Các chuyên gia cho biết bằng chứng cho thấy việc nói chuyện về các vấn đề sức khỏe tình dục thường xuyên và sớm trong một môi trường thông cảm và khuyến khích sẽ giúp những người trẻ tuổi có những lựa chọn tốt hơn. Việc trò chuyện này cũng có xu hướng trì hoãn việc bắt đầu quan hệ tình dục và đảm bảo họ nhận được thông tin chính xác. Ảnh: SDI Productions / Getty Images
Giáo dục giới tính vẫn là một trong những chủ đề khó khăn nhất để cha mẹ thảo luận với con cái. May mắn là sức khỏe tình dục được giảng dạy rộng rãi trong các trường học ở Úc, và cha mẹ cũng có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin để giúp họ vượt qua cảm giác xấu hổ hoặc khó xử. Dưới đây là một số mẹo hàng đầu của các chuyên gia để giúp cha mẹ có những cuộc trò chuyện về vấn đề tế nhị này với con cái của họ.
Sức khỏe tình dục là một phần của cuộc sống và đời sống sức khỏe của mỗi người. Nó không chỉ dừng lại ở quan hệ tình dục, thụ thai và mang thai. Giáo dục giới tính bao gồm các khía cạnh trong sự phát triển của một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, chăm sóc cơ thể, và những cảm xúc thân mật và tình cảm yêu thương. Nó cũng là nền tảng của cách duy trì các mối quan hệ tích cực và lành mạnh.
Sức khỏe tình dục được giảng dạy trên khắp các trường học của Úc từ mầm non và cho đến cuối năm lớp 12. Giáo trình quốc gia dựa trên lý thuyết phát triển ở trẻ em, theo đó xem xét các giai đoạn trưởng thành về thể chất, tình cảm và tâm lý của con người.
Renee West là cố vấn trung học tại Bộ Giáo dục NSW. Cô cho biết chương trình giảng dạy của Úc đã được thiết kế theo các tiêu chuẩn khoa học quốc tế.
“Nó tuân theo bằng chứng về sự phát triển giới tính cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau, và các nguồn tài liệu phản ánh hướng dẫn tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO về giáo dục giới tính. Những tài liệu này đã được đánh giá trong nhiều thập niên để bảo đảm rằng chúng tôi đi theo các tiêu chuẩn và những gì nên được dạy, và bảo đảm rằng nó bao gồm tất cả học sinh trong lớp học. ”
Các em học sinh học gì, lúc nào?
Ở trường mẫu giáo, trẻ em bắt đầu bằng cách học tên chính xác cho các bộ phận cơ thể và chức năng của chúng. Khi chúng lớn hơn, các bài học tiến tới những đề tài về thụ thai và mang thai.
"Trong những năm đầu tiểu học, các em tìm hiểu về cơ thể và những thay đổi của cơ thể khi dậy thì. Các em sẽ học về sức khỏe sinh sản và kinh nguyệt trong những năm cuối cấp tiểu học. Sau đó chuyển sang trung học, nơi các em bắt đầu tìm hiểu thêm về các hành vi tình dục, việc mang thai, các phương pháp tránh thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs). "
Khi học sinh trưởng thành hơn về mặt cảm xúc ở tuổi thanh thiếu niên, chúng được dạy các chủ đề phức tạp hơn xung quanh các mối quan hệ, sự đồng thuận và sự thân mật.
"Các em cũng học về các khía cạnh của quyền riêng tư và quyền tự chủ về cơ thể, cũng như các hành động để bảo vệ. Chương trình giảng dạy của trường tập trung rất nhiều vào kết quả tích cực cho học sinh, và do đó những gì các em đang học là hiểu về cơ thể của mình, cách cơ thể họ hoạt động và vai trò của họ trong một mối quan hệ khi họ di chuyển qua các chặng khác nhau trong cuộc đời."
Cô West cho biết các giáo viên điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với bối cảnh văn hóa và tôn giáo của trường họ, đồng thời cân bằng các giá trị đa dạng và hòa nhập của cộng đồng.
Các trường học ở NSW thường thông báo cho phụ huynh khi họ giảng dạy các chủ đề liên quan đến tình dục và cách họ sẽ làm điều đó. Trường học thường trở thành diễn đàn để thảo luận về những vấn đề không được nói ở nhà.
"Theo tôi, hầu hết những người trẻ tuổi trong lớp học của chúng tôi, bất kể tuổi tác, họ đều tò mò và họ chỉ muốn biết rằng những gì đang xảy ra với họ là bình thường, và những người khác cũng đang trải qua điều đó. "
"Một trong những bằng chứng mà chúng tôi nhận thấy được là việc giáo dục tình dục hiệu quả thực sự làm trì hoãn việc bắt đầu quan hệ tình dục, vì vậy nếu chúng ta có thể dạy càng sớm và càng nhiều, thì họ càng có nhiều thông tin và họ đưa ra quyết định tốt hơn."
Cathy Zemaitis cũng làm việc cho Bộ Giáo dục NSW, với tư cách là Giám đốc Chương trình giảng dạy cho Học sinh Trung học.
Cô nói rằng điều quan trọng là cha mẹ phải cung cấp một không gian an toàn để nói về tình dục ở nhà.
"Phụ huynh cần hợp tác với nhà trường để bảo đảm rằng tất cả học sinh cảm thấy được hỗ trợ và tự tin khi nói chuyện với giáo viên hoặc với cha mẹ của họ về những gì đang xảy ra với sức khỏe tình dục của chính họ, giới tính của họ, các mối quan hệ của họ…"
“Nếu đứa trẻ không cảm thấy an toàn, rất có thể chúng sẽ tìm kiếm câu trả lời trên mạng, và chúng có thể sẽ không tìm được thông tin đúng đắn.”
Nhờ đến sự trợ giúp của bác sỹ gia đình
Những bậc cha mẹ cảm thấy không chắc chắn về cách thảo luận các vấn đề sức khỏe tình dục có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ trường học của con mình. Họ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ gia đình của họ.
Bác sỹ Magaly Barrera đã làm việc với tư cách là bác sĩ đa khoa ở Tây Sydney, một trong những vùng ngoại ô đa văn hóa nhất của Úc, trong 30 năm qua.
Dr Barrera, người chuyên về sức khỏe trẻ em, cho biết không may là hầu hết thanh thiếu niên đến một mình để xin lời khuyên, vì họ cảm thấy không thể nói chuyện về tình dục ở nhà.
Trường hợp này thường xảy ra nhất đối với các cô gái yêu cầu các biện pháp tránh thai.
"Rất hiếm khi các bạn gái trẻ nói chuyện cởi mở với cha mẹ về giáo dục giới tính. Tôi không biết đó là vì xấu hổ, vì thành kiến văn hóa hay tại sao, nhưng khi tôi nói, 'cháu đã nói với mẹ về điều đó chưa? Hầu hết họ đều trả lời rằng ' tất nhiên là không rồi! Cháu thích nói chuyện với cô hơn’."
Dr Barrera cho biết các nam thiếu niên cũng tự mình đến hỏi ý kiến của cô, nhưng họ thường yêu cầu các loại thông tin khác nhau.
“Họ đến vì muốn kiểm tra STD, để xem liệu họ có bị gì không sau khi quan hệ tình dục với một cô gái. Và tôi nói, 'hãy nhớ rằng thuốc tránh thai sẽ tránh thai, nhưng nó sẽ không ngăn cản được việc lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.”
Bác sỹ Barrera cho biết hầu hết các bậc cha mẹ chỉ đến phòng mạch với con cái để thảo luận về sức khỏe tình dục khi chúng đã đạt đến một cột mốc phát triển, thí dụ như khi con gái có kinh nguyệt lần đầu, khi con trai lần đầu làm ướt bộ đồ ngủ, khi các em bắt đầu thủ dâm hoặc khi trải qua các vấn đề liên quan đến tuổi dậy thì.
Vậy thì, làm thế nào để cha mẹ có thể vượt qua những nỗi lo ngại của họ và thảo luận về vấn đề sức khỏe tình dục với con cái của mình?
Bác sỹ Barrera khuyên nên giữ mọi thứ đơn giản và trung thực, để tránh gây hiểu lầm.
Hãy để con bạn đưa ra gợi ý đầu tiên về những gì chúng muốn biết, và không bao giờ, không bao giờ nói dối chúng. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy tìm kiếm nó. Hãy đến gặp bác sĩ của bạn, đến gặp giáo viên… Nhưng nếu đó là một câu hỏi bình thường, hãy cố gắng trả lời càng nhiều càng tốt. Hầu hết thời gian, khi bạn đưa ra câu trả lời thẳng thắn, cuộc trò chuyện sẽ kết thúc ở đó. Bạn không cần phải đi sâu vào chi tiết của quan hệ tình dục.”
Nguồn tài liệu cho phụ huynh
Vậy còn, có những nguồn thông tin đáng tin cậy nào mà cha mẹ có thể tiếp cận?
Derek McCormack là Giám đốc của mạng lưới Nuôi dạy Trẻ em
, một tổ chức độc lập do chính phủ tài trợ, chuyên phát triển các nguồn thông tin trực tuyến về nuôi dạy con cái.
Nói về tình dục có thể là một thách thức đối với cha mẹ nếu họ cảm thấy hơi lúng túng hoặc họ không biết cách bắt đầu cuộc trò chuyện. Cũng có thể là họ cảm thấy không được chuẩn bị cho những chủ đề có thể được đưa ra. Điều mà chúng tôi thường khuyên đó là nên có những cuộc trò chuyện sớm, và nếu nó diễn ra không được tốt, bạn có thể thử lại lần sau. Vì vậy, có những cuộc trò chuyện từ sớm và thường xuyên có thể giúp bạn bớt khó xử hơn một chút, bởi vì bạn sẽ làm tốt hơn theo thời gian; và nó có thể gửi thông điệp đến con bạn rằng tình dục và xu hướng tình dục là những phần lành mạnh của cuộc sống.
Trang web Nuôi dạy Con cái (Raising Children) có sẵn nhiều nguồn thông tin để hướng dẫn các bậc cha mẹ cách trò chuyện phù hợp với lứa tuổi về sức khỏe tình dục với con cái của họ.
Ông McCormak khuyên các bậc cha mẹ nên chuẩn bị tinh thần bằng cách tìm kiếm thông tin trước.
Đối với trẻ tới 8 tuổi, chúng có thể muốn biết cơ thể con gái và con trai khác nhau như thế nào, các em bé đến từ đâu và những chủ đề kiểu như vậy. Và đây là một mẹo hay: các phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách hỏi con mình về những gì chúng biết và những gì chúng nghĩ về những chủ đề đó.
Chuyên gia giáo dục Renee West chia sẻ mẹo cuối cùng cho những ai cảm thấy ngại ngùng.
“Thời điểm tốt nhất để trò chuyện là khi ở trong xe hơi: bạn không cần phải nhìn nhau, nhưng bạn không thể trốn thoát.”