(Ảnh: minh diễn, www.mauldineconomics.com)

 

(Stephen McBride - Nội dung khách mời - 01/01/2024).

 

Bài viết này được đăng với sự cho phép của RiskHedge.

Nguồn: www.mauldineconomics.com

 

 

 

“Nhìn qua cái bàn đó… mọi người đều đang cắm đầu vào điện thoại của họ.”

 

 

 

Vợ tôi và tôi có cùng quan điểm về tiền bạc. Cả hai chúng tôi là những người tiết kiệm. Tôi thường nói đùa rằng vợ chồng tôi thấy thích thú khi xem số dư ngân hàng của mình tăng lên hơn là mua sắm.

 

Nhưng gần đây chúng tôi đã vung tiền cho một lần đi ăn ở một nhà hàng sang trọng.

 

Chúng tôi đã đặt trước một người giữ trẻ để có thể có một bữa ăn ngon tại Nhà hàng Restaurant Patrick Guilbaud ở ngay Dublin. Nhà hàng này có hai sao Michelin đáng thèm muốn, và đó là một trong những nơi ăn uống tuyệt vời nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra.

 

Nhà hàng này không rẻ. Bạn sẽ phải chi ít nhất 500 Mỹ kim cho hai người, nhưng nó đáng đồng tiền bát gạo. Bạn được đối xử như bậc vương giả, và đồ ăn thì tuyệt vời.

 

Chúng tôi phát hiện một bàn bốn người ngồi ở phía bên kia căn phòng.Đến chừng giữa bữa ăn, vợ tôi nghiêng người về phía tôi và thì thầm: “Ông xã, nhìn qua cái bàn kia… mấy người đó ai cũng đang cắm đầu vào điện thoại của họ”.

Vợ tôi nói đúng… Mọi người trong bàn đều chúi đầu vào điện thoại của họ - khi họ đang ngồi trong nhà hàng hạng sang ở Ireland!

 

Sự phát triển của internet và điện thoại khôn (smartphone: điện thoại thông minh) hầu như đã cải thiện cuộc sống của chúng ta. Internet tốc độ cao cho phép chúng ta làm việc từ mọi nơi trên thế giới. Nhờ Google, bạn có thể truy cập hầu như mọi thông tin 24/7.

 

Nhược điểm là nhiều người bị ám ảnh một cách vô vọng với việc chạm, gõ và vuốt trên chiếc điện thoại của họ.

 

Nghiên cứu từ Đại học Harvard cho thấy người Mỹ trung bình chạm vào điện thoại của họ hơn 3.000 lần mỗi ngày. Ba ngàn (3.000) lần! Tính ra là khoảng bốn giờ/ngày để dán mắt vào màn hình của chúng ta. Hãy nghĩ về điều đó như thế này… khoảng thời gian đó tương đương 28 giờ/tuần, chúng ta có thể dành để làm việc gì đó mà chúng ta “không có thời gian cho nó”.

 

Buổi sáng, điện thoại rung lên đánh thức chúng ta. Email (thư điện tử) chảy vào hộp thư của chúng ta suốt cả ngày. Ngay cả khi bạn không có bất kỳ thông báo nào, bạn vẫn muốn rút điện thoại ra sau mỗi vài phút hoặc lâu hơn để kiểm tra xem có thông báo gì mới không.

 

Nói tóm lại, chúng ta đã trở nên nghiện điện thoại - và điều đó đang làm tổn hại đến cuộc sống của chúng ta.

 

Điện thoại thông minh là một hố đen nơi “danh sách việc cần làm” sẽ chết đi.

 

Nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association - APA) cho thấy chúng ta có “năng lực não bộ” hạn chế. Nói cách khác, tâm trí của chúng ta giống như những viên pin (battery) - chúng chỉ có thể thực hiện một số nhiệm vụ hữu hạn và rồi cần phải được sạc lại.

 

Điện thoại đưa thế giới vào tầm tay chúng ta. Chỉ một cú nhấp chuột/chạm vào màn hình thì bạn sẽ có ngay bản tin mới hoặc một đoạn phim (video clip) tiếp theo. Mỗi lần chúng ta rút điện thoại ra để kiểm tra tin tức… tỷ số các trận thi đấu thể thao mới nhất… hoặc tin tức trên trang Twitter của chúng ta… chúng ta đang “rút cạn” mức pin tinh thần của mình.

Một người Mỹ trung bình làm điều này khoảng 1.000 lần trước bữa trưa, khiến họ không còn năng lượng cho công việc quan trọng. Nghiên cứu của APA cho thấy điều này khiến bộ não của chúng ta rơi vào trạng thái mất tập trung liên tục. Chúng ta không thể tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng quá 10 phút mà không kiểm tra điện thoại.

 

Nghiên cứu từ Tạp chí Tâm lý Xã hội -  The Journal of Social Psychology - cho thấy điện thoại khôn (điện thoại thông minh) cũng đang làm tổn hại đến các mối quan hệ của chúng ta. Các chuyên gia nghiên cứu nhận thấy khi những người tham gia cuộc thí nghiệm sử dụng điện thoại trong bữa ăn, điều đó làm giảm sự thích thú của họ trong thời gian ăn uống cùng gia đình và bạn bè.

 

Điện thoại cho phép chúng ta kết nối với mọi người trên khắp thế giới… nhưng chúng đang làm tổn hại đến mối quan hệ của chúng ta với những người quan trọng đối với chúng ta.

 

Có một lý do khiến việc đặt điện thoại của chúng ta xuống lại khó đến vậy…

 

Bạn đã bao giờ nghe nói đến hóa chất dopamine chưa? Bộ não của chúng ta sản xuất ra dopamine để thưởng cho chúng ta khi ăn một miếng thức ăn… hoàn thành công việc quan trọng… hoặc tập thể dục. Chúng ta nhận được một chút dopamine khi làm điều gì đó “tốt”, điều này thúc đẩy chúng ta lặp lại các nhiệm vụ đó.

 

Nghiên cứu từ Trường Y Harvard cho thấy các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube và Snapchat đã thiết kế nền tảng của họ để cung cấp cho chúng ta lượng dopamine vừa phải. Mỗi khi chúng ta nhấp hoặc vuốt màn hình, bộ não của chúng ta sẽ nhận được một “phần thưởng” nhỏ.

 

Liên tục sử dụng điện thoại là điều tôi phải vật lộn trước khi đại dịch Covid xảy ra. Tôi ghét việc mình, theo phản xạ, kiểm tra điện thoại hàng chục lần một giờ khi dành thời gian cho con gái. Tôi đã lãng phí cả buổi tối trên YouTube. Tôi đã lãng phí thời gian quý báu vào buổi sáng để lướt Twitter.

 

Nhưng bây giờ, tôi đã chủ tâm tắt điện thoại của mình ngoài giờ làm việc. Và tôi tắt máy tính sau khi hoàn thành công việc trong ngày. Sự thay đổi duy nhất này - cắt giảm thời gian sử dụng Internet - đã cải thiện đáng kể cuộc sống của tôi.

 

Tôi làm việc hiệu quả hơn khi làm việc… Tôi là người tốt hơn khi ở bên cạnh (vợ tôi nói với tôi như vậy)… và tâm trạng của tôi đã được cải thiện rất nhiều.

 

Một gợi ý cho năm 2024 và xa hơn nữa... hãy cân nhắc việc cắt giảm việc sử dụng điện thoại, máy tính và internet của bạn.

 

Đối với tôi, việc LUÔN cố gắng học những điều mới là điều hấp dẫn. Tôi nghe podcast trong khi tập thể dục... và đọc các bài báo khi ăn sáng.

 

Ngày nay có rất nhiều thông tin tuyệt vời trên internet, tôi cảm thấy như mình đã bỏ lỡ nếu không phải lúc nào cũng tiếp thu được nhiều nhất có thể. Nhưng thực sự, do liên tục nhìn chằm chằm hoặc nghe điện thoại, tôi thường bỏ lỡ cuộc sống thực.

 

Nếu bạn cảm thấy như vậy, hãy thử đặt điện thoại xuống.

 

Hãy làm điều gì đó “thực tế” và tận hưởng khoảnh khắc ở hiện tại. Đi dạo... ném bóng với chú chó của bạn... nấu bữa tối cho gia đình bạn. Tôi gần như bảo đảm rằng nó sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn - điều đó đã đúng với tôi!

 

Bạn có nghĩ điện thoại thông minh có hại cho sức khỏe tinh thần của chúng ta? Hãy cho tôi biết tại stephen@riskhedge.com.

 

Stephen McBride

Phân tích gia trưởng của quỹ đầu tư RiskHedge

 

(Le Huy biên dịch)