Đôi khi mất công một chút là chuyện tốt. Sự tiện lợi tới tối đa có thể lấy đi những thứ chúng ta không ngờ tới.

 

 

Đặt hàng một chiếc sandwich trên điện thoại và người giao hàng nhanh sẽ phân phát tới tận cửa nhà bạn trong vài phút. (ảnh: Guillermo Fernandes)

 

 

Tim Wu gọi sự tiện lợi là “thứ bị đánh giá thấp nhiều nhất và được hiểu ít nhất trong thế giới hiện nay”. Khi viết cho New York Times, ông Wu đã đào sâu phân tích vì sao mọi thứ trong thế giới hiện đại – từ việc chuẩn bị đồ ăn, đến mua hàng trên mạng, và đặt xe taxi – đã được làm cho trở nên dễ dàng nhất có thể, và tác động của nó đối với con người là như thế nào.

 

Trong bài báo, ông Wu miêu tả hai làn sóng văn hóa về sự tiện lợi. Làn sóng thứ nhất xảy ra vào đầu thế kỷ 20, khi người ta phát minh ra các thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động ở gia đình, rất nhiều trong số đó là mô phỏng theo lắp đặt công nghiệp. Người ta vui mừng đón nhận những thiết bị này, cho rằng nó sẽ giải phóng sức lao động của mình và lần đầu tiên họ có thể hưởng thụ cuộc sống.

 

Làn sóng thứ hai là vào đầu những năm 1980, khi người ta bắt đầu sản xuất các công nghệ về đồ cá nhân, ví dụ như Sony Walkman và dần dần phát triển tới một thế giới internet và định hướng bởi smartphone mà chúng ta đang sống hiện nay. Ông viết:

Khi Walkman xuất hiện, chúng ta có thể thấy được một sự dịch chuyển vi tế nhưng mang ý nghĩa nền tảng trong cách nghĩ của người ta về sự tiện lợi. Nếu cuộc cách mạng thứ nhất về tiện lợi khiến cho cuộc sống và công việc dễ dàng hơn, thì cuộc cách mạng thứ hai khiến bạn trở nên độc tôn hơn. Các công nghệ mới là chất xúc tác để đưa cái tôi lên, nó khiến cho cái tôi của người ta dễ được biểu đạt hơn.

 

 

 

Chiếc Sony Walkman đầu tiên (ảnh: Sony)

 

 

 

Hiện nay chúng ta sống trong một thế giới mà sự tiện lợi đã lên ngôi, trở thành một thứ quyền lực mạnh mẽ nhất. Nếu bạn không tin, hãy thử ngừng trong giây lát để chất vấn bản thân về những thói quen của chính mình. Có phải bạn chỉ ném quần áo vào máy sấy thay vì phơi như cách thông thường? Bạn mua cà phê trên đường hay tự pha? Cho dù người ta biết cách nào là tốt nhất, thì tuyệt đại đa số vẫn chọn cách dễ nhất.

 

Bài báo đáng suy ngẫm của Tim Wu có thể gợi người ta nhớ tới cuốn Cậu bé Nông dân của Laura Ingalls, cuốn sách tường thuật lại cuộc sống nông dân khó khăn vào giữa thế kỷ 19 tại phía bắc New York, hoàn toàn trái ngược với sự tiện lợi. Thời đó người ta phải bỏ ra nhiều công sức để làm mọi thứ, và tất cả các việc đều có liên hệ với nhau và cần thiết để duy trì cuộc sống. Tôi nhận ra rằng sự tiện lợi làm hại nhân loại trên nhiều phương diện khác nhau. Một vài ví dụ:

 

Không còn trân trọng sức lao động: Những công việc đơn giản hàng ngày của con người từng được nhìn nhận là niềm tự hào và mục đích sống, nhưng hiện nay lại bị dán nhãn là cực nhọc. Ví dụ, trong Cậu bé Nông dân, có một tình huống người bố của cậu bé Almanzo không muốn thuê máy đập lúa có thể đập xong hết lúa chỉ trong 3 ngày, bởi vì ông không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ thế nào nếu ông không đập lúa bằng tay vào mỗi đêm mùa đông. Hiện nay, chẳng còn mấy ai lựa chọn làm việc chỉ để làm việc như vậy. Mà ngược lại, tính hiệu quả mới là trên hết.

 

Trở nên lười nhác: Ông Wu đưa ra ví dụ việc người ta mua vé máy bay trên mạng đã trở thành thông lệ. Nhiều người trẻ tuổi đã không còn hiểu được ý nghĩa của việc đôi khi phải xếp hàng; và niềm vui khi được trò chuyện với ai đó. Có quan điểm cho rằng sự tiện lợi cũng làm méo mó quan niệm của người ta về những yếu tố cần thiết để sản xuất và chế tạo. Chúng ta đã không còn tự trồng cấy và nấu thức ăn, nướng bánh mỳ, khâu quần áo, và có xu hướng lãng phí hơn. Bởi vì chúng ta chưa biết trân trọng điều mà Người bố (trong tiểu thuyết nêu trên) gọi là “một ngày làm việc hết mình.”

 

Sức khỏe: Đồ ăn nhanh đã dẫn tới sự thiếu dinh dưỡng và sức khỏe yếu. Bởi vì chúng ta không còn phải chế biến thức ăn từ bước đầu, cũng không còn động lực để làm như vậy. Khi Almanzo và các anh chị em muốn làm kem lạnh, họ phải lấy một khối đá lạnh từ trong kho đá ra, vắt sữa bò để làm kem, rồi đợi cho nó đông lại; họ làm tất cả bằng tay.

 

Khiến cho chúng ta chỉ tập trung vào kết quả: Như ông Wu nói, sự tiện lợi là chỉ nhấn mạnh vào đích đến, và không có quá trình, việc này khiến cho người ta bỏ lỡ những trải nghiệm đáng quý trên suốt chặng đường.

 

Tôn giáo mang tên “tiện lợi” ngày nay khiến cho người ta không thể thừa nhận rằng khó khăn là một đặc điểm cấu thành nên trải nghiệm của con người… Leo núi khác với đi cáp treo lên tận đỉnh núi, cho dù bạn cùng có một đích đến. Chúng ta trở thành những người chỉ quan tâm đến kết quả. Chúng ta đang có rủi ro biến hầu hết những trải nghiệm cuộc sống của mình trở thành một chuỗi những chuyến đi bằng cáp treo.”

 

 

 

Một lực đồng nhất mọi thứ: ông Wu chỉ ra rằng, “Công nghệ cá nhân hóa lại làm mất đi sự riêng tư của người ta.” Ông lấy ví dụ về Facebook:

“Hầu như tất cả mọi người đều có tài khoản facebook: đó là cách tiện lợi nhất để theo dõi bạn bè và gia đình, mà đáng ra họ phải thể hiện những gì đặc sắc về bản thân và cuộc sống của mình. Nhưng Facebook dường như đang làm cho chúng ta đều giống nhau. Cách bố trí và vận hành trên Facebook đã lấy đi của chúng ta tất cả, ngoại trừ một số thứ hời hợt bề mặt như quyền chọn ảnh cho hình nền.”

 

Và còn vấn đề môi trường: Hãy nhìn vào vấn nạn mà loại túi ni-lon dùng một lần gây ra. Các hoạt động mua sắm và ăn nhanh, hoặc ăn trên đường đã khiến cho những túi nhựa độc hại không thể phân hủy sinh học lan ra đại dương. Có cách để chúng ta sống mà không thải ra rác nhưng người ta không thích áp dụng, đa phần là vì nó không thuận tiện.

Ở đây không phải chúng ta phản đối công nghệ một cách cực đoan. Đa phần chúng ta sẽ vẫn sống và dùng điện thoại di động, máy giặt, và lái ô tô hay xe máy đi làm. Chúng ta hẳn sẽ không đợi người đóng giày đến rồi mới mua giày, hay đợi người bán rong đến rồi mới mua chảo. Bạn có thể mua các thứ mà mình cần, có thể giao tiếp với mọi người một cách dễ dàng, có bếp gas hay bếp điện để nấu ăn thuận tiện mà không cần nhóm lửa.

 

Nhưng cốt lõi ở đây là, đừng làm cho cuộc sống của mình trở nên quá thuận tiện đến mức bị lỡ mất những gì thực sự ý nghĩa, mất trải nghiệm giá trị của quá trình làm việc. Và khi thực hiện các việc, gia đình chúng ta sẽ có được một cảm giác sâu sắc về mục đích công việc, và niềm tự hào vì đã tự mình hoàn thành điều gì đó. Chúng ta cũng nên tránh dùng một số tiện ích gây hủy hoại cho hành tinh; hãy cố gắng hết sức để dạy các con mình rằng “không nên khiến mọi việc trở nên quá dễ dàng.”

(Theo trithucvn.net)