Nhiều công ty đang tìm kiếm nhân viên có tư duy khác biệt. Nguồn: Getty

 

 

Trong khi các doanh nghiệp hướng đến sự đổi mới, một số nơi đang đặc biệt tìm kiếm nhân viên có tư duy khác biệt, hay có khuynh hướng đa dạng hệ thần kinh (neurodiverse). Và nhiều nhà tuyển dụng nhận thấy rằng việc chào đón nhân viên với những chứng bệnh như tự kỷ hay A-D-H-D (rối loạn tăng động giảm chú ý), có thể mang đến những lợi thế.

 

Anthony Ni có một bản sơ yếu lý lịch ấn tượng, bao gồm một bằng cấp về phân tích dữ liệu và toán tài chính.

 

Anh đã từng dạy kèm các môn toán và thống kê, và thông thạo ba ngôn ngữ.

 

Anthony cũng mắc chứng tự kỷ.

 

Và, anh đã nắm chắc cho mình một công việc kỹ năng cao trong vai trò là một nhà tư vấn công nghệ.

 

"Tôi đang làm công việc về bảo đảm chất lượng, bảo đảm rằng phần mềm đang hoạt động với chất lượng cao, và tôi đang sử dụng kỹ năng lập trình của mình để tạo ra các tình huống thử nghiệm khác nhau."

“Mọi người đều rất thân thiện với tôi - họ sẽ nói 'hey Anthony', bạn có biết cách viết phần mềm này không? Họ sẽ luôn cung cấp cho tôi điều gì đó để học hỏi và cho tôi cảm giác thoải mái.”

 

Sharnae Berresford là một phụ nữ Wiradjuri mắc chứng tự kỷ, và chứng khó đọc (Dyslexia).

 

Cô yêu thích công việc của mình tại siêu thị Woolworths và rất giỏi ở công việc đó. Cô đã giành được giải thưởng quốc gia Nhân viên thu ngân của năm.

 

"Tôi chỉ đơn giản cố gắng và làm tốt nhất có thể, làm cho mọi thứ dễ dàng hơn cho khách hàng, như một số nữ khách hàng lớn tuổi mà tôi yêu quý. Tôi yêu các bạn.”

 

Nhưng trong số những người bạn đồng trang lứa của họ, cùng mắc các chứng về đa dạng thần kinh, thì Anthony và Sharnae nằm trong số những người may mắn.

 

Cục Thống kê cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở những người mắc chứng tự kỷ là hơn 34% - con số này cao hơn gấp ba lần tỷ lệ của những người khuyết tật, và gấp tám lần so với tỷ lệ ở những người không mắc bệnh.

 

Ước tính khoảng 15 đến 20% dân số trên toàn thế giới, nằm trong nhóm thần kinh đa dạng (neurodiverse) theo một cách nào đó.

 

Neurodiverse là một thuật ngữ bao gồm một loạt các tình trạng về thần kinh bao gồm Rối loạn phổ tự kỷ (ASD), Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và Chứng khó đọc (Dyslexia), cùng một số loại khác.

 

Tuy nhiên những năm gần đây, các doanh nghiệp đang tìm các cách khác nhau để phát triển tiềm năng từ những nhân viên của mình - những người có tư duy, và cách làm việc, khác lạ.

 

Nhiều công ty lớn, như Microsoft, Woolworths, IBM, Telstra và ANZ đã bắt đầu thiết lập các chương trình tuyển dụng nhân sự tập trung vào đa dạng thần kinh.

 

Bodo Mann điều hành Auticon, một công ty tư vấn công nghệ, chuyên tuyển dụng những người mắc chứng tự kỷ.

 

Ông cho hay đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy Úc đang ngày càng chấp nhận đa dạng thần kinh trong lực lượng lao động.

 

“Tôi thấy một số dấu hiệu rất tích cực. Bởi vì tôi nghĩ rằng Úc đã đi một chặng đường dài khi nói đến sự đa dạng và hòa nhập, và tôi cảm thấy đa dạng thần kinh là lĩnh vực tiếp theo về sự hòa nhập đa dạng."

 

“Sự thành công của doanh nghiệp thực sự được xây dựng dựa trên cơ sở đổi mới, cụ thể hơn, đó là khả năng suy nghĩ khác biệt và đưa ra những ý tưởng mới.”

 

Một số chương trình thử nghiệm tại Úc và trên thế giới đã cho thấy những ưu thế đáng kể của nhân viên thuộc diện đa dạng thần kinh.

 

Trong một chương trình thử nghiệm cho công ty đầu tư của Hoa Kỳ JP Morgan Chase, nhân viên mắc chứng tự kỷ trong các bộ phận công nghệ thông tin của họ được báo cáo làm việc nhanh hơn 48% so với những người khác, và làm việc hiệu quả hơn 92%.

 

Tại Úc, công ty công nghệ DXC Technologies đã nhận thấy các ứng viên làm việc trong chương trình thử nghiệm với ANZ, đã đạt được kết quả công việc của 12 tháng chỉ trong vòng 5 tháng, và ở một số lĩnh vực, cho thấy năng suất làm việc cao hơn 50%.

 

Mặc dù đa dạng thần kinh đi kèm với những thách thức, Tiến sĩ Miriam Moeller từ trường đại học Queensland, nói rằng chìa khóa là khai thác các điểm mạnh trong mỗi trường hợp.

 

“Lấy thí dụ, một người tự kỷ, mặc dù có thể gặp khó khăn trong việc tương tác với người khác, lại có thể là một người khá bài bản, có khả năng logic và tập trung đáng kinh ngạc, và đây rõ ràng là những điểm mạnh.”

 

"Một ví dụ khác là chứng khó đọc. Họ có thể có khả năng suy luận rất cao, hoặc rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề. Một lần nữa, một thế mạnh rõ ràng. Ví dụ cuối cùng, ADHD, những người mắc ADHD có thể rất sáng tạo. Họ có khả năng tư duy bên ngoài những nếp suy nghĩ thông thường.”

 

Đối với một số nhân viên, những điều chỉnh hợp lý có thể là cần thiết.

 

Trong thử nghiệm của Telstra, một số nhà quản lý đã cung cấp hướng dẫn bằng văn bản, thay vì bằng lời nói, và thêm thời gian xử lý cho các cuộc họp.

 

Laura Owens là một huấn luyện viên việc làm cho Auticon, làm việc với cả các nhà tư vấn CNTT và các công ty mà họ đã ký hợp đồng.

 

Cô nói rằng, những điều chỉnh hợp lý chính là việc sắp xếp lại những thứ đã từng là rào cản trong quá khứ, bắt đầu với quy trình phỏng vấn.

 

"Ví dụ như quy trình tuyển dụng của chúng tôi, chúng tôi chuyển hướng khỏi các cuộc phỏng vấn truyền thống, bởi vì chúng tôi biết những cuộc phỏng vấn như vậy có thể gây ra rất nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng, và đó thường là một trong những rào cản khiến những người có chứng tự kỷ hay thần kinh đa dạng không thể có việc làm.”

 

Và với những người như Anthony, anh không chỉ muốn dừng lại sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, anh đang hướng đến công việc đào tạo, với mong muốn muốn giúp những người khác có được cơ hội tương tự.

 

"Tôi muốn giúp các chuyên gia tư vấn của chúng tôi thực hiện ước mơ của họ, và sống cuộc sống của họ một cách xuất sắc như bao người bình thường khác."