O.Henry

Đinh Yên Thảo chuyển dịch

 

 

Một đồng tám mươi bảy. Chỉ chừng đó thôi. Và hết sáu mươi xu là những đồng bạc cắc. Từng đồng xu một, chắt mót mỗi lần mua rau, mua thịt. Della đếm lại ba lần. Một đồng tám mươi bảy. Và ngày mai đã là lễ Giáng Sinh.

 

Della ngồi phịch xuống chiếc ghế bành cũ kỹ mà sụt sùi, ngẫm nghĩ về đời sống với những nụ cười và tiếng thổn thức ngự trị trong mỗi người mà tiếng thổn thức bao giờ cũng bao trùm. Nhưng hãy để nàng ngồi đó mà nhìn lướt qua căn nhà. Ðó là căn nhà trọ tồi tàn thuê tám đồng một tuần. Không phải để than khổ, nhưng đó là từ ngữ để diễn tả chính xác cảnh ăn mày. Ngoài cửa gắn hộp thư không có thư gởi và chuông điện chẳng ai bấm kêu. Phía dưới gắn thêm bảng tên “Ngài James Dillingham Young” mà chữ lót “Dillingham” đã bị gió thổi đi bay theo cái thời thịnh vượng mà chủ nhân của nó còn lãnh được ba chục đồng mỗi tuần. Còn bây giờ trông nó nhạt nhòa thảm hại theo mức lương chỉ còn hai chục đồng. Nhưng bất cứ khi nào “Ông James Dillingham Young” đi làm về nơi anh được gọi âu yếm bằng “Jim” và được bà chủ nhà là “Bà James Dillingham Young”, mà ta đã biết là Della, ôm hôn, thì nói chung mọi chuyện đều rất tốt đẹp.

 

 

Della đã ngừng khóc, đứng tựa cằm nhìn con mèo đang trèo lên hàng rào xám xịt phía sau vườn. Ngày mai đã là lễ Giáng Sinh và nàng chỉ có vỏn vẹn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim một món quà. Nàng đã dành dụm từng đồng xu một trong mấy tháng nay để có được ngần này. Hai mươi đô mỗi tuần chẳng đủ, dù nàng có tính toán chi li cách mấy vẫn thiếu đầu hụt đuôi. Lúc nào chi tiêu cũng nhiều hơn mức nàng tính được. Chỉ có một đồng tám mươi bảy xu để mua quà cho Jim. Jim của nàng. Nàng đã có nhiều giây phút hạnh phúc ngồi tính xem sẽ mua món quà dễ thương gì cho Jim. Một món gì mà phải đẹp, hiếm và giá trị, xứng đáng cho Jim sở hữu. Della bất chợt xoay mình và nhìn vào tấm kính gắn ngăn giữa các cửa sổ.  Mắt nàng vụt sáng lên nhưng khuôn mặt nàng lại tái đi trong vài giây đồng hồ. Nàng hất nhanh mái tóc, rũ dài xuống trước mặt.

 

 

Có hai vật được coi là niềm tự hào tột bậc của gia đình James Dillingham Young. Một là chiếc mặt đồng hồ đeo tay bằng vàng của Jim mà ông nội, rồi cha anh để lại cho anh. Vật thứ hai là mái tóc của Della. Hai báu vật mà cho dù những ông chúa bà hoàng có muốn đánh đổi cả núi vàng bạc, châu báu cũng chẳng đổi họ được. Mái tóc xinh đẹp của Della thả dài xuống, óng ả mượt mà như một giòng suối bạch kim, chảy dài quá đầu gối nàng.

 

 

Nàng hất nhanh tóc một lần một cách hồi hộp. Rồi cứ thế đứng lặng người cho đến khi hai giọt nước mắt chảy dài xuống tấm thảm đỏ cũ kỹ dưới chân. Nàng choàng vội chiếc áo khoác, đội chiếc mũ và mở cửa đi nhanh về dưới phố, đôi mắt vẫn sáng rực. Khi nàng dừng lại trước một cửa tiệm với tấm bảng “Bà Sofronie. Tóc giả các loại”, đụng ngay một bà to con, trắng bệch, lạnh lùng trước cửa:

– Bà có mua tóc không? – Della hỏi

– Có – người đàn bà tiếp- Giở nón xuống coi thử

Della rũ mái tóc óng ả xuống.

– Hai chục đồng – Người đàn bà nâng nó lên với bàn tay thiện nghệ

Della gật đầu: – Ðưa tiền cho tôi ngay đi.

 

Còn hai tiếng đồng hồ nữa, chẳng nghĩ ngợi gì thêm, Della chạy ngay ra các cửa tiệm bán quà. Cuối cùng nàng cũng tìm ra được nó. Chắc chắn nó đã làm ra để cho Jim chứ không thể là ai khác được. Nàng đã lùng sục hết các cửa tiệm mà chẳng có cái nào như nó được. Ðó là một dây đeo tay đồng hồ làm bằng bạch kim, đơn giản và trang nhã trong kiểu dáng, giá trị bởi chất liệu hơn là những lòe loẹt giả tạo bên ngoài, điều mà những món đồ giá trị thường vậy. Có khi nó lại giá trị như cả cái đồng hồ chứ chẳng chơi.  Ngay khi thấy nó Della đã biết ngay nó phải là của Jim, bởi vì nó cũng giống chàng. Lặng lẽ và đầy giá trị. Có thể hiểu cho cả hai.

 

 

Nàng mua nó với giá là hai mươi mốt đồng, rồi vội vã về nhà với tám mươi bảy xu còn lại. Với chiếc đồng hồ trên tay, có thể Jim sẽ nhìn giờ với một phong thái tự nhiên, thoải mái hơn thay vì chiếc dây da cũ kỹ mà Jim cột thay dây đồng hồ.

 

 

Bốn chục phút sau nàng đã chuẩn bị đầu tóc lại, thưa và quăn, trông cứ như những đứa học trò ngỗ nghịch. Nàng đứng ngắm nhìn thật lâu, chăm chú và đầy căng thẳng trước tấm gương. Nàng nhủ thầm “Jim sẽ bảo mình giống như cô gái trên hoang đảo. Nhưng mình phải làm gì đây bây giờ. Biết làm gì với một đồng tám mươi bảy xu?”. Bảy giờ tối, cà phê đã pha xong, chảo chiên thịt đã sẵn sàng trên bếp. Jim chẳng bao giờ về nhà trễ. Della nắm chặt sợi dây đồng hồ bằng cả hai tay, ngồi gần góc cửa Jim bước vô mỗi ngày. Khi nàng nghe tiếng chân Jim phía trước nhà, mặt nàng tái đi trong tích tắc. Nàng có thói quen hay khấn thầm một mình về những điều đơn giản mỗi ngày, bây giờ nàng đang thì thầm, “Cầu trời cho chàng vẫn nghĩ con còn dễ thương”.

 

 

Cửa mở và Jim bước vào. Trông chàng gầy gò, bồn chồn.  Người đàn ông tội nghiệp, mới hai mươi hai tuổi đã phải lo gánh nặng gia đình. Chàng cần phải có chiếc áo khoác mới và chàng cũng chẳng có cả găng tay giữa trời lạnh. Jim bước vào cửa và đứng sững người, đôi mắt nhìn Della đăm đăm. Nàng chẳng thể nào hiểu được cái cảm xúc gì trong đôi mắt ấy khiến nàng đâm hoảng. Nó chẳng phải giận, cũng chẳng phải ngạc nhiên, chẳng phải phản đối cũng chẳng phải kinh hãi. Chẳng có một cảm xúc hay phản ứng nào từ chàng mà Della đã lường trước. Chàng đơn thuần chỉ đứng yên nhìn nàng vậy. Della chạy về phía chàng, khóc nức nở:

– Jim, đừng nhìn em như vậy mà. Em đã cắt tóc và bán đi vì em không thể nào đón mừng Giáng Sinh mà không có quà cho anh.  Nó sẽ mọc lại thôi mà, anh đừng bận tâm nghe anh? Tóc em mọc nhanh lắm. Vui lên mà, nói “Chúc mừng Giáng Sinh!” đi Jim. Anh không biết là em có một món quà rất đẹp cho anh đâu.

– Em cắt mái tóc em đi rồi? – thật khó khăn, Jim mới nặng nhọc cất giọng hỏi.

– Em cắt nó đi và bán rồi – Della thổn thức – Bộ anh không thương em như thế này sao? Em vẫn là em khi không có mái tóc kia mà.

Jim nhìn chung quanh phòng, hỏi lại một cách thờ thẫn:

– Em bảo tóc cắt mất rồi hả?

– Anh không cần phải kiếm nó nữa – Della nói- Nó bị bán rồi, bán và mất rồi. Ðêm Hai Mươi Bốn rồi kia anh. Em vui vì nó đã được bán vì anh.

Giọng nói Della bất ngờ ngọt ngào một cách thật mạnh mẽ:

– Nhưng không ai có thể đo được tình yêu của em dành cho anh đâu. Em bắc chảo lên bếp nhé Jim.

Jim dường như vừa tỉnh giấc, chàng ôm chặt Della vào lòng. Trong mươi giây lặng lẽ này, chúng ta hãy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống đa dạng này theo hướng khác xem. Tám đồng một tuần hay một triệu mỗi năm, khác nhau như thế nào? Một nhà toán học hay một kẻ ma lanh sẽ trả lời sai bét hết.

Jim móc trong túi áo một gói nhỏ và đặt lên bàn. Chàng từ tốn:

– Ðừng hiểu lầm anh, Della. Anh không bao giờ nghĩ rằng một cách cắt, uốn hay gội tóc nào có thể làm giảm tình yêu của anh dành cho em. Nhưng em mở gói quà này ra đi, rồi em sẽ hiểu tại sao em làm anh hụt hẫng một tí kia.

 

Hạnh phúc tràn đầy, những giọt nước mắt chảy dài, Della mở gói quà Giáng sinh. Một bộ lược và dụng cụ trang điểm tóc. Một bộ dụng cụ trang điểm mà Della thầm mơ lâu lắm rồi. Những chiếc lược tuyệt đẹp, những cây quấn tóc, đồ uốn tóc sang trọng. Della biết rằng chúng phải là mắc tiền lắm. Chẳng bao giờ nàng mơ rằng mình có thể làm chủ nó được. Bây giờ chúng nằm ngay đây, ngay trước mặt. Và mái tóc nàng cũng đã mất rồi. Nàng ôm chúng vào lòng với sự hân hoan, nhìn sâu vào đôi mắt buồn buồn của Jim và nhoẻn miệng cười:

– Jim, tóc em mọc lại nhanh lắm mà. Vui lên đi anh.

Lúc này Jim vẫn chưa thấy món quà của Della mua cho mình. Nàng nắm chặt chiếc dây đồng hồ lấp lánh, đặt vào tay Jim, với cả sự náo nức:

– Ðẹp không Jim? Em đã lùng khắp các cửa tiệm mới tìm được nó đó. Bây giờ anh sẽ xem đồng hồ hàng trăm lần mỗi ngày cho coi. Ðưa cái mặt đồng hồ của anh đây. Em nóng lòng coi thử nó gắn vào nhau đẹp như thế nào.

Thay vì trả lời Della, Jim thả người xuống chiếc ghế bành, khoanh hai tay ra sau ót, mỉm cười một cách nhẹ nhàng:

– Em yêu! Thôi hãy để những món quà này qua một bên và giữ chúng lại. Chúng đẹp hơn cho những món quà Giáng Sinh bình thường. Anh đã bán mặt đồng hồ để mua bộ lược trang điểm này cho em rồi. Thôi bắc chảo thịt lên được rồi em yêu.

 

 

Như bạn biết, những đạo sĩ là những người thông thái, vô cùng thông thái, đã mang quà cho Chúa Hài Ðồng trong máng cỏ. Họ tạo ra nghệ thuật quà tặng Giáng Sinh. Thông thái nên những món quà của họ ắt cũng thông minh để đánh đổi những đặc ân. Ở đây tôi vừa vụng về kể cho các bạn nghe câu chuyện không có hậu về hai đứa trẻ ngốc nghếch đã hy sinh những tài sản quý giá nhất một cách chẳng thông minh chút nào. Nhưng lời cuối để nói về sự khôn ngoan trong thời buổi này là, với bất cứ ai tặng quà thì hai người trẻ này là khôn ngoan nhất. Ai cho quà theo cách của họ, bất luận nơi đâu, cũng là những người thông thái nhất. Họ mới là những đạo sĩ thông thái.

O. Henry