"Cái chết của Socrates" của Jacques-Louis David vào khoảng năm 1787. Sơn dầu trên vải. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. (Phạm vi công cộng).

 

 

Đôi khi lịch sử ban tặng cho chúng ta một cá nhân là kiểu thiên tài chịu sự áp bức, người có ảnh hưởng đến nền văn minh của chúng ta trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Socrates sống ở Athens, Hy Lạp vào khoảng 2.500 năm trước, là một trong những người như vậy. Những gì chúng ta biết về Socrates chủ yếu đến từ Plato, một trong những học trò của ông.

 

Socrates là một nhân vật gây tranh cãi. Rất nhiều người đã từng trò chuyện với Socrates đã không thể không dành cho ông lòng yêu mến và sự tôn trọng, nhưng ông trở nên bị thù ghét về mặt chính trị, và cuối cùng bị kết án tử hình. Socrates là ai, và cuộc đời của ông có thể đem đến cho chúng ta những trí tuệ nào vào thời điểm ngày nay?

 

 

Socrates, người khôn ngoan nhất

Sau khi đánh bại Ba Tư, Athens trở thành thành bang hùng mạnh nhất ở Hy Lạp. Dưới sự lãnh đạo của Pericles, Athens bắt đầu vượt trội về mặt quân sự, chính trị và văn hóa. Trong một thời gian rất ngắn, Athens sẽ tạo ra một nền văn hóa chắc hẳn sẽ được ghi nhớ trong nhiều thiên niên kỷ.

 

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Athens trong thời gian này là những luồng ý tưởng tự do, được Pericles khuyến khích, Athens theo đuổi và thể hiện một lý tưởng về tự do ngôn luận. Socrates, sau khi phục vụ trong quân đội của Athen, có lẽ đã được hưởng lợi từ quyền tự do ngôn luận này, vì ông có thể đã đối thoại với một số nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong thời đại của mình, và có lẽ cũng đã đặt ra câu hỏi cho nhiều công dân Athens để truy cầu trí tuệ.

 

Đối với Socrates, điều duy nhất quan trọng là phẩm chất đạo đức. Ông tin rằng “cuộc đời không trải qua gió gió mưa mưa thì không thấy được cầu vồng rực rỡ”, và những câu hỏi liên quan đến phẩm hạnh đạo đức (không phải định kiến ​​và những quan niệm tuyệt đối) là sự khởi đầu của trí tuệ con người. Socrates cho rằng mình không biết gì, và giả thiết này khiến Nhà tiên tri của Delphi xác nhận rằng Socrates là người khôn ngoan nhất ở Athens. Tuyên bố của Nhà tiên tri đó đã thúc đẩy Socrates bắt đầu một cuộc sống triết học.

 

Socrates cũng ghi nhận rằng bất kỳ sự thông thái nào mà ông có được là do “daimonion” của mình — điều mà Cicero (người đã đồng hành cùng Socrates từ khi ông còn nhỏ) sẽ dịch thành “điều gì đó thần thánh”. Socrates mô tả daimonion của mình trong cuốn “Apology” của Plato như là “một loại tiếng nói đến với tôi, và khi nó xuất hiện, nó luôn kéo tôi lại rời khỏi những điều mà tôi đang nghĩ đến sẽ làm, nhưng nó không bao giờ thúc giục tôi tiến về phía trước”. Daimonion đóng vai trò như là người hướng dẫn đạo đức cho Socrates, và luôn ngăn cản ông ấy hành động theo những cách có thể gây ra tổn hại.

 

Socrates đi bộ trên đường phố Athens và thu hút các công dân thành phố vào các cuộc đối thoại đạo đức với những câu hỏi như: "Tự do là gì?" "Công lý là gì?" "Dũng cảm là gì?". Nhiều cuộc đối thoại trong số này sẽ kết thúc với việc những người đối thoại đối diện với Socrates phải thay đổi câu trả lời đã định trước của họ, bởi vì cách đặt câu hỏi của Socrates thường làm cho sự thiếu hiểu biết của họ bị lộ ra.

 

 

Socrates “làm tha hóa” giới trẻ

Những người thích giao thiệp với Socrates là những người đàn ông trẻ tuổi, giàu có. Alcibiades, cháu trai của Pericles, là một chàng trai trẻ đầy triển vọng. Anh điển trai, giàu có, có tham vọng chính trị, và được bầu chọn làm một trong những vị tướng của Athens. Socrates biết được tham vọng chính trị của anh và đã tìm cách đối thoại với anh. Socrates muốn cho Alcibiades thấy rằng, trước khi anh suy xét và ngẫm nghĩ một cách thấu đáo về bản chất của công lý, thì anh chưa chuẩn bị tốt để thực hiện tham vọng của bản thân.

 

Năm 1776, nghệ sĩ người Pháp François-André Vincent đã vẽ bức tranh Alcibiades đang được Socrates dạy dỗ. Ở phía bên phải của bố cục, Vincent mô tả một Socrates trung niên được daimonion của ông ấy theo cùng, người mà chờ đợi để ngăn Socrates nói hoặc làm bất cứ điều gì gây tổn hại. Socrates nói chuyện với Alcibiades, hình ảnh được thể hiện ở bên trái bức vẽ. Mặc trang phục của một vị tướng thanh lịch, Alcibiades dường như lắng nghe Socrates nói - anh ta nhìn thẳng vào Socrates - nhưng cơ thể của anh ta lại quay đi.

 

 

“Alcibades được Socrates dạy dỗ” của François-André Vincent vào khoảng năm 1776. Musée Fabre. Tranh dầu trên vải. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

 

 

Chiếc khiên của Alcibiades được treo trên tường ở hậu cảnh phần nền của bức vẽ, bàn tay trái của anh dường như che giấu thanh kiếm của mình không để Socrates trông thấy. Liệu Alcibiades có chuyển từ việc che giấu thanh kiếm của mình thành việc biểu thị lời hứa xem xét công lý trong khi thực hiện tham vọng của bản thân? Hay việc anh cố gắng che giấu thanh kiếm là dấu hiệu cho thấy tham vọng chính trị của anh không có công lý?

 

Alcibiades thực sự đã theo đuổi tham vọng chính trị của mình mà không có sự suy xét một cách thấu đáo đến công lý như Socrates đã yêu cầu. Anh lên kế hoạch chinh phục Sicily, nhưng những bức tượng thuộc tín ngưỡng đã bị gây thiệt hại nghiêm trọng trước khi anh khởi hành, điều này được mọi người coi là một điềm xấu. Các đối thủ chính trị của Alcibiades đã gán ghép cho anh những hành vi báng bổ Thần linh này, và yêu cầu đưa anh ra tòa. Để tránh số phận bi thảm này, anh quyết định không trở lại Athens, thay vào đó anh đã đứng về phía Sparta, điều này đã gây ra thiệt hại to lớn cho Athens.

 

Không lâu sau, Alcibiades bị người Sparta lên án vì có quan hệ tình ái với nữ hoàng Sparta. Cuối cùng anh chạy trốn đến Ba Tư, và hỗ trợ cho họ như một kẻ thù của Hy Lạp. Trước khi bị ám sát ở Ba Tư, Alcibiades đã từng chiến đấu ở ba phe trong cùng một cuộc chiến. Alcibiades dường như ít quan tâm đến công lý, mà quan tâm nhiều hơn đến những gì có liên quan đến chính trị.

 

Đây có phải là lý do tại sao bức vẽ mô tả cơ thể của anh quay đi khỏi Socrates? Ngôn ngữ cơ thể này có cho thấy rằng Alcibiades thiếu sự chú tâm hoàn toàn đến những điều mà Socrates nói hay không? Socrates sau đó chắc hẳn đã bị đổ tội bất kính đối với các vị Thần của Athens, và gây ra sự tha hóa của giới trẻ. Một trong những thanh niên hư hỏng này, mặc dù không bao giờ được nhắc đến tên, nhưng được cho là Alcibiades. Socrates đã bị xét xử và bị kết án tử hình vì những tội danh này.

 

 

Phiên tòa xét xử Socrates

Người Athen tự hào về lý tưởng tự do ngôn luận của họ. Quyền được tự do bày tỏ và trao đổi những ý tưởng là điều tối quan trọng đối với sự thành công và văn hóa của Athens. Tuy nhiên, sau khi đội quân Sparta nhỏ bé đánh bại Athens, nhiều người Athen bắt đầu ngưỡng mộ cơ cấu quyền lực thống trị và chủ chiến của Sparta.

 

Socrates bị triệu tập ngay sau khi người Sparta đánh bại Athens trong Chiến tranh Peloponnese. Ông bị buộc tội là không thừa nhận các vị Thần của Athens, đã giới thiệu các vị Thần mới, và tất nhiên, là đã làm tha hóa giới trẻ. Những người tố cáo ông đã nêu ra rằng daimonion của Socrates không phải là một trong những vị thần được thừa nhận của Athens, và họ chỉ ra rằng, nhiều người đã tấn công nền dân chủ của Athens, ít nhất là vào thời điểm lúc này hay thời điểm khác, là những thanh niên có liên hệ với Socrates.

 

Socrates tự bảo chữa cho mình, nói rằng những lời buộc tội này là sai sự thật. Vậy tại sao rất nhiều người Athen đã tin rằng những lời buộc tội đó là sự thật? Tại sao rất nhiều người Athen ghét Socrates? Socrates đã đưa ra giải thích rằng, lý do người Athen trở nên khinh miệt ông mặc dù ông đã cố gắng hết sức để làm điều có ích tốt cho họ, là bởi vì phương tiện truyền thông đại chúng. Chẳng hạn như vở kịch “Những đám mây” của Aristophanes đã miêu tả Socrates như một kẻ ăn chơi trác táng, người đã làm tha hóa giới trẻ, và người không được coi trọng.

 

Socrates thừa nhận rằng, ông truy cầu trí tuệ thông qua việc đưa ra các câu hỏi đối với những người muốn lắng nghe — hầu hết là những người đàn ông trẻ tuổi, giàu có, những người sẽ thực hành cách đặt các câu hỏi tương tự đối với Socrates, để phát triển một lập luận cụ thể, để truy cầu trí tuệ. Ông cho rằng điều này không làm tha hóa, mà mang lại lợi ích cho nền dân chủ của Athens.

 

 

Với tư cách là một nền dân chủ, đa số cầm quyền áp đặt sự đồi bại vô đạo đức cũng như đức tính tốt của họ lên các công dân. Cần có một số ít người cầm quyền tận tâm, theo đuổi phẩm chất đạo đức và truyền lại cho thế hệ sau, chứ không cần nhiều người hỗn tạp cầm quyền. Tất nhiên, điều này đòi hỏi phải đặt câu hỏi cho chính những sự đồi bại vô đạo đức mà đa số người dân tin rằng đó là chân lý tuyệt đối.

 

Socrates cũng lập luận rằng ông không hề bất kính với Thần linh, ông đã cống hiến cuộc đời mình để tuân theo vị Thần ở Delphi và cho daimonion của ông, người đã hướng dẫn ông về mặt đạo đức trong suốt cuộc đời, khi ông cố gắng làm điều có ích tốt công chúng Athens. Ông muốn những người khác, cũng như chính ông, hiểu một cách thấu đáo hơn về đạo đức, để Athens có thể phát huy hết tiềm năng và phát triển mạnh mẽ.

 

Phiên tòa xét xử Socrates là một trường hợp chứng minh, một người Athen bị truy tố vì những tổn hại được cho là gián tiếp gây ra bởi việc trao đổi những ý kiến ​​- bị truy tố vì tự do ngôn luận. Người dân Athens, những người từng coi trọng lý tưởng tự do ngôn luận, đã yêu cầu Socrates phải từ bỏ những niềm tin của mình, hoặc phải chết bằng cách uống thuốc độc. Socrates đã chọn thuốc độc.

 

 

Cái chết của Socrates

Cái chết của Socrates được vẽ vào năm 1787 bởi nghệ sĩ tân cổ điển Jacques-Louis David (1748–1825). Nó mô tả khoảnh khắc Socrates, được bao quanh bởi những môn đồ và gia đình của ông, được trao tay một chén chứa chất độc để uống — mà ông sẵn sàng chấp nhận uống nó, bởi vì daimonion của ông không cố gắng ngăn cản ông làm như vậy. Socrates không chỉ chấp nhận chén thuốc độc, mà còn chỉ tay lên phía Thiên đường và thuyết nói về sự bất tử của linh hồn trước khi ông uống thứ nước độc kia. Ông được thể hiện trong bức vẽ trong một chiếc áo choàng trắng và với cơ bắp của một thanh niên lý tưởng, điều này gợi lên tính cách mạnh mẽ và thuần khiết của ông. Trong số tất cả các nhân vật được mô tả, ông được chiếu sáng nhiều nhất bởi ánh sáng phát ra từ phía trên cùng của bố cục.

 

Socrates đã thảo luận về các hình thái thuộc tinh thần tồn tại đằng sau các hình thức bề mặt mà chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày. Ông gợi ý rằng, có một chân lý vĩ đại hơn chiếu sáng tất cả những thứ khác, và chân lý này chỉ có thể được tiếp cận tới được bởi những “nhà triết học chân chính”, những người này đã sống cuộc đời của họ phù hợp với những chân lý cao hơn.

 

Trong “Câu chuyện ngụ ngôn về hang động” nổi tiếng từ cuốn sách “Republic” (“Cộng hòa”) của Plato, Socrates gợi ý rằng, thực tế đối với chúng ta giống như bị xiềng xích trong một hang động, và bị buộc phải quan sát một bức tường mà trên đó có bóng hình được tạo ra bởi ngọn lửa phía sau chúng ta. Tất cả chúng ta đều nhầm lẫn những cái bóng hình đó với sự thật của thực tế, không nhận ra rằng sự thật thực sự bắt đầu từ ngọn lửa đằng sau chúng ta, và có một thế giới khác, chân thật hơn bên ngoài thế giới này.

 

“Nhà triết học chân chính” trở thành người giải thoát mình khỏi hang động đó, và coi ngọn lửa là nguồn gốc của những bóng hình, nhìn thấy thực tế của thế giới bên ngoài giới hạn của nhà tù đó. Câu hỏi đặt ra vẫn là: Có bao nhiêu người trong số những người tù trước đây có thể chấp nhận sự thật về hang động đó, trong khi họ vẫn còn đang bị cùm bên trong?

 

Trong bức tranh, David đã miêu tả Socrates như một nhà triết học chân chính, đã thoát khỏi gông cùm khiến ông bị giam giữ trong những cái bóng hình của bức tường hang động. Chúng ta có thể nhìn thấy xiềng xích trên mặt đất. Socrates đã nhìn thấy sự thật, cố gắng truyền đạt sự thật đó, và bị trừng phạt bằng chất độc.

 

Ở góc trên bên trái của bố cục, có một ngọn đèn dầu gần như đã tắt; một ngọn đèn dầu tắt thường được sử dụng trong nghệ thuật, như một biểu tượng cho sự ngắn ngủi của sự sống và cái chết sắp xảy ra. David mô tả ngọn đèn dầu là vật duy nhất phủ bóng lên tường — phù hợp với phần thuyết nói cuối cùng của Socrates, mà trong đó ông ấy nói rằng linh hồn là bất tử, và cái chết chỉ là điều giả tướng ảo ảnh.

 

Ngoài ra còn có một cây đàn lia trên giường bên cạnh Socrates, ông thường được coi là một mẫu mực điển hình của logic và lý trí, nhưng ông có một giấc mơ lặp đi lặp lại, khuyến khích ông sáng tác âm nhạc. Ông đã nghĩ rằng, giấc mơ ám chỉ âm nhạc triết học, và chỉ đến thời điểm sau phiên tòa xét xử, ông mới suy xét rằng, giấc mơ đó ám chỉ về âm nhạc thực tế, và ông đã cố gắng học một giai điệu trong lúc ông chờ chết.

 

Có suy đoán rằng, việc Socrates chuyển sang âm nhạc vào cuối đời cho thấy rằng, logic và lý trí không phải là tuyệt đối, và không phải là điều duy nhất có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc trở thành con người. Trải nghiệm học hỏi hoàn chỉnh của con người, đòi hỏi bao gồm cả khoa học và nghệ thuật, cũng như quyền tự do ngôn luận, nhằm nỗ lực tìm kiếm bản chất thực sự của cả hai.

 

(ntdvn.net, Thanh Tâm)
(Theo Eric Bess – Epochtimes)