TRANH NGŨ HỔ: CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT BỨC MỘC BẢN NGHỆ THUẬT DÂN GIAN HAY LÀ MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA VIỆT CỔ ĐƯỢC TIỀN NHÂN MÃ HÓA VÀ GIẤU SAU VỎ BỌC TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN NHẰM BẢO TỒN VÀ TRUYỀN LẠI CHO CON CHÁU VIỆT?
(Hà Hưng Quốc)
1. CHI TIẾT TRONG TRANH NGŨ HỔ HÀNG TRỐNG
H1 – TRANH NGŨ HỔ HÀNG TRỐNG
H2 – TRANH NGŨ HỔ HÀNG TRỐNG
H3 – TRANH NGŨ HỔ HÀNG TRỐNG
Ba bức tranh trên là 3 phiên bản khác nhau của tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Quan sát chi tiết của những bức tranh này chúng ta rút ra được một số điểm quan trọng. Ba bức tranh đều giống nhau ở chỗ:
- Có đúng 5 con hổ, một con ở trung tâm và bốn con xếp thành vòng tròn chung quanh con ở giữa. Nói cách khác, đó là đội hình một vòng tròn và một tâm điểm.
- Con hổ ở giữa lớn gấp đôi bốn con hổ chung quanh.
- Màu sắc của 5 con hổ được sắp xếp theo một thứ tự nhất định. Nếu lấy chiều kim đồng hồ làm hướng đi tới và lấy con đen làm chỗ khởi điểm thì thứ tự đó là từ màu đen tới màu xanh lá tới màu đỏ và tới màu vàng/trắng. Màu nâu ngồi ngay trung tâm.
- Con xanh lá và con trắng/vàng trong tư thế kình chống nhau. Tương tự, con đen và con đỏ cũng trong tư thế kình chống nhau. Ý nghĩa kình chống nhau thấy rõ trong cách phân bố đường thẳng ngang dọc xung nhau, con thì thể hiện tư thế như mũi nhọn tiến công, con thì thể hiện tư thế như lá chắn chống đỡ. Xem hình H4-C.
- Con xanh lá và con đỏ trong tư thế liên minh. Tương tự, con đen và con trắng/vàng cũng trong tư thế liên minh. Ý nghĩa liên minh nhau thấy rõ trong cách phân bố thể hiện sự thân thiện, không cần phòng thủ cạnh sườn và cùng nằm trong vòng cung mềm mại như đôi tay thân hữu choàng nhau. Xem hình H4-A. Phân tích kỹ hơn, con đen và con xanh lá cũng trong tư thế liên minh. Tương tự, con đỏ và con trắng/vàng cũng trong tư thế liên minh. Xem hình H4-B.
- Chòm Bắc Đẩu (Tiểu Hùng Tọa) và một mặt trời màu đỏ ở giữa và phía trên bức tranh.
- Cờ bên trái, kiếm bên phải, hòm ấn trong lòng con hổ lớn ở trung tâm.
Ba bức tranh cũng có điểm khác nhau và khác nhau ở chỗ:
- Chòm Bắc Đẩu trong hình H3 hơi khác với chòm Bắc Đẩu trong hình H1/H2. Trong hình H1/H2 đuôi của chòm Bắc Đẩu hướng về cánh phải còn trong hình H3 đuôi chòm Bắc Đẩu hướng về cánh trái.
- Mặt trời trong hình H3 nằm ẩn trong mây và chỉ lộ ra một nửa.
- Trong hình H1/H2 vị trí con hổ đen nằm ở góc dưới bên trái (và thứ tự kế tiếp theo chiều kim đồng hồ là con xanh lá, con đỏ và con trắng/vàng). Còn trong hình H3 thì vị trí con hổ đen nằm ở góc trên bên phải (và thứ tự kế tiếp theo chiều kim đồng hồ là con xanh lá, con đỏ và con trắng/vàng).
H4: VỊ THẾ LIÊN MINH HOẶC KÌNH CHỐNG
Dựa vào những chi tiết trên, chúng ta có thể đưa ra vài nhận xét:
- Vị trí, màu sắc và kích cỡ của 5 con hổ là một sự chọn lựa có chủ ý chứ không phải là ngẫu nhiên hay tùy hứng.
- Đội hình vòng tròn và trọng tâm, sự biểu lộ của vóc dáng và góc độ của vị thế trong đội hình (thân thiện hay kình chống) ở mỗi con hổ là một sự sắp xếp có chủ ý chứ không phải là ngẫu nhiên hay tùy hứng.
- Chòm Bắc Đẩu, mặt trời, 5 kiếm, 5 cờ, và hòm ấn là những vật thể được lồng vào với chủ ý chứ không phải là ngẫu nhiên hoặc tùy hứng.
- Ngay cả hình chòm sao Bắc Đẩu với cái chuôi chỉ khác hướng đồng thời vị trí hổ đen từ góc dưới bên trái đổi lên góc trên bên phải trong hình H3 cũng là chủ ý. Nó cho biết (a) cái “chuyển dịch” là cố ý và (b) phương hướng được diễn tả trong nội dung của bức tranh không lệ thuộc các góc/hướng của khung tranh (bởi vì bố cục của bức tranh là theo hình vòng tròn), chỉ có thứ tự màu sắc của các con hổ là quan trọng, dầu đặt ở vị trí nào (bằng cách xoay tròn) trong tương quan với khung tranh thì phương hướng mấu chốt được diễn tả trong nội dung của bức tranh vẫn là nằm ở chìa khóa Bắc Đẩu và thứ tự của màu sắc vẫn không thay đổi. Với cách hiểu này thì cả ba hình, tuy thấy có khác nhau, nhưng thực ra là hoàn toàn giống nhau.
Hay nói một cách khác tranh Ngũ Hổ Hàng Trống là một sản phẩm nghệ thuật mộc bản “phi cảm hứng tùy tiện” với bố cục và nội dung hoàn toàn “đóng” cho một chủ ý rõ rệt.
Vậy thì nội dung đó là gì? Và chủ ý đó là gì?
Để có thể trả lời một cách trọn vẹn, chúng ta cần giải mã những cụm hình ảnh bên trong bức tranh. Theo nhận xét của tác giả, hình ảnh bên trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống có thể chia thành 3 cụm: (a) cụm hình 5 hổ; (b) cụm hình chòm Bắc Đẩu và mặt trời; và (c) cụm hình gươm, cờ, hòm ấn. Và chúng ta sẽ tiến hành giải mã ý nghĩa của từng cụm hình một.
(Theo vietdich.blogspot.com)