Tấm biển của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại khu nghỉ dưỡng trên núi Davos, Thụy Sĩ, vào ngày khai mạc cuộc họp thường niên vào ngày 16/1/2023. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

 

 

Trong thời gian gần đây, giới tinh hoa Davos đã thúc đẩy ý tưởng về một nền kinh tế mới, một nền kinh tế có tính chất tuần hoàn. Chúng ta có nên lo lắng không?

 

Bài bình luận

 

 

Như lời phát biểu nổi tiếng của chính trị gia người Anh David Cameron, “Nền kinh tế là khởi đầu và kết thúc của mọi thứ”.

 

Kiểm soát nền kinh tế, theo nhiều cách, là kiểm soát thế giới.

 

Mặc dù không có chính phủ hay tổ chức nào kiểm soát nền kinh tế thế giới nhưng vẫn có một số người chơi lớn giúp định hình nó.

 

Một trong những bên tham gia quan trọng trong cuộc chơi, như nhiều độc giả đã biết, là Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Trong thời gian gần đây, giới tinh hoa Davos đã thúc đẩy ý tưởng về một nền kinh tế mới, một nền kinh tế có tính chất tuần hoàn. Chúng ta có nên lo lắng không?

 

Một số người có thể nói rằng nền kinh tế tuần hoàn là một “chương trình chính sách". Theo một báo cáo gần đây do WEF và Accenture công bố thì đúng là như vậy. Các tác giả của báo cáo cho biết đây là một “chương trình chính sách” và các chỉ đạo phải “đến từ cấp trên”. Nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một ý tưởng đối nghịch với nền kinh tế ngày nay, thứ mà các tác giả của báo cáo gọi là “nền kinh tế tuyến tính” (linear economy).

 

Báo cáo nói rằng: “Việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn là một đòn bẩy quan trọng để các tổ chức đạt được các cam kết về khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng không”.

 

Để giảm lượng khí thải nhà kính, WEF và Accenture đề xuất “thay đổi cách sản xuất và tiêu thụ hàng hóa”. Họ nói, tính tuần hoàn “đóng một vai trò quan trọng trong việc này”.

 

Báo cáo tiếp tục nêu rõ rằng mô hình “khai thác nguyên liệu thô – sản xuất ra sản phẩm – sử dụng và thải loại” (take – make – waste) hiện tại, vốn “khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên”, phải được thay thế. Chìa khóa để thay thế mô hình hiện tại liên quan đến việc đưa “tính tuần hoàn vào quá trình ra quyết định trong suốt chuỗi giá trị”. Nói cách khác, chúng ta cần cách tiếp cận từ trên xuống, một phần được giám sát bởi những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa không được cử tri bầu chọn. Nếu nền dân chủ thực sự được xác định dựa trên cách tiếp cận từ dưới lên, thì người ta tự hỏi, chúng ta sẽ phải nghĩ gì về báo cáo gần đây này?

 

Các tác giả lưu ý: “Quá trình chuyển đổi hệ thống này đòi hỏi các công ty phải đưa tính tuần hoàn vào tất cả các cấp và chức năng trong toàn tổ chức. Bắt đầu từ cấp cao nhất, cần có sự quản trị, lãnh đạo và trách nhiệm giải trình rõ ràng”.

 

Mục tiêu ở đây là gì? Nền kinh tế tuần hoàn dường như gắn liền với ý tưởng rằng tất cả các sản phẩm đều trở thành dịch vụ, trong đó những người ở trên đỉnh bậc thang xã hội duy trì quyền sở hữu những sản phẩm mà người dân bình thường hàng ngày chỉ có thể thuê. Hãy nhớ rằng, cách đây không lâu, WEF đã tuyên bố: “Bạn sẽ không sở hữu gì cả. Và Bạn Sẽ Hạnh Phúc”.

 

 

‘Sự thay đổi mang tính địa chấn'

Vào tháng 8, ông Sean Mowbray từ WEF đã thảo luận về cách nền kinh tế tuần hoàn có thể giải quyết tình trạng “tiêu thụ quá mức tràn lan”, “biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đất, không khí và đại dương”.

 

Ông gợi ý rằng cuộc khủng hoảng này đòi hỏi “chu kỳ sản xuất bền vững” để “giảm việc sử dụng tài nguyên, lãng phí và tác hại đến hệ sinh thái”.

 

Về cốt lõi, theo ông Mowbray, nền kinh tế tuần hoàn xoay quanh ba chữ R: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế vật liệu [reducing, reusing, and recycling materials]. Ông cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn “nhằm mục đích loại bỏ chất thải và ô nhiễm, tái tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu cũng như tái tạo thiên nhiên”.

 

Mặc dù thiên nhiên cần được bảo vệ và ý tưởng lãng phí tài nguyên không phải là điều nên được ủng hộ, nhưng người ta không thể không cảm thấy lo sợ khi đọc những từ ngữ của ông Mowbray. Những đề cập liên tục đến “biến đổi khí hậu” và “khử cacbon” cũng như những lời kêu gọi thay đổi mạnh mẽ các hoạt động nông nghiệp mang một giọng điệu không thân thiện, có phần chỉ trích.

 

Chúng ta được cho biết, việc giữ chất thải ở mức tối thiểu là điều bắt buộc. Tuy nhiên, người ta có thể thắc mắc, ai quy định thế nào là lãng phí quá nhiều? Và ai có quyền quyết định điều gì tạo nên lãng phí và điều gì tạo nên tác hại?

 

Lấy thịt làm ví dụ. Đối với nhiều độc giả, tôi chắc chắn rằng việc tiêu thụ thịt gà, thịt lợn và thịt bò có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, trong nền kinh tế tuần hoàn, thịt có thể không còn chỗ đứng nữa. Các chuyên gia cho rằng, xét cho cùng, thịt thật lãng phí và có hại cho môi trường. Họ đề xuất rằng, thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, thứ được ước tính có lượng phát thải carbon lớn hơn đáng kể so với thịt bò được giết mổ thông thường, là một giải pháp thay thế khả thi. Nếu WEF thành công, không lâu nữa tất cả chúng ta sẽ ăn những thức ăn được nuôi trong phòng thí nghiệm.

 

 

Thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm từ Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Thực phẩm Ghê tởm vào ngày 6/12/2018 tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: ROBYN BECK/AFP qua Getty Images)

 

 

Việc xác định chính xác vấn đề nhưng lại đưa ra những giải pháp hoàn toàn không hợp lý ngày càng trở nên phổ biến. Phương pháp canh tác truyền thống có hại nên thịt nuôi trong phòng thí nghiệm chính là giải pháp. Mỹ đã từng cực kỳ phân biệt chủng tộc nên phải thực hiện việc bồi thường tài chính. Và còn nhiều ví dụ nữa.

 

Tuy nhiên, WEF khẳng định rằng nền kinh tế tuần hoàn, gắn liền với ý tưởng bất chính về công bằng xã hội, là một giải pháp thay thế khả thi cho mô hình hiện tại. Theo những người ra quyết định ở Davos, Thụy Sĩ, nền kinh tế tuần hoàn thể hiện “sự thay đổi mang tính địa chấn trong cách chúng ta khái niệm hóa toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, được thiết kế để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường”.

“Sự thay đổi mang tính địa chấn” này có thể liên quan đến việc giám sát chặt chẽ hơn các hành động và hành vi của chúng ta, chẳng hạn như việc giới thiệu hộ chiếu carbon. Một báo cáo mới của Intrepid Travel thảo luận về khái niệm “hạn mức carbon cá nhân” được đưa ra vào năm 2040.

 

Tòa Bạch Ốc dường như hoàn toàn cam kết với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Đầu năm nay, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Tòa Bạch Ốc đã tổ chức một hội nghị bàn tròn được thiết kế để thảo luận về những cách thức mà các đổi mới khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp vào, chẳng hạn như “các mục tiêu khử cacbon và phát thải ròng bằng 0”.

 

Một lần nữa, mặc dù môi trường cần được bảo vệ và lãng phí không bao giờ nên được khuyến khích, nhưng người ta tự hỏi những người dân bình thường sẽ có bao nhiêu tiếng nói trong nền kinh tế tuần hoàn. Tôi nghĩ rằng sẽ là rất ít, khi đây là “chương trình chính sách" từ trên xuống.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net , Bảo Nguyên biên dịch)

 

 

John Mac Ghlionn

 

Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.