Ly hôn không bao giờ là quyết định dễ dàng, đặc biệt khi nghĩ về những đứa con. Credit: Unsplash/Jordan Whitt

 

Để bảo vệ trẻ, tốt nhất cha mẹ nên che dấu những xung đột hay tranh cãi với trẻ? Ly hôn là giải pháp tồi tệ cho trẻ, vì vậy ta nên duy trì hôn nhân cho dù có chìm đắm trong cãi vã và mâu thuẫn?

 

Có rất nhiều những hiểu sai và ngộ nhận về mâu thuẫn và xung đột của cha mẹ trong mối tương quan với con cái

 

Chính những ngộ nhận này khiến quá trình chia tay, ly hôn giữa hai người phối ngẫu gây ảnh hưởng nặng nề tới những đứa con.

 

Tiến sĩ Cường Lã, nhà nghiên cứu xã hội học tại Melbourne chia sẻ với 'Mái ấm gia đình' SBS những điều quan trọng mà cha mẹ cần xem xét khi ly hôn để không ảnh hưởng đến trẻ.

 

Bậc cha mẹ cần phải có nhận thức đúng đắn về tác động của mâu thuẫn vợ chồng đối với con trẻ. Để hiểu được điều này, các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình đã đưa ra 8 ngộ nhận mà cha mẹ hay nhầm lẫn khi nghĩ về ảnh hưởng bất hoà vợ chồng lên con trẻ.

 

Trẻ con không chứng kiến cảnh cha mẹ mâu thuẫn, chúng sẽ không bị ảnh hưởng gì?
 

Thực tế: Trẻ vẫn có thể bị ảnh hưởng ngay cả khi chúng không trực tiếp chứng kiến. Trẻ có thể nhận ra sự căng thẳng, bức xúc tâm lý, và những xáo trộn trong không gian sống gia đình. Điều này ảnh hưởng đến cảm xúc tâm lý của trẻ.

 

 

Để bảo vệ trẻ, tốt nhất nên che dấu những xung đột/tranh cãi của cha mẹ?
 

Thực tế: Một mặt cha mẹ nên cân nhắc tránh gây xung đột/cãi lộn trước mặt trẻ. Mặt khác không kém quan trọng, đó là giúp trẻ hiểu và học được cách giải quyết xung đột/mâu thuẫn một cách văn minh và lành mạnh thông qua giao tiếp cởi mở, giải thích hợp tình hợp lý.

 

Việc làm gương cho trẻ noi theo về cách cha mẹ giải quyết xung đột cuộc sống cũng là bài học quan trong cần trang bị cho trẻ trong hành trang cuộc đời.

 

Với trẻ có tâm lý vững vàng, chúng có thể chịu đựng được xung đột và khó khăn?
 

Thực tế: Ngay cả với trẻ có tâm lý vững vàng, nếu cha mẹ bất hoà kéo dài, bế tắc và trầm trọng sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực tác động lên tâm lý, tình cảm và sự phát triển của trẻ, quá trình này có thể biểu hiện ra qua cảm giác lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vị và khó khăn trong học tập.
 

Trẻ quá nhỏ sẽ không chịu tác động của việc cha mẹ bất hoà?
 

Thực tế: Trẻ sơ sinh (infants) và trẻ chập chững đi (toddlers) rất nhạy cảm với cảm xúc của người chăm sóc chúng. Nếu cha mẹ mâu thuẫn thường xuyên liên tục sẽ gây ra cho trẻ cảm thấy bất an và khó kết nối với người chăm sóc.

 

 

Khi chia tay, cha mẹ cần đặt phúc lợi của con lên hàng đầu. Credit: Unsplash/ Leo Rivas

 

 

Hễ có cãi vã, xung đột là có tác động xấu tới trẻ?
 

Thực tế: Không phải mối bất hoà nào cũng gây hại cho trẻ. Nếu giải quyết tranh cãi dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp, cư xử văn minh, lành mạnh sẽ tạo ra tấm gương tốt cho trẻ học theo như là một kỹ năng sống. Điều cần nhấn mạnh ở đây là những mâu thuẫn gây căng thẳng và tiêu cực mới đáng quan tâm.
 

Ly hôn luôn là giải pháp tồi tệ cho trẻ vì vậy ta nên duy trì hôn nhân cho dù có chìm đắm trong cãi vã/xung đột?
 

Thực tế: Sống chung trong bất hoà sâu sắc kéo dài sẽ gây tổn thương tình cảm, tâm lý cho trẻ. Vì vậy, trong một số trường hợp, ly hôn là giải pháp giúp tạo ra môi trường sống lành mạnh và ổn định hơn cho trẻ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và cách tiến hành giải quyết ly hôn ra sao.
 

Trẻ luôn biết chọn bên nào đúng để ủng hộ?
 

Thực tế: Nhiều trẻ không chọn theo phe nào cả khi cha mẹ chúng bất hoà. Một số trẻ cố gắng làm hài lòng cả hai bên cha mẹ. Một số trẻ lại chọn cách né tránh khỏi phải nhìn thấy cảnh cha mẹ chúng cãi vã. Tóm lại mỗi trẻ có phản ứng khác nhau.
 

Khi xung đột được giải quyết, trẻ sẽ bình phục nhanh chóng?
 

Thực tế: Tác động từ mâu thuẫn cha mẹ để lại di chứng lâu dài với trẻ. Ngay cả khi cuộc chiến đã ngưng tiếng cãi vã thì trẻ còn tiếp tục trải qua những hệ lụy, sang chấn về tâm lý và tình cảm mà có thể phải mất thời gian và hỗ trợ kéo dài mới mong bình phục.

 

Tiến sĩ Cường Lã. (SBS)

 

 

Cha mẹ chia tay, làm sao không gây tổn thương cho con cái?

Khi hai vợ chồng quyết định đường ai nấy đi, đề nghị cân nhắc những điểm sau đây:
 

Đặt nhu cầu của trẻ làm ưu tiên hàng đầu, cụ thể là phúc lợi (wellbeing) của trẻ, tránh tối đa những gì gây đau khổ/tổn thương cho trẻ khi cha mẹ đưa ra quyết định về quyền nuôi con (custody), thăm nom, nơi ở, trường học, nơi trẻ được chơi và mạng lưới bạn bè của con.
 

Hòa giải: cha mẹ nên làm việc với chuyên gia về gia đình, những người có chuyên môn để hòa giải, thu xếp những vấn đề liên quan như quyền nuôi con, hỗ trợ tài chính, phương án tối ưu  tránh làm sâu sắc thêm mâu thuẫn và tránh tổn thương tinh thần, thể chất cho trẻ. 
 

Phân chia trách nhiệm cùng nuôi dạy con (co-parenting): Lên kế hoạch chi tiết phân công rõ ràng trách nhiệm với trẻ gắn với vợ cũ/chồng cũ tới đâu  bao gồm cả lịch thăm con, cách giữ sợi dây liên lạc, phương cách giải quyết mẫu thuẫn khi phát sinh.
 

Tìm kiếm trợ giúp chuyên gia: Cần có danh sách cụ thể dịch vụ, chuyên gia cố vấn tam lý, trị liệu các di chứng cho li hôn để giúp trẻ biết kỹ năng ứng phó với tác động của những những bão cảm xúc do việc cha mẹ li hôn gây ra. Những buổi trị liệu giúp ích trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
 

Trao đổi cởi mở: Cần thành thật nói cho trẻ hiểu về những gì đang xảy ra để giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn luôn yêu chúng và việc li hôn hoàn toàn không phải lỗi tại con trẻ.
 

Tránh nói xấu người cũ: Tuyệt đối không nói lời tiêu cực về bạn đời cũ trước mặt trẻ. Những lời hành động, lời nói phán xét không hay ho về cha/mẹ trẻ khiến chúng tổn thương sâu sắc và khiến chúng mất tự tin.
 

Ngay cả khi trẻ tâm sự về sự không hài lòng về mẹ/cha, người kia nên tránh hùa vào ủng hộ ý kiến trẻ. Bởi sâu thẳm trong trẻ, việc đó không khác gì bạn đang sát muối vào vết thương rỉ máu của trẻ.

 

 

Cách cha mẹ giải quyết xung đột cuộc sống cũng là bài học quan trong cần trang bị cho trẻ trong hành trang cuộc đời. Credit: Unsplash/ Afif Ramdhasuma

 

 

Chuyển đổi trong yên bình - có nghĩa là khi cha/mẹ dọn ra ngoài ở, cần chắc chắn nói cho trẻ hiểu và nắm được lịch đầy đủ. Giúp trẻ sắp xếp đồ đạc mang theo và giúp trẻ sớm ổn định nơi ở mới.
 

Biết tự chăm sóc bản thân: Làm cha mẹ trải qua sóng gió hôn nhân cũng rất lao đao tâm trí và cảm xúc. Nếu tâm lý, tình cảm, nội tâm bất an dễ dẫn tới trầm cảm, bệnh tật, và vì vậy khó mà làm trụ cột tâm lý cho trẻ dựa vào vượt qua sóng gió.
 

Nên nhớ mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Vậy những bước gợi ý trên đây chỉ mang tính chất phổ quát để quý vị cân nhắc. Quý vị cần tham vấn những chuyên gia về hôn nhân gia đình, chuyên gia tâm lý trị liệu, cố vấn về luật hôn nhân gia đình khi tìm phương cách giải quyết xung đột và ly dị để làm sao có được lời khuyên phù hợp nhất và tránh tổn thương tối đa tới tâm tư tình cảm của con trẻ cũng như của chính quý vị.
 

Trong bài nói chuyện sau, TS Cường Lã sẽ tiếp tục chủ đề 'chia tay' qua việc phân tích cách hành xử của một trường hợp cụ thể, một gia đình gốc Việt tại Úc đã thực hiện cách chia tay ít gây tổn thương nhất cho con như thế nào?