Tại một quán điểm tâm, chung quanh chiếc bàn tròn kê gần cửa, năm ông đầu bạc ngồi chờ dịch vụ sau khi đã gọi cà phê phin, bánh mì giòn, trứng ốp-la cho bữa ăn sáng nay – ngày thứ Bảy ấm áp.
Đây là một nhóm bạn cao niên thân thiết. Họ gặp nhau trong đồng cảnh ngộ – đều là di dân đến xứ người vì muốn tự do, muốn đổi đời. Tuy tuổi tác ngang nhau, nhưng thực tế vẫn có ông già nhất mang tên Cả, ông trẻ nhất tên Út, và ba ông còn lại lần lượt được gọi là Trỏ, Giữa, Nhẫn. Coi mặt đặt tên nên dễ nhận dạng.
Ở nước nhà, mỗi ông mỗi miền, họ chưa hề gặp nhau một lần. Nay trên “đất khách”, được biết nhau đôi ba lần qua sinh hoạt cộng đồng, chùa chiền hay nhà thờ, hội thánh nên kết bạn. Dù không cư ngụ sát nách nhau, nhưng nhờ có xế hộp hoặc tàu điện, xe buýt, cứ hú một cái các ông tụ lại chẳng lâu lắt chi – thôi thì “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng tốt.
Từ ngày lập nên “Đội Ngũ” - nhóm 5 trự – các ông vui lắm. Ai nấy đều bảo rằng chính đội ngũ đã cứu mình ra khỏi buồn bực, thậm chí khỏi trầm cảm và tệ nhất là có ông định “bỏ quách xứ màu mỡ để trở về cố hương” nhưng nhờ nhóm mà ngừng ý định. Mỗi ông mang một tâm sự – nỗi niềm biết tỏ cùng ai! Ấy chính lý do đó mà họ gặp nhau ăn sáng vào buổi cuối tuần để tán chuyện gẫu chứ không lạm bàn quốc sự – xin làng nước hiểu cho.
Mỗi người mỗi tánh; gia cảnh, trình độ, sở thích khác nhau; công việc trước đây cũng khác nhau nữa. Có ông về VN như cơm bữa, có ông chẳng rời chân khỏi đất “căng ga ru” lấy 1 ngày, có ông đã đi du lịch Âu Mỹ mòn cẳng. Gặp nhau để “xả bầu tâm sự”. Các ông đã cam kết “Mỗi khi chúng ta ăn, uống ở ngoài, nhất định ăn, uống giống nhau” - đấy là sự bày tỏ đồng nhất và thiết hữu của “Đội Ngũ”. Các ông cũng cam kết khi tán gẫu, bàn chuyện, nhất định chỉ góp ý chứ không tranh luận để khỏi phân rẽ nội bộ hoặc làm mất tình hòa khí mà các ông quý hơn vàng, hơn các bà thích hột xoàn.
Để lại gì sau lúc ra đi?
Mỗi lần năm ông đầu bạc rủ nhau ra quán cà phê góc phố ngồi, tất nhiên là có chuyện kể. Các ông cùng nói cho nhau nghe mọi sự trên đời xảy ra trong tuần, trong những ngày chưa được tụ lại; và rồi cũng kèm theo câu chuyện “mảnh đời của ai đó”. Hôm nay ông Út nói về một nhà giáo.
Nhà giáo D. đến Úc định cư dưới dạng gia đình tị nạn cùng vợ và ba quý tử. Ông là một nhà mô phạm nghiêm khắc, trước hết nghiêm khắc với vợ con, sau đó mới tới học trò – rõ là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khi ông rời đảo từ một quốc gia thứ hai đến Úc, ông bảo “tôi chẳng có gì để mang vào Úc, ngoại trừ mấy cây roi mây, nó là thứ rất cần đối với tôi”.
Ở quê nhà trước hoặc sau 1975, ông đều được bổ nhiệm dạy tại hai trường trung học nữ nổi tiếng. Ôn có biên soạn và xuất bản một quyển sách giáo khoa về môn ông dạy - Vạn vật học. Ông rất tự hào về bản thân vì ông là một trong những sinh viên tốt nghiệp sư phạm của niên khóa đầu tiên tại Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Ông kể rằng, cha ông mất sớm, mẹ ông phải bươn trải bán buôn nuôi năm con. Ông là con đầu lòng, lúc nào cũng sẵn sàng phụ giúp mẹ; dẫu có mang nặng, mặt mũi nhuếch nhoác, ông cũng không than. Gia đình ông rời Hải Phòng vào Nam trong chiến dịch di cư năm 1954. Học để đổi đời, nên ông và các em đều chăm chỉ, miệt mài đèn sách. Trong thời học sinh trung học, trai thì Chu Văn An, gái thì Gia Long hoặc Trưng Vương.
Khi đến Úc, nhờ có các hội từ thiện giúp đỡ và giới thiệu, ông được vào làm tại Bộ Giáo dục NSW. Ông không thể trở lại chức vụ nhà giáo gặp gỡ và dạy dỗ học trò; bởi muốn vào ngành “gõ đầu trẻ” Úc, phải có văn bằng Cử nhân Giáo dục từ một Đại học Úc hoặc Đại học được Bộ Giáo dục Tiểu bang hay Liên bang Úc công nhận và khả năng Anh ngữ - ông D. không đáp ứng được điều kiện này.
Ở vào những năm đầu của thập niên 80 (thế kỷ 20), khi người Việt đến Úc tị nạn chưa tới 50 ngàn, được làm “công chức” nhất định là “oai” rồi, nên ông D. thỏa lòng và hãnh diện. Tại văn phòng chính (“head quarter”) của Bộ Giáo dục, đăt tại tòa nhà ở Bridge St, Sydney, nhìn ra Circu- lar Quay, ông D. được ngồi một trong 12 chỗ phân phối ngân phiếu hỗ trợ các gia đình có con em học từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, với ngạch “Clerk” (Thư ký), bậc 1. Bấy giờ, số học trò trường công hơn 700,000 và học trò trường tư khoảng 400,000 - ước chừng đến từ ba, bốn trăm ngàn hộ gia đình. Có nghĩa, hàng năm Bộ Giáo dục NSW phải phát ra ba, bốn trăm ngàn “séc” (cheque – ngân phiếu) gửi tới tất cả các hộ gia đình gọi là Trợ cấp Giáo dục, mỗi học trò nhận được $50. Thời buổi đó, hệ thống ngân hàng, cơ quan chính phủ còn “thủ công nghệ”, nào có thể nhanh như điện và chút chút là chuyển khoản như ngày nay đâu. Và cũng vào thời đó, $50 cho mỗi học trò được bố mẹ quý lắm, vì có thể tạm đủ để mua đồng phục, giầy, nón cho con mình dùng trong một niên khóa.
Chính vì tiền bạc rất quý, nên các gia đình trông ngóng “séc” như con ngóng mẹ về chợ. Nếu gần tới ngày mà chưa có “séc”, họ gọi điện thoại đến văn phòng Bộ Giáo dục để hỏi han hoặc thúc giục. Một đôi khi, có ai đó quá bực mình hay “khôn” hơn thì báo cho dân biểu địa phương. Nơi nào có dân biểu đối lập thì đó là dịp may cho các ổng, các bả đem ra Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Giáo dục. Tất nhiên, Bộ trưởng Giáo dục bị “quê” nên “quạt” lại Tổng Thư ký Bộ Giáo dục; Tổng Thư ký Bộ Giáo dục “hạch” Trưởng phòng và Trưởng phòng “quát” nhân viên. Ông D. làm chậm nên những trận đòn gió kia phần lớn đến từ những gia đình do ông D. phụ trách.
Gia đình ông D. không “muốn” giao thiệp với nhiều gia đình đồng hương vì sợ “thêm phiền”; nhưng cũng may gặp được hai gia đình có quen biết nhau từ hồi còn ở Sài Gòn, nên có điều chi ông đều tâm sự. Ông D. kể rằng, “bọn chúng” – ám chỉ những nhân viên trong Bộ Giáo dục - kỳ thị lắm. Trong công việc phân phối “séc Trợ cấp Giáo dục”, họ giao cho ông những gia đình người được hưởng có tên họ mang vần J, S và W – đây là những họ rất phổ thông trong 26 chữ cái English và N - phổ thông trong họ của người Việt. Ông D. cho rằng với bốn họ này ông phải kiểm tra xem có thật con em đang học không (độ tuổi, lớp học và trường học), lập danh sách có kèm địa chỉ (họ và tên, địa chỉ rõ ràng có mã số Bưu điện của người thụ hưởng) – tất cả đều viết tay – một văn phòng chỉ có vài, ba nhân viên đả tự (đánh máy). Rốt cục, ông D. nhận được nhiều điện thoại thúc hối nhất. Mà cứ mỗi “cú” điện thoại, ông lại lần truy lục hồ sơ xem “séc” đang ở giai đoạn nào để trả lời. Ông nói, càng nhiều cuộc gọi, ông càng bù đầu, công việc bị dồn lại.
Ông D. không hiểu tại sao họ lại “đì” ông vậy. Nghe ông phân trần và kể về sinh hoạt của ông khi làm việc, người bạn đồng hương và đồng nghiệp (vì cũng là công chức NSW) của ông nhận xét: ông quá hãnh diện với trình độ “thầy giáo” của mình trong khi đa số nhân viên Úc hoặc sắc tộc khác làm cùng phòng hoặc cùng công việc với ông chỉ có trình độ lớp 10 hoặc 11 trung học; họ nói tiếng Anh lưu loát và cởi mở; ông D. “nhút nhát” và nói quá chậm rãi (vì muốn cho rõ), không trò chuyện với ai, cứ lầm lũi làm; giờ ăn trưa, “bọn chúng” ngồi với nhau trong phòng ăn và đa số xơi bánh mì kẹp thịt (sandwich), trò chuyện rổn rảng; riêng ông D. thì ăn tại chỗ (ngay bàn làm việc) với món ăn quốc hồn quốc túy – cơm, rau xào, thịt kho. Cái khác người đã làm khổ ông.
Mà thật vậy, chỉ sau ba năm làm “công bộc của dân NSW”, ông D. đau dạ dầy. Ông đau vì ông quá lo lắng, bực tức mà không nói ra, ngồi thụ động một chỗ quá lâu. Thời buổi đó, NSW chưa có luật EEO (Equal Employment Opportunity – Cơ hội làm việc bình đẳng), chưa có cảnh báo về RSI (Repetitive strain injury - Chấn thương do căng cơ lặp đi lặp lại một động tác) nên “hồn ai người đó giữ”, việc ai người đó làm; chẳng có “Sếp” nào nghĩ đến nhân viên – vì “Sếp” cũng phải lo cho thân mình kẻo “Super Sếp” cự lự! Mãi tới năm 1985 mới có EEO và RSI.
Rồi một buổi chiều tan sở, từ văn phòng Bộ Giáo dục ra ga tàu điện Circular Quay khoảng chừng 10 phút đi bộ, ông D. yếu sức vì đau trong bụng đến nỗi ông không thể bước vào ga tàu điện được; ông vội ghé một cột điện thoại công cộng (lúc đó chưa có điện thoại cầm tay) … Chưa kịp gọi ai hết, ông D. ói ra máu và ngất xỉu. Có người cùng sở tạt lại đỡ ông và gọi về văn phòng Bộ Giáo dục. Trưởng phòng Tài chánh và vài nhân viên cùng chạy ra. Xe Cấp cứu hú còi đến đưa ông D. nhập viện.
Sau ba tuần nghỉ bệnh, ông D. đi làm lại và “đâu cũng hoàn đó”, nghĩa là ông vẫn phải chăm sóc những gia đình được hưởng Trợ cấp Giáo dục cho con em trong bốn họ có chữ đầu là J, N, S và W. Ông điện thoại cho người bạn hiện đang làm ở Bộ khác, nhưng trước đó có làm tại Bộ Giáo dục trong Khối Nhân sự – đặc trách về EEO, và nói mình muốn thôi việc vì không sao chịu nổi áp lực. Người bạn vội đến thăm ông tại nơi làm việc và gặp Trưởng phòng Tài chánh. Hiểu rõ hoàn cảnh của ông D., Trưởng phòng Tài chánh bằng lòng chuyển ông đến ngồi vào vị trí nhận các văn bản từ giáo chức NSW gửi đến, xếp theo vần và giao cho các nhân viên làm hồ sơ để họ sắp xếp chuyển đến giới chức liên hệ theo nội dung văn bản. Như vậy ông D. không còn áp lực từ việc cho xuất “séc” nữa. Chẳng ai gọi điện hạch hỏi ông – vì ông không phải nhận điện thoại và trả lời ai cả; ông cứ từ từ làm, không một nhân viên nào thúc giục hay quấy rầy ông. Căn bệnh của ông có phần thuyên giảm.
Một năm sau, cơ hội đến, một phần của văn phòng chính Bộ Giáo dục được chuyển về Par- ramatta, ông xin theo về đó. Như vậy, từ nhà tại Fairfield, ông chỉ mất dưới 15 phút là đến được sở cũng bằng tàu điện, thay vì 45 phút tới Circular Quay và phải cộng thêm 10 phút đi bộ. Từ đó, không ai nghe thấy tiếng cằn nhằn, than thở của ông D. nữa. Vợ con, và người quen biết đều mừng cho ông.
Nay kể đến việc nhà mô phạm này dạy các con của chính mình. Ông Út tiếp tục bằng câu hỏi và tự trả lời:
- Hẳn quý bác còn nhớ, ông D. có mang theo một tài sản từ đảo tị nạn vào Úc, rất cần thiết đối với ông? Vâng, đấy là vài cây roi mây!
Ba con trai của ông bà D. khi vào Úc ở độ tuổi 3, 5, và 7. Ông D. nắm quyền trưởng gia đình. Vợ ông cũng là giáo viên tiểu học bên nhà, tánh tình hòa dịu và lúc nào cũng thuận theo ý của chồng, không một lời cãi qua cãi lại.
Khách đến nhà (rất ít), ông đều gọi con ra chào. Ông đã dạy con mình từ tấm bé rằng, khi chào phải khoanh tay, nhìn thẳng vào khách, nói lớn “Con chào bác… ạ” và chỉ được bước đi khi nào khách trả lời; nếu chưa, buộc đứng tại chỗ để chờ - đôi khi ông D. nhắc khách giúp con mình “Cháu nó chào bác, đấy ạ…”. Mỗi khi được cha mẹ đưa đến thăm nhà ai, việc chào cũng cung kính như ở nhà mình, không sai trật một li. Chẳng may cho cu cậu nào mải chơi để việc chào diễn ra ngoài khuôn phép, lúc khách về hoặc lúc về nhà, cây roi mây sẽ được ông D. sử dụng. Ông bắt con nằm sấp, hai tay để xuôi bên sườn; ông nêu lỗi lầm của con; con ông “dạ” lớn để nhận lỗi và ông tuyên bố hình phạt là một, hai hay nhiều roi đen đét vào mông. May cho ông, chuyện dùng roi mây ng- hiêm “trị” con mình xảy ra trước năm 1990 nên không có chuyện gì phiền cho ông. Sau đó, người bạn biết được ông D. dùng roi đánh con nên cảnh báo “không thể làm vậy”. Thực tế, có một vài em học sinh người Việt đến trường được thầy cô phát hiện lằn roi trên lưng, nơi bắp chuối chân, đã báo cho cảnh sát. Cũng nhờ trước năm 1990, luật pháp Úc chưa nghiêm khắc với phụ huynh trong lối dạy con kiểu bạo lực, nên cảnh sát chấp nhận lý giải “văn hóa dạy con” trong công đồng thiểu số có phần khác với văn hóa Úc nên được bỏ qua. Nhưng từ năm 1990 thì rắc rối to… đi tù là cái chắc!
Ông D. không đến chùa và cũng chẳng bước tới nhà thờ; trong nhà không có thờ cúng, nhưng ông D. luôn luôn nhận rằng mình theo đạo thờ cúng tổ tiên. Ông D. rất kỵ nếu ai đó đến chơi mà nói về đạo, bất luận đạo Phật hay đạo Cơ đốc. Thế nhưng, khi chuyển đổi tên gọi của cả nhà từ Việt sang Anh, ông chọn 5 tên đều là năm tên của những nhân vật có trong Kinh Thánh. Với ba con trai được thay bằng tên rất nổi bật trong Kinh Thánh vì đó là những người được Đức Chúa Trời ban phước, họ rất khôn ngoan và tài giỏi. Không hiểu có nhờ ở những tên gọi này hay không, ba con ông học giỏi thật. Con đầu đậu HSC trên gần 90 điểm, con thứ nhì 96 và con thứ ba 99. Khi hai con ông D. có điểm trên 90, đúng vào lúc người Việt đổ xô đi tìm người dạy kèm con mình và bấy giờ các gia đình Việt chỉ mong con đậu HSC có điểm tối đa để vào học Dược khoa, Nhãn khoa, Nha khoa, Luật khoa và Y khoa. Họa hoằn mới gặp được cha mẹ cho con tự do lựa ngành con thích dẫu điểm HSC đủ vào ngành Y khoa. Thế là, ông D. cho hai con mở lớp dạy kèm.
Có thể do lối dạy con quá khắt khe, khi các con ông D. tốt nghiệp đại học, chúng đều tìm cách rời gia đình bố mẹ sớm nhất thay vì nán lại vài năm “trả ơn” cha mẹ. Người con thứ nhất của ông lập gia đình và đi ở riêng. Người con thứ hai, làm việc cách nhà ông D. tuy chưa quá 30 cây số nhưng nại nguyên nhân đường luôn bị kẹt xe vào buổi sáng và buổi chiều nên “xin phép” cho mướn căn hộ gần nơi làm việc để đi làm cho tiện. Người con thứ ba dự kiến học 6 năm để có hai Cử nhân Thương mại và Luật (double degree); nhưng khi học xong thương mại thì có một công ty Hoa Kỳ ở Melbourne tuyển dụng; cậu ta nhận việc liền và cắt ngang chuyện học luật; một năm sau, công ty này chuyển con ông sang Singapore và từ Singa- pore cho qua học Thạc sĩ Thương mại tại Đại học danh tiếng Havard (Hoa Kỳ) hai năm với số lương 20,000 Mỹ kim cộng thêm chi phí ăn, ở, đi lại và tiền học. Khi con ông D. tốt nghiệp Thạc sĩ, được ông Bill Gates từ Microosft ở Seatle đến Đại học Havard “chấm”; bằng lòng bồi hoàn tất cả tốn phí cho công ty đã gửi con ông đi học hai năm ở Ha- vard. Ông D. rất hãnh diện với con thứ ba; gặp ai ông cũng kể “kỳ tích”. Thậm chí có một lần báo địa phương của Tây phỏng vấn, ông trả lời ông có hai con – không nhắc tới con đầu vì nó không nổi, chì là một nhân viên IT của ngân hàng.
Ít năm sau, người con thứ ba mời bố mẹ sang làm chủ hôn. Anh ta lập gia đình (do bố mẹ sắp xếp để quen với con gái của một nhà giáo tuy cư ngụ khác tiểu bang với con ông) và định cư luôn tại Mỹ, chỉ có trở về Úc một lần duy nhất sau khi nhận lời làm việc tại MicroSoft của ông Bill Gates.
Người con thứ hai, dường như không có ý định lập gia đình nhưng có một lần về rù rì với mẹ “Bố mẹ để con bán căn nhà bố mẹ và dọn về ở với con – số tiền này con đầu tư, bố mẹ sống sung túc cả đời”. Ông D. biết được, ông “quạt” cho quý tử một trận “tróc nóc”. Từ đó, con thứ hai của ông chẳng muốn về thăm nhà.
Khi các con ông D. đã “thành danh”, và tuy tuổi ông chưa được 60, nhưng Bộ Giáo dục theo lệnh của chính phủ tiểu bang là phải giảm nhân viên có đền tiền (redundancy), nên ông chụp cơ hội để nghỉ việc. Vợ ông D. tiếp tục công việc thêm 1 năm nữa rồi xin nghỉ hưu non. Hai ông bà dồn hết số tiền hưu để trả nợ ngân hàng cho căn nhà đang ở. Hết nợ nhà, tiền trong băng chẳng còn nhiêu và bấy giờ ông D. bước vào tuổi 65, bà trên 60 nên cả hai được hưởng trợ cấp già.
Ông bà D. sống đơn giản, không se sua, không nhiều bè bạn, chẳng đi đâu. Căn nhà ông mua từ năm 1992 đến khi nghỉ việc và thậm chí đến ngày ông qua đời cũng chẳng tu sửa hay trang hoàng thêm gì.
Tội nghiệp, một cuộc đời thầm lặng, không tranh giành, ganh đua, lúc nào cũng an phận thủ thường; thế nhưng khi về hưu ông D. tự nhiên sống khép kín. Ông bán xe, trả bằng lái, tuyệt đối không đến thăm ai hết. Một tuần đi bộ ra siêu thị, tiệm trái cây một lần. Ông đi trước, bà đi sau kéo theo xe đi chợ. Ngoài việc đi bộ chưa quá 10 phút này, ông bà D. đều bó rọ trong nhà. Ông qua đời năm 80 tuổi (cách nay 8 năm), người bạn thân ở gần cũng không được báo tin; chừng dịp Giáng sinh gởi thiệp chúc tuổi năm mới, được bà D. trả lời là chồng mình đã ra đi về cõi vĩnh hằng cách hồi tháng Hai. Ôi thế sợ nhân tình, cuộc sống quá ngắn ngủi. Người đi rồi, để lại được chi!!!