 4), được cho là mô phỏng từ tác phẩm của Apelles. Bức bích họa có khí thế hùng tráng, nhân vật nhiều, trong hỗn loạn lại có trật tự. Trong khi giao chiến, người, ngựa tầng thứ rõ ràng, động thái phong phú, hơn nữa hiệu ứng ánh sáng và lập thể rất tự nhiên nổi bật lên không khí căng thẳng của chiến tranh. Alexander bên trái trầm tĩnh tấn công, còn vẻ mặt kinh hoàng của Darius đang ngồi trên chiến xa giơ cánh tay lên, chiến xa của ông ta đã quay đầu, những kỵ binh phía trước cũng đang dốc hết sức không chế những con ngựa đang kinh sợ. Rõ ràng đại quân Ba Tư đã bại trận. Trong khi binh mã hai bên giao tranh, dường như có thể nghe thấy tiếng đánh chém, khiến cho người xem có cảm giác chân thực như chính mình ở trong cảnh đó. Nếu bức tranh mosaic phỏng chế đã như thế này, vậy thì mức độ đặc sắc của bức tranh nguyên tác của Apelles như thế nào thì cũng có thế biết được rồi.

 

 

Nhưng nghệ thuật nhân loại cũng không thoát ly khỏi quy luật thành, trụ, hoại, diệt trong lịch sử phát triển. Sự huy hoàng của nghệ thuật thượng cổ đã kết thúc cùng với sự suy vong của đế quốc La Mã, đã chìm đắm kéo dài mấy thế kỷ. Các dân tộc châu Âu buộc phải tìm tòi lại từ đống hoang tàn văn hóa. Đến thời kỳ Phục hưng, nghệ thuật lại lần nữa bước lên đỉnh cao. Khi đó các nghệ sĩ đã từ những văn vật cổ đại được khai quật tìm được tham chiếu nghệ thuật hoàn mỹ, mới có thể nhanh chóng thành thục.

 

 

Các nghệ sĩ thời Phục hưng mong muốn khôi phục lại nền mỹ học Hy Lạp cổ đại. Trên thực tế, về kỹ thuật tả thực trong hội họa, thành tựu của họ đã vượt cổ nhân. Không chỉ vì ngoại hình vật thể đẹp, chính xác, cảm giác lập thể, cảm giác về lượng và về chất do vận dụng sáng tối, màu sắc thành thục tạo ra đều đạt đến sự tự nhiên và giống như thật trước nay chưa từng có, mà còn bởi kỹ thuật vận dụng phép thấu thị (perspective), nắm bắt chính xác ngoại hình vật thể ở các góc độ khác nhau, tạo ra cảm giác độ sâu không gian 3 chiều từ mặt phẳng.

 

 

 

Hình 5 - Bức bích họa "Tam vị đồng thể" của Masaccio năm 1427.

 

 

 

Hình 6 - Bức "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo Da Vinci.

 

 

 

 

Bức bích họa "Tam vị đồng thể" của Masaccio năm 1427 ở giáo đường Santa Maria Novella, Florence (hình 5) luôn được coi là mẫu mực thành công sớm nhất về sử dụng phép thấu thị trong hội họa. Họa sĩ đã lấy điểm nhìn của khán giả làm chuẩn vẽ ra các đường nét theo tỷ lệ đã tạo ra không gian giả tưởng có chiều sâu cự ly khác nhau. Bức tranh "Bữa tối cuối cùng" của Da Vinci (hình 6) cũng dùng phép thấu thị kết hợp với kết cấu kiến trúc; trên một bức tường, ông tạo ra ảo giác Jesus và các môn đồ đang dùng bữa tại hiện trường.

 

 

Kỹ thuật tả thực của hội họa thời kỳ Phục hưng thường kết hợp giữa kiến trúc và điêu khắc, đã tạo ra rất nhiều hiệu quả thị giác thật giả khó mà phân biệt được với các chủ đề và chức năng khác nhau, sự thú vị khác nhau. Có tác phẩm hoa lệ, có tác phẩm có tính trang trí, có tác phẩm khôi hài, còn có những tác phẩm biểu hiện Thần tích để khích lệ tín đồ. Người Pháp gọi kỹ thuật thật giả khó phân biệt này là 'Trompe-l'œil', nghĩa là 'đánh lừa con mắt'.

 

 

Ví dụ như bức tranh "Đại sảnh sáng tối" (hình 7, 8, 9) trong Bảo tàng Vatican, trên toàn bộ bức tường đã vẽ ra trang sức các cột, Thần khám và tượng điêu khắc cổ Hy Lạp, kết hợp với cửa chính, cửa sổ thật đã tạo thành bức bích họa hoàn hảo như thật, dường như trong đại sảnh thực sự có những bức tượng và những vật trang trí tường này.  Trong Nhà nguyện Sistina, bức tranh "Sáng thế ký" trên vòm trần nhà nguyện của Michelangelo cũng là dùng các cột giả tưởng để ngăn cách các bức tranh (10), đồng thời ở nơi giao giới vẽ các tạo hình nhân vật giống như điêu khắc. Như thế, kiến trúc, điêu khắc, hội họa trong thật thật giả giả đã hợp thành một thể thống nhất hoàn toàn.

 

 

Hình 7 - Bức tranh "Đại sảnh sáng tối".

 

 

Hình 8 - Bức tranh "Đại sảnh sáng tối".

 

 

 

Hình 9 - Bức tranh "Đại sảnh sáng tối".

 

 

 

 

Bức tranh "Sáng thế ký" trên vòm trần nhà nguyện của Michelangelo.

 

Hoàng Mai (biên dịch)

Tác giả: Chi Di Tú
Theo zhengjian.org

(ntdvn.com)