Thói quen phản vấn - Liều thuốc độc hại trong giao tiếp. (Ảnh Pixabay)
Bạn có thường xuyên gặp những người có thói quen phản vấn trong giao tiếp?
Hãy thử tưởng tượng những tình huống sau:
Bạn chia sẻ với bố mẹ về sự vất vả trong công việc, nhưng họ lại đáp: "Ai làm việc chả vất vả? Chỉ mình con vất vả chắc?"
Bạn hỏi người bạn đời về món đồ thất lạc trong nhà, nhưng họ lại trả lời: "Tôi biết gì đâu? Mình tự đi tìm đi!"
Bạn hỏi bạn bè muốn uống trà sữa nóng hay lạnh, nhưng họ lại nói: "Thì sao nữa? Còn hỏi gì? Mùa đông ai uống trà sữa lạnh?"
Cảm nhận của bạn khi gặp những câu trả lời như vậy là gì?
Bạn có từng cảm thấy bực bội khi đối diện với những người hay sử dụng câu hỏi phản vấn trong giao tiếp?
Rõ ràng chỉ cần trả lời "con đừng suy nghĩ nhiều" quá, "tôi không nhìn thấy", "tớ uống trà nóng" là được nhưng cứ phải dùng câu hỏi ngược lại để khiến người khác khó chịu.
Kết quả của việc này thường là bên đặt câu hỏi khơi dậy sự tức giận của bên kia, biến một cuộc giao tiếp đơn giản thành một cuộc cãi vã, làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ.
Tại sao câu hỏi phản vấn lại có sức sát thương lớn như vậy?
Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả với người hay sử dụng câu hỏi phản vấn?
Làm thế nào để sửa đổi thói quen phản vấn?
Hôm nay, chúng ta cùng thảo luận về một chủ đề khá thú vị: "thói quen phản vấn".
Ảnh Pixabay
1. Phân tích ý nghĩa của câu hỏi phản vấn
Về mặt ngôn ngữ học, "phản vấn" là một dạng câu hỏi tu từ, không nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời mà để nhấn mạnh ngữ điệu và thể hiện cảm xúc.
Điểm mấu chốt của câu hỏi phản vấn nằm ở chỗ người nói đã biết rõ câu trả lời, họ sử dụng câu hỏi để khẳng định hoặc phủ định một điều gì đó một cách mạnh mẽ hơn.
Chính vì vậy, trong một số trường hợp, người nghe có thể cảm thấy khó chịu hay tức giận khi bị phản vấn bởi họ cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực hoặc sự tấn công vô cớ từ người nói.
Câu hỏi phản vấn thường mang hàm ý ẩn sau:
a. Gợi ý quan điểm về một vấn đề khác
Ví dụ về trường hợp mẹ của Tiểu Nghiên sử dụng câu hỏi phản vấn để thúc ép con gái kết hôn:
Sau khi cha mẹ cố gắng hết sức thuyết phục cô nhưng không có kết quả, họ bắt đầu dùng nhiều cách khác nhau để thúc giục cô kết hôn.
Có một lần, điều hòa nhà Tiểu Nghiên bị hỏng, thợ sửa chỉ có thể đến vào giờ cô đi làm, vì vậy cô hỏi bố mẹ xem có ai ở nhà để tiếp thợ không.
Mẹ cô trả lời: "Mẹ không giúp con thì ai sẽ giúp? Bây giờ con đã biết lợi ích của việc có người ở nhà rồi chứ?"
Trên thực tế, người mẹ hy vọng có thể khiến Tiêu Viêm thừa nhận "lợi ích của hôn nhân" thông qua những câu hỏi phản vấn, để đạt được mục đích thúc giục hôn nhân.
b. Nó có thể thể hiện ưu thế trong câu hỏi phản vấn
Ngoài những mục đích thông thường, câu hỏi phản vấn còn có thể được sử dụng để thể hiện ưu thế của người nói.
Câu hỏi phản vấn này thường bao hàm hai tầng ý nghĩa: phủ định+hạ thấp.
Thay vì trả lời câu hỏi của bạn, người nói sẽ sử dụng câu hỏi phản vấn để nắm quyền điều khiển chủ đề cuộc trò chuyện.
Ví dụ, bạn vui vẻ hỏi bạn mình xem anh ấy đã nghe một bài hát nào đó chưa, nhưng anh ấy nói: "Hả? Bài hát này nổi tiếng lâu rồi mà giờ bạn mới nghe à?"
Thông qua câu hỏi phản vấn, người nói có thể hướng dẫn cuộc trò chuyện theo hướng họ mong muốn và khiến đối phương cảm thấy bị áp đảo. Người sử dụng câu hỏi phản vấn thường tự cho mình hiểu biết hơn người khác, muốn thể hiện bản thân.
c. Thể hiện cảm xúc tiêu cực trong câu hỏi phản vấn
Câu hỏi này xuất phát từ sự bất mãn với chính "vấn đề" hoặc người đặt câu hỏi.
Người nói có thể cho rằng câu hỏi của bạn quá đơn giản, ngớ ngẩn hoặc không đáng để hỏi.
Người nói có thể không thích bạn hoặc có mâu thuẫn với bạn trước đây.
Ví dụ, khi học cấp ba, bạn gặp khó khăn với môn vật lý và nhờ bạn cùng bàn giỏi môn này giải đáp.
Đôi khi bạn ấy sẽ bực bội và nói: "Câu đơn giản thế này mà cũng phải hỏi?".
Ba trường hợp sử dụng câu hỏi phản vấn được đề cập ở trên đều có điểm chung: Mục đích chính không phải để tìm kiếm câu trả lời, mà là để giải tỏa sự bất mãn của bản thân. Hành vi này thuộc về "tấn công ngầm" trong tâm lý học.
Ảnh Pixabay
Kiểu người này không bộc lộ sự bất mãn một cách trực tiếp, mà quen thể hiện những cảm xúc tiêu cực theo những cách tiêu cực và ngấm ngầm để tấn công những người hoặc những điều khiến họ không hài lòng.
Câu hỏi phản vấn là một trong những cách đó.
2. Tác hại tiềm ẩn của việc sử dụng câu hỏi phản vấn thường xuyên
Thỉnh thoảng sử dụng câu hỏi phản vấn có thể được chấp nhận được, cũng là điều dễ hiểu bởi ai cũng có những lúc tâm trạng không tốt hoặc không muốn giải thích nhiều.
Tuy nhiên, việc biến nó trở thành thói quen, thậm chí cố ý dùng câu hỏi phản vấn để làm tổn thương hoặc chọc giận người khác, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và các mối quan hệ.
Trước hết, câu hỏi phản vấn có nghĩa là không trả lời trực tiếp câu hỏi. Do đó, cảm giác trực quan của người bị "hỏi ngược lại" là nhu cầu thực sự của họ bị phủ nhận.
Cũng giống như ví dụ “tìm sự an ủi từ cha mẹ” đã đề cập ở phần đầu, việc “hỏi ngược lại” của cha mẹ phớt lờ nhu cầu “được an ủi” hiện tại của người con.
Khi người hỏi không nhận được phản hồi về nhu cầu của mình, họ sẽ cảm thấy “cái tôi” của mình đang bị tấn công, dẫn đến cảm giác khó chịu.
Nếu nhu cầu của một người trong mối quan hệ không được đáp ứng trong thời gian dài, có thể dẫn đến hai hậu quả sau:
a. Tạo cảm giác không xứng đáng
Khi người nói sử dụng câu hỏi phản vấn để kiểm soát người khác, nó thể hiện sự áp đặt quyền lực.
Khác với "tấn công ngầm" thông thường, "phản vấn" thường được sử dụng bởi người mạnh hơn trong mối quan hệ với người yếu hơn.
Điểm mạnh ở đây có thể là sự so sánh quyền lực khách quan, chẳng hạn như cha mẹ với con cái.
Trong mối quan hệ kiểu này, người bị “hỏi ngược lại” sẽ nghĩ rằng bản thân hoặc hành vi của mình có điều gì đó không ổn, có thể vì mình yếu đuối, nên bị người khác đối xử như vậy.
Vì vậy, họ sẽ chọn cách kìm nén nhu cầu của bản thân và hành xử theo mong đợi của đối phương. Và kiểu đè nén cảm xúc thật này sẽ được nội hóa thành “tự đánh giá thấp bản thân”, cảm thấy mình kém cỏi và tạo ra “cảm giác mình không xứng đáng”.
Những đứa trẻ này sau khi lớn lên, dễ hình thành "nhân cách lấy lòng", không dám hoặc xấu hổ khi đưa ra nhu cầu của mình với bất cứ ai.
b. Dẫn tới phương thức giao tiếp sai lầm
Ngoài trường hợp chênh lệch quyền lực khách quan, "phản vấn" cũng có thể xuất hiện trong các mối quan hệ ngang hàng.
Nghĩa là, quyền lực thực tế của cả hai bên trong mối quan hệ gần như ngang nhau, nhưng một trong hai bên thường sử dụng những “câu hỏi phản vấn” để giành quyền lực và chiếm vị trí cao trong mối quan hệ.
Ảnh Pixabay
Ví dụ như giữa vợ chồng, hay giữa đồng nghiệp. Không giống như trẻ em, người lớn có thể chọn cách chống trả hoặc phớt lờ khi cảm thấy bị tấn công. Vì vậy, loại quan hệ này hoặc là hướng tới "một chút chuyện nhỏ liền cãi nhau", hoặc là biến thành "chiến tranh lạnh". Nhưng vô luận là cách nào, đối với quan hệ đều là trăm điều hại mà không có một điều lợi.
3. Lý giải tâm lý đằng sau thói quen sử dụng câu hỏi phản vấn
a. Ảnh hưởng từ tuổi thơ
Những người quen đặt câu hỏi có thể đã lớn lên trong môi trường gia đình như vậy.
Theo nhà thần kinh học Bruce, những tổn thương trong giai đoạn tuổi thơ sẽ lưu lại trong não bộ và ảnh hưởng đến hệ thống phản ứng stress của con người khi trưởng thành.
Khi một đứa trẻ không tìm thấy đồ vật và nhờ mẹ giúp đỡ, nhưng lại nhận được câu hỏi phản vấn như: "Tại sao con không cất đồ đạc của mình đi? Con có nghĩ đến mẹ khi tìm chúng không?".
Sự kiện này sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ của trẻ. Khi trưởng thành, gặp tình huống tương tự, hệ thống phản ứng stress liên quan đến việc "bị mất đồ" sẽ được kích hoạt, gợi nhớ đến việc mẹ "phản vấn" và khiến họ vô thức lặp lại hành vi tương tự.
Hơn nữa, con người học cách nói thông qua "bắt chước". Do đó, thói quen ngôn ngữ có tính di truyền và chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường xung quanh.
Nếu một đứa trẻ lớn lên trong gia đình thường xuyên sử dụng câu hỏi phản vấn, chúng sẽ không có cơ hội học cách "trả lời câu hỏi một cách không mang tính tấn công".
b. Thành kiến quy kết thù địch
Ngoài những nguyên nhân đã đề cập, "phản vấn" có thể xuất hiện như một dạng "phòng thủ tâm lý" ở một số người.
Họ thường xuyên sử dụng câu hỏi phản vấn để trả lời vì có xu hướng "nhận diện quá mức" sự tấn công trong lời nói của người khác.
Hiện tượng này được gọi là "sai lệch quy kết thù địch" trong tâm lý học, tức là họ hiểu những lời nói trung lập thành lời "tấn công" bản thân và sử dụng "phản vấn" để phòng thủ.
Ví dụ, bạn hỏi người bạn đã nghe qua bài hát nào hay hay gần đây chưa, chỉ với mục đích bắt đầu một chủ đề trò chuyện.
Nhưng nếu họ nhận thức câu hỏi này như "lời chỉ trích về gu âm nhạc của bản thân", họ sẽ chuyển sang trạng thái phòng thủ và sử dụng câu hỏi phản vấn để "tấn công" bạn.
Hay như trường hợp của người bạn tên Linh, một bà nội trợ toàn thời gian. Khi chồng cô về nhà sau một ngày làm việc và than thở rằng "mệt mỏi vì họp hành cả ngày", Linh lập tức phản ứng bằng câu hỏi "chỉ anh mới mệt à? Em ở nhà chăm sóc con cái, làm việc nhà không mệt hay sao?".
Lý do cho hành động này là Linh cảm nhận được "sự thiếu công nhận" cho công sức của mình từ lời than vãn của chồng, dẫn đến cảm giác bị tấn công và phản ứng tự vệ.
Nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng những người có lòng tự ái cao và lòng tự trọng thấp thường có mức độ hung hăng và phòng thủ cao hơn.
Lòng tự ái cao xác định rằng họ quan tâm đến hình ảnh bản thân và bị ám ảnh bởi cảm giác quyền lực trong các mối quan hệ.
Lòng tự trọng thấp khiến họ khá nhạy cảm với những lời lẽ đánh giá, dựa vào những phản hồi tích cực từ người khác để khẳng định giá trị của bản thân.
Do khó khăn trong việc thể hiện sự hung hăng trực tiếp, họ thường sử dụng những cách thức tinh vi hơn để bảo vệ giá trị của mình, bao gồm cả việc sử dụng câu hỏi phản vấn.
c. Học được tâm lý bất lực
Cuối cùng, một số câu hỏi phản vấn theo thói quen có thể là “học được sự bất lực” trong những tình huống cố định.
Ví dụ, các bà vợ phàn nàn về chồng mình trên mạng: "Họ dường như mất đi ý thức chung trong cuộc sống khi làm việc nhà".
Họ liên tục hỏi những câu hỏi hiển nhiên như: "Quần áo giặt xong cần phơi không?", "Rác ở cửa cần vứt không?".
Một ví dụ khác là khi bạn bàn giao công việc cho một đồng nghiệp, sau khi nói đi nói lại nhiều lần, anh ấy vẫn đến hỏi bạn chuyện lớn nhỏ.
Bất kể bạn hướng dẫn trực tiếp hay viết một tài liệu hướng dẫn thao tác rất chi tiết, lần sau họ vẫn sẽ đến làm phiền bạn.
Trong những trường hợp này, mọi người có thể dễ dàng rơi vào trạng thái bất lực và cảm thấy mình làm gì cũng không đúng.
Vì vậy, họ dễ dàng có thái độ tiêu cực và sử dụng "câu hỏi phản vấn" để giải tỏa sự bất bình.
4. Cách giải quyết vấn đề câu hỏi phản vấn
Thực ra, chúng ta có thể hiểu "câu hỏi phản vấn" là biểu hiện của việc thiếu khả năng thể hiện và thấu hiểu cảm xúc.
Ảnh Pixabay
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể bắt đầu từ hai khía cạnh sau:
Nếu bạn là người bị "phản vấn": Khi bạn cảm thấy khó chịu vì lời nói của đối phương, hãy bình tĩnh và tránh phản ứng tiêu cực. Việc tấn công ngược lại hoặc im lặng lạnh lùng chỉ khiến mâu thuẫn thêm căng thẳng và bế tắc. Thay vào đó, hãy cố gắng chia sẻ cảm xúc thật của bạn với đối phương, cho họ biết bạn cảm thấy tổn thương như thế nào.
Trở lại câu chuyện của Linh, một người vợ nội trợ, khi cô hỏi chồng: “Có phải anh là người duy nhất mệt không?”, nếu chồng cô có thể trả lời:
"Em yêu, em hiểu lầm anh rồi. Anh biết em vất vả khi chăm sóc con, anh không hề trách móc em (khẳng định cảm xúc của đối phương).
Hôm nay có chuyện gì xảy ra khiến em buồn không? Em muốn chia sẻ với anh không? (bày tỏ sự quan tâm và hỗ trợ).
Khi em nói như vậy, anh cảm thấy hơi tổn thương (nêu ra cảm xúc của bản thân).
Khi anh nói anh mệt, thực ra anh chỉ muốn được em an ủi, em có thể ôm anh một cái được không (gợi ý nhẹ nhàng).
Điểm mấu chốt nằm ở việc "nhìn nhận cảm xúc của đối phương". Khi họ cảm thấy cảm xúc của mình được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy an toàn và mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.
Cần lưu ý rằng, ngay cả khi đối phương là người bạn thân thiết nhất, cách tốt nhất vẫn là:
Cố gắng thể hiện bản thân một cách không hung hăng, nhưng cũng không cần phải dung túng cho cảm xúc của họ một cách vô điều kiện.
Cuối cùng, nếu bạn đã cố gắng hết sức mà đối phương vẫn không thay đổi; hoặc bạn nhận ra họ là người có "nhân cách tự ái" thích tấn công người khác vô cớ, thì cách tốt nhất là tránh xa mối quan hệ này.
Nếu bạn là người có thói quen sử dụng "câu hỏi phản vấn": Đầu tiên, bạn cần nâng cao nhận thức về cảm xúc của bản thân.
Điều này không chỉ bao gồm: "Tôi đang có những cảm xúc gì?". Nó cũng đòi hỏi bạn phải suy nghĩ sâu sắc hơn về nguồn gốc của cảm xúc: "Điều gì khiến tôi cảm thấy như vậy?" và mục đích của cảm xúc: "Tôi làm điều này để giải quyết xung đột hay chỉ để trút giận?"
Nhận thức được những quy trình này có thể giúp bạn hiểu được nhu cầu thực sự của mình và tạo động lực để thay đổi.
Tiếp theo, bạn có thể thử thực hiện một số bài tập về cách thể hiện cảm xúc.
Chọn một môi trường và tâm trạng thoải mái, hãy thử diễn lại một số cảnh trong quá khứ với bạn đời.
Sử dụng câu "Khi bạn......, tôi cảm thấy......" để thay thế cho những câu "phản vấn", hãy xem cuộc đối thoại sẽ phát triển như thế nào. Cuối cùng, đừng quá khắt khe với bản thân.
Thói quen thể hiện cảm xúc của mỗi người được hình thành bởi nhận thức và trải nghiệm trong quá khứ, việc thay đổi không hề dễ dàng. Đừng yêu cầu bản thân phải hoàn hảo ngay từ đầu, tiến bộ từng chút một là điều hợp lý.
Quá trình này thực sự kiểm tra “khả năng bao dung cảm xúc” của đối phương. Vì vậy, nếu bạn thực sự coi trọng mối quan hệ này và muốn thay đổi, hãy nhớ nói với người kia: "Cảm ơn bạn đã bao dung, tôi thực sự đang cố gắng sửa đổi”.
Trong quá trình viết bài viết này, tôi nhận ra rằng trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết về "cách dạy người khác nói chuyện":
Nhiều người dùng mạng tìm kiếm lời khuyên về cách trả lời câu hỏi của giáo viên, sếp, v.v. Họ cân nhắc từng câu từng chữ và sử dụng ngôn ngữ rất cẩn thận. Tuy nhiên, khi đối mặt với cha mẹ, người yêu hoặc bạn bè, họ lại không quan tâm đến điều này. Thậm chí, họ còn nói những lời làm tổn thương người khác một cách vô tư, vì họ nghĩ rằng người khác sẽ không bao giờ rời xa mình.
Có vẻ như chúng ta đã quen với việc sử dụng ngôn ngữ như một công cụ để đạt được lợi ích, mà quên rằng khi chúng ta mới học nói, mục đích chỉ đơn giản là để gọi một tiếng "bố ơi, mẹ ơi".
Một người trưởng thành thành thạo kỹ năng giao tiếp, khi đối mặt với những người thân yêu, lại thường đánh giá thấp sức sát thương của ngôn ngữ. Nhưng thực tế, những người thân yêu mới là những người chúng ta nên đối xử bằng cả trái tim. Nói chuyện tử tế là cách thể hiện tình yêu thương của chúng ta dành cho họ.
(Theo Triệu Lệ - Aboluowang - Nguồn: Ten O'clock Reading)
(ntdvn.net; Nguyên Anh biên dịch)