TRANH NGŨ HỔ: CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT BỨC MỘC BẢN NGHỆ THUẬT DÂN GIAN HAY LÀ MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA VIỆT CỔ ĐƯỢC TIỀN NHÂN MÃ HÓA VÀ GIẤU SAU VỎ BỌC TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN NHẰM BẢO TỒN VÀ TRUYỀN LẠI CHO CON CHÁU VIỆT?
(Hà Hưng Quốc)
4. HỆ LỤY VÀ HY VỌNG
Đúng là văn hóa Trung Hoa rất diễm ảo nhưng đồng thời cũng có nhiều hệ lụy. Riêng về hệ lụy của lý thuyết ngũ hành phổ cập, Nguyễn Cường đã nhận xét:
[Trích dẫn]
“Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm phát triển khoa học của nhân loại, không có một lý thuyết nào mang nhiều tính sai lầm, lại ảnh hưởng đến vô số người, và nhất là kéo dài trong một thời gian quá lâu cho bằng thuyết ‘Ngũ hành’!. Lấy thí dụ theo luật ‘Sinh Khắc’ của Ngũ hành thì ‘Thổ’ khắc ‘Thủy’ nghĩa là ‘Ðất’ khắc ‘Nước’. Chẳng cần phải là nhà thông thái, chỉ với trình độ của người nông phu cũng biết ngay là có gì không ổn rồi. Nếu hiểu đúng theo nghĩa Khắc là triệt hạ, như ‘Thủy’ khắc ‘Hỏa’ là ‘Nước’ sẽ dập tắt ‘Lửa’, sẽ đưa đến cảnh một còn một mất chứ không thể ở chung được, thì làm gì có được cái nền văn minh nông nghiệp nuôi sống nhân loại cả mấy ngàn năm! Ðất, dù thuộc bất cứ loại gì, cũng không bao giờ ‘Khắc’ nước. Ðất với Nước tuy không ‘Sinh’ ra nhau, nhưng coi như là ‘hỗ trợ’ lẫn nhau, đất cần nước để làm cho thêm màu mỡ, và nước cần đất để giữ cho khỏi bị thất thoát. Nếu không, thì làm sao có thể nói ‘Ðất Nước’ để ám chỉ quê hương xứ sở, và nếu không hợp tính với nhau thì làm sao có được cái cảnh ‘sơn thủy hữu tình’! Ðiều đáng nói là không phải không có ai thấy, mà trái lại, đã có rất nhiều người thấy rõ vấn đề sai lầm trong quá trình phát triển của thuyết Ngũ hành. Nhưng ‘Há miệng thì mắc quai’, vì thực tế cho thấy vào thời cực thịnh, lý thuyết của nó đã ăn sâu, bám chặt rễ vào nền văn hóa của Trung hoa và các nước liên hệ, đến độ coi như là vật bất ly thân. Từ Thiên văn, Ðịa lý, cho đến Y học, Võ thuật, hay Quân sự, Văn chương, Chính trị v.v, đều dùng luật Ngũ hành như là kim chỉ nam, cơ sở chính để giải quyết mọi vấn đề, dựa vào hai luật ‘Sinh’ và ‘Khắc’.”
[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: Khám Phá Mới Về Dịch Lý & Ngũ Hành của Nguyễn Cường)
Rồi nhìn vào Kinh Dịch, hệ lụy của nó được nói tới trong bài Từ Giải Nobel tới “Nổ Súng” Vào Kinh Dịch của Nguyễn Hải Hoành (Nguồn: website Hội Nhà Văn):
“Thực tế văn hóa truyền thống Trung Quốc chẳng những thiếu phép suy diễn chặt chẽ hợp logic mà cũng thiếu cả phép quy nạp chặt chẽ hợp logic. Dương Chấn Ninh cho rằng trong Kinh Dịch, cái gọi là phép quy nạp của ‘thủ tượng bỉ loại (lấy hình so loại)’, ‘quan vật thủ tượng (xem vật lấy hình)’ thực ra là phép loại suy không hợp logic dưới sự chỉ đạo của quan niệm thần bí ‘thiên nhân hợp nhất’. Chẳng hạn: ‘Khô dương sinh hoa, lão phu đắc kỳ nữ thê, vô bất lợi’ (cây dương khô héo nhú mầm, ông già lấy cô gái đáng tuổi con làm vợ thì không có gì bất lợi); ‘Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kỳ sĩ phu, vô cữu vô dự’ (cây dương khô héo nhú mầm, bà già lấy chàng trai khỏe mạnh, chẳng có hại cũng chẳng đáng khen). Giữa các sự việc ‘khô dương sinh hoa’ với ‘lão phu đắc kỳ nữ thê’ hoặc với ‘lão phụ đắc kỳ sĩ phu’, tức giữa đạo trời với đạo người chỉ có tính tương tự mơ hồ mà không tồn tại mối quan hệ tất nhiên hợp logic; từ đó quy nạp được kết luận ‘vô bất lợi’, ‘vô cữu vô dự’ lại càng không thể đứng vững. Kiểu ‘suy diễn’ như vậy chẳng qua là sự phản ánh quan niệm xã hội nam tôn nữ ty hoặc có chút lý lẽ về sinh lý, thế nhưng không có liên can gì tới suy lý logic.”
Tác giả chỉ đồng tình một nửa với những nhận xét trên, một nửa là vì nó chỉ phản ảnh một mạch lớn trong một nền văn hóa đa mạch. Không may là mạch lớn đó, và những điều được phản ảnh trên, lại chiếm trọn vẹn bề mặt và rất nổi bật của nền văn hóa Trung Hoa. Còn những mạch nhỏ, mà lý thuyết ngũ hành nguyên thủy là một điển hình, nằm ẩn bên dưới bề mặt đó, theo thiên kiến của tác giả, thì cao siêu hơn và khoa học hơn nhiều, lý thuyết ngũ hành nguyên thủy là một.
Đa mạch là bằng chứng cho thấy văn minh và văn hóa Trung Hoa không nảy sinh độc lập như họ đã nghĩ, như họ đã cố thuyết phục thế giới qua những chứng cứ thành văn. Văn minh và văn hoá Trung Hoa được hình thành từ sự tiếp thu văn minh và văn hóa bản địa đã có mặt trên lãnh thổ Trung Hoa trước khi người Hán tràn qua sông Dương Tử. Văn minh và văn hóa bản địa đó tạo ra bởi con cháu Bách Việt, trong đó có Việt Thường.
Lẫn khuất đâu đó trong nền văn hoá Trung Hoa, dấu tích văn minh Việt Thường vẫn chưa bị xoá mất hoàn toàn. Những mạch văn hóa thuộc về di sản của Việt Thường đang chờ đợi chúng ta khám phá và phục hưng. Nếu chúng ta chịu khó lật ngược những viên đá lịch sử đã được sử gia Trung Hoa xếp đặt thành đường lối cho hành trình từ hơn bốn ngàn năm trước tới hiện tại, nếu chúng ta đừng để “Lịch Sử Made-in China” hù dọa hoặc tẩy não, nếu chúng ta dừng lại sự miệt thị tổ tiên Việt chỉ là một lũ mọi rừng như người Hán đã miệt thị, nếu chúng ta dám suy nghĩ độc lập và dám thách thức những thái sơn bắc đẩu nặng Hoa tâm . . . biết đâu được có một ngày . . .
6. LỜI KẾT
Trở lại với chuyện tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, Đặng Nghiêm Vạn đã nhận xét chung về tranh dân gian Hàng Trống như sau:
[Trích dẫn]
“Dường như đằng sao mỗi bức tranh đều ẩn chứa cả một thế giới tinh thần phong phú của lớp người bình dân. Bởi vậy, hiểu được tranh gỗ truyền thống tức là đã hiểu được một phần sâu thẩm trong tâm hồn của người Việt.”
[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: Văn Hóa Việt Nam Đa Tộc Người: Khảo Cứu Của Đặng Nghiêm Vạn.)
Với những bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, tác giả cảm thấy bao nhiêu đó vẫn chưa nói hết giá trị của nó. Bởi vì, bên trong bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống là cả một thế giới minh triết Việt. Giải mã được nội dung tranh Ngũ Hổ Hàng Trống là có thể tìm lại được di sản phi vật thể của Việt. Cảm nhận được ý tứ gởi gắm trong bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống là có thể thấy được sự truyền thừa lặng lẽ qua mấy nghìn năm lịch sử truân chuyên của dân tộc Việt. Và, một khi đã khám phá được thì không thể nào không rung động trước tiếng gọi tìm lại cội nguồn minh triết Việt và không thể nào không tự hào về nó.
Hết
(vietdich.blogspot.com)