(Bài viết bên dưới của thầy Nguyễn Văn Tuấn, được đăng trên trang facebook của Thầy tại địa chỉ:  https://www.facebook.com/t.nguyen.2016)

 

 

 

 

Có thể nói rằng đây là một dạng tâm lí rất phổ biến trong gần như tất cả chúng ta: đó là xu hướng đổ thừa cho các yếu tố ngoại tại (còn gọi là 'yếu tố khách quan') khi sự việc thất bại, nhưng lại dành công trạng cho riêng mình khi sự việc thành công. Thiên kiến vị kỉ này cũng rất phổ biến trong đời sống xã hội - chánh trị ở Việt Nam, và có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường.

 

 

Những người ủng bộ ông Biden và đảng của ông ấy thường hay phàn nàn rằng Mĩ là một nước kì thị chủng tộc. Không chỉ kì thị đơn thuần, mà là kì thị từ cơ chế (systemic racism). Theo quan điểm này, bất cứ lãnh vực nào và bất cứ thiết chế nào trong xã hội Mĩ cũng đều có sự phân biệt chủng tộc, hiểu theo nghĩa các thiết chế đó được thiết kế sao cho có lợi cho một chủng tộc và gây bất lợi cho chủng tộc khác. Không nói ra thì chủng tộc có lợi là người da trắng gốc Âu Mĩ, còn chủng tộc bất lợi là người da đen gốc Phi châu. Những người này lí giải ngược lại rằng tình trạng bất bình đẳng hiện nay giữa các sắc tộc ở Mĩ là do kì thị chủng tộc có hệ thống.

 

 

Cách suy luận đó khá phổ biến ở một số người Việt mới nhập cư sau này (không phải dân 'boat people'). Khi họ không được thăng tiến trong sự nghiệp, hay không được đề bạt vào những chức vụ quan trọng, thì suy nghĩ đầu tiên là vấn nạn kì thị. 'Tại họ kì thị nên tôi không được đề bạt' -- đó là suy nghĩ khá phổ biến.

 

 

Nhưng ngược lại, khi họ (người Việt) được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng thì họ thường tự hào là do thành quả học tập và làm việc của mình. Khi doanh nghiệp của họ thành công thì họ xem đó là do do tài năng của chính họ đem lại. Họ tự hào được sống trong một xã hội không có phân biệt chủng tộc, một xã hội mà quyền bình đẳng được tôn trọng.

 

 

 

Giới tâm lí học có một cái tên cho xu hướng trên: 'self-serving bias' mà tôi dịch là 'thiên kiến vị kỉ'. Có thể định nghĩa thiên kiến vị kỉ là xu hướng giành công trạng về phần mình khi có thành công, nhưng đổ thừa cho người khác khi thất bại xảy ra. Giới tâm lí học cho chúng ta một danh sách các yếu tố có thể dùng để tự đánh gía xem mình có bị hội chứng thiên kiến vị kĩ:

 

• Cái tôi quá lớn: đó là những biểu hiện về 'ego' lớn hơn và cao hơn cái vai vế thật của mình trong xã hội;

 

• Ám ảnh với khen thưởng: chỉ muốn được khen và muốn cái gì mình làm ra đều được phê chuẩn;

 

• Thích lấy công trạng của nhóm làm thành tích cho cá nhân mình;

 

• Không muốn chịu trách nhiệm cho những sai sót của mình, và thường đổ thừa do 'yếu tố khách quan';

 

• Xu hướng đổ thừa người khác;

 

• Không có khả năng tiếp nhận phê bình, cho dù là phê bình một cách xây dựng;

 

• Không có khả năng nhận ra sự thất bại của mình.

 

 

 

Nếu đối chiếu các yếu tố trên và chịu khó quan sát chung quanh, chúng ta thấy thiên kiến vị kỉ trên rất phổ biến trong mọi lãnh vực. Trong môi trường học đường, học sinh được điểm A thì cho rằng mình học giỏi và xứng đáng với thành tích đó. Nhưng khi họ được điểm F thì họ tìm lí do để ... đổ thừa. Có lẽ cô giáo ghét mình. Hôm đó đi thi mình bị cảm cúm, nên làm bài không tốt.

 

 

 

Trong môi trường khoa học thì thiên kiến vị kỉ càng phổ biến. Khi một bài báo khoa học được chấp nhận cho công bố, chúng ta tự chúc mừng và cho rằng chúng ta tài giỏi quá! Nhưng khi bài báo bị tập san từ chối công bố, chúng ta thường tìm cách đổ lỗi, có thể là do chuyên gia bình duyệt bất tài, ban biên tập không nhìn thấy cái hay của bài báo, hay ... kì thị. Chúng ta ít khi nào tự hỏi hay là do bài báo của mình dở thật.

 

 

 

Trong y khoa, thiên kiến vị kỉ có khi có ý nghĩa đạo đức. Người ngoài ngành y ít ai biết rằng các công ti dược 'chăm sóc' các bác sĩ rất tốt. Cách họ chăm sóc thì qua nhiều hình thức, kể cả cho quà cáp, cho đi nghỉ mát, thậm chí cho tiền mặt. Khi bác sĩ nhận những món quà như thế, câu hỏi đặt ra là họ có bị chi phối khi kê toa thuốc của công ti mà họ nhận quà?

 

 

Đa số bác sĩ khi được hỏi đều nói rằng họ không bị chi phối. Thế nhưng nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng 64% bác sĩ nhận những món quà như thế có chi phối đến cách ra toa của các bác sĩ khác. Điều thú vị là chỉ có các bác sĩ này không nghĩ rằng những món quà đó chi phối đến cách họ ra toa! Nói cách khác, họ nghĩ rằng các bác sĩ khác bị công ti thuốc chi phối, nhưng họ thì không. Đây chính là một biểu hiện tiêu biểu của thiên kiến vị kỉ.

 

 

 

Theo giới tâm lí học thì có sự khác biệt giữa Đông và Tây về thiên kiến vị kỉ. Ở các xã hội phương Tây, vì tính cá nhân được đề cao, nên thiên kiến vị kỉ khá phổ biến. Còn ở các xã hội phương Đông thì tập thể được đề cao, và thất bại được xem là bất tài, và thành công được xem là may mắn, nên thiên kiến vị kỉ không qúa nặng nề như ở phương Tây. Nhưng có lẽ đó là thời xa xưa, chớ ngày nay thì thiên kiến vị kỉ rất phổ biến ở các nước như Tàu và Việt Nam.

 

 

 

Ở Việt Nam, thời sau 1975, một trong những cách nói mới tôi hay nghe/đọc được là 'nguyên nhân khách quan' và 'nguyên nhân chủ quan'. Nghe vài lần đầu thì khó hiểu, nghe nhiều lần thì mới bắt đầu hiểu. Hoá ra, đó là cách giải thích về những thành công và thất bại. Cái gì thành công thì thường là được giải thích rằng đó là do đường lối, chủ trương đúng đắn của đảng và Nhà nước; còn cái gì thất bại thì thường là do 'nguyên nhân khách quan', bao gồm thiên tai và những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan.

 

 

 

Cái 'văn hoá' đó vẫn còn cho tới nay. Chẳng hạn như có năm Hà Nội bị ngập lụt kinh hoàng, ông bí thơ thành phố tuyên bố với báo chí rằng thiên tai thì không tính trước được, nhưng khi lũ lụt không còn, thì các quan chức cho rằng đó là nhờ tài tổ chức giỏi của nhà cầm quyền. Đó chính là một biểu hiện của thiên kiến vị kỉ. Ở bên Tàu, các lãnh đạo của đảng cộng sản Tàu có một chiến dịch phê bình và xem lại thiên kiến vị kỉ trong bọn trẻ hơn.

 

 

 

Thiên kiến vị kỉ có thể có tác động xấu và cả tốt. Những người có thiên kiến vị kỉ quá nặng nề thì thường khó giao tiếp với người khác, họ có xu hướng trở thành ái kỉ (narcissism), và do đó, gây tác hại đến cộng đồng cũng như các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, khi người ta tự cảm thấy mình tài giỏi, họ tạo ra một cảm giác tích cực và do đó có động cơ để làm việc. Qua tánh tình vui vẻ và tự tin họ có thể tạo ra năng lượng tích cực trong môi trường làm việc