Trong chúng ta, khó có ai là thánh nhân để không bao giờ tức giận. Mỗi khi chúng ta tức giận, lòng chúng ta sôi sục, tim chúng ta đập mạnh, chân muốn đá ghế, tay sẵn sàng tung quả đấm xuống mặt bàn; cơ bắp căng cứng và chúng ta có thể cảm thấy một sự thúc đẩy muốn phá vỡ bất cứ thứ gì chung quanh mình tùy theo cường độ của cơn tức giận.

 

Tức giận là một sự thể quan trọng trong đời sống; chẳng thế mà Đức Chúa Jesus khuyên người đến đền thờ dâng của lễ rằng “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.” (Ma-thi-ơ 5:23-24).

 

Hầu hết chúng ta đều tức giận, ở một mức độ nào đó, thường xuyên. Sự tức giận có thể báo hiệu rằng “chúng ta đã bị đối xử bất công, oan ức, nên tâm trí chúng ta chuẩn bị cho cơ thể mình hành động để đối mặt với sự bất công, oan ức đó" - nhận xét của Tiến sĩ Ryan Martin, giáo sư tâm lý học tại Đại học Wisconsin ở Green Bay (Mỹ) và là tác giả của cuốn “Why We Get Mad” (tạm dịch: Tại sao chúng ta nổi khùng).

 

Khi tức giận, não sẽ đánh giá xem tình huống đó  có khả năng đe dọa đến sức khỏe hay không. Sau khi cảm xúc được xử lý, thông tin đó sẽ được gửi đến một cấu trúc gọi là vùng dưới đồi (hypothalamus), có trách nhiệm giữ cho cơ thể ở trạng thái ổn định, cân bằng. Tiến sĩ Martin giải thích: “Vùng dưới đồi sẽ kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, hay hệ thống chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Sau đó, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như adrenaline và cortisol, kích hoạt các tác động vật lý được đề cập ở trên. Trong khi đó, bất kỳ thứ gì không được coi là thiết yếu đối với sự sống còn ngay lập tức, chẳng hạn như hệ tiêu hóa, đều chậm lại.

 

“Đây là phản ứng căng thẳng điển hình”, Tiến sĩ Ste- fanie Duijndam, phó giáo sư tại Đại học Tilburg và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu về rối loạn tâm lý và bệnh lý cơ thể ở Hà Lan, chia sẻ. “Theo tiến hóa, sự tức giận được coi là một cảm xúc rất quan trọng. Nếu được thể hiện tốt, thì không sao cả. Nó tồn tại vì một lý do nào đó và nó tốt cho sự sống còn của chúng ta”.

 

Vậy thì, bao nhiêu cơn giận là “quá nhiều” đối với chúng ta?

 

Bất luận bao nhiều đều không sao cả, miễn là chúng ta kìm nén cơn giận trong giây lát và cuối cùng chúng ta có thể đối phó với cảm xúc của mình. Tiến sĩ Duijn- dam cho biết: “Luôn có những tình huống trong cuộc sống thực khiến bạn cảm thấy khó chịu. Miễn là nó qua đi thì không sao cả. Nhưng sẽ không ổn khi nó bắt đầu chi phối cuộc sống của bạn”.

 

Đúng vậy, cảm thấy tức giận dai dẳng sẽ khiến chúng ta muốn đánh nhau mà các nhà tâm lý học gọi là “tính thù địch” (trait hostility). Tiến sĩ Duijndam giải thích rằng xu hướng thù địch - được dùng để mô tả những người hay hoài nghi và hung hăng với người khác - có thể bắt nguồn từ sự bất an cá nhân hoặc hoàn cảnh khó khăn khiến một người cảm thấy cần phòng thủ. Bà Duijndam cho biết, chúng ta có vẻ thường xuyên “xem thường mọi người và chỉ trích mọi thứ”. Tiến sĩ Martin nói thêm "Những người thường xuyên phàn nàn sau đó có thể bị gắn mác “độc hại”; cuối cùng, họ sẽ không có nhiều bạn bè hoặc thành viên gia đình ủng hộ để có thể tìm đến khi gặp khó khăn”.

 

Cuối cùng, chính phản ứng của chúng ta trước cơn giận sẽ ảnh hưởng đến những tác động có thể xảy ra đối với sức khỏe của mình. Tiến sĩ Martin cho biết: “Cơ thể bạn không được thiết kế để sống trong trạng thái đó trong thời gian dài”. “Nó được cho là giúp bạn thoát khỏi mối đe dọa nhất thời”. Nếu chúng ta để cơn thịnh nộ chế ngự mình - chẳng hạn, chúng ta liên tục thấy mình suy nghĩ tức giận trong vài giờ, chứ đừng nói đến nhiều ngày hoặc nhiều tuần - thì luồng hor- mone căng thẳng sẽ tiếp tục được tăng bồi trong cơ thể và “điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe về lâu dài”, Tiến sĩ Duijndam cho biết.

 

Sau đây là những khám phá đáng ngạc nhiên mà tức giận có thể tác động đến sức khỏe, từ nguy cơ tim mạch đến các vấn đề về giấc ngủ.

 

Tức giận không chỉ là cảm giác khó chịu mà việc dành quá nhiều thời gian để tức giận có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

 

Ở trạng thái tốt nhất, tức giận cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm và truyền cảm hứng cho hành động. Nhưng tức giận là một cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác đối kháng với ai đó hoặc điều gì đó đã làm sai với chúng ta, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA).

 

Theo Tiến sĩ Raymond Chip Tafrate, nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tại Đại học Central Connecticut State ở New Britain, khi những trải nghiệm tức giận diễn ra quá thường xuyên, quá dữ dội, kéo dài quá lâu hoặc không tương xứng với sự kiện kích hoạt, cảm xúc đó có thể gây ra những tác động có vấn đề đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.

 

Tiến sĩ Tafrate giải thích rằng “Tức giận là một phần của phản ứng chiến đấu, đóng băng hoặc bỏ chạy trong đó tuyến thượng thận tràn ngập cơ thể bằng các hor- mone gây căng thẳng, chẳng hạn như adrenaline và cortisol”.

 

Chúng ta trải qua những tác động sinh lý như nhịp tim và huyết áp tăng nhanh, đẩy máu về tim nhanh  chóng. Cơ thể đang chuẩn bị về mặt thể chất để chiến đấu để tự vệ hoặc chạy trốn khỏi nguy hiểm.

 

Mặc dù hệ thống phản ứng căng thẳng này trong cơ thể chúng ta đã tiến hóa để bảo vệ chúng ta, nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không cần nguồn năng lượng tăng cường đó để đối phó với bất kỳ điều gì gây ra cơn tức giận của chúng ta (giao thông tắc nghẽn, trẻ em quậy phá hoặc email xỏ xiên của ai đó gửi tới).

 

 

Và việc kích hoạt mãn tính các hormone căng thẳng dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Sau đây là một số tác động của cơn tức giận đối với sức khỏe:

 

 

Cơn tức giận gây căng thẳng cho tim

Cảm thấy tức giận kích hoạt cơ thể giải phóng các hormone căng thẳng, theo thời gian có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy cơn tức giận (kể cả cơn tức giận nhất thời được đo bằng những thay đổi trên khuôn mặt) dẫn đến những thay đổi ở tim, làm giảm khả năng bơm máu của cơ, có thể dẫn đến huyết áp cao và các biến chứng sau đó (như bệnh tim, đau tim, đột quỵ và hội chứng chuyển hóa).

 

Theo đó, nghiên cứu cho thấy những người dễ tức giận (những người có xu hướng coi các tình huống là thù địch và ít có khả năng kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc thù địch của mình) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn.

 

Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng tính cách tức giận cao hơn cũng liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch vành và các biến chứng cao hơn. Theo Tiến sĩ Rachel Lampert, giám đốc Chương trình Tim mạch Thể thao tại Yale Medicine ở tiểu bang Connecti- cut, Mỹ, tức giận cũng ảnh hưởng đến những người bị loạn nhịp tim (nhịp tim không đều).

 

“Chúng tôi đã chỉ ra rằng nếu bạn dễ bị loạn nhịp thất (nhịp tim bất thường bắt nguồn từ các buồng tim dưới) - hoặc bạn dễ bị rung nhĩ (nhịp tim bất thường ở các buồng tim trên) - thì khả năng mắc một trong những loạn nhịp tim này cao hơn vào thời điểm bạn tức giận hoặc căng thẳng”, Tiến sĩ Lampert cho biết.

 

Nguyên nhân là do adrenaline, tăng lên khi chúng ta tức giận, có thể gây ra những thay đổi về điện trong tim.

 

  • Sự tức giận làm tăng nguy cơ đau tim

Bằng chứng cũng cho thấy rằng sự tức giận có liên quan cụ thể đến nguy cơ đau tim cao hơn.

 

Trong một đánh giá có hệ thống xem xét các nghiên cứu với tổng số gần 4,000 người tham gia từ hơn 50 trung tâm y tế tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các cơn đau tim tăng gấp đôi trong vòng hai giờ sau khi bùng nổ cơn tức giận, một mối liên hệ cũng được phát hiện là mạnh hơn khi cơn tức giận tăng lên. Điều này cho thấy cơn tức giận dữ dội hơn thực sự tệ hơn đối với tim của chúng ta, các nhà nghiên cứu lưu ý.

 

  • Sự tức giận làm gián đoạn quá trình tiêu hóa

Nhiều nghiên cứu cho thấy não và ruột liên tục giao tiếp và ảnh hưởng lẫn nhau.

 

Một vai trò của hệ thần kinh tự chủ (điều chỉnh các quá trình cơ thể không tự nguyện) là giúp điều chỉnh quá trình tiêu hóa. Nhưng điều đó có thể bị rối loạn khi cơ thể chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy, như có thể xảy ra khi phản ứng với căng thẳng.

 

“Bạn có thể mong đợi một số thay đổi về chức năng và hiệu suất của ruột”, Pankaj Jay Pasricha, MD, chủ tịch y khoa tại Phòng khám Mayo ở Scottsdale, Ari- zona cho biết. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa (bao gồm đau bụng, đau dạ dày và tiêu chảy) - và về lâu dài, căng thẳng mãn tính có liên quan đến sự phát triển của bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

 

  • Quá tức giận cản trở sức khỏe tâm thần

Căng thẳng khi tức giận cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu cho thấy rằng tức giận thường gia tăng trong các rối loạn cảm xúc, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, và có liên quan đến cả các triệu chứng tồi tệ hơn và phản ứng kém hơn với điều trị.

 

Theo APA, tức giận (đặc biệt là tức giận kéo dài) cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và kiểu suy nghĩ của chúng ta.

 

Nó có thể khiến chúng ta trở nên thù địch hoặc hoài nghi hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và khả năng hình thành mối quan hệ của chúng ta. Tất cả những điều này chắc chắn có thể gây hại cho sức khỏe.

 

“Phản ứng tức giận của chúng ta có thể gây hại cho những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta”, Tiến sĩ Tafrate nói. Con người là cá thể vật xã hội và chúng ta cần các kết nối xã hội để phát triển. “Sự tức giận có thể tạo tiền đề cho những lời lẽ khó nghe hoặc thậm chí là hành vi bạo lực”.

 

  • Cơn tức giận có thể làm hỏng giấc ngủ

Những người đấu tranh để kiểm soát cơn tức giận hoặc thường xuyên tức giận hơn đã được chứng minh là có giấc ngủ kém hơn. Một nghiên cứu đã xem xét mối tương quan giữa cơn tức giận cao hơn và các rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như khó bắt đầu và duy trì giấc ngủ ở nam giới và phụ nữ Hàn Quốc trung niên.

 

Mức độ tức giận từ trung bình đến cao có liên quan đáng kể đến việc tăng 40 đến 70 phần trăm nguy cơ rối loạn giấc ngủ ở người lớn được nghiên cứu.

 

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng cảm thấy tức giận làm tăng sự kích thích về mặt tâm lý và bất ổn về tinh thần, sau đó khiến họ khó ngủ hơn.

 

Tóm lại, bài học có thể rút ra sự tức giận bao gồm:

  • Sự tức giận không chỉ là cảm giác thoáng qua - nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể và tâm trí.
  • Sự tức giận mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gây rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và giấc ngủ.
  • Phải cố gắng mau chóng tìm ra những cách lành mạnh để kiểm soát cơn tức giận, chúng ta có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của mình./.

 

 

N. R. (tổng hợp - viết riêng cho Nam Úc & Dân Việt)