Mùng 4 Tết Ất Tỵ 2025, từ Sài Gòn, tác giả Nguyễn Gia Việt có bài viết “Khẳng định rằng chữ "gieo duyên" và "gieo xuân" không có nghĩa”, bài viết được tác giả yết trên trang mạng facebook của mình tại: Nguyễn Gia Việt. Danviet xin đăng lại trên trang mạng của mình để hầu độc giả.

 

 

Khẳng định rằng chữ "gieo duyên" và "gieo xuân" không có nghĩa

(Nguyễn Gia Việt)

 

 

Đã rất khó chịu khi người ta làm mình làm mẩy vụ "xuất gia gieo duyên", nay càng tá hoả hơn với "gieo xuân"(??)

 

Tại sao vậy ta?

 

Chữ gieo có nghĩa là gì? Xin đọc Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì rõ thôi.

Huỳnh Tịnh Của giải thích chữ gieo như sau:

" Gieo. n. Quăng, vãi, bỏ xuống, buông xuống.

 ― giống. Vãi hột giống.

 ― vãi. id.

 ― mình. Buông mình té xuống.

 ― kèo. Giao kèo. Làm tờ gieo kèo.

 ― neo. Bỏ neo xuống.

 ― vạ. Vu vạ.

 ― đồng tiền. Quăng đồng tiền xuống ván, xuống đất coi nó sấp ngửa thể nào. (sủ quẻ).

 ― tiếng dữ. Đổ tội cho nhau; nói đều gây thù, gây oán"

Chữ gieo có nghĩa thông dụng nhứt là quăng xuống, thí dụ gieo mạ, gieo giống. Chữ gieo giống là vãi hột thóc xuống ruộng.

 

Trong Hán tự, chữ gieo rrong đó có chữ thủ là tay để gieo hột. Chữ bá trong truyền bá cũng là gieo hột, làm lan rộng.

 

Chữ bá có chữ thủ là  tay để gieo hạt, có chữ thái là rãi, có chữ điền ruộng. Nói chung gieo hột phải dùng tay cầm thóc rãi trên ruộng .

 

Thường nghe gieo hạt, gieo hột, gieo lúa. Ông bà mình có có người chuyên đi "gieo giống" ám chỉ mấy ông vợ bé con cái đùm đề, đụng đâu bạ đó con rơi con rớt. Rồi heo nọc, có nhà nuôi heo nọc thì kêu là phối giống, sau có gieo tinh nhân tạo.

 

Nói "gieo duyên" và "gieo xuân" là sai bét rồi.

-Xuân là gì?

 

Trong Hán tự chữ Xuân có ba nét ngang ở trên, nét phẩy ở bên trái kéo dài nối ba nét ngang, bên dưới ba nét ngang là chữ nhựt và ở bên phải là nét mác đầu chấm nét ngang cuối cùng.

 

Xuân gồm 2 chữ phong nghĩa là tươi tốt và nhựt là mặt trời ().

 

Cứ bốn mùa tám tiết Xuân Hạ Thu Đông đi qua, thời gian trôi mãi. Đông hết giá lạnh thì những tia nắng xuất hiện là Xuân!

 

Xuân là tam tài, là Thiên, Địa, Nhơn. Xuân có dáng người đàn bà nằm, có nghĩa là vui tươi, xuân xanh, xuân sắc, trẻ trung, tươi rói, sức sống mạnh và dữ dội.

 

Xuân là cái của thiên nhiên, của tạo hoá, của Trời. Xuân là sự khởi đầu. Xuân là thời gian từ tháng giêng đến tháng ba, đó là mùa xuân, bên  dương lịch trùng  ba tháng mùa xuân là tháng ba, tháng tư và tháng năm. Chúng ta có tuổi xuân, có thanh xuân.

-Duyên là gì?

 

Chữ duyên là phần đời, phần tiếp xúc mà trời định dành cho mỗi người, rồi cái dễ thương tạo nên vẻ hấp dẫn tự nhiên.

 

Duyên là sự gắn bó, kết nối. Vạn Sự Tuỳ Duyên.

 

Đức Phật Thích Ca đã dạy:

Duyên sanh chằng chịt, tầng tầng lớp lớp, nhưng chung quy có bốn loại: Nhân duyên; Tăng thượng duyên; Đẳng vô gián duyên; Sở duyên duyên.”

 

Đức Phật dạy, giữa người với người luôn tồn tại một mối nhân duyên từ kiếp trước. Thậm chí duyên nợ nhau, chính vì vậy, trong cuộc sống này, khi ta gặp một ai đó đều có nguyên do.

 

Nhưng Phật có chữ Tùy Duyên. Đó là mọi việc xảy ra hôm nay đều là do cơ duyên mà thành. Để sống, người ta phải tùy duyên tức là tôn trọng Trời cho quy luật đó.

 

Trần Nhân Tôn nói:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền."

 

Tùy duyên là không cố chấp, cũng tuỳ duyên Trời.

 

Tùy duyên là để tự do, tự nhiên, tự trôi, tự đến, tự đi. Không cưỡng cầu, gượng ép, thúc đẩy, tính toán, dàn trải, sắp xếp trước, không cố chấp, bởi cố chấp là khổ.

 

Khổ vì không biết tùy duyên.

 

Nói chung duyên là cái Trời sanh, Trời cho.

 

Kết luận:

Với những phân tích trên, chúng ta thấy rõ câu "xuất gia gieo duyên" và "gieo xuân" là vô nghĩa, trật nghĩa.

Hai cái chữ "gieo duyên" và "gieo xuân" mà chúng sanh đang lạm dụng mấy năm nay nó vô cùng dzô duyên và trật trìa.

Không ai có thể gieo duyên cho mình, cũng chẳng ai có thể nhận cái duyên mà người ta gieo cho mình. Ðức Phật đã từng dạy: “Hãy tự đốt đuốc lên mà đi."

 

Mà gieo là quăng. Ai quăng "duyên" được mà ...lấy?

 

Thành ra cái chữ "xuất gia gieo duyên" càng quấy, xái luôn chữ Tùy Duyên của Đức Phật.

 

Xuất gia là một pháp của Phật, không phải là show Thúy Nga hay show của Trấn Thành mà "xuất gia gieo duyên" là việc xuất gia xuống tóc mấy ngày sau đó lại trở lại cuộc sống đời thường.

 

Người Khmer ở Miền Nam theo Phật Giáo Theravāda có tục các bạn nam tới 12 tuổi phải vào chùa cạo đầu mặc áo vàng để đi tu,để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.

 

Người Khmer gọi là "đi tu" rành rành,không có chơi chữ gì hết.

 

Người Miền Nam mình kêu cái gì làm không tới là "thử", có nếm thử, ăn thử, rồi vợ chồng "sống thử". Thực chất "xuất gia gieo duyên" là xuất gia "thử".

 

Còn Xuân cũng của Trời, của Tạo Hoá, không gieo được, cũng không quăng được như quăng lúa, quăng hột mầm.

 

Xin đừng giỡn mặt Đức Phật! Xin đừng giỡn mặt Trời Đất.

 

Xin đùng giỡn mặt chúng sanh!