Làm nhiều việc cùng một lúc (đa nhiệm) có thể ảnh hưởng tới trí nhớ dài hạn, gây mất tập trung và hay quên. (Ảnh: /mishpacha)

 

 

 

 

 

 

Làm nhiều việc cùng một lúc hay còn gọi là “đa nhiệm” dịch từ thuật ngữ tiếng anh “multi-tasking” có vẻ chỉ một người có năng lực làm việc tốt, hiệu suất cao, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy thực tế lại không phải vậy.

 

 

 

Trong lúc gấp quần áo, có thể giúp con làm bài tập về nhà, nghe radio trong khi tập thể dục, mở nhiều tab khác nhau trên máy tính khi đang họp trên phần mềm Zoom, chính là hiện tượng đa nhiệm, cũng là mắc “tội” đa nhiệm. Tại sao lại là “tội”, chẳng phải đấy là biểu hiện của siêu hiệu quả?

 

 

Không hẳn vậy! Một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra cố gắng làm hai (hoặc nhiều hơn) việc cùng một lúc sẽ kém hiệu quả hơn nhiều so với chỉ tập trung vào một việc trong một lúc. Đa nhiệm có thể cản trở trí nhớ, khiến học sinh học kém hơn ở trường và thậm chí có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ dài hạn.

 

 

Bộ não vận hành thế nào khi làm đa nhiệm?

Khi chúng ta làm việc gì đó, thì có một số mạng lưới trong não bộ sẽ xử lý sự chú ý và kiểm soát nhận thức có liên quan tới việc đó.

 

 

Kevin Paul Madore, một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Stanford giải thích các nỗ lực đa nhiệm có thể tạo ra sự can thiệp giữa các mạng lưới này trong não bộ cũng như có thể dẫn đến việc xử lý chậm hơn, hoặc gây ra sai lầm. Ông cũng đề cập tới khái niệm “chi phí chuyển đổi nhiệm vụ” để kiểm tra tác động của đa nhiệm đối với các mạng não bộ liên quan.

 

 

“Chi phí chuyển đổi” ở đây là việc mất đi độ chính xác, hoặc giảm tốc độ xử lý công việc khi đa nhiệm. Ở một số trường hợp, ‘’chi phí’’ này không đáng kể, nhưng nhìn chung rất đáng lưu tâm. Đa tác vụ có thể ảnh hưởng đến cả bộ nhớ làm việc và bộ nhớ dài hạn. Nghiên cứu của Madmore và đồng nghiêp cho thấy đa nhiệm thực hiện trên máy tính hay phương tiện truyền thông có liên quan đến việc mất tập trung và hay quên.

 

 

Madore nói một số nghiên cứu đã chỉ ra đa nhiệm trên các phương tiện truyền thông hàng ngày có liên quan đến những sai sót trong khả năng lưu giữ và sử dụng thông tin trong tâm trí (trí nhớ làm việc) và khả năng truy xuất thông tin (trí nhớ dài hạn).

 

 

 

Đa nhiệm: trường hợp nào nên, trường hợp nào không nên?

Có một số việc có thể làm cùng lúc, có một số thì không. Ví dụ, nhắn tin hay nghe điện thoại khi đang lái xe thì không nên làm, nhưng gấp quần áo trong khi giúp bọn trẻ làm bài tập thì có thể được, dù cả hai việc có thể không có hiệu quả như nhau. Bạn có thể chậm hơn trong việc gấp quần áo hoặc có thể làm rơi một số thứ trên sàn khi bạn đang giúp một đứa trẻ làm bài tập về nhà nhưng đó không phải là vấn đề gì lớn, và chắc chắn đáng để bạn trả giá, để có thêm thời gian ở bên con (mặc dù ở bên con trong khi bạn không dành sự quan tâm đầy đủ cho con có thể phải trả giá riêng).

 

 

Mặt khác, hậu quả của việc cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc, ngay cả khi những việc đó có vẻ đơn giản, có thể rất khủng khiếp - chẳng hạn như ăn bánh sandwich hoặc nghịch đầu đĩa CD khi đang lái xe cũng có thể làm tăng nguy cơ tai nạn.

 

 

Tuy nhiên, cũng có tình huống mà đa nhiệm có thể rất hiệu quả. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi dạo trong khi cố gắng giải quyết một vấn đề hóc búa giúp cải thiện khả năng sáng tạo và có thể giúp bạn đưa ra các giải pháp tốt hơn.

(Theo ntdvn.com)

(Lê Na - Theo Discover Magazine)