Nếu có dịp đi qua những vùng đất của phía nam miền Trung (từ đèo Hải vân trở vào đến Đà lạt), chắc hẳn nếm qua cái món ăn có tên là “Mì Quảng” mà dỡ hay ngon tùy thuộc vào khẩu vị của người ăn. Có người khen ngon, kẻ chê dỡ nhưng nếu đến Quảng Nam mà bạn lỡ lời chê bai món ăn này với dân địa phương hoặc với một người Quảng Nam thì quả thật ngày hôm đó sẽ là ngày xui xẻo của bạn...
Theo chân Chúa Nguyễn Hoàng năm một ngàn sáu trăm lẻ hai vào Nam để sau đó lập ra Xứ Đàng Trong, có lẽ những lưu dân Việt không quên mang theo một loại lương thực khá cơ động và dân dã của người Việt là những tấm bánh đa (sau này vào Nam người Đàng Trong gọi là bánh tráng), khác biệt về tên gọi và về độ dày nhưng cơ bản giống nhau ở cách chế biến ở chỗ dùng bột gạo xay nhuyễn và tráng lên một màn vải mỏng đặt trên miệng nồi nước sôi già, hấp hơi cho chín.Loại lương thực này có một sự khác biệt trong cách ăn của hai miền Nam, Bắc. Người Bắc tráng dày rắc mè lên rồi phơi khô để dành ăn dần gọi là bánh đa, nếu tráng mỏng thì ăn tươi và chế biến thành bánh cuốn, bánh phở. Dân Quảng thì ngược lại, tráng dày để xắt ra làm sợi mì Quảng hoặc để dày nguyên miếng, thoa lên chút dầu phụng đã khử chín rồi cuộn lại chấm ăn với mắm cái (mắm chín còn nguyên cái); và tráng mỏng hơn thì phơi khô để làm bánh tráng, hoặc nhúng nước để cuốn rau sống và thịt heo luộc xắt nguyên khổ, gọi là bánh tráng cuốn thịt heo (món này cũng là món ăn tạo nên thương hiệu nổi tiếng cho Đà nẵng với tên gọi “Bánh tráng cuốn hai đầu da”).
Người Quảng Nam có một tính cách khá đặc biệt ở chỗ bộc trực, thẳng thắn thế nên người ta hay nói câu: “Quảng nam hay cãi” có lẽ cũng bắt nguồn từ tính cách này. Và có lẽ ngay trong chuyện ẩm thực, người Quảng cũng đã có một món ăn gây tranh cãi và làm tốn biết bao giấy mực của các nhà văn, nhà thơ...nhưng có lẽ là dân Quảng Nam chắc chẳng có ai mà lại đi chê cái món “đặc sản” của xứ này, đó là Mì Quảng. Ngay cả cái cách ăn mì quảng của dân Quảng cũng khác biệt nốt, nếu bạn vào một quán mì quán nào đó ở một vùng quê bất kỳ xứ Quảng, bao giờ cũng có dăm bánh tráng nướng sẵn khá to đặt trong chiếc bao nylon to tướng (loại bao dùng để đựng phân bón, tận dụng lại), miệng bao cột bằng dây cho dễ mở và một chiếc bàn đựng vài chiếc cốc tuềnh toàng, bên cạnh có chiếc ấm nước chè lá khô to tướng đặt ở gần cửa ra vào, còn trên bàn ăn luôn luôn có một dĩa ớt xanh, vài múi chanh tươi và một chiếc lọ đựng ớt bột khô giã tay còn cả hạt (thường đặt trong hũ đựng chao), sang trọng hơn thì có thêm một lọ ớt xanh ngâm dấm. Đó là hình ảnh chung của một quán mì Quảng tại một vùng quê Quảng Nam, để tăng thêm cảm giác hấp dẫn, một vài quán mì còn để nguyên lá mì chưa xắt, chờ khi có khách vào mới lấy con dao cong to bản mũi vuông, một tay đặt hờ trước mũi dao đễ dẫn hướng, tay kia chận lên cán dao, cứ bập bênh con dao tiến từ phải sang trái trên lá mì được xếp cuốn lại, mì được cắt đều theo kích sợi bề ngang khoảng một phân tây, sau đó rưới vào một muỗng nhỏ dầu phụng cho sợi mì rời ra rồi gắp vào tô rau đã chuẩn bị sẵn. Dân sành ăn mì Quảng thường ăn theo cách, bóp vụn một ít bánh tráng bỏ vào tô mì trộn đều, ăn vài gắp mì thì gắp thêm một miếng ớt dầm ăn kèm hoặc bẻ đôi trái ớt xanh rồi cắn từng miếng và chung với mì Quảng. Nếu khi bẻ đôi trái ớt mà không nghe một tiến “Bộp” nho nhỏ thì họ sẽ lựa trái khác vì không tươi. Người kỹ tính hơn thì bẻ từng miếng bánh tráng nhỏ cầm sẵn ở tay (không trộn vào tô mì), và một miếng mì thì cắn một miếng bánh tráng... ăn xong tô mì thủng thẳng bưng ly nước chè nóng súc miệng, xỉa răng, gọi tính tiền và không quên buông ra một câu bình phẩm về tô mì ăn hôm nay..., đúng là rặc “Quảng Nôm”. Ngoài ra, Quảng Nam còn có một vùng mà cả làng đi bán mì Quảng gánh. Buổi sớm, đón xe đò gồng gánh ra Đà nẵng, Vĩnh điện, Hội an... để bán rồi lại đón xe đò ngược về lại, làng tên là Phú Chiêm thuộc xã Điện Phương, Huyện Điện Bàn, vùng này còn gọi là Chợ Tổng vì ngày trước tổng trấn Điện Bàn đặt tại đây, cũng là dinh trấn chính của Xứ Đàng Trong thời các Chúa Nguyễn mới mở cõi.
* Mì quảng Phú chiêm: Mì quảng vùng này chỉ chuyên nấu tôm thịt và sứa, tạo nên thương hiệu về một vùng mì quảng nổi tiếng là mì quảng Phú Chiêm.
Tôn Tuấn