Nguồn: facebook Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

***

 

Giai đoạn 2022 - 2023, một vài thanh niên hiểu biết công nghệ bắt đầu tìm kiếm thông tin và lập hệ thống theo dõi diễn biến các chuyến bay tư, chuyến bay charter (tức dùng máy bay riêng hoặc không dùng vé thông thường bán bởi các hãng phổ thông). Trong đó, nữ ca sĩ Taylor Swift lừng danh bắt đầu bị chú ý vì việc cô sử dụng các chuyến bay tư kiểu này một cách quá thường xuyên.

 

Ví dụ, chỉ trong nửa năm 2022, Taylor Swift dùng đến 170 chuyến bay tư/charter, tức cứ trung bình một tuần thì cô dùng hai đến ba chuyến. Tổng cộng các chuyến bay này của Taylor Swift thải ra gần 10 nghìn tấn khí C02.

 

Để so sánh với Việt Nam, một người sử dụng xe máy có thể thải ra khoản 300 kg khí C02 một năm. Và nếu so với người Mỹ, thì một người sử dụng xe hơi có thể thải ra khoản 4 đến 5 tấn.

 

Nói cách khác, Taylor Swift sẽ có “dấu chân Carbon” của hơn 33 nghìn người sử dụng xe máy, và 2 nghìn người sử dụng xe hơi. Giờ bạn có thể mường tượng một chút về carbon footprints của 1000 cá thể giới siêu giàu cùng với thói quen tiêu dùng, thụ hưởng của họ.

 

Người dùng internet tại Hoa Kỳ bông đùa rằng, trong khi họ không thể uống hết một ly cafe hay ly nước giải khát trong yên bình chỉ vì các cửa hàng chuyển đổi hết sang ống hút giấy (vốn nát ra và không sử dụng được sau 15 đến 20 phút ngâm trong nước lạnh), một mình Taylor Swift đang làm tăng mực nước biển lên vài milimet.

 

***

 

Hiển nhiên, bảo vệ môi trường không phải là một trò chơi về không để tranh hơn tranh thua.

 

Tuy nhiên, trong các phong trào lập pháp bảo vệ môi trường, người nghèo và những nhóm yếu thế lại thường trở thành vật tế thần cho các lời hứa “xanh”. Thật quá dễ để nghĩ ra việc cấm hay hạn chế sử dụng ống hút nhựa hay xe xăng hai bánh dân dụng rồi khoác lên mình bộ áo “bảo vệ môi trường”.

 

Tuy nhiên, ít lãnh đạo nào dám nghĩ tới việc hạn chế các chuyến bay charter, phương tiện giao thông hàng không nói chung, xe tải vận chuyển hàng hóa, xe hơi xăng dân dụng, hay ép các nhà máy cải tiến và tiến tới phương án sản xuất ít tiêu thụ điện hoặc không dùng than đá. Đây là những tiện dụng đắt tiền và sự nhàn nhã kinh tế mà họ (và inner circle của họ) đang tận hưởng.

 

Vậy nên, khi môi trường tệ đi, khi không khí không còn trong lành, tội được cho là:

-không thể của ngành hàng không đang có nhiều chuyến bay hơn bao giờ hết,

-không thể của những nhà máy sản xuất cường độ cao xuất hiện dày đặc ở Việt Nam,

-không thể của những dự án du lịch dọn núi lấp sông,

-không thể của những nhóm nhà cao cửa rộng, gần trung tâm, với công việc nhẹ nhàng và sẵn sàng đi bộ, đi bus, đi xe đạp để đi làm như một cách giải khuây, nhưng nhảy lên máy bay ngay khi có thể “du lịch nước ngoài”.

 

Tội, từ làm ô nhiễm môi trường đến gây ra đột quỵ đến hại phổi, hại trẻ em… đột nhiên phải là của bọn lao động và tầng lớp trung lưu không còn cách nào khác là dùng xe xăng dân sự để kiếm sống qua ngày  

 

***

 

Trong chuyến nghiên cứu ngắn hạn với Harvard Law School, dù không nằm trong nhánh môi trường quốc tế, mình (là tác giả bài viết này – DV) có tham gia theo dõi vài buổi panel discussion (“panel discussion” tiếng Việt nghĩa là: một hình thức trao đổi ý kiến giữa một nhóm người chuyên gia về một chủ đề nhất định, thường được tổ chức trong các hội thảo, hội nghị hoặc sự kiện học thuật-  DV) và workshop (Workshop có nghĩa là một buổi hội thảo, buổi làm việc nhóm hoặc buổi đào tạo tập trung vào việc thảo luận, trao đổi kiến thức, kỹ năng và thực hành về một chủ đề cụ thể - DV) của họ.

 

Một trong những thảo luận sôi nổi nhất xoay quanh khái niệm “Carbon Tunnel Vision” và “Green finance”.

 

Carbon Tunnel Vision hiểu đơn giản là “Tầm nhìn đường hầm carbon”. Nó nói về việc các phân tích tác động môi trường bị bó hẹp vào một “đường hầm” của chỉ các tính toán khí thải carbon. Trong khi đó, các biến khác về dân cư, về khai khoáng, về rừng, về sử dụng đất, về lạm dụng mục tiêu phát triển kinh tế… đều bị bỏ qua.

 

Người đọc có thể đã quen với tranh luận rằng xe điện trong bối cảnh hiện nay chỉ làm trầm trọng tình trạng khai khoáng các loại khoáng sản được sử dụng để sản xuất pin. Rõ ràng là, làm cách nào để giải quyết rác thải pin của hàng triệu chiếc xe máy mỗi năm trong tương lai là một biến còn khó hơn đối phó với C02 (vốn có để được trung hòa với lượng rừng phòng hộ và không gian xanh hợp lý trong và ngoài đô thị).

 

Một vài giáo sư từ Brazil chỉ ra, ngay cả đối với các dự án đường sắt thường được cho là có lợi ích về dài hạn, “Carbon Tunnel Vision” tạo ra ảo ảnh về một không gian xanh. Tuy nhiên, các dự án đường sắt này thường không làm rõ chúng phá bao nhiêu hecta rừng, chúng được dùng để thúc đẩy ngành trồng trọt và sản xuất đậu nành đang khiến rừng Amazon chết dần chết mòn ra sao, và chúng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế tự cung tự cấp của các cộng đồng bản địa như thế nào.

 

“Green finance”, nền “Tài chính xanh” mới nổi  và cũng ám ảnh với chỉ số carbon, được cho là một đồng phạm thúc đẩy các dự án như vậy.

 

***

Có thể chắc chắn rằng xe dân sự xăng nói chung sẽ không phải là tương lai vĩnh viễn của nhân loại. Nhưng tương lai nhân loại có thoát khỏi “hạ tầng cơ sở từ dầu khí” (thường gọi là “oil-based  infrastructure”) hay không là một câu chuyện rất khác.

 

Từ ngành hàng không đã kể ở trên, đến hàng tiêu dùng điện tử (từ vi mạch đến vỏ đều cần đến dầu và phụ phẩm của dầu), từ may mặc (sợi polyester, nylon, acrylic… đều là petroleum-based), đến các ngành công nghiệp thực phẩm, xây dựng đường sá, cấp thoát nước, y tế… có rất ít lĩnh vực đang hoạt động hiệu quả của con người ngày nay không dùng đến oil infrastructure (“hạ tầng cơ sở từ dầu khí”).

 

Cấm xe xăng với lời hứa môi trường sạch, lành mạnh, không khí thải… không chỉ là giải pháp ngọn, có tính thời vụ/lợi ích. Nó còn là một lời hứa cuội trong bối cảnh hiện nay, và người chịu thiệt chỉ là những người làm công ăn lương đơn thuần mà thôi.