"Chúa tạo ra Adam", là một phần của bức tranh "Sáng thế ký" trên trần nhà nguyện Sistine do Michelangelo sáng tác. (Phạm vi công cộng)

 

 

Michelangelo là nghệ sĩ duy nhất đạt được những thành tựu vô song trong các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc và kiến trúc! Cuộc đời huy hoàng nhưng cũng đầy đau khổ và cô đơn của ông đã để lại cho hậu thế những kỳ tích và vinh quang như Thần Thánh giữa nhân gian!

 

 

 

Vị “Giáo hoàng Chiến binh” đã tạo nên Michelangelo

 

Giáo hoàng Julius II, được công nhận là một trong những vị giáo hoàng có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Do liên tục phát động chiến tranh trong suốt nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Julius II này được mệnh danh là "Giáo hoàng Chiến binh". Vị Giáo hoàng nổi tiếng với tính cách cứng rắn và nóng nảy. Khi Giáo hoàng gặp Michelangelo, một thiên tài cũng có tính cách bùng nổ, họ đã tạo nên những tia lửa rực rỡ nhất trong lịch sử nghệ thuật!

 

Như đã nói phần trước, Michelangelo có thói quen không cho bất kỳ ai xem tác phẩm của mình trước khi hoàn thành. Giáo hoàng cũng không ngoại lệ! Từ khi bắt đầu vẽ tranh cho trần nhà nguyện Sistine, Giáo hoàng Julius II đã nhiều lần đề nghị đến xem tranh, nhưng lần nào Michelangelo cũng trả lời: "Không được!". Điều này khiến Giáo hoàng Julius II vô cùng tò mò, Giáo hoàng rất muốn biết Michelangelo đã vẽ gì trên đó.

 

Có một lần, Giáo hoàng không thể kiềm chế sự tò mò, lén lút đến xem tranh khi Michelangelo không có mặt. Kết quả là Giáo hoàng bị Michelangelo phát hiện. Michelangelo đã bí mật trốn trên giàn giáo sau cánh cửa, chờ Giáo hoàng vừa đẩy cửa bước vào, Michelangelo liền dùng bảng vẽ đập vào đầu Giáo hoàng.

 

Giáo hoàng kêu "ối" một tiếng, hoảng sợ, vội vàng lùi ra ngoài, vừa tức giận vừa mắng, rồi đành bất lực quay về.

 

Tuy nhiên, thực ra vị nghệ sĩ bậc thầy này không phải khi nào cũng “to gan lớn mật” như vậy! Trong lúc nổi giận, Michelangelo đã bất chấp mọi thứ, dùng bảng vẽ đuổi Giáo hoàng đi, nhưng sau đó ông lại sợ hãi! Giáo hoàng Julius II, "Giáo hoàng Chiến binh", nổi tiếng là một người có tính khí thất thường, không dễ chọc ghẹo! Ôi chao, càng nghĩ càng sợ, Michelangelo đã dứt khoát tìm một con ngựa, phi nước đại bỏ trốn!

 

Sau khi chạy ra khỏi thành Rome, một cơn gió mát thổi qua đã giúp Michelangelo bình tĩnh lại! Ông suy nghĩ kỹ mới phát hiện rằng, chạy đi đâu được? Chạy về Florence, Giáo hoàng chỉ cần một lệnh, người ta sẽ bắt ông đưa về. Ai dám chọc giận Giáo hoàng chứ! Hơn nữa, bức tranh trần nhà đang vẽ đến giai đoạn quan trọng nhất, bỏ dở làm sao được! Thôi, đành ngoan ngoãn quay về xin lỗi Giáo hoàng!

 

Giáo hoàng Julius II nhìn Michelangelo cúi đầu xin lỗi liền tiến đến giơ cây gậy làm bộ đánh Michelangelo. Michelangelo rụt cổ lại. Giáo hoàng bật cười, hạ cây gậy xuống, nhẹ nhàng đỡ Michelangelo dậy, dịu dàng nói: "Thôi nào, con trai ta, con là niềm tự hào của nước Ý, ta sao có thể đánh con được! Được rồi, tiền công quý tiếp theo ta đã chuẩn bị cho con rồi, hãy tiếp tục hoàn thành bức tranh trần nhà đi!". Lúc này, một người bên cạnh đưa đến một túi vàng.

 

Michelangelo hôn tay Giáo hoàng, cầm lấy túi vàng, nở nụ cười hiền hậu: "Xin cảm ơn ngài! Con xin lui ra!"

 

 

 

Raphael học lỏm và thay đổi phong cách vẽ

 

 

Raphael - chân dung tự họa. (Miền công cộng)

 

 

Khi Michelangelo đang vẽ trần nhà nguyện Sistine, Raphael, người trẻ nhất trong bộ ba nghệ sĩ vĩ đại thời kỳ Phục hưng, đang bận rộn hoàn thành bức tranh tường cho bốn căn phòng của mình. Raphael rất muốn đến xem nhà nguyện Sistine, ngoài việc muốn học hỏi những ý tưởng sáng tạo độc đáo của Michelangelo, anh còn có một lý do khác liên quan đến Bramante - người bảo trợ đồng thời là đồng hương của Raphael.

 

Sau khi đến Rome, Michelangelo nhanh chóng phát hiện ra hành vi xấu xa của Bramante. Đó là việc sử dụng vật liệu rẻ tiền để trục lợi cá nhân. Điều này đúng không thể chấp nhận được! Việc xây dựng nhà thờ là để phục vụ Chúa, là công việc thực hiện nghĩa vụ vinh quang của một tín đồ! Làm sao có thể có hành vi xấu xa như vậy? Michelangelo đã trực tiếp đến gặp Giáo hoàng và tố cáo Bramante!

 

Mặc dù cuối cùng Giáo hoàng không làm gì Bramante, chỉ trấn an hai người cho xong chuyện. Nhưng bạn nghĩ xem, như vậy chẳng phải đã Michelangelo đắc tội với Bramante rồi sao!

 

Dựa trên các tài liệu lịch sử còn sót lại, có thể thấy Bramante thực sự có ý định nâng đỡ Raphael và hạ thấp Michelangelo trước mặt Giáo hoàng. Vì vậy, Bramante cũng hy vọng rằng bốn bức tường do Raphael phụ trách sẽ có thể vượt qua trần nhà Sistine. Do đó, khi Raphael đề xuất muốn đến xem nhà nguyện Sistine, Bramante đã lợi dụng lúc Michelangelo đi công tác, dùng thân phận kiến trúc sư trưởng của Giáo hoàng để âm thầm mở cửa nhà nguyện Sistine, lén lút dẫn Raphael vào xem.

 

 

Theo cuốn tiểu sử của Vasari, khi đó bức tranh trần nhà nguyện Sistine mới chỉ bắt đầu vẽ, nhưng những nhân vật đã hoàn thành vẫn khiến Raphael vô cùng kinh ngạc. Người ta nói rằng sau khi trở về, Raphael đã lập tức thay đổi phong cách vẽ trước đây, học hỏi cách tạo hình nhân vật của Michelangelo.

 

Hãy cùng xem một ví dụ, đó là bức tranh tường ở một trong bốn căn phòng của Raphael có tên là "Hỏa hoạn ở Borgo" (The Fire in the Borgo). Hãy nhìn người đàn ông đang trèo xuống từ bức tường, và người đàn ông bên cạnh đang cõng một người già thoát khỏi biển lửa. Cơ bắp của họ hoàn toàn là phong cách của Michelangelo! Thậm chí cả người phụ nữ đang lấy nước bên phải bức tranh cũng mang đậm dấu ấn của Michelangelo. Ở bức tranh "Trục xuất Heliodorus khỏi đền thờ" (Expulsion of Heliodorus from the temple), các nhân vật có thân hình vạm vỡ, tràn đầy sức sống, hình ảnh mãnh liệt, toát ra vẻ căng thẳng!

 

 

 

Hỏa hoạn ở Borgo, Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

 

Nhưng trước đây, phong cách vẽ của Raphael không như vậy. Chúng ta hãy cùng xem bức tranh nổi tiếng "Trường học Athens". Các nhân vật ở đây có thân hình cân đối, cử chỉ tao nhã, dung mạo xinh đẹp, phong cách tranh hài hòa! Hoàn toàn không có cảm giác dữ dội và sôi động. Tuy nhiên, sang giai đoạn sau, phong cách tranh tường của Raphael đã có sự thay đổi lớn. Các nhà sử học đều cho rằng đúng là đã có chuyện Raphael học lỏm và lấy cảm hứng từ bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo.

 

 

 

"Trường học Athens", tranh của họa sĩ người Ý, Raphael. (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

 

Sau đó, khi trở về và phát hiện ra dấu vết có người đã lén vào trong, Michelangelo đã vô cùng tức giận. Ông lập tức đoán ra chắc chắn là do Bramante và Raphael nên đã chạy đến chỗ Giáo hoàng để tố cáo! Lần này, Giáo hoàng không hòa giải. Giáo hoàng trực tiếp gọi Bramante đến, và mắng mắng cho Bramante một trận trước mặt Michelangelo, sau đó thu hồi chìa khóa của Bramante! Đồng thời ra lệnh, bất kỳ ai cũng không được phép tự ý vào nhà nguyện Sistine mà không có sự cho phép của Michelangelo! Có thể thấy rằng Giáo hoàng đã rất tôn trọng Michelangelo!

 

 

 

Ba năm sau, Giáo hoàng vén màn bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine

 

Cứ như vậy, ba năm nhanh chóng trôi qua. Giáo hoàng thực sự không thể đợi thêm được nữa. Trước đó, Giáo hoàng đã trải qua một trận ốm nặng, suýt chút nữa đã không thể qua khỏi. Vì vậy, ngài đã cho gọi Michelangelo đến trước mặt và hỏi: "Đã ba năm trôi qua rồi! Khi nào ta có thể xem tác phẩm của con?"

 

Vẫn như mọi khi, Michelangelo đáp rằng: “Thưa Đức Thánh Cha, ngài có thể kiên nhẫn đợi thêm một chút được không? Khi nào cảm thấy đã hoàn thành tốt, con sẽ cho ngài xem!”

 

Giáo hoàng Julius II nổi trận lôi đình! Giáo hoàng nắm lấy cây gậy bên cạnh, vung lên đánh Michelangelo. Michelangelo nhanh chóng né sang một bên. Giáo hoàng Julius II đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cầm gậy đuổi theo Michelangelo, vừa đánh vừa nói: "Đợi, đợi, ta đã đợi quá lâu rồi! Con người này, ngay cả ý chỉ của ta cũng dám chống lại!".

 

Hai người, một người chạy phía trước, một người đuổi theo sau! Những người có mặt ở đó không ai dám can ngăn, cảnh tượng rất buồn cười!

 

Chạy một vòng, Giáo hoàng Julius II dù sao cũng đã lớn tuổi, chỉ đành đứng lại thở hổn hển, chỉ tay vào Michelangelo nói: “Ta mặc kệ, ngày mai ta nhất định phải đến Nhà nguyện Sistine xem, cậu mau về dọn dẹp đi!”

 

Michelangelo nhìn thấy, lúc này không thể thoái thác nữa, đành phải đáp ứng Giáo hoàng.

 

 

Ngày hôm sau, Giáo hoàng cùng với một vài người tùy tùng đến nhà nguyện Sistine. Giàn giáo ở đây đã được dỡ bỏ trong đêm. Ngước nhìn lên trần nhà, Giáo hoàng Julius II choáng ngợp! Giáo hoàng tưởng rằng Michelangelo chỉ vẽ hình ảnh một vài Thiên Thần, Đức Mẹ, hoa cỏ, mây trời, đại loại như vậy. Thế nhưng kết quả đã khiến Giáo hoàng vô cùng kinh ngạc! Khi đó, toàn bộ trần nhà đã hoàn thành được gần một nửa, nhưng bức tranh nổi tiếng nhất "Sự sáng tạo Adam" vẫn chưa được vẽ!

 

Nhìn vào bức tranh trần nhà với chủ đề Sáng thế trong Kinh thánh mới hoàn thành được một nửa nhưng vẫn vô cùng hùng vĩ, Giáo hoàng đã hoàn toàn bị chinh phục! Giáo hoàng quay đầu nhìn Michelangelo, ôm chầm lấy ông, vuốt ve đầu và lẩm bẩm: “Ôi, Chúa ơi, con trai của ta! Tài năng của ta! Ôi, Chúa ơi, một kiệt tác như vậy, đây mới là vinh quang của ta!”

 

Và sau đó, Giáo hoàng hôn mạnh lên trán Michelangelo!

 

“Được rồi ạ, được rồi ạ”, Michelangelo vừa né tránh, vừa lau nước bọt trên trán!

 

 

Sau đó, Giáo hoàng tuyên bố đình chỉ thi công Nhà nguyện Sistine trong hai tuần và muốn tổ chức một buổi lễ khánh thành long trọng. Michelangelo vừa định lên tiếng nói gì đó, Giáo hoàng liền trừng mắt nhìn: "Cứ quyết định như vậy đi, cậu đi nghỉ phép cho ta!"

 

Trong buổi lễ khánh thành, các quan chức, hồng y giáo chủ, và sứ thần từ các nước đã đến Nhà nguyện Sistine theo lời mời của Giáo hoàng. Bầu không khí náo nhiệt với những bộ trang phục lộng lẫy và tiếng những ly rượu va vào nhau. Tất cả mọi người đều không ngừng khen ngợi và cúi đầu tôn kính với bức tranh trên trần nhà. Giáo hoàng vô cùng đắc ý, như thể chính ngài là người đã vẽ nên tác phẩm này.

 

 

 

Bức tranh "Sáng thế ký" trên trần của Nhà nguyện Sistine thuộc Bảo tàng Vatican. (Shutterstock)

 

 

 

Michelangelo không xuất hiện trong buổi lễ khánh thành. Giáo hoàng sợ rằng Michelangelo sẽ lại nói những lời khó nghe và làm mất mặt mọi người, nên đã cho Michelangelo nghỉ phép dài hạn. Ngồi một mình trong căn nhà bừa bộn, Michelangelo cầm một ly rượu vang lớn, nhìn ngọn nến lung linh và thở dài. Ba năm qua, Michelangelo gần như làm việc ngày đêm, thậm chí ông không biết nên đi đâu trong những ngày nghỉ này!

 

Càng đến ngày càng hoàn thiện kiệt tác vĩ đại của mình, Michelangelo càng cảm nhận được sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa, sự tráng lệ của Thiên đàng, và sự nhỏ bé của thế giới loài người. Michelangelo càng ngày càng cảm thấy lòng mình tràn đầy sự kính sợ và sự ngưỡng mộ đối với Chúa cũng như tràn đầy sự ca ngợi và tôn thờ vô hạn đối với Chúa.

 

 

Với sự tôn thờ vô hạnMichelangelo theo đuổi sự soi sáng của Chúa

 

Mỗi ngày khi leo lên giàn giáo, trong tâm trí Michelangelo chỉ có một suy nghĩ: làm thế nào để thể hiện được sự hiện diện và quyền năng vô biên của Đấng Tạo Hóa, làm thế nào để thể hiện được ân sủng của Chúa đối với vạn vật trong thế gian. Ngoài ra, không còn gì khác quan trọng nữa! Lòng của ông tràn đầy niềm đam mê mãnh liệt và nguồn cảm hứng bất tận! Michelangelo quên đi thời gian, quên đi không gian, quên đi nỗi đau, quên đi niềm vui, quên đi Bramante, Raphael, Julius II, thậm chí quên đi cả chính bản thân mình!

 

 

Mọi người nhìn Michelangelo ngày ngày làm việc vất vả dưới trần nhà, đều cho rằng ông đang chịu đựng sự khổ sở. Thế nhưng trong tâm trí Michelangelo lại tràn đầy niềm vui sướng! Là niềm vui sướng khi được Chúa soi sáng, là niềm vui sướng khi được Chúa ban phước, là niềm vui sướng to lớn mà người khác không thể nào hiểu được!

 

Những người như Michelangelo và Leonardo da Vinci đã dành cả cuộc đời để theo đuổi sự soi sáng của Chúa, tìm cách để đến gần Chúa hơn. Cảm giác thỏa mãn khi tìm kiếm được chân lý tối cao, tuyệt đối không thể so sánh với những thứ vật chất, tài sản, hay ham muốn xác thịt tầm thường của con người! Vì vậy, những nghệ sĩ này không hề có ham muốn đối với những thú vui và sự thỏa mãn tầm thường, ngược lại họ thích tận hưởng những giá trị tinh thần cao cấp đạt được thông qua sự thành kính và nỗ lực! Đó chính là nỗi lòng của các nghệ sĩ bậc thầy!

 

Khi trở lại làm việc, Michelangelo đã đẩy nhanh tiến độ. Bởi vì, sau đó vị Giáo hoàng Julius II, 68 tuổi, lại có một trận bệnh khác, lần này suýt chút nữa thì ngài đã thật sự qua đời! Michelangelo rất lo lắng, ông lo rằng nếu Giáo hoàng qua đời trước khi ông hoàn thành, thì Giáo hoàng tiếp theo có thể sẽ không muốn tiếp tục hoàn thành bức tranh. Như vậy, không chỉ toàn bộ tác phẩm có khả năng bị bỏ dở, mà quan trọng nhất là ông sẽ mất đi một nhà tài trợ quan trọng. Nói thẳng ra chính là tiền lương của ông có thể cũng sẽ bị tiêu tan!

 

 

Bức tranh nổi tiếng nhất "Sự sáng tạo Adam" ra đời

 

Vì vậy, Michelangelo đã đẩy nhanh tiến độ công việc. Cũng chính trong khoảng thời gian này, bức tranh nổi tiếng nhất "Sự sáng tạo Adam" đã ra đời.

 

Hình thể nam giới hoàn hảo không tì vết của Adam thể hiện sự tôn vinh của Michelangelo đối với Chúa. Vì con người là do Chúa tạo ra, nên trong thời kỳ Phục hưng, mục tiêu cao nhất của các nghệ sĩ là tạo ra hình ảnh con người sống động như thật. Cánh tay rắn rỏi, ngón tay đầy sức mạnh của Chúa, vào khoảnh khắc sắp chạm nhẹ vào ngón tay đang uể oải của Adam, đã trở thành khoảnh khắc kinh điển nhất trong lịch sử nghệ thuật!

 

 

 

Sự sáng tạo Adam” là một phần trong bức tranh “Sáng Thế Ký” của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine. (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

 

Có một nhà sử học nghệ thuật tên là Frank Lynn Meshberger đã đưa ra một cách giải thích thú vị. Meshberger cho rằng, hình ảnh Chúa được bọc trong một chiếc áo choàng đỏ và các Thiên Thần xung quanh thực ra là hình ảnh mặt cắt ngang của bộ não con người. Chúng ta hãy cùng xem nào, đúng là rất giống.

 

Meshberger cho rằng Michelangelo đã sử dụng kiến thức giải phẫu của mình để vẽ một mặt cắt ngang của bộ não, và đặt Chúa vào đó, thể hiện bản chất thần thánh của con người tồn tại trong ý thức. Sự sáng tạo của Chúa trước tiên tồn tại trong tư tưởng và trí tuệ. Chỉ khi có ý thức thần thánh, thì cơ thể mới có thể có sự sống.

 

Lúc này, Michelangelo đã hoàn toàn nắm rõ thiết kế của toàn bộ bức tranh trên trần nhà, cộng thêm kỹ thuật ngày càng thuần thục. Ở nhiều chỗ, Michelangelo không cần vẽ phác thảo mà có thể vẽ trực tiếp. Vì vậy, tiến độ của phần trần nhà còn lại diễn ra rất nhanh.

 

Vào mùa thu năm 1512, sau đúng bốn năm, bức tranh trên trần nhà nguyện Sistine đã hoàn thành. Giáo hoàng Julius II lại một lần nữa tổ chức buổi lễ kỷ niệm long trọng. Ngồi trên xe lăn, vị Giáo hoàng già nua nhìn vào bức tranh kỳ diệu trước mắt và rơi lệ. Giáo hoàng nói với những người tùy tùng: "Ta vì vinh quang của Chúa, chiến tranh khắp nơi, mở rộng lãnh thổ. Nhưng khi ta về Thiên đàng, tất cả những thành tựu này sẽ tan biến. Nhưng chỉ có bức tranh này, mới có thể khiến hậu thế nhớ đến ta!" Lời nói ấy quả thật chí lý!

 

Bốn tháng sau, vị “Giáo hoàng Chiến binh” với tính cách mạnh mẽ đã qua đời!

 

Tượng đá Moses của Michelangelo trong nhà thờ San Pietro ở Vincoli, Rome, Ý. (Hình ảnh được chụp vào ngày 5 tháng 5 năm 2017)- shutterstock

 

 

 

Sau khi hoàn thành bức tranh trần nhà nguyện Sistine, Michelangelo, khi ấy chưa đến 40 tuổi, đã được mọi người tôn vinh như một vị Thánh. Khi gọi tên ông, mọi người sẽ thêm vào một tiền tố, gọi là: "Thánh Michelangelo". Vào thời điểm đó, Michelangelo là đỉnh cao của nghệ thuật trên toàn châu Âu, tất cả các nghệ sĩ đều coi Michelangelo là đối thủ, nhưng không ai có thể sánh được với ông!

 

 

 

Nhiều vị Giáo hoàng là nhà tài trợ quan trọng của Michelangelo

 

Sau khi Giáo hoàng Julius II qua đời, Giovanni de' Medici nhà Medici đã thành công trở thành vị Giáo hoàng mới, lấy tên là Leo X. Giáo hoàng Leo X và Michelangelo cùng tuổi. Khi Michelangelo học tập tại nhà Medici thuở nhỏ, hai người có mối quan hệ rất tốt. Do đó, một cách rất tự nhiên, Giáo hoàng Leo X đã trở thành nhà tài trợ quan trọng thứ hai của Michelangelo.

 

 

Dưới sự tài trợ của Giáo hoàng Leo X, Michelangelo đã hoàn thành một kiệt tác điêu khắc khác: nhóm tượng trong lăng mộ nhà Medici ở Florence. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bốn bức tượng mang tên "Ngày", "Đêm", "Bình minh" và "Hoàng hôn", hiện nay đã trở thành một trong những biểu tượng của Florence. Điều đáng nói là người được đặt trên bệ đỡ của nhóm tượng "Bình minh - Hoàng hôn" chính là "Lorenzo Vĩ đại” (Lorenzo the Magnificent) - người nổi tiếng nhất của gia đình Medici. Nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, tuấn tú và chìm trong suy tư của Lorenzo, có người đã thắc mắc rằng: “Lorenzo không hề có ngoại hình giống như vậy!”

 

Vị nghệ sĩ bậc thầy đã trả lời rằng: "Nghìn năm sau, còn ai nhớ được Lorenzo trông ra sao? Danh tiếng và đức hạnh mới là điều khiến Lorenzo trường tồn bất hủ".

 

 

Năm 1523, một thành viên khác của gia tộc Medici, Alessandro Farnese, lên kế vị trở thành Giáo hoàng Clement VII. Trước khi qua đời một năm, Giáo hoàng Clement VII đã tìm đến Michelangelo và ủy quyền cho ông vẽ một bức tranh tường hoành tráng trên bức tường trống của Nhà nguyện Sistine: "Sự phán xét cuối cùng". Giáo hoàng Clement VII nói với Michelangelo rằng ở bên dưới bức tranh trần nhà của Michelangelo, không ai có đủ tư cách để thêm một nét nào nữa. Lần này Michelangelo không từ chối và nhận lời thực hiện nhiệm vụ.

 

 

Tuy nhiên, Giáo hoàng Clement VII qua đời trước khi Michelangelo bắt đầu thực hiện công việc. Người kế vị tiếp theo là Giáo hoàng Paul III, thuộc gia tộc Farnese, cũng là một người có gu thẩm mỹ cao. Gia tộc của Giáo hoàng Paul III sở hữu một bộ sưu tập cổ vật chất lượng cao. Cung điện Farnese, nơi vị Giáo hoàng này từng sống trước khi trở thành Giáo hoàng, hiện là Đại sứ quán Pháp tại Ý. Cung điện Farnese đã mở cửa cho công chúng tham quan và là một điểm đến tuyệt đẹp.

 

Trước khi trở thành Giáo hoàng, Paul III đã luôn mong chờ một ngày được Michelangelo vẽ cho mình, để có thể trường tồn bất hủ như Giáo hoàng Julius II. Vì vậy, khi trở thành Giáo hoàng, Paul III nghe nói rằng Michelangelo vẫn muốn thực hiện hợp đồng xây dựng lăng mộ cho gia đình Giáo hoàng Julius II trước nên đã rất tức giận. Giáo hoàng Paul III nói rằng: "Ta khổ sở chờ đời 30 năm đằng đẵng, cuối cùng đã trở thành Giáo hoàng, vậy mà còn có người dám tranh giành việc này với ta? Hợp đồng đâu? Ta sẽ xé bản hợp đồng ngay!"

 

 

 

Michelangelo đã vẽ chính mình trong bức tranh "Sự phán xét cuối cùng", lột bỏ lớp da người trở về với Thiên Chúa

 

Vì vậy, Giáo hoàng Paul III đã ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ cho bức tranh "Sự phán xét cuối cùng" của Michelangelo, cung cấp đầy đủ tiền bạc và nhân lực khi cần thiết. Năm 1541, sau gần 7 năm, một kiệt tác khác đã ra đời. Trong quá trình sáng tác bức tranh "Sự phán xét cuối cùng", có lẽ do tuổi tác, Michelangelo đã kiềm chế được tính khí của mình. Khi Giáo hoàng Paul III đề nghị đến xem, Michelangelo không còn từ chối gay gắt mà vui vẻ chào đón vị Giáo hoàng đến thị sát.

 

Trong bức tranh "Sự phán xét cuối cùng" còn có một chi tiết rất đáng nghiền ngẫm. Đó là Michelangelo đã vẽ hình ảnh của chính mình vào trong bức tranh. Trong tay của Thánh Bartholomew, có một tấm da người, và khuôn mặt trên tấm da người đó chính là Michelangelo. Thánh Bartholomew là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Jesus, và đã chịu hình phạt lột da vì đạo. Michelangelo vẽ hình ảnh mình trên một tấm da người, cũng là để thể hiện ý nghĩa rằng ông đang chịu "đau khổ" vì nghệ thuật. Để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa giao phó, xây dựng nền nghệ thuật chính thống trên thế gian, Michelangelo đã phải chịu đựng rất nhiều gian khổ. Cuối cùng, ông sẽ lột bỏ tấm da người, trở về với Thiên Chúa!

 

Vị Thánh bị lột da và tử đạo Bartholomew cầm một một dao và một tấm da người. Nhiều người tin rằng tấm da này chính là hình ảnh tự thể hiện của Michelangelo. Một phần trong bức tranh "Sự phán xét cuối cùng". (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

 

Sau khi bức tranh “Sự phán xét cuối cùng” được hoàn thành, có người chỉ ra rằng trong bức tranh có quá nhiều hình ảnh khỏa thân, Giáo hoàng Paul III mỉm cười, chỉ vào hình ảnh Chúa Giêsu trong tranh và nói: “Có Đức Chúa Con ở đây, không đến lượt ta lo”. Tuy nhiên sau khi Michelangelo qua đời, Vatican vẫn thuê một nhóm họa sĩ đến vẽ đồ lót cho các nhân vật khỏa thân trong tranh. Vì vậy, những họa sĩ này cũng để lại tên tuổi trong lịch sử nghệ thuật với một tên gọi hài hước là “những họa sĩ đồ lót”!

 

 

Sau khi hoàn thành bức tranh "Sự phán xét cuối cùng" và phục vụ bốn vị Giáo hoàng, cuối cùng Michelangelo đã có thể thở phào nhẹ nhõm!

 

 

 

Bức bích họa khổng lồ "Sự phán xét cuối cùng" do họa sĩ người Ý Michelangelo vẽ dựa trên câu chuyện trong sách Khải Huyền của Kinh Thánh. (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

Vasari là người đầu tiên đưa ra khái niệm "Văn nghệ Phục hưng"

 

Ở đây chúng ta cần nhắc lại một nhân vật đã được đề cập trước đó: Giorgio Vasari.

 

Vasari chính là một người "người thông thái" của thời kỳ Phục hưng! Vasari chính là người đầu tiên đưa ra khái niệm "Văn nghệ Phục hưng"!

 

Tác phẩm "Cuộc đời của các họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất" của Vasari đã để lại cho đời sau tiểu sử của gần 200 nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng, đồng thời giúp mọi người hiểu được nhiều câu chuyện lịch sử ít được biết đến.

 

Hơn nữa, do từng là học trò của Michelangelo và sống cùng với vị nghệ sĩ bậc thầy này trong nhiều năm, Vasari đã ghi chép lại nhiều giai thoại thú vị về Michelangelo trong sách. Phần lớn những câu chuyện về Michelangelo được người đời sau biết đến đều dựa trên những ghi chép trong bộ sách này.

 

 

 

Trong số các văn vật được lưu giữ tại bảo tàng Vatican, hai bức tranh tường khổng lồ "Sáng thế ký" và "Sự phán xét cuối cùng" do Michelangelo vẽ ở nhà nguyện Sistine là những tác phẩm nghệ thuật gây kinh ngạc nhất! (Eric Vandeville/Vatican Pool/Getty Images)

 

 

 

Di sản của Michelangelo: Mái vòm lớn của Nhà thờ St. Peter ở Vatican

Ngoài hội họa và điêu khắc, Michelangelo còn là một kiến trúc sư tài ba. Mái vòm lớn nổi tiếng của nhà thờ St. Peter ở Vatican chính là thiết kế của Michelangelo. Nhà thờ St. Peter là nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn nhất thế giới hiện nay, toàn bộ công trình là kết tinh tâm huyết của nhiều bậc thầy như Bramante, Michelangelo, Raphael, Bernini. Công trình được khởi công từ năm 1506 và hoàn thành vào năm 1626, kéo dài trong 120 năm.

 

Năm 1546, Michelangelo được Giáo hoàng ủy nhiệm tiếp quản vị trí kiến trúc sư trưởng. Khi ấy, ông đã 71 tuổi. Michelangelo tiếp nối ý tưởng ban đầu của Bramante, đồng thời quyết định thiết kế cho nhà thờ một mái vòm hình tròn giống như Nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence. Đến năm 86 tuổi, Michelangelo đã hoàn thành thiết kế tổng thể cho mái vòm và tạo ra một mô hình bằng gỗ. Khi qua đời vào năm 1564, Michelangelo đã không thể tận mắt nhìn thấy mái vòm nổi tiếng này.

 

Mái vòm của Nhà thờ St. Peter ở Rome do Michelangelo thiết kế. Mái vòm này vẫn chưa hoàn thành khi Michelangelo qua đời. (Ảnh thuộc miền công cộng)

 

 

Michelangelo thọ 89 tuổi. Cuộc đời của ông đầy biến động, dữ dội và phi thường của Michelangelo cũng đi kèm với rất nhiều sự đau khổ và cô đơn! Người khổng lồ đứng trên đỉnh núi này đã trung thành hoàn thành sứ mệnh được Thượng Đế giao phó, để lại cho đời vô số kiệt tác nghệ thuật bất hủ. Michelangelo cũng là nghệ sĩ duy nhất đạt được thành tựu vô song trong các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Do đó, Michelangelo hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Người nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại” trong lịch sử nghệ thuật phương Tây!

 

 

Romain Rolland đã viết trong phần kết của cuốn tiểu sử "Michelangelo" như sau:

"Tôi không nghĩ rằng người bình thường có thể sống trên đỉnh núi, nhưng họ có thể thử leo lên một lần. Ở đó, họ có thể đổi mới không khí trong phổi và máu trong mạch máu. Trên đỉnh núi, họ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với sự vĩnh cửu. Sau này, khi họ trở lại với cuộc sống bình thường trên đồng bằng, họ sẽ có thêm can đảm để đối mặt với những trận chiến trong cuộc sống hàng ngày".

 

 

Romain Rolland còn nói một câu mà tôi rất thích: "Trong cuộc sống chỉ có một loại anh hùng thực sự, đó là người sau khi nhận ra được sự thật của cuộc sống, nhưng vẫn tiếp tục yêu cuộc sống!".

 

 

Xem lại:  Michelangelo ( Phần 1) ;    Michelangelo (Phần 2)

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch (ntdvn.net)