Khi ghé thăm nhiều gia đình đồng hương có con em đang ở ba năm cuối trung học, hầu hết các bậc phụ huynh đều bỏ tiền đầu tư cho con mình sao cho học giỏi. Chạ me gửi con đến lớp học thêm, cho các con ăn ngon, mặc đẹp; mua thuốc bổ óc cho con uống, chăm sóc con cách đặc biệt nếu không muốn nói là “o bế” như những nhà nuôi gà chọi chuẩn bị kỹ lưỡng và hãnh diện với gà mình trước khi đẩy vào vòng quyết chiến. Phần lớn phụ huynh muốn con học giỏi không phải để con mình thi thố tài năng theo sở thích riêng mà là thực hiện cho được sở thích của cha mẹ vì ông bà trước đây không đạt được, nay mong ước “cho bằng được” qua con mình. Sở thích nặng ký nhất ấy là ngành Y – muốn con trở thành bác sĩ trong triển vọng kiếm được nhiều tiền.
Gần đây, một nhóm nghiên cứu từ các đại học có đưa ra một thông tin rằng “Y khoa là một trong những ngành học đại học được học sinh tốt nghiệp HSC ở các trường ưu tú mong muốn theo học nhất” – trùng hợp với sở nguyện của nhiều gia đình đồng hương ta. Dưới đây là bản báo cáo vừa được phổ biết.
Với việc học sinh tốt nghiệp phổ thông trên khắp cả nước nhận được điểm ATAR, nhiều sinh viên đang bắt đầu đăng ký các khóa học đại học mong muốn cho năm 2024. Tuy nhiên, có một ngành học nổi bật hơn hẳn so với những ngành còn lại, đó là ngành Y.
Nghiên cứu cho thấy Y khoa là một trong những ngành học đại học được học sinh tốt nghiệp HSC ở các trường ưu tú mong muốn theo học nhất, trong một số trường hợp còn vượt qua các ngành khác như kỹ thuật, khoa học máy tính, luật và quản trị kinh doanh. Mặt khác, học sinh xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, kinh tế xã hội thấp hơn ít có khả năng theo học ngành y khoa, dẫn đến một tương lai mà sinh viên tốt nghiệp ngành y khoa sẽ không đại diện cho cộng đồng mà họ sẽ phục vụ. Thật là “oái oăm”.
Nghiên cứu “Văn hóa Thành công: Cách sinh viên ưu tú phát triển và hiện thực hóa khát vọng học Y khoa”, do Phó Giáo sư Christina Ho từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS) dẫn đầu, phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Đại học Western Sydney và Đại học Macquarie.
Phó Giáo sư Ho cho biết có sự chênh lệch về nhân khẩu học của sinh viên theo học ngành y tại Úc, nơi sinh viên được chọn học ngành y không phản ánh sự đa dạng của cộng đồng mà sinh viên tốt nghiệp sẽ phục vụ.
Bà nói, "Bài báo này được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đây mà chúng tôi đã thực hiện về sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là những rào cản mà sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gặp phải khi tiếp cận các khóa học như y khoa",
"Chúng tôi muốn tìm hiểu xem ngay cả nguyện vọng học ngành y cũng được phân bổ không đồng đều như thế nào. Trong số những sinh viên ưu tú, một số lượng không cân xứng khao khát theo học ngành y, trong khi nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cho rằng ngành này không dành cho họ."
Phó Giáo sư Ho cho biết nghiên cứu - dựa trên các cuộc phỏng vấn với sinh viên từ một trường tuyển chọn ở Sydney - cho thấy sinh viên ưu tú có năng lực khát vọng cao hơn.
Họ không chỉ phần lớn khao khát theo đuổi những nghề nghiệp danh giá và có thu nhập cao, mà còn có nguồn lực và kỹ năng để đạt được mục tiêu của mình.
Bà nói, "Việc vào các trường tuyển chọn, một cuộc ganh đua rất cao và những trường này có xu hướng vượt trội hơn nhiều trường tư thục danh tiếng có học phí cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (HSC)",
"Trong bài báo, chúng tôi mô tả một nền văn hóa thành công ở cả gia đình và nhà trường, và cách thức thực hành ở cả hai nơi bổ trợ cho nhau. Đó là một nền văn hóa của khát vọng cao, khối lượng công việc nặng nề và sự cạnh tranh gay gắt.”
"Có một nền văn hóa trong trường trung học mà chúng tôi nghiên cứu, đó là khao khát theo đuổi những ngành học danh giá nhất, đặc biệt là y khoa và luật. Điều này tạo ra một nền văn hóa cạnh tranh để xem ai có thể vào được các khóa học này, cho thấy khát vọng mang tính xã hội cao hơn là cá nhân."
Mặc dù học sinh trong môi trường học đường được cho là có khát vọng cao, Phó Giáo sư Ho cho biết môi trường gia đình thường cũng góp phần vào khát vọng cao của học sinh.
Bà nói, "Ở nhà, cha mẹ, chủ yếu là những người nhập cư có trình độ học vấn cao từ châu Á, đặt ra tiêu chuẩn cao và cung cấp các nguồn lực để con cái họ tham gia học tập ở trình độ cao nhất,"
Ở trường, học sinh được bao quanh bởi những người bạn cùng trang lứa cũng có động lực và hướng đến thành công như nhau. Sự kết hợp này tạo ra năng lực khát vọng lớn, nói cách khác, khát vọng cao cũng như kiến thức và kỹ năng để hiện thực hóa khát vọng của một người.
"Có năng lực khát vọng lớn mang lại lợi ích to lớn cho học sinh bởi vì nó không chỉ là 'ước mơ lớn' mà còn là biết những gì cần thiết để hiện thực hóa ước mơ của mình. Đó là về lập kế hoạch chiến lược, kiến thức tổ chức và cách làm việc theo một lịch trình khắt khe để đạt được thành công.”
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng thảo luận về cái mà chúng tôi gọi là sự hạn chế khát vọng. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi nhận thấy rằng những sinh viên có thành tích cao này đã từ bỏ mục tiêu nghề nghiệp của mình quá sớm.”
"Khát vọng học y khoa rất phổ biến trong trường mục tiêu của chúng tôi, phần lớn là do ý nghĩa biểu tượng của ngành y. Vì rất khó để vào được ngành y, nên nó là biểu tượng hàng đầu của thành công trong học tập, của sự chăm chỉ, kiên trì và trí tuệ."
Mặc dù vậy, Phó Giáo sư Ho cho biết việc học các khóa học như ngành y không nhất thiết là lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất cho mọi sinh viên.
"Sinh viên đang bỏ lỡ những cơ hội nào khác khi hầu như không cân nhắc các lựa chọn nghề nghiệp khác, đặc biệt là những lựa chọn ít danh giá hơn?", bà nói.
"Xã hội của chúng ta đang bỏ lỡ điều gì, khi rất nhiều người có thành tích cao tập trung vào một nghề? Và còn những sinh viên xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hơn, những người có thể phù hợp hơn với ngành y nhưng lại bị 'chen lấn' bởi những người có thành tích cao thì sao?"
Kết luận của nghiên cứu đưa ra một chuyện buồn, có vị đăng đắng khi mà những học sinh giỏi chỉ nghĩ đến một nghề “hái ra tiền” chứ không hẳn nghĩ tới một thiên chức “lương y như từ mẫu”!
Học Y khoa tại Úc.
Theo lý thuyết, một người theo học Y khoa là một cam kết trọn đời trong việc chữa bệnh và cải thiện cuộc sống của người khác. Úc nổi tiếng với hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, luôn được xếp hạng trong số những hệ thống tốt nhất thế giới.
Các trường đại học Úc có chương trình đào tạo bác sĩ đều duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và nổi tiếng toàn cầu về sự xuất sắc trong giáo dục Y khoa.
Úc cung cấp nhiều trải nghiệm lâm sàng, từ các trung tâm đô thị đến nông thôn và vùng sâu vùng xa. Sự đa dạng này cho phép sinh viên tiếp xúc với nhiều thách thức y khoa và nhóm bệnh nhân khác nhau.
Bằng cấp Y khoa của Úc được công nhận quốc tế, giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng hành nghề y ở các quốc gia khác.
Úc là một trung tâm nghiên cứu y khoa, với nhiều cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu công nghệ tiên tiến. Úc còn là một quốc gia đa văn hóa với dân số đa dạng. Môi trường này cho phép sinh viên tương tác với bệnh nhân và đồng nghiệp đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, chuẩn bị cho họ sẵn sàng cho bối cảnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Do vậy, cũng có nhiều sinh viên từ nước ngoài như Việt Nam, Thái Lan, Ấn độ đến Úc để học ngành Y du học phí hiện nay từ 78,000 đến 105,000 đô Úc (tùy đại học) cho một năm. Đối với sinh viên quốc tịch Úc hoặc thường trú tại Úc, chi phí này chỉ vào khoảng phân nửa, do vậy vào được ngành Y là một “kỳ công”!
Tất nhiên, học nhiều năm, luyện tập khá vất vả, học phí lại cao nên khi hành nghề, tiền lương thu nhập của một bác sĩ được đền bù xứng đáng. Trung bình một bác sĩ gia đình cũng có mức lương 200,000 đô một năm; nếu mở phòng mạch tư thì chuyện đó có thể khác, trội hơn hoặc thấp hơn do số lượng bệnh nhân đến khám – Medi- care chỉ trả khoảng $40 cho mỗi lần khám bệnh. Cái bảo đảm thứ hai nữa là không lo “thất nghiệp”. Nhiều khu vực nông thôn thiếu bác sĩ chăm sóc dân chúng, một số tiểu bang có thể “đãi ngộ” bác sĩ tận tình như lương tới 500 ngàn đô một năm, có nhà ở và những phụ cấp khác (kèm điều kiện phải phục vụ trong một khoảng thời gian tối thiểu). Có khu vực ở tiểu bang Tasmania, chính quyền địa phương tặng nhà ở cho bác sĩ nếu phục vụ trọn vẹn số năm giao kèo.
Với viễn tượng tốt đẹp như vậy, các gia đình đồng hương ta chọn cho con mình ngành Y âu đó cũng là “chuyện đời thường”. Xin chúc mừng!
(Viết cho Nam Úc & Dân Việt)