Trong ngôn ngữ Việt, “bia” là chữ để chỉ về nhiều vật thể, sự việc khác nhau. Chẳng hạn, trong một nhóm nhân viên làm việc của một tổ chức, có ai đó đứng ra “làm bia đỡ đạn” cho điều lỗi lầm chung. Trường hợp khác, lúc tan sở vào ngày cuối tuần, vài đồng nghiệp thân thiết rủ nhau đi “uống bia” hẳn cũng là điều thú vị.
Riêng trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng nhau mổ xẻ “bia đá” và “bia miệng” trong câu nói của dân gian:
“Trăm năm bia đá vẫn mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Chúng ta biết, “bia đá” là vật cụ thể, thấy được, rờ được và cảm nhận được nó là vật cứng khá bền, khó vỡ. Nhưng “bia miệng” thì vô hình, ngoại trừ cái miệng “uống bia” của chúng ta.
Bia đá và bia miệng nguyên thủy chẳng có ăn nhập gì với nhau. Bia đá được dựng trên đất ở những nơi cần ghi lại một sự kiện; còn miệng thì ở trên và dính liền với cơ thể con người.
Ngày xa xưa, vì không sẵn có nguyên liệu khác như đồng, thép, sắt hay i-nốc, nhưng đá thì ở nhiều nơi và dễ tìm nên người ta chọn để làm bia vì biết đá không dễ gì bể vỡ, sói mòn và có thể đục đẽo khắc chữ, khắc hình trên đá. Còn miệng con người thì “lép bép” liên tục, còn sống là còn nói, cứ thế từ miệng loan ra và có thể truyền từ đời này cho đến đời sau.
Một ngày nọ, các cụ thấy bia đá dựng giữa trời tưởng đâu lúc nào cũng mãi thế, nào dè trước đây nham nhám thì nay nhẵn thín; để ý mới phát hiện rằng dòng chữ khắc lõm trên tảng đá (mà gọi là bia) đã bị nông dần - đặc biệt những tấm bia ở nơi thường có mưa to gió lớn hoặc đặt trong dòng nước chảy.
Bên cạnh đó, các cụ được tiền nhân nhắc về những nhân vật “cõng rắn cắn gà nhà”, những quan quyền tham ô ở đời xửa đời xưa, hoặc có vị con vua ăn chơi, bài bạc đến nỗi tên bị gắn liền với tật xấu “nợ như chúa Chổm” hay có cả “đức vua” ra triều chỉ nằm mà dân gian gọi “vua ngọa triều”. Tiếng xấu bị lưu truyền hậu thế.
Bởi vậy bia đá và bia miệng đuộc đem lại gần nhau để hình thành câu tục ngữ:
“Trăm năm bia đá vẫn mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Để tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân, các cụ cho khắc tạc trên đá, dựng thành bia mong rằng đứng vững đời đời. Thực tế không được vậy. Bia đá tuy cứng nhưng thời gian trôi qua, bia ấy bị bào mòn.
Có những việc, những tên tuổi của con người không ai khắc, không ai ghi vào bia nhưng vẫn mãi được lan chuyền từ miệng người này qua miệng người khác; được truyền lại từ đời này đến đời sau.
Ấy thế, hai câu thơ lục bát trên muốn khuyên nhủ người đời một bài học: Phải sống cho tốt, phải làm những điều thiện để khi qua đời, tiếng thơm vẫn còn về sau; ngược lại, nếu sống thất đức (gian, ác, lừa đảo), đê hèn thì khi mất đi, tiếng xấu sẽ không phai mờ, người đời vẫn mãi đem ra chế diễu, khinh miệt.
Mỗi con người chỉ được sống một lần, nhưng có thể làm nhiều việc.
Nếu chúng ta có những việc làm tốt, cư cử chân thành, sống hữu ích cho người lân cận tất nhiên người chung quanh sẽ nể vì, tôn trọng và tin tưởng chúng ta. Tiếng tốt về chúng ta sẽ được nhắc nhở. Đừng nghĩ rằng “chết là hết”. Thể xác chúng ta tan rữa, cát bụi trở về cát bụi; nhưng tiếng thơm hoặc tai tiếng nó vẫn tồn tại và người biết đến ta vẫn nhắc nhở: Tốt được khen; xấu xa bị nguyền rủa. Đó là lẽ tất nhiên “gieo gì gặt nấy”, không làm sao tránh khỏi.
VÀI CÂU CHUYỆN VỀ “BIA MIỆNG VẪN CÒN TRƠ TRƠ”
Lê Long Đĩnh (chữ Hán: 黎龍鋌; sanh ngày 15 tháng 11, 986 và mất ngày 19 tháng 11, 1009), còn gọi là Lê Ngọa Triều (黎臥朝), là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 4 năm từ năm 1005 đến năm 1009. Cái chết bí ẩn của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý. Trong sử sách, Lê Long Đĩnh thường được nhắc đến với tật xấu của một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác.
Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước Việt. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng nhiều mà chủ nợ “hôi” cũng lắm, chúa Chổm làm sao mà nhớ được! Lúc đầu, vẫn cái tính “vung tay quá trán” nên cứ ai hỏi là trả, nhưng, khi thấy “chủ nợ” mỗi lúc một đông, chúa Chổm bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về tới ngã tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông gần Cửa Nam xưa có ngõ Cấm Chỉ).
Rượu chè, cờ bạc là “bác thằng bần”, chúa Chổm – hay ai bây giờ mắc nợ nhiều như chúa Chổm, cũng chỉ vì hoặc cả hoặc chỉ cần
mắc một trong những thứ nghiện trên. Ca dao còn ghi lại:
Vua Ngô băm sáu tán vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô
Robin Hood có lẽ là một trong những hình tượng người hùng nổi tiếng nhất nước Anh. Phương châm “cướp của người giàu chia cho người nghèo” đã giúp ông thu hút được sự ngưỡng mộ của đông đảo quần chúng bị áp bức.
Robin Hood (Anh - UK)
Nhiều giả thuyết khác nhau xoay quanh cuộc đời của Robin Hood khiến cho thân thế của người anh hùng này càng trở nên mơ hồ. Trong suốt 700 năm, ở Nottinghamshire, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, trừ gian diệt bạo đã nổi lên như những anh hùng trường tồn nhất trong văn hóa dân gian.
Theo nhiều tài liệu, Robin Hood tồn tại vào khoảng thế kỷ 14. Thơ ca, kịch và điện ảnh đều thể hiện nhân vật này qua hình tượng một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, luôn đấu tranh vì công lý, biến ông thành một huyền thoại.
Những tư liệu đầu tiên về Robin được tìm thấy trong các bản ballad truyền thống, tức là những câu chuyện kể bằng âm nhạc. Tuy nhiên, chúng không được xem là bằng chứng lịch sử về sự tồn tại của ông ta. Người ta cho rằng, các câu chuyện về Robin Hood ban đầu có thể đã được truyền miệng trong dân gian.
Ned Kelly sinh ra trong một gia đình người Ireland nghèo, Kelly bắt đầu phạm tội từ khi còn trẻ. Ông bị kết án vì các tội danh như cướp, chống lại cảnh sát và cuối cùng là tội giết người. Ned Kelly trở nên khét tiếng vì cuộc đối đầuv ới cảnh sát. Ông bị bắt và bị kết án tử hình, và cuối cùng bị hành quyết bằng treo cổ tại Melbourne Gaol vào năm 1880. Cái chết của ông đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng và đã gắn liền với hình ảnh của một ‘kẻ anh hùng dân gian’ trong văn hóa Úc. Hầu hết người Úc ngày nay đều biết đến Ned Kelly – người tự chế nón che kín mặt và đầu và áo bằng sắt để ngăn đạn của cảnh sát.
(Theo Báo Nam Úc - savietnews.com.au)