(Đăng lại bài viết của tác giả Nguyễn Gia Việt được yết trên trang facebook 8 SÀI GÒN)
Nhìn “Ga tàu thuỷ Bạch Đằng” ở giữa sông nước Sài Gòn mà buồn lòng quá xá!
Lịch sử, văn hoá Sài Gòn đã có sự khó hiểu, sai lệch từ những năm sau này, khi mà cái chữ nghĩa Miền Nam đã bị hiểu sai lệch. Nhìn từ Bến Bạch Đằng.
Lịch sử Bến Bạch Đằng đơn giản. Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp qua đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.
Sau 1955 TT Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu.
Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xoá tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng.
Và nay xuất hiện "ga tàu thuỷ" tại bến Bạch Đằng.
Trong lịch sử văn hoá Miền Nam chúng ta chữ “tàu” đã có nước rồi thì mắc mớ chi còn “ga tàu thuỷ" khi chữ thuỷ là nước?
Có ai, có người Miền Nam, người Sài Gòn nào nghĩ Bến Bạch Đằng là bến xe bao giờ mà để "tàu thủy"?
Chữ "Bến tàu Bạch Đằng" là đã đủ.
Ông bà ta thường nói "Trên bến dưới thuyền", có nghĩa bến là chổ tàu bè, ghe thuyền đậu đặng chất hàng hóa, bắt cầu leo lên bờ.
Trong lịch sử Sài Gòn là Bến Bạch Đằng không còn tên, xế chút là Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử cũng đã mất tên.
Cái bến của Miền Nam có tội gì mà từ từ bị cho ra rìa?
Nam Kỳ mình có thói quen cất nhà dựa mé sông, thành ra trước nhà nào cũng có cái bến nhỏ với tấm ván lót de ra sông, buộc sẳn chiếc ghe.
Rồi chợ cũng cất sát sông, dễ hiểu là cho tàu bè chở hàng hóa lên chợ cho dễ, vậy là sau chợ sẽ có cái bến.
Cái chợ nổi tiếng nhứt Nam Kỳ, giàu có nhứt Lục Tỉnh là chợ Bến Thành, nằm trên cái bến ngay hào thành Sài Gòn xưa.
Có bạn hỏi, chợ Mỹ Tho cũng có bến sau lưng sao không kêu là bến luôn? Xin thưa Mỹ Tho là địa danh có từ xưa nhưng cái bến chợ Mỹ Tho cũng có thể kêu là Bến vì thời Pháp con đường đó tên là Quai Galliéni (Trưng Trắc), Quai là bến rồi.
Ta bắt đầu dạo chơi từ Sài Gòn, đô thành thân yêu của người Lục Tỉnh.
"Sông Bến Nghé tàu phun khói mịt
Chợ Bến Thành súng bắn nổ vang
Cả tiếng kêu các tổng, các làng
Đứng lên đuổi bọn xâm loàn về Tây"
Ngày xưa Nam Kỳ có nhiều cái bến mà ở đó có Cầu Tàu Lục Tỉnh, Bến Bạch Đằng có nhiều cầu tàu.
Tàu trong văn hoá Miền Nam là loại chạy trên mặt nước.
Những thứ chạy trên mặt đất là xe, có xe lửa, xe hơi, ce cam nhông, xe taxi, xe Honda, xe đạp, xe xích lô, xe cút kít, xe ba gác.
Miền Nam có xe đò là xe chạy liên tỉnh, cái chữ đò là dính thói quen sông nước của những chuyến đò ngang và đò dọc.
Ảnh hưởng của sông nước rất rõ ràng, từ sông lên bờ, xe chạy liên tỉnh kêu là bến xe đò lục tỉnh, xa xôi kêu là "đò giang cách trở".
Bến xe thì có bến xe lam, bến xe ngựa, bến xe đò....
"Sài Gòn có bến Chương Dương
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm"
Cái bay trên trời dân Nam Kỳ kêu là phi cơ. Thiết xa là xe lửa.
Người Miền Bắc lộn xộn không phân biệt được gì hết cứ kêu “tàu” hết, xe lửa kêu tàu hoả, phi cơ kêu tàu bay, tàu thiệt kêu "tàu thuỷ”.
Rồi họ lại áp cái văn hoá “tàu” lùm lum vô Miền Nam sau 1975 để ép Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất , trong đó có “tàu bay”, có “ga tàu bay”.
Rồi cái bến tàu ở Bến Bạch Đằng trong văn hoá Sài Gòn Gia Định giờ ghi là “Ga tàu thuỷ Bạch Đằng” (??). Không cho ai nói được câu nào hết.
Xin hỏi có người dân Sài Gòn nào nghĩ chữ “tàu” phải có thêm chữ “thuỷ” mới trúng hông?
Nói ra không phân biệt, không bài bác, không hiềm khích. Nhưng cái nào của Miền Nam thì phải ra Miền Nam, cái nào của Miền Bắc thì phải ra Miền Bắc, nó, mới là tôn trọng văn hoá vùng miền.
(NGUYỄN GIA VIỆT)